Sửa lỗi – Suy niệm CN XXIII, TN năm A

0

CHÚA NHẬT 23 NĂM A
SỬA LỖI

33

LỜI CHÚA: Mt 18, 15-20

Ngày xửa ngày xưa ấy khi tôi còn là cô bé tí hon, tôi thường bị ăn đòn vì lơ là không giữ em hẳn hoi. Mỗi lần bị đòn lây lan là tôi hận đứa em gây nên tội. Tôi nghĩ nó làm lỗi thì nó chịu, tại sao tôi phải mang tội của nó cơ chứ? Ngày đó tôi chỉ nghĩ là bố mẹ không thương mình, khe khắt với mình. Một ngày nghỉ học nọ, thằng em tinh nghịch của tôi đua các bạn lên đồi thông lăn bánh xe. Nhưng chưa được một tiếng thì nó chạy về khóc bù lu bù loa. Tay nó bầm tím máu me. Bố tôi gọi tôi bằng một giọng thất thanh khẩn cấp: Báu, Hòa lên giường. Với giọng điệu SOS này, tôi biết chắc mình sắp được một trận đòn chí tử. Tôi chưa hiểu ất giáp gì thì bố tôi đã lôi tôi lên giường với tư thế nằm xấp. Bố tôi cầm cái roi dâu dài, đó là cái roi đã được bố tôi nghiên cứu và để sẵn để trị tội chúng tôi. Tôi vẫn còn đang ngơ ngác với hành động của bố tôi, thì một cái quất xuống mông kèm theo lời hỏi tội: Con trông em thế à! Tại sao để em đi chơi một mình? Lúc này tôi mới hiểu tại sao mình bị đánh. Trong khi đang sửa lỗi tôi thì các bạn đến chơi. Bố tôi gọi các bạn vào để xem trận đòn của tôi. Trận đòn của tôi hôm ấy không đau theo cách thể lý nhưng đau theo kiểu tâm lý vì tôi xấu hổ với các bạn. Bố tôi muốn cho các bạn làm chứng cho sự trừng phạt của mình. Tôi có lỗi vì không chu toàn bổn phận đã được trao phó. Sự chứng kiến của các bạn đã làm tôi nhận ra lỗi của mình hơn. Tôi không oan như mình nghĩ. Sự lơ là của tôi làm cho em tôi phải gánh chịu hậu quả đau đớn. Lúc này tôi rất hối hận khi nhìn những vết thương trên tay em mình.

Hôm nay đọc tin mừng Chúa dạy về việc sửa lỗi cho anh em tôi lại nhớ lại những trận đòn sửa lỗi của bố mẹ tôi. Những trận đòn lằn vết trên cái mông non nớt của tôi nhưng tôi không hận bố mẹ nhưng rất biết ơn và rất yêu mến bố mẹ. Tại sao vậy? Vì những trận đòn yêu thương kia đã giáo dục tôi nên người. Những sửa dạy đó đã giúp tôi thành công trên  đời. Tôi vô vàn nhớ ơn, biết ơn cách giáo dục đầy yêu thương đó.

Hôm nay Chúa cũng dạy tôi phải sống với anh em tôi như thế nào. Khi anh em tôi phạm lỗi, tôi phải dùng phương pháp nào để sửa lỗi cho anh em mình cách  hiệu quả nhất. Sửa lỗi cách nào để anh em tôi cảm thấy mình được thương hơn là bị xúc phạm. Sửa lỗi cách nào để người có lỗi cảm thấy được trân trọng  hơn là xỉ nhục, sửa lỗi cách nào để họ cảm được  sự thông cảm và tình liên đới trong sự yếu đuối của tôi đối với anh em. Đây là cách Chúa dạy tôi: Nếu anh em ngươi có lỗi hãy cho nó biết lỗi của nó cách kín đáo. Và nếu người anh em đó không nhận ra lỗi của mình thì dùng hai người làm chứng. Nếu biện pháp này thất bại thì đưa họ ra cộng đoàn không phải để khai trừ nhưng là bó buộc họ nhận lỗi để được nên tốt hơn.

Thông thường khi thấy anh em phạm lỗi, chúng ta không cho họ biết nhưng lại bêu xấu họ với người khác là lỗi đức ái. Chúa dạy phải nói riêng với họ để giữ thể diện cho người có lỗi để họ cảm được họ được thương. Duy trì danh dự cho họ để họ dễ dàng sống tốt hơn. Đừng để họ bị đè bẹp và thất vọng vì dư luận. Bước thứ nhất này có thể họ chưa nhận ra vì một người có thể nói do chủ quan. Nhưng ý kiến của hai, ba người giúp họ nhận ra lỗi dễ hơn và cố gắng sửa đổi. Dẫu thế vẫn phải giữ kín đáo để không làm mất danh dự của người được sửa.. Khi làm thế chúng ta giúp cho người có lỗi nhận ra khuyết điểm của mình chứ không đè bẹp họ.

Làm như thế, chúng ta mới có lòng thương xót sâu sa trong lòng Giáo Hội, một lòng thương xót vô cùng, lòng thương  xót ấy đã khiến Chúa Giesu xuống trần gian. Đó là chân lý là tình yêu. Đó là sự hạ cố huynh đệ, là sự chấp nhận người khác vô điều kiện, là yêu họ ở trung tâm sự yếu đuối của họ, không tách mình ra khỏi họ như pharisieu nghĩ mình tốt lành. Chúng ta là anh em với nhau, chúng ta theo gương Thày Giê-su yêu anh em tới cùng bằng cách quên chính mình để nên một với anh em trong mạnh mẽ cũng như trong yếu đuối như gương Thánh Phao-lô: “ Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên.”(2Cr 11,29)

Thánh Mattheu muốn nói với chúng ta: Đời sống Giáo Hội là một đời sống gồm những người bé nhỏ của Nước Trời, những người khó khăn sống đời Ki-tô hữu. Những anh em này đòi chúng ta phải chấp nhận họ như họ là, chấp nhận những giới hạn, những yếu đuối, nhũng tội lỗi của họ vì chúng ta là những người tội lỗi được thứ tha.

Nếu thực hiện được điều này Thiên Chúa sẽ cho chúng ta những điều chúng ta xin: “ Nếu hai người trong anh em họp nhau nhân danh Ta xin bất cứ điều gì, thì Cha Ta, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho vì Ta ở giữa họ, ở trung tâm lòng bác ái huynh đệ, nơi ấy có sự hiện diện tràn đầy của Thiên Chúa, sự hiện diện của Cha trên trời. Nên sự tương quan này là tương quan của tình yêu huynh đệ: “Anh em hãy yêu nhau như Thày yêu anh em”(Ga 15, 12-15). Đó là món nợ mà chúng ta không bao giờ trả cho đủ, món nợ yêu anh em như chính Chúa yêu họ. Yêu anh em như Chúa yêu chúng ta cách nhưng không. Tình yêu này sẽ phát triển theo mức độ chúng ta mở ra với ơn thánh của Chúa.

Chính trong tình yêu thương này mà Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi: Một người có một trăm con chiên, khi phát giác có một con chiên bị mất tích , người đó bỏ 99 con trong rừng vắng để đi tìm con chiên lạc. Chúng ta chê cười ông quá mạo hiểm, vì nếu bỏ đàn chiên cách vô tư như vậy, ông sẽ phải nhận hậu quả khôn lường. Thế nhưng ông vẫn làm một bước liều về tình yêu vì mỗi con chiên có một giá trị cá vị đối với ông, ông không thể để mất một con nào dẫu nó như thế nào đi nữa. Trong ý nghĩa đó nên Chúa dạy chúng ta: “ Nếu anh em ngươi trót phạm tội thì hãy đi sửa lỗi nó…” Người anh em này là chiên lạc không nên phê bình chỉ trích, đè bẹp nhưng là cứu nó. Đó là phục vụ anh em mà chúng ta yêu mến. Sửa lỗi cho anh em là một cách đi tìm chiên lạc nên phải sửa trong tình thương. Phải yêu nhau đủ mới làm được điều này. Bao lâu ta chưa thực hiện được điều này là ta tố khổ anh em hơn là sửa lỗi vì ta chưa cảm thấy xót thương  khi mất một người anh em, chưa cảm thấy sự mất mát này làm mình đau lòng.

Thánh Phero nhiều lần trăn trở trước chân lý này nên lần kia Ngài hỏi Chúa: “ Nếu anh em con xúc phạm đến con, con phải tha mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúng ta thuộc lòng câu trả lời của Chúa: Không phải bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Việc sửa chữa anh em nằm giữa hai bài Tin Mừng con chiên lạc và sự tha thứ. Cả hai cho chúng ta điều kiện để thể hiện lòng yêu thương. Nhưng thời nay chúng ta thường bị cám dỗ sống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa mac- kê- nô ( mặc kệ nó), đèn nhà ai sáng. Tôi không có thời gian để bận tâm đến công việc của người khác. Nếu tôi có lưu ý đến họ chỉ là để bắt lỗi, để hạ thấp, để đè bẹp.

Cái nguy của chủ nghĩa cá nhân là không muốn ai phiền đến mình và mình cũng không muốn có trách nhiệm với ai. Chúng ta sẽ rơi vào trường hợp mà ngôn sứ Ezekiel cảnh cáo: “ Là ngôn sứ, ngươi phải nói với con người nhân danh Thiên Chúa. Ngươi  phải cảnh báo họ như người lính canh…” Nhưng ai là ngôn sứ? Tất cả  chúng ta , những ki-tô hữu, nhà giáo dục, ông bà, cha mẹ, anh chị… là những ngôn sứ của Chúa, chúng ta không thể dửng dưng với những tội lỗi của anh em mình. Chúa đặt chúng ta là những người canh coi vườn nho Chúa, nghĩa là những người có trách nhiệm giúp anh em mình đi vào màu nhiệm của Thiên Chúa. Anh em là món quà là hồng ân Chúa ban cho ta. Chỉ khi món quà này mất đi chúng ta mới cảm thấy hụt hẩng, thiếu vắng và mất niềm vui. Hiểu nhau chính là niềm vui lớn trong cuộc sống mà anh em cho ta. Lỗi lầm làm cho chúng ta hiểu nhau, gần nhau và yêu thương nhau hơn.

Do đó mà sửa lỗi cho anh em là một lời kêu gọi thực hiện đức ái Ki-tô, giúp đỡ anh em đang bị dày vò bởi tội lỗi là một đòi hỏi của tình yêu.

Chúa cũng dạy chúng ta pải có trách nhiệm với anh em, không thể hờ hững trước tình trạng thiêng liêng của anh em. Và bởi vì không ai toàn vẹn nên rất có thể một ngày kia, người khác sẽ giúp đỡ tôi. Nhưng khi sửa lỗi chúng ta phải lưu tâm đến cách sửa lỗi. Và việc sửa lỗi phải phát xuất do động lực của tình yêu, coi lỗi của anh em cũng là lỗi của mình. Đặt mình vào tâm trạng của anh em để biết cách sửa lỗi thế nào cho có hiệu quả. Nếu sửa lỗi trong lúc nóng giận là xả cơn tức của mình vào tha nhân cho bõ tức. Nếu nói xấu người khác là làm nổi mình. Ném đá người khác là khẳng định mình thánh thiện.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta một trái tim yêu thương thực sự để không kết án, không bỏ rơi anh em nhưng yêu thương anh em như chính mình. Khi yêu chúng ta sẽ biết thể hiện tình yêu như thế nào cho có hiệu quả nhất. Tình yêu không xét đoán, không khai trừ, không vùi dập anh em, nhưng khoan dung tha thứ, yêu thương xây dựng. Tình yêu là thước đo là dấu chỉ chúng ta là Ki-tô hữu đích danh: “ Cứ dấu này người ta nhận biết chúng con là môn đệ Thày…”(Ga 13,35)

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon