Suy niệm: Lc 3,15-16.21-22
Hôm nay Tin Mừng Luca thuật lại việc Chúa Giê-su chịu phép rửa.Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa gây khó hiểu cho các Phúc Âm gia, các nhà thần học và với tất cả chúng ta. Chúng ta tự hỏi: Chúa Giesu vô tội tại sao Ngài phải chịu phép rửa thống hối như mọi người. Có nhà thần học giải thích Ngài chịu để làm gương. Lý do này không thuyết phục. Lý do Ngài nhận mình có tội vì Ngài sống hòa nhất với nhân loại. Tội của nhân loại là tội của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn đảm nhận sức nặng vô cùng này thay cho chúng ta. Chỉ có tình yêu tột cùng vì người yêu mới có thể chịu khổ, sống chết thay cho người mình yêu.
Tôi đọc câu truyện trên mạng kể về một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. Cô nói với chồng: “Tấm vải bẩn thật” – “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.
Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”
Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
Vì thiếu tình yêu nên chúng ta đã nhìn anh em bằng cặp kính màu đen và kết án anh em không thương tiếc. Chúng ta nhìn anh em với bao lỗi lầm, tội lỗi để coi thường, chỉ trích, xé to những lỗi nhỏ, rêu rao bêu xấu. Trái lại, Chúa Giê-su hoàn toàn khác chúng ta, Ngài coi tội chúng ta là tội của Ngài, như là cái gì thuộc về mình, Ngài thống hối chân thành. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Ngài với ý nghĩa đó: “Đây chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!” . Trong nhân tính của Chúa Giê-su con người được kết hợp với Thiên Chúa. Thuở xưa khi Ađam phạm tội, ông đã tách rời Eva. Còn Chúa Giê-su Ngài sống hòa nhất với nhân loại. Chỉ yêu vô cùng mới làm được điều này.
Chúa Giê-su chẳng những không ghét kẻ có tội nhưng Ngài yêu thương người tội lỗi. Chúa Giê-su luôn đứng về phía kẻ có tội để cảm thông tha thứ và bênh đỡ. Khi các người Biệt Phái điệu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giê-su, họ muốn Chúa thẳng thừng kết án chị, nhưng Chúa làm cho những người kiêu ngạo kia phải bẽ mặt rút lui vô điều kiện: “Ai trong các ngươi vô tội thì hãy cầm đá ném trước đi”. Rồi Chúa lẳng lặng cúi xuống đất viết để không làm chị xấu hổ và coi như mần ngơ trước lời tố cáo của họ. Khi ngẩng lên không thấy ai hết, Chúa âu yếm nói với chị: “Không ai kết án con à? Ta cũng vậy không kết án con đâu. Hãy về bình an và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,1-11). Trên núi sọ Chúa đã hết sức bênh đỡ cho kẻ giết Ngài khi Ngài cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’’ (Lc 23, 34).
Ông Giakêu, một người bóc lột dân qua những vụ tai tiếng về thuế má thế mà Chúa đã đến nhà ông (Lc 19, 1-10). Mathêu cũng được dân chúng gán cho cái tên “tội lỗi” nhưng Chúa đã đến dùng bữa với ông (Mt 9,9-13). Người phụ nữ bên giếng Giacóp nổi tiếng là gái làng chơi với năm đời chồng nhưng Chúa Giê-su cũng đã thuyết phục bà bằng cuộc trò chuyện thân thương của Ngài (Ga 4,7-26).
Nhìn thái độ Chúa đối với tội nhân, tôi nhận ra sự gian ác của mình khi hung hăng lên án anh em. Người ta nói người thánh là người dễ dãi với anh em nhưng khó với mình. Chúa Giê-su là Đấng ba lần thánh, Ngài đã nhận hết tội của chúng tôi làm tội của mình.
Nếu tôi sống được tinh thần này của Chúa tôi sẽ không dám khinh ai, tôi sẽ coi tội của anh em là của mình. Vì chúng tôi là một trong một thân thể duy nhất là Chúa Giê-su. Anh em là mắt, là mũi, là tay chân của tôi, là một của tôi. Tôi không thể móc mắt, chặt tay chân của mình được.
Thường thì chúng ta coi tội là điều xấu nên chúng ta kết án những người phạm tội, khai trừ họ. Khi kết án người khác là chúng ta tự tôn mình là người thánh, kẻ trong sạch. Chúa Giê-su hành xử rất khác chúng ta, Ngài đặt mình vào hàng ngũ những người tội lỗi, yêu thương họ cách đặc biệt: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính, nhưng là để gọi kẻ tội lỗi.” (Mt 9, 13). Quả thật, vì yêu chúng ta, những con người mỏng dòn, yếu đuối, đầy tội lỗi mà Chúa đã giáng trần mang thân phận của chúng ta, cảm thông với mọi chiều kích của con người, rồi kết thúc cuộc đời bằng cái chết khổ nhục trên thập giá để cứu độ chúng ta.
Hôm nay phép rửa của Chúa Giê-su làm nổi bật vai trò người tôi tớ đau khổ. Chính ở sông Jordan mà Chúa Cha tỏ lộ sự hài lòng về Người Con Độc Nhất dấu yêu, Ngài loan báo cho thế giới ơn cứu độ theo cách của Ngài như ngôn sứ Isaia đã loan báo: Một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gãy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Thiên Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Ý nghĩa này đẩy tôi phải sống thế nào với Thiên Chúa và với tha nhân. Tôi cần xét lại lối sống của tôi, của gia đình tôi, nhóm tôi và gia đình tôi không? Việc Chúa Giê-su chịu phép rửa nhắc nhở tôi về Bí Tích rửa tôi của tôi. Bí tích này nhắc nhở tôi đóng một vai trò quyết định nào trong thế giới hôm nay?
Đây là bài học cho mỗi người chúng tôi khi theo Chúa. Theo Chúa là đi vào con đường khiêm tốn tự hủy của Ngài. Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật dạy chúng tôi chân lý này. Bị thương tích bởi tội lỗi, được thanh tẩy bởi phép rửa. Chúng tôi ở giữa hai đầu giây của sự thánh thiện và tội lỗi. Mỗi bước đi chúng tôi được tự do chọn lựa Thiên Chúa hay khai trừ Ngài, chọn anh em hay khai trừ anh em. Chúa đang mời gọi tôi đặt bước chân của mình trong bước chân của Chúa Giê-su, dẫu đường đi đó sỏi đá, gai góc nhưng đảm bảo dẫn đến sự sống đời đời, đến nguồn hạnh phúc thật.
Ơn gọi trước hết và quan trọng nhất là ơn gọi Ki-tô hữu sau khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Mọi ơn gọi khác đều liên quan đến ơn gọi này. Qua Bí tích rửa tội chúng ta trả lời cho lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Hãy theo Ta”. Nhưng thật đáng buồn nhiều người trong chúng ta đã chịu phép rửa nhưng sống như người không tin. Trong khi ơn gọi Kitô hữu là muối, là men và là ánh sáng trần gian. Đức tin của chúng ta phải được diễn tả bằng việc làm. Ngày chịu phép rửa chúng ta đã thề hứa từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ và những gì thuộc về nó để theo Chúa Giêsu, Đấng đã xóa bỏ tội lỗi của chúng ta nơi chính bản thân Ngài.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta nhận ra mình là kẻ tội lỗi đã được thứ tha và giúp anh em mình sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa, để được đánh động bởi lòng lành vĩ đại đó anh chị em. Hãy để cho con tim mình sống kinh nghiệm ấy như Đức Thánh Cha dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, đúng thật con là người tội lỗi, con cảm thấy thế và con là như vậy. Con đã lạc đường. Con đã chạy trốn tình yêu của Chúa bằng trăm phương nghìn cách, nhưng một lần nữa con ở đây để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin Chúa lại cứu chuộc con đi! Xin hãy đón nhận con một lần trong vòng tay cứu độ của Chúa.”
( Viết theo tư tưởng của tác giả Flor McCarthy)
Maria Faustina Lý Thị Báu