Tông Huấn “Gaudete et exsultate – Hãy vui mừng hoan hỷ” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay ( Chương 5 ) – Trang 5

0

Tông Huấn “Gaudete et exsultate – Hãy vui mừng hoan hỷ”
của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay

1. Chúa Giê-su nói với những người đang bị bách hại cũng như đang bị sỉ nhục vì Ngài rằng: “Anh em hãy vui mừng hoan hỷ” (Mt 5,12). Thiên Chúa muốn tất cả những gì Ngài giới thiệu đều thực sự trở thành sự sống và niềm hạnh phúc cho chúng ta, bởi chúng ta được tác thành nên là vì vậy. Ngài muốn chúng ta nên thánh, và Ngài mong chờ từ nơi chúng ta nhiều hơn điều mà chúng ta cảm thấy hài lòng với một kiếp sống tầm thường, thiếu cô đọng và cẩu thả. Thực ra, lời mời gọi nên thánh đã có ngay từ trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, với những cách thức khác nhau. Bởi đó, lời mời gọi của Thiên Chúa đã được công bố cho Áp-ra-ham: “Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống thánh thiện” (St 17,1).

2. Đây không phải là một thiên khảo luận về sự thánh thiện, với những khái niệm và những điều khác biệt mà chúng có thể làm phong phú cho đề tài quan trọng này, hay với những phân tích mà chúng có thể thực hiện trên các bí quyết giúp nên thánh. Cha chỉ có một mục tiêu khiêm tốn là làm sao để cho tiếng gọi nên thánh vẫn tiếp tục được vang lên, cũng như cố gắng hiện thực hóa lời mời gọi đó trong mối liên hệ đến những rủi ro, những thách đố và những cơ hội. Vì Thiên Chúa đã tuyển chọn mỗi người chúng ta, để trong Đức Ái, chúng ta sẽ “sống công chính thánh thiện trước nhan Ngài” (Ep 1,4).

CHƯƠNG I

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Các Thánh là những người khích lệ và đồng hành với chúng ta

3. Trong thư gửi tín hữu Do-thái, các chứng nhân khác nhau, tức những người có khả năng khích lệ chúng ta, đã được nêu ra, để chúng ta “kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (Dt 12,1). Bức thư này đã nói về Áp-ra-ham, về Sa-ra, về Mô-sê, về Ghi-đê-ôn và về một số vị khác (xc. Dt, 11, 1tt); điều đặc biệt là chúng ta được mời gọi để nhận ra rằng, “chúng ta đang được ngần ấy nhân chứng Đức Tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1), mà các nhân chứng ấy đang khích lệ chúng ta đừng đứng lỳ mãi trên con đường của mình, cũng như khích lệ chúng ta hãy tiếp tục chạy cho tới đích. Trong số các chứng nhân đó, có thể cũng có cả thân mẫu, cả bà nội hay bà ngoại của chúng ta, cũng như những người khác đang sống bên cạnh chúng ta (xc. 2Tm 1,5). Có lẽ cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bất chấp tất cả những sai sót và những yếu đuối của mình, họ vẫn tiến về phía trước và làm hài lòng Thiên Chúa.

4. Các Thánh, tức những Đấng đã ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, đang trao đổi với chúng ta mối dây Đức Ái và sự hiệp thông. Sách Khải Huyền của Thánh Gio-an đã chứng thực điều đó khi nói về các Thánh Tử Đạo, tức những Đấng đang bảo vệ chúng ta: “Tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu : “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?”” (Kh 6,9-10). Chúng ta có thể nói: “Chúng con đang được bao bọc, được chỉ bảo và được  dẫn dắt bởi những bạn hữu của Thiên Chúa. […] Con không còn phải một mình gánh vác điều mà thực ra một mình con không thể gánh vác được. Đoàn ngũ các Thánh của Thiên Chúa đã bảo vệ, hỗ trợ và đỡ nâng con”[1].

5. Trong quá trình tôn phong Chân Phúc và Hiển Thánh, bên cạnh những bằng chứng về một nhân đức anh hùng và về sự hy sinh mạng sống trong cuộc Tử Đạo, thì những trường hợp mà trong đó đã diễn ra một sự hiến dâng cuộc sống mình cho người khác cách kiên định cho tới chết, cũng được tính đến. Sự hy sinh ấy chứng tỏ cho thấy việc noi gương Chúa Ki-tô và xứng đáng với sự cảm phục của các tín hữu[2]. Chúng ta hãy nhớ tới – chẳng hạn như – chân Phúc Maria Gabriela Sagheddu, người đã trao hiến cuộc sống mình cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu.

Các Thánh ngay bên cạnh

6. Chúng ta đừng chỉ nghĩ tới những vị đã được tôn phong Chân Phúc hay đã được tôn phong Hiển Thánh. Chúa Thánh Thần đổ tràn sự thánh thiện trên khắp nơi, trong toàn thể Dân Thánh Chúa, vì điều đó làm Thiên Chúa hài lòng, “việc thánh hóa và cứu độ con người không phải là điều riêng lẻ và độc lập với tất cả các mối quan hệ hỗ tương, nhưng làm cho họ trở thành một Dân biết nhận ra Thiên Chúa trong chân lý và phụng thờ Ngài trong sự thánh thiện”[3]. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã cứu thoát một dân tộc. Không thể có căn tính hoàn toàn nếu không có tư cách là thành viên của một Dân. Vì thế, không ai có thể tự cứu được mình với tư cách là một cá thể biệt lập, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, trong khi Ngài lưu ý đến toàn bộ sự đan kết nơi các mối tương giao giữa con người với nhau, mà sự đan kết đó chính là bản chất cố hữu của cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn bước vào trong một sự năng động mang tính xã hội, trong sự năng động của một dân tộc.

7. Cha rất vui khi nhìn thấy sự thánh thiện trong Dân kiên định của Thiên Chúa: trong những bậc cha mẹ đang dưỡng dục con cái mình với rất nhiều tình mến, trong những người chồng và những người vợ đang làm việc vất vả để nuôi sống gia đình, trong các bệnh nhân, trong những vị Nữ Tu luống tuổi nhưng vẫn vui tươi. Trong sự kiên định với việc tiến về phía trước nơi cuộc sống hằng ngày, Cha thấy được sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Thường thì đó là sự thánh thiện “của những người sống ngay bên cạnh”, tức những người đang sống ngay sát chúng ta, và họ chính là một sự phản chiếu về sự hiện diện của Thiên Chúa, hay nói theo cách khác, đó là “giới trung lưu của sự thánh thiện”[4].

8. Chúng ta hãy để cho mình được thôi thúc bởi những dấu chỉ thánh thiện mà Thiên Chúa đang ban cho chúng ta thông qua các thành viên đơn sơ mộc mạc nhất của Dân này, tức Dân được tham dự vào “với chức vụ Ngôn Sứ của Chúa Ki-tô, trong sự khuếch trương chứng tá sống động của Ngài, đặc biệt là thông qua đời sống trong Đức Tin và Đức Ái”[5]. Cùng với Thánh Teresia Benedicta Thánh Giá (Edith Stein), chúng ta hãy nhớ rằng, nhiều người trong họ chính là những con người tạo ra lịch sử đích thực: “Từ đêm đen tăm tối nhất sẽ xuất hiện những vị Đại Ngôn Sứ – tức những vị Đại Thánh. Nhưng phần lớn dòng chảy có tính sáng tạo của đời sống huyền bí vẫn còn chưa tỏ lộ. Chắc chắn những khúc ngoặt có tính quyết định trong lịch sử thế giới, về cơ bản mà nói, đều được quyết định bởi những tâm hồn mà không có bất kỳ tập sách lịch sử nào trình bày một chút gì đó về họ. Và chúng ta phải mang ơn các tâm hồn ấy về những bước ngoặt có tính quyết định trong đời sống cá nhân của mình, tức cuộc sống mà vào một ngày kia, khi tất cả mọi điều thầm kín đều sẽ được phơi bày, thì lúc ấy chúng ta mới hiểu được”[6].

9. Sự thánh thiện chính là dung mạo xinh đẹp nhất của Giáo hội. Nhưng ngay cả ở bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những môi trường rất khác nhau đi nữa, Chúa Thánh Thần cũng vẫn khơi lên “những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, mà chính những dấu chỉ ấy sẽ giúp sức cho những môn đệ của Chúa Ki-tô”[7]. Thánh Gio-an Phao-lô II thường xuyên nhắc nhớ chúng ta rằng, “việc làm chứng cho Chúa Ki-tô cho đến độ đổ máu […] đã trở thành di sản chung của cả người Công giáo, lẫn người Chính thống giáo, của cả người Anh giáo, lẫn người Thệ phản”[8]. Trong một buổi cử hành cuộc tưởng nhớ Đại Kết nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Gio-an Phao-lô II đã nói rằng, các vị Tử Đạo chính là “một di sản, mà di sản này lớn tiếng hơn tất cả mọi yếu tố gây chia rẽ”[9].

Thiên Chúa kêu gọi

10. Tất cả những điều trên đều rất quan trọng. Nhưng điều mà Cha muốn nhắc nhớ với Thông Điệp này, chính là lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa dành cho từng người một trong chúng ta; đây là tiếng gọi mà Thiên Chúa cũng đang hướng về bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh” (Lv 11,44; 1Pr 1,16). Công Đồng Vatican đã nhấn mạnh tới điều đó một cách rất rõ ràng: “Được trang bị với rất nhiều những phương tiện để nên thánh, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được Thiên Chúa kêu gọi, trong tất cả các mối tương quan và trong từng hoàn cảnh cũng như trên mọi nẻo đường của mình, để đạt tới sự trọn lành thánh thiện, mà chính Thiên Chúa Cha cũng là Đấng trọn lành thánh thiện”[10].

11. Công Đồng nói: “Trên mọi nẻo đường của mình”. Điều đó không có nghĩa là đánh mất niềm can đảm khi người ta quan sát một số mô hình nên thánh mà một người nào đó có vẻ như sẽ không thể đạt tới. Có nhiều chứng tá, và những chứng tá ấy giúp ích rất nhiều với tư cách là một sự khích lệ cũng như là một động cơ thúc đẩy, nhưng không phải với tư cách là một mô hình sao chép và quá rập khuôn. Thực ra, thậm chí điều đó còn có thể đẩy chúng ta ra xa khỏi con đường duy nhất và đặc biệt mà Thiên Chúa đã an bài sẵn cho chúng ta. Vấn đề tùy thuộc ở chỗ là bất cứ người tín hữu nào cũng đều có thể nhận ra được con đường riêng của mình, cũng như phát hiện ra điều tốt nhất của mình, tức điều mà Thiên Chúa đã đặt vào trong họ một cách hoàn toàn cá nhân (xc. 1Cor 12,7), chứ không phải tùy thuộc vào chuyện người tín hữu ấy bị kiệt lực trong lúc cố gắng thực hiện theo một điều gì đó mà nó hoàn toàn không được dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở nên những chứng nhân, nhưng có “nhiều cách làm chứng có tính sinh tử”[11]. Khi nhà Đại Huyền Bí là Thánh Gio-an Thánh Gia viết ca khúc thiêng liêng của mình, Ngài đã thực sự muốn tránh những quy tắc phổ quát và cố định, và giải thích rằng, những ca từ của Ngài được viết ra để bất cứ ai cũng đều có thể sử dụng chúng “theo sở thích riêng của mình”[12]. Vì sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ cho mỗi người theo mỗi cách, “người này theo cách này, nhưng người kia thì theo cách khác”[13].

12. Trong mối liên hệ đến những cách thức khác nhau ấy, Cha chỉ muốn nhấn mạnh rằng, “sự sáng tạo của nữ giới” cũng được thể hiện qua những cách thức của nữ giới trong việc nên thánh, mà những cách thức ấy rất cần thiết để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trên thế giới này. Ngay cả trong những thời đại mà nữ giới bị hạn chế một cách đặc biệt, thì Chúa Thánh Thần cũng đã cho xuất hiện các vị Thánh Nữ mà gương sáng của các Ngài đã làm phát sinh ra những động lực tinh thần mới cũng như những cuộc cải tổ quan trọng trong Giáo hội. Ở đây chúng ta có thể nêu tên một số vị Thánh, chẳng hạn như Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Birgitta Thụy Điển, Thánh Catharina thành Siena, Thánh Teresa thành Ávila, hay Thánh Thérèse thành Lisieux. Nhưng ở đây Cha cũng muốn nhắc nhớ một cách đặc biệt tới những phụ nữ vô danh hay đã bị quên lãng mà họ đã gánh vác và quản lý các gia đình cũng như các cộng đồng xã hội với khả năng làm chứng của mình và theo cách thức riêng của mỗi người.

13. Điều đó nên thôi thúc và động viên mỗi người hãy cho đi tất cả để phát triển trên kế hoạch duy nhất và không thể tái lặp mà Thiên Chúa đã quan phòng cho họ từ đời đời: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi” (Gr 1,5).

Cho cả bạn nữa

14. Để nên thánh, không nhất thiết cứ phải là Giám mục, Linh mục, hay Tu Sĩ. Chúng ta vẫn thường bị cám dỗ để nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ được dành riêng cho những người có khả năng tránh xa những công việc quen thuộc để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Thực ra không phải như vậy. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, bằng cách là chúng ta sống trong Đức Ái, và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình, ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Bạn là nam Tu sĩ hay Nữ tu sĩ? Hãy nên thánh bằng cách sống cuộc đời Dâng Hiến của mình với trọn niềm vui. Bạn đã lập gia đình? Hãy nên thách bằng cách yêu thương và chăm sóc chồng hay vợ mình như Chúa Giê-su đã thực hiện cho Giáo hội. Bạn là một công nhân? Hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của mình trong sự phục vụ những người anh chị em với sự ngay thực và với kiến thức chuyên môn. Bạn là cha, là mẹ, là ông hay là bà? Hãy nên thánh, bằng cách dưỡng dục con cái mình cách kiên nhẫn để chúng noi gương Chúa Giê-su. Bạn đang mang một trách nhiệm? Hãy nên thánh bằng cách chiến đấu cho niềm hạnh phúc chung và khước từ những mối quan tâm riêng của bạn[14].

15. Hãy để cho hồng ân Bí Tích Thanh Tẩy đơm bông kết trái trên con đường nên thánh. Hãy để tất cả được mở ra cho Thiên Chúa, và để được như thế, hãy trao bản thân bạn cho Ngài, hãy chọn đi theo Chúa một lần nữa và cứ thế. Đừng đánh mất sự can đảm, vì bạn đang sở hữu sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm cho điều đó trở nên có thể. Thực ra, sự thánh thiện chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của bạn (xc. Gal 5,22- 23). Nếu bạn cảm thấy bị cám dỗ muốn lưu lại trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với Ngài: “Lạy Chúa, con là một người đáng thương, xin Chúa hãy làm phép lạ để con được tốt hơn một chút.” Trong Giáo hội, tức Giáo hội thánh thiện nhưng đồng thời cũng được hình thành nên từ các tội nhân, bạn sẽ thấy được tất cả những gì bạn cần để lớn lên trên con đường nên thánh. Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội rất nhiều ân sủng: với Lời Chúa, các Bí Tích, các Thánh Địa, đời sống của các Cộng Đoàn, chứng tá của các Thánh và với vẻ đẹp muôn hình vạn trạng mà nó đến từ Đức Mến đối với Thiên Chúa, “tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10).

16. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi bạn đạt tới, sẽ lớn dần lớn dần nhờ vào những cử chỉ nho nhỏ. Chẳng hạn như một người phụ nữ đi ra chợ để mua sắm, tại đó, bà gặp một người hàng xóm và bắt đầu nói chuyện với bà ta, và rồi phê bình lung tung. Mặc dầu vậy, người phụ nữ ấy vẫn nhủ thầm trong lòng rằng: “Không, tôi sẽ không nói xấu về bất cứ ai nữa!” Đó là một bước để tiến gần tới sự thánh thiện. Về tới nhà, con của bà muốn nói cho bà biết về những điều tưởng tượng của nó, và dù rằng bà đang rất mệt, nhưng bà vẫn ngồi xuống bên cạnh con mình và lắng nghe nó với tất cả sự kiên nhẫn và tình mến. Đó là sự hy sinh tiếp theo, nó giúp người ta nên thánh. Sau đó bà gặp phải một chuyện gì đó rất kinh hoàng, nhưng bà nhớ tới tình mến của Đức Maria, và rồi cầm lấy cỗ tràng hạt và cầu nguyện cách tin tưởng. Đó là một quãng đường tiếp theo của sự thánh thiện. Sau đó bà đi ra khỏi nhà, gặp một người nghèo và dừng lại để nói chuyện với người nghèo ấy một cách đầy thương mến. Đó là một bước tiếp theo.

17. Đôi khi cuộc sống đặt người ta trước những thách đố to lớn, và qua những thách đố đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy có những thay đổi, mà những thay đổi đó sẽ tạo điều kiện để ân sủng của Ngài được biểu lộ rõ ràng hơn trong kiếp sống của chúng ta, “để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài” (Dt 12,10). Và ở những lần sau, vấn đề sẽ chỉ là một điều gì đó mà chúng ta đã thực hiện, nhưng giờ đây được thực hiện theo một cách thức hoàn hảo hơn: “Có những linh hứng mà chúng chỉ nhắm tới một sự hoàn hảo phi thường nơi những luyện tập bình thường của đời sống Ki-tô giáo”[15]. Khi Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận bị giam trong tù, Ngài đã không tự gây kiệt lực cho mình bằng cách ngồi đó để ngóng ngày mình được trả tự do. Nhưng Ngài đã quyết định: “Tôi sống trong khoảnh khắc này và lấp đầy nó bằng tình mến”; và cách thức để làm cho việc đó trở thành cụ thể, là như sau: “Coi mỗi ngày là một cơ hội để thực hiện những điều nhỏ bé với một cách thức vĩ đại”[16].

18. Như thế, nhờ vào sự thúc đẩy của ơn thánh, và với nhiều cử chỉ, chúng ta sẽ định hình cho sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã sắp sẵn cho chúng ta, nhưng không phải với tư cách là những con người tự lấy mình làm đủ, song là “những người khéo quản lý những ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Các Đức Giám Mục New Zealand đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, việc yêu mến với Tình Yêu vô điều kiện là điều có thể, vì Đấng Phục Sinh đã chia sẻ sự sống đầy quyền năng của Ngài với sự sống mỏng dòn của chúng ta: “Tình Yêu của Ngài không hề có ranh giới, và một khi đã được ban đi, Tình Yêu ấy sẽ không hề bị lấy lại. Tình Yêu của Ngài vô điều kiện và luôn tín trung. Nhưng để yêu như thế là điều không đơn giản, vì chúng ta thường rất yếu đuối. Tuy nhiên, ngay cả việc cố gắng để yêu thương như Chúa Ki-tô yêu chúng ta cũng đủ cho thấy rằng, Chúa Ki-tô đã chia sẻ sự sống của Ngài với tư cách là Đấng Phục Sinh với chúng ta. Bằng cách đó, cuộc sống của chúng ta sẽ làm chứng cho quyền năng của Ngài, ngay trong chính những yếu đuối của nhân loại”[17].

Sứ mạng của bạn trong Chúa Ki-tô

19. Đối với một Ki-tô hữu thì người ta không thể nghĩ tới sứ mạng của mình trên trái đất này mà không hề nhận thức về nó như là một con đường nên thánh, vì “điều mà Thiên Chúa muốn, đó là anh em hãy nên thánh” (1Tx 4,3). Bất cứ vị Thánh nào cũng đều có một sứ mạng; Ngài chính là một dự án của Thiên Chúa, để vào một thời điểm nhất định, sẽ phản ánh trên thế giới một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, cũng như tạo cho khía cạnh đó một hình hài cụ thể.

20. Sứ mạng đó có ý nghĩa tròn đầy của nó trong Chúa Ki-tô, và chỉ có thể được hiểu thông qua Ngài. Nơi chiều sâu, sự thánh thiện có nghĩa là, sống các mầu nhiệm sự sống của Ngài trong sự hiệp nhất với Ngài. Sự thánh thiện hệ tại ở chỗ, liên kết với sự chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô bằng một cách thức duy nhất và cá nhân, không ngừng chết với Ngài và cũng không ngừng phục sinh với Ngài. Nhưng sự thánh thiện cũng có thể liên quan tới việc phỏng theo những khía cạnh khác nhau trong đời sống dương thế của Chúa Giê-su nơi cuộc sống riêng của mình: đời sống ẩn dật của Ngài, đời sống của Ngài trong cộng đồng xã hội, sự gần gũi của Ngài đối với những con người nhỏ bé nhất, sự nghèo khó của Ngài, và những biểu hiện khác trong việc trao hiến vì Tình Yêu của Ngài. Việc quan sát những mầu nhiệm đó như Thánh I-nha-xi-ô Loyola đã đề nghị, sẽ dẫn chúng ta tới chỗ càng ngày càng hiện thực hóa được những mầu nhiệm đó trong những quyết định và thái độ của mình[18]. Vì “tất cả những dấu chỉ về những mầu nhiệm nội tại nhất của Chúa Giê-su […] đều ở trong cuộc sống của Ngài”[19], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô […] chính là một sự mạc khải về Thiên Chúa Cha”[20], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô chính là một mầu nhiệm cứu độ”[21], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô chính là một huyền nhiệm về sự tái hiệp nhất tất cả dưới một đầu”[22] và “tất cả những gì Chúa Ki-tô đã sống, thì Ngài đều cho phép chúng ta sống trong Ngài, và Ngài sống những điều đó trong chúng ta”[23].

21. Nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa Cha chính là Chúa Ki-tô, và chúng ta trong Ngài. Rốt cục, Chúa Ki-tô chính là Đấng yêu trong chúng ta, vì sự thánh thiện “chẳng là gì khác ngoài Đức Ái được sống trong sự tròn đầy”[24]. Vì thế, mức độ của sự thánh thiện được thể hiện thông qua hình hài mà Chúa Ki-tô tiếp nhận trong chúng ta, giống hệt như khi chúng ta nhào nặn toàn bộ cuộc sống chúng ta theo cuộc sống của Ngài trong quyền năng của Chúa Thánh Thần[25]. Do đó, bất cứ vị Thánh nào cũng đều là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần tác tạo nên tự sự giầu sang của Chúa Giê-su Ki-tô và tặng ban cho Dân Ngài.

22. Để nhận ra đâu là lời mà Thiên Chúa muốn nói qua một vị Thánh, thì việc bận tâm tới những chi tiết là điều không hợp lý, vì ở đó có thể có cả những lầm lỗi lẫn những yếu đuối. Không phải tất cả những gì mà một vị Thánh nói đều hoàn toàn ăn khớp với Tin Mừng; không phải tất cả những gì Ngài thực hiện đều là xác thực hay hoàn hảo. Điều mà chúng ta phải quan sát, đó là toàn thể cuộc sống của Ngài, toàn thể con đường nên thánh của Ngài, là bất cứ hình thù nào mà chúng phản ánh một chút gì đó về Chúa Giê-su Ki-tô và được phát hiện ra, nếu nó có thể biểu lộ ý nghĩa về toàn bộ con người Ngài[26].

23. Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ được dành cho tất cả chúng ta. Ngay cả bạn cũng phải nhận thức về cuộc sống mình như là một sứ mạng trong toàn thể. Bạn hãy cố gắng thực hiện điều đó bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và giải thích cho đúng những dấu chỉ mà Ngài ban cho bạn. Hãy không ngừng hỏi Chúa Thánh Thần để biết xem điều gì Chúa Giê-su đang mong chờ từ nơi bạn trong từng khoảnh khắc nơi kiếp sống của bạn, cũng như trong từng quyết định mà bạn phải đưa ra, hầu phát hiện ra xem, điều đó đang có giá trị nào đối với sứ mạng của bạn. Và bạn hãy cho phép Chúa Thánh Thần nhào nặn nên trong bạn bất cứ mầu nhiệm cá nhân nào mà nó làm cho Chúa Giê-su được phản chiếu trong thế giới ngày nay. 

24. Hy vọng bạn có thể nhận ra được lời đó là gì, tức sứ điệp của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới qua cuộc sống của bạn. Hãy để cho mình được biến đổi, hãy để cho mình được canh tân bởi Chúa Thánh Thần, để điều đó trở nên có thể, cũng như để cho sứ mạng đầy giá trị của bạn không gặp trở ngại. Thiên Chúa sẽ làm cho sứ mạng đó trở nên viên mãn, bất chấp tất cả những lầm lỗi của bạn cũng như những khoảnh khắc tồi tệ, nếu bạn không từ bỏ con đường Đức Ái và luôn luôn mở ra cho những hoạt động siêu nhiên của Ngài, tức hoạt động thanh tẩy và soi sáng.

Việc nên thánh

25. Người ta không thể hiểu được Chúa Ki-tô nếu như không hiểu được Triều Đại mà Ngài đã đến để kiến tạo là gì; và sứ mạng riêng của bạn cũng được liên kết một cách không thể tách rời như thế với việc kiến tạo nên Triều Đại ấy: “Trước tiên hãy tìm kiếm Triều Đại Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,33). Sự đồng nhất hóa chính bạn với Chúa Ki-tô và với ý muốn của Ngài sẽ bao hàm những nỗ lực mà với chúng người ta sẽ kiến tạo nên Vương Quốc Tình Yêu, Công Lý và Bình An cho tất cả. Chính Chúa Ki-tô đang muốn sống điều đó với bạn, trong tất cả những nỗ lực hay những từ bỏ mà nó mang theo với mình, cũng như trong tất cả mọi niềm vui và sự phong nhiêu mà nó được dành sẵn cho bạn. Vì thế, bạn sẽ không thể thánh hóa được bản thân mình nếu như bạn không trao hiến chính bản thân bạn, bao gồm cả thân xác lẫn linh hồn, để đặt điều tốt nhất của bạn vào trong những nỗ lực ấy.

26. Sẽ là điều thiếu lành mạnh nếu như người ta yêu thích sự tĩnh lặng và tránh gặp gỡ người khác, ước ao sự an nhiên tự tại và tránh hoạt động, cố gắng cầu nguyện nhưng coi thường sự phục vụ. Tất cả đều có thể được chấp nhận và được hội nhập trong thế giới này với tư cách là thành phần của kiếp sống mỗi người, cũng như có thể được bổ sung vào con đường nên thánh. Chúng ta được kêu gọi hãy sống sự chiêm niệm ở ngay giữa những hoạt động, và chúng ta thánh hóa bản thân mình trong việc thi hành sứ mạng riêng của mình một cách có trách nhiệm và quảng đại.

27. Liệu Chúa Thánh Thần có thể thúc giục chúng ta thực hiện một sứ mạng, nhưng đồng thời lại thôi thúc chúng ta trốn chạy trước sứ mạng khác, hay không chịu hiến thân hoàn toàn để duy trì sự bình an nội tại được không? Dù sao đi nữa, đôi khi chúng ta cũng bị cám dỗ muốn coi việc hiến thân mục vụ hay việc dấn thân vào trong thế giới như là điều thứ yếu, như thể chúng là những “điều tiêu khiển” trên con đường nên thánh và trên con đường đi đến với sự bình an nội tâm. Ở đây người ta đã quên rằng, “cuộc sống không phải là có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng”[27].

28. Sự dấn thân mà nó bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi, bởi sự kênh kiệu, hay bởi nhu cầu được ở trong tình trạng tốt đẹp và thống trị, thì chắc chắn sẽ không phải là sự nên thánh. Thách đố nằm ở chỗ là, sống sự trao hiến bản thân để làm sao cho những nỗ lực có được một ý nghĩa tương ứng với Tin Mừng, và càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô hơn nữa. Vì thế, thông thường thì người ta sẽ nói về một linh đạo giáo lý viên, hay về linh đạo Giáo Sĩ Triều, hoặc về linh đạo lao động. Từ lý do đó, trong Thông Điệp Evangelii gaudium, Cha đã khép lại với một linh đạo truyền giáo, trong Thông Điệp Laudato si’, Cha đã kết thúc với linh đạo về Đại Kết, và trong Thông Điệp Amoris laetitia, Cha đã khép lại với một linh đạo về đời sống gia đình.

29. Điều đó không có nghĩa là coi thường những khoảnh khắc an bình, những khoảng khắc cô tịch và tĩnh lặng trước Thiên Chúa. Nhưng hoàn toàn ngược lại. Thực ra, những thành tựu liên tục về kỹ thuật, sự thu hút du lịch, và vô số những mời chào của những mặt hàng tiêu dùng, đôi khi đang khiến cho giọng nói của Thiên Chúa không còn có được không gian để vang lên nữa. Tất cả đều được chất đầy trong một tốc độ ngày càng lớn với những lời nói, với sự vui sướng hời hợt và với tiếng ồn. Ở đó không có niềm vui ngự trị, nhưng chỉ có sự bất mãn của những kẻ không biết mình sống để làm gì. Chẳng lẽ chúng ta không thể biết được rằng, chúng ta phải chặn đứng cuộc chạy đua đầy náo động đó để tái chiếm lại không gian riêng tư mà đôi khi vô cùng đau đớn nhưng rốt cục lại luôn luôn có khả năng đơm bông kết trái, mà trong không gian đó, một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa sẽ được tiếp nhận hay sao? Bất cứ lúc nào chúng ta cũng đều phải đối diện với chính mình với sự thật về chính chúng ta để làm cho chân lý đó được thẩm thấu bới chính Thiên Chúa, và điều đó không phải lúc nào cũng đạt được “nếu người ta chưa từng có lần nào rơi vào đáy vực thẳm, rơi vào đáy của cơn cám dỗ nặng nề nhất, chưa hề bị đặt trên vách núi đá của sự bỏ rơi, chưa hề bị đặt vào mỏm đá của sự cô đơn, nơi người ta có cảm giác rằng, mình đang hoàn toàn bị bỏ rơi trong nỗi khốn cùng”[28]. Bằng cách đó, chúng ta sẽ thấy được những động lực quan trọng mà chúng thôi thúc chúng ta sống sứ mạng của mình cho tới cùng.

30. Những khả năng tiêu khiển mà chúng đang tràn ngập trong lối sống hiện đại, cũng sẽ dẫn tới một sự chuyên chế hóa sự tự do, mà với sự tự dó đó, chúng ta có thể sử dụng một cách không hạn chế những thiết bị mà chúng đang giới thiệu cho chúng ta sự tiêu khiển hay giới thiệu những khoái cảm ngắn ngủi [29]. Hậu quả là, sứ mạng riêng của chúng ta sẽ phải chịu thiệt hại vì chuyện đó, tức sự dấn thân sẽ ngày càng yếu đi, và sự phục vụ cách quảng đại và sẵn sàng sẽ bắt đầu sa sút. Điều đó sẽ làm biến dạng đời sống thiêng liêng. Vì một niềm hăng hái thiêng liêng mà nó xuất hiện đồng thời với sự trì trệ trong việc công bố Đức Tin hay trong việc phục vụ người khác, lại có thể lành mạnh được sao?

31. Chúng ta cần có một tinh thần thánh thiện, mà tinh thần ấy vừa xuyên qua sự cô tịch lẫn sự phục vụ, vừa xuyên qua cuộc sống nội tâm lẫn việc dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng, để bất cứ khoảnh khắc nào cũng đều là một sự diễn tả của một Tình Yêu hoàn toàn dâng hiến trong cặp mắt Thiên Chúa. Và như thế, tất cả mọi khoảnh khẳc ấy đều trở thành những cấp độ trên con đường nên thánh của chúng ta.

Sống động và nhân bản hơn

32. Đừng sợ hãi trước việc nên thánh. Sự nên thánh sẽ không lấy đi của bạn bất cứ điều gì, kể cả sức lực, sự sống hay niềm vui. Nhưng hoàn toàn ngược lại, vì ở đây bạn sẽ trở thành một con người mà Thiên Chúa Cha mơ tới khi Ngài sáng tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản tính riêng của mình. Việc lệ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng chúng ta khỏi kiếp nô lệ và làm cho chúng ta nhận ra phẩm giá của mình. Điều này đã trở nên rất rõ ràng nơi Thánh Josephine Bakhita. “Khi mới lên 7 tuổi, tức lúc vẫn còn rất thơ ngây, Thánh Nữ đã bị bán làm nô lệ, và đã phải gánh chịu những nỗi đớn đau nặng nề dưới tay những ông chủ tàn bạo. Tuy nhiên, Thánh Nữ đã hiểu được một chân lý thẳm sâu rằng, Thiên Chúa chứ không phải con người, mới là ông chủ đích thực của mỗi người và của đời sống con người. Kinh nghiệm ấy đã trở thành nguồn mạch khôn ngoan to lớn đối với một cô gái Phi Châu đầy khiêm nhu”[30].

33. Trong mức độ mà người Ki-tô hữu thánh hóa bản thân mình, nếu họ càng thánh thiện bao nhiêu thì họ càng trở nên phong nhiêu bấy nhiêu đối với thế giới. Các Đức Giám Mục vùng Tây Phi đã dậy chúng ta rằng: “Trong tinh thần tái loan báo Tin Mừng, chúng ta được kêu gọi hãy để cho mình được Tin Mừng hóa thông qua việc loan báo Tin Mừng rằng, tất cả những anh chị em đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đều có khả năng đảm nhận vai trò của mình với tư cách là muối cho đất và ánh sáng cho thế giới ở bất cứ nơi đâu anh chị em hiện diện”[31].

34. Đừng sợ hãi trước việc phấn đấu để đạt tới những mục tiêu cao hơn, cũng như để cho Thiên Chúa yêu thương và giải phóng mình. Đừng sợ hãi trước việc để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn trở nên bớt nhân bản đi, vì nó chính là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn với sức mạnh của Ân Sủng. Thực ra, như Leon Bloy nói, chỉ có “một nỗi buồn trong cuộc đời thôi, đó là việc không nên thánh”[32]. (Còn tiếp)

Chú thích:

[1] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong Lễ đăng quang Giáo Hoàng (24.04.2005): AAS 97 (2005), 708.

[2] Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, điều kiện tiên quyết vẫn là, người liên hệ phải được tiếng là thánh thiện, cũng như đã sống các đức hạnh Ki-tô giáo, ít nhất là trong mức độ bình thường – xc Tông Sắc dưới hình thức một Motu proprio – Maiorem hac dilectionem (11.07.2017), Art. 2c: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 47 (2017), Nr. 34 (25.08.2017), S. 7.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 9.

[4] Xc. Joseph Malègue, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut (Tầng lớp trung lưu của ơn cứu độ) , Paris 1958.

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 12.

[6] Đời sống ẩn dật và công khai (1940), trong: Ấn bản đầy đủ, tập 20, Freiburg i. Br. 2015, S. 124-125.

[7] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Novo millennio ineunte (Tân Thiên Niên Kỷ) (6.01.2001), 56: AAS 93 (2001), 307.

[8] Tông Huấn Tertio millennio adveniente (Thiên Niên Kỷ Thứ Ba đang đến) (10.11.1994), 37: AAS 87 (1995), 29.

[9] Bài giảng trong buổi tưởng niệm các chứng nhân Đức Tin của thế kỷ XX (7.05.2000), 5: AAS 92 (2000), 680-681.

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 11.

[11] Hans Urs von Balthasar, Theologie und Heiligkeit (Thần Học và sự Thánh Thiện), trong: Communio 6 (1987), 486.

[12] Khúc Tình Ca, Vorrede, 2, Einsiedeln 41992, S. 10.

[13] Nt., XIV-XV, 2, Einsiedeln 41992, S. 90.

[14] xc. Bài Giáo Lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 19.11.2014: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 44 (2014), Nr. 48 (28.11.2014), S. 2.

[15] Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, Thiên Khảo Luận về Tình Yêu Thiên Chúa. Theotimus, VIII, 11, Eichstätt-Wien 1960, S. 106.

[16] Những Nẻo Đường Hy Vọng. Sứ Điệp Niềm Vui từ trong tù, Vallendar 2008, S. 23 u. 285.

[17] Hội Đồng Giám Mục New Zeeland, Healing love (1.01.1988).

[18] Xc. Bộ Linh Thao, 101-312, Würzburg 32015, S. 63-126.

[19] SGLHTCG số, 515.

[20] Nt., 516.

[21] Nt., 517.

[22] Nt., 518.

[23] Nt., 521.

[24] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài Giáo Lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 13.04.2011: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 41 (2011), Nr.16/17 (22. April 2011), S. 2.

[25] Xc. Nt.

[26] Xc. Hans Urs von Balthasar, Theologie und Heiligkeit (Thần Học và sự Thánh Thiện), trong: Communio 6 (1987), 483-490.

[27] Xavier Zubiri, Naturaleza, historia, Dios, Madrid 31999, S. 427.

[28] Carlo M. Martini, Không Sụp Đổ Trong Nghi Nan, Freiburg i. Br. 1994, S. 66.

[29] Sự tiêu khiển hời hợt này phải được phân biệt với một nền văn hóa giải trí lành mạnh mà trong tinh thần sẵn sàng và chiêm niệm, nó làm cho chúng ta mở ra cho người khác và cho thực tại.

[30] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Bài giảng trong Thánh Lễ Phong Thánh (1.10.2000), 5: AAS 92 (2000), 852.

[31] Các Hội Đồng Giám Mục vùng Tây Phi, Sứ Điệp Mục Vụ bế mạc phiên họp thứ 2 (29.02.2016), 2.

[32] La femme pauvre (Người phụ nữ nghèo hèn), II, 27, Paris, 1897.

…………………………………………………………………..

(Mời theo dõi Chương II: HAI KẺ THÙ TINH XẢO CỦA SỰ THÁNH THIỆN)

1 2 3 4 5

Comments are closed.

phone-icon