Đức tin của con đã giải thoát con

0

Đức Tin Của Con Đã Giải Thoát Con

Điều đó không chỉ nói về sự chữa lành bệnh.

Một ngày nọ, một du khách tình cờ gặp ba người cắt đá đang làm việc trong một mỏ đá. Mỗi người bận rộn cắt một khối đá. Quan tâm muốn khám phá những gì họ đang làm việc, người du khách hỏi người cắt đá đầu tiên xem anh ấy đang làm gì. “Tôi đang cắt đá”, người đó đã trả lời.

Đó không phải là một câu trả lời thực sự, vì thế lữ khách đã quay sang người cắt đá thứ hai và hỏi anh ta đang làm gì. “Tôi đang cắt khối đá này để đảm bảo rằng kích thước của nó đồng đều, sao cho nó sẽ khớp chính xác vào vị trí của nó trong một bức tường”.

Đó là một câu trả lời tốt hơn, nhưng nó vẫn không làm anh thỏa mãn. Do đó, lữ khách đã quay sang người cắt đá thứ ba, dường như cũng là người hạnh phúc nhất trong ba người. “An đang làm gì vậy?” lữ khách hỏi. Người đàn ông trả lời: “Tôi đang xây một ngôi nhà thờ chính tòa”.

Câu chuyện nhỏ này minh họa cách chúng ta có thể tập trung vào những gì ngay trước mắt chúng ta thay vì lùi lại và có được bức tranh lớn hơn. Chúng ta có thể thấy điều này khi các bậc cha mẹ bị mắc kẹt trong những chi tiết của công việc hàng ngày và mất đi cái nhìn về ơn gọi cao quý của họ để hình thành nhân cách con cái của họ. Điều đó có thể xảy ra tại nơi làm việc khi chúng ta chỉ tập trung vào các nhiệm vụ của mình và đánh mất cái nhìn về cách thức công việc của chúng ta đóng góp cho lợi ích chung. Và điều đó có thể xảy ra khi nói đến đời sống đức tin của chúng ta.

Chẳng hạn, bạn hãy nghĩ về từ “ơn cứu rỗi”. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng nó có nghĩa là cách Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Dĩ nhiên, điều đó đúng, nhưng sự cứu rỗi còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Vâng, Chúa Giêsu đã đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng đến để cứu độ chúng ta cho một cuộc sống mới. Người đến để cứu chúng ta để chúng ta có thể sống trong tự do, niềm vui và bình an, để mỗi người chúng ta có thể được biến đổi dần dần thành một “viên đá sống động” khác khác hầu xây nên nhà thờ chính tòa vĩ đại của Hội Thánh Chúa (1 Pr 2,4).

Đây là loại ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu muốn nói khi nói với người phụ nữ bị băng huyết: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34). Chúa cũng nói những lời tương tự như vậy với một người ăn xin mù tên Batimê:  “Lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10,46-52), một người bị phong cùi đã trở lại với Chúa Giêsu sau khi được chữa lành (x. Lc 17,11-19) và một người phụ nữ tội lỗi đã rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt và xức chân Chúa bằng nước hoa (x. Lc 7,36-50). Từ Hy Lạp mà các tác giả Tin Mừng đã sử dụng trong mỗi câu chuyện này là sozeo, có nghĩa là “để chữa bệnh”, nhưng cũng có nghĩa là “để cứu độ” và thậm chí là “để phục hồi”. Như thế, chúng ta hãy nhìn vào những người trong các câu chuyện này bằng một kính lúp hình ảnh loại lớn để xem không chỉ những gì họ được giải thoát khỏi mà còn cả những gì họ được giải thoát để.

Tự Do để Làm Môn Đệ. Chúa Giêsu và các môn đệ đang đi ra khỏi thành phố Giêricô, được bao quanh bởi một đám đông người. Đám đông vẫn ồn ào và chật cứng hơn bao giờ hết, nhưng một giọng nói vang lên phía trên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,47). Tiếng kếu đó đến từ một người ăn xin mù tên Batimê đang ngồi bên đường. Một số người trong đám đông cố gắng làm anh im lặng, nhưng Batimê chỉ kêu lớn tiếng hơn.

Cuối cùng, tiếng kêu của Batimê đã thu hút sự chú ý của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi anh ta muốn gì, và Batimê trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10,51). Rồi đến những từ quen thuộc sau: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10,52). Ngay lập tức, Batimê đã được chữa lành. Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Batimê đã không đi theo con đường của riêng mình. Thay vào đó, anh đi đã đi theo Chúa Giêsu “trên con đường” Người đi (Mc 10,51). Batimê chọn con đường làm môn đệ.

Batimê có thể đã về nhà, tìm việc làm và sống cuộc sống của chính mình. Nhưng thay vào đó, anh đã quăng số phận của mình đi để bước theo một vị thầy nghèo, lang thang đây đó. Đó là một con đường nguy hiểm hơn, nhưng Batimê đã được biến đổi. Sự mù lòa tâm linh của anh đã được chữa lành và anh đã đến gặp Chúa Giêsu theo một cách mới.

Câu chuyện của Batimê cho chúng ta thấy rằng một phần của việc được “cứu độ” liên quan đến việc được chuyển từ con đường của chúng ta sang con đường của Chúa. Điều đó liên quan đến việc được giải thoát khỏi một quan điểm tự cho mình là trung tâm của cuộc sống và được tự do để sống cuộc đời người môn đệ. Điều đó liên quan đến việc nhận được ân sủng để mở rộng trái tim của chúng ta với Chúa Giêsu để Người có thể dạy chúng ta cách yêu thương anh chị em của chúng ta trong Chúa và làm thế nào để tiếp cận với những người nghèo khổ và thiếu thốn xung quanh chúng ta.

Tự Do để Có Tương Quan với Chúa Giêsu. Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã gặp mười người mắc bệnh phong. Thay vì chữa lành họ trực tiếp, Chúa Giêsu đã sai họ đến với tư tế địa phương để thanh tẩy. Trên đường đi, tất cả họ đều được chữa lành. Điều đó hẳn phải đáng kinh ngạc: thịt thối rữa được làm tươi mới (hồi sinh) lại. Các tế bào thần kinh đã được tái tạo. Tất cả sự tàn phá của căn bệnh của họ biến mất và tất cả họ đều được chữa lành hoàn toàn!

Tuy nhiên, chỉ có một trong những người phong cùi này là người Samaritanô, đã quay trở lại với Chúa Giêsu và quỳ xuống, cảm ơn Chúa và ca ngợi Thiên Chúa. Cảm động sâu sắc trước phản ứng của người Samaritanô, Chúa Giêsu bảo anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 1719).

Chắc chắn có nhiều điều ở đây hơn cả một sự đảm bảo rằng người đàn ông đã được chữa lành! Tất cả mười người đã được chữa khỏi. “Ơn cứu rỗi” mà người Samaritanô này nhận được hẳn phải bao gồm một điều gì đó còn tuyệt vời hơn nữa.

Như với người phụ nữ bị băng huyết và Batimê, đức tin là chìa khóa để hiểu câu chuyện về người đàn ông này. Đối với anh ta, đức tin phải biểu lộ với một mối tương quan với Chúa Giêsu. Đó không phải là vấn đề tin vào những điều không thể tin được hoặc đồng ý với một loạt các học thuyết. Thay vào đó, đức tin của Batimê đã khiến anh từ bỏ cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu. Anh không chỉ bắt tay Chúa Giêsu và nói: “Xin cảm ơn vì sự chữa lành”. Anh đã quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu trong sự tôn kính và thờ phượng, biết ơn vì đã trải nghiệm tình yêu của một vị Thiên Chúa đến cứu độ cũng như chữa lành cho anh.

Tự Do để Cắt Đứt với Quá Khứ. Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện về một người phụ nữ có tai tiếng tội lỗi, người đã xuất hiện trong một bữa tiệc tối yên tĩnh nơi Chúa Giêsu ở. Chị đã khóc những giọt nước mắt hối hận xen lẫn tình yêu, chị xức dầu chân Chúa Giêsu và lau khô chân Chúa bằng tóc của chị. Người chủ nhà của Chúa Giêsu cảm thấy bị xúc phạn vì hành động của chị, nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng hoàn toàn khác. Chúa nhìn thấy trong cử chỉ của chị một hành động của tình yêu thương và Chúa đã chào đón hành vi yêu thương của chị cách ý nhị. Chúa nói với chị: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48). Bằng cách nào đó, chị đã biết rằng ngay từ đầu, chính chị đã buộc chị phải xức dầu cho Chúa Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsi đã không muốn chị ấy biết rằng chị ấy đã được tha thứ. Chúa Giêsu tiếp tục nói: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50).

Trong tất cả những câu chuyện chúng ta đã xem xét, câu chuyện này dường như gây được tiếng vang sâu sắc nhất với mọi người – những người khỏe mạnh cũng như những người đang cần được chữa lành. Người phụ nữ này không có nhu cầu chữa lành về thể lý. Lòng tin của chị không liên quan gì đến quyền năng của Chúa Giêsu, để loại bỏ bệnh tật hoặc sự mù lòa hay điếc lác. Đó là về nhu cầu chữa lành nội tâm của chị khỏi những vết thương trong quá khứ. Chị đã bị những vết sẹo sâu hoắm bởi tội lỗi của chính mình và tội lỗi của những người đã lạm dụng chị, và những vết sẹo đó tiếp tục hằn sâu làm chị thêm đau khổ. Nhưng những hành động ngông cuồng của chị đối với Chúa Giêsu đã cho thấy sự sẵn lòng và biết ơn, thậm chí hạnh phúc đến mức nào của chị, chị đã vượt qua quá khứ đó và ôm lấy Chúa Giêsu và những lời thương xót của Người.

Câu chuyện về người phụ nữ này cho chúng ta thấy rằng trong khi sự chữa lành về thể xác là kỳ diệu, thì sự chữa lành về tinh thần thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa và cuối cùng nó quan trọng hơn. Chị cho chúng ta thấy rằng ơn cứu độ mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta sâu sắc nhất là sự cứu rỗi khỏi những tội lỗi trong quá khứ của chúng ta, một sự cứu rỗi giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức tù túng và đưa chúng ta vào sự hiện diện của Chúa. Ngay cả nếu chúng ta khỏe mạnh về thể lý, tất cả chúng ta đều có nhu cầu tâm linh và Chúa Giêsu rất thích đáp ứng chúng!

Chúa Giêsu Cứu Độ. Lòng tin của con đã cứu chữa (chữa lành) con. Lòng tin của con đã cứu con. Hai bản dịch khác nhau của cùng một câu tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, khác với những gì chúng có thể xuất hiện lúc đầu, những bản dịch này truyền đạt một sự thật kỳ diệu: Chúa Giêsu đã đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cứu chúng ta và ban cho chúng ta một cuộc sống mới. Ngài đến để giải thoát chúng ta, để cứu chúng ta, khỏi bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta sống cuộc sống mới đó.

Vì thế, bạn hãy dán mắt vào Chúa Giêsu. Hãy mạnh dạn như những người nam và người nữ trong các Tin Mừng. Hãy đẩy qua một bên bất kỳ chướng ngại vật nào bạn có thể gặp, cho dù đó là sự nghi ngờ, nỗi sợ hãi hay sự cam chịu. Hãy tiếp tục kêu gào lên với Chúa Giêsu và mong đợi Người hành động trong cuộc sống của bạn. Đó là loại đức tin chữa lành chúng ta nơi chúng ta cần chữa lành nhất. Đó là loại đức tin giúp cứu rỗi chúng ta cả bây giờ và mãi mãi (hiện tại và vĩnh cửu).

Theo the Word Among us
January 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
 

Comments are closed.

phone-icon