Hãy đối xử tốt với nhau

0

Hãy Đối Xử Tốt Với Nhau

Ước mong mỗi một người trong các mối quan hệ của chúng ta – những người tốt, người xấu và những người khó khăn – đều cảm nhận được lòng thương xót của Chúa!

Năm 1947, Corrie ten Boom, một người Hà Lan sống sót trong trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ravensbrück, Đức, đã nói chuyện tại một nhà thờ ở Munich về sự tha thứ và lòng thương xót.

Sau khi cô nói, một cựu cai ngục từ trại đã đến với cô, đưa tay ra và xin cô tha thứ cho anh. Anh không nhớ cô, nhưng cô nhớ anh một cách rõ ràng, cùng với tất cả những sự tàn nhẫn mà anh đã đến trút xuống trên cô và các bạn tù của cô.

“Không thể có nhiều giây để anh ta đứng đó, đưa tay ra”, Ten Boom sau đó nhớ lại. “Nhưng đối với tôi, dường như hàng giờ khi tôi vật lộn với điều khó khăn nhất tôi từng phải làm. Và một cách cứng cỏi, một cách máy móc, tôi đặt mạnh tay tôi vào trong tay người đang chìa tay ra cho tôi. Và khi tôi làm điều đó, một điều đáng kinh ngạc (không thể tin được) đã diễn ra. Dòng điện bắt đầu trên vai tôi, chạy xuống cánh tay tôi, rồi truyền vào bàn tay đang đặt trên nhau của chúng tôi.

Ten Boom tiếp tục kể: “Sau đó, hơi ấm chữa lành này dường như tràn ngập toàn bộ con người tôi, khiến tôi rơi nước mắt. ‘Anh ơi! Em tha lỗi cho anh”. Tôi đã khóc. ‘Với tất cả trái tim của tôi!’ Suốt trong một thời gian dài, chúng tôi đã nắm chặt tay nhau, anh ta – người cựu cai ngục và tôi – cựu tù nhân. Tôi chưa bao giờ biết tình yêu của Thiên Chúa lại quá mãnh liệt như lúc đó (khi tôi nói lời tha thứ cho anh ta).

Một Người Anh Em Mà Tôi Đã Tha Thứ (Ân Xá). Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, khi đang đứng trong một chiếc ô tô mui trần di chuyển chậm chạp qua đám đông của Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị Mehmet Ali Agca bắn bốn phát. Đức Giáo Hoàng bị hai viên đạn xuyên qua ngực và ngài phải trải qua gần sáu giờ phẫu thuật và được truyền sáu đơn vị máu trước khi các bác sĩ có thể nói với bất kỳ sự tự tin nào rằng ngài sẽ hồi phục.

Trong xe cứu thương trên đường đến bệnh viện, Đức Thánh Cha nói với các trợ tá của ngài rằng ngài đã tha thứ cho bất cứ ai là kẻ tấn công ngài. Bốn ngày sau, Đức Thánh Cha đã công khai sự tha thứ đó thông qua người phát ngôn. Và rồi, hai năm sau đó, Đức Thánh Cha đã táo bạo đến gặp Agca trong phòng giam của anh ta.

“Tôi đã nói chuyện với một người anh em mà tôi đã ân xá và là người hoàn toàn tin tưởng tôi”, Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau khi dành hai mươi phút để nói chuyện nhẹ nhàng với người đàn ông đã sát hại ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã can thiệp để Agca được chính phủ Ý ân xá và trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2000 – trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tôi Có Thể Tha Thứ Không? Những câu chuyện cá nhân của chúng ta có thể không kịch tính như những câu chuyện này, nhưng tất cả chúng ta đều phải đối mặt với câu hỏi: “Tôi có sẵn lòng tha thứ cho những người làm tổn thương tôi không?” Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên mời gọi chúng ta thương xót những người đã làm tổn thương chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào các mối quan hệ của chúng ta. Hãy tận dụng những ân sủng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và cố gắng trở nên nhân từ như Cha trên trời của chúng ta là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 6,36).

Viết cho các tín hữu ở Êphêsô, Thánh Phaolô nói: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô… Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 4,32-5, 2).

Điều này nghe có vẻ như không có gì hơn những lời khích lệ, nhưng đoạn văn này chứa đựng một số chân lý tràn đầy ân sủng có thể giúp chúng ta trở nên những người biết tha thứ hơn. Chúng ta hãy xem xét những chân lý ấy.

Thứ nhất: Chúa yêu thương chúng ta. “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5,2) Chúng ta có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong sự hùng vĩ và vẻ đẹp của thế giới đã được tạo dựng nên. Sự kiện Thiên Chúa Chúa thực hiện những chi tiết rất phức tạp trong việc thiết kế ngôi nhà chung của chúng ta cho chúng ta biết rằng Người yêu chúng ta nhiều biết chừng nào. Điều tương tự cũng xảy ra đối với cách cơ thể của chúng ta hoạt động. Rất nhiều điều xảy ra ở cấp độ vi mô và tất cả đều xảy ra với sự thống nhất và chính xác như vậy mà không cần chúng ta phải làm bất cứ điều gì về nó!

Thật đáng kinh ngạc như những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa, Phaolô đang nói về một tình yêu cá nhân, thậm chí còn dịu dàng hơn. Ngài đang nói về tình yêu mà Người Cha dành cho con cái của mình. Ngài đang nói về một tình yêu cứu chuộc và hòa giải.

Cha trên trời của bạn rất yêu thương bạn. Thật vậy, Người yêu thương tất cả mọi người với cùng một mức độ, ngay cả những người đã làm tổn thương bạn. Đó là lý do tại sao Phaolô mời gọi chúng ta “hãy sống trong tình bác ái” (Ep 5, 2). Đó là cách chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tha thứ và không bị ràng buộc bởi sự oán giận hoặc không tha thứ. Do đó, bạn hãy cố gắng hết sức để mở lòng mình ra với tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa và tình yêu cá nhân.

Thứ hai: Chúa Giêsu Chết vì Chúng Ta. Chúa Giêsu “vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm lễ dâng cho Thiên Chúa” (Ep 5,2). Trước đó trong lá thư của mình, Phaolô đã viết rằng: Trước khi Chúa Giêsu đến, thì tất cả chúng ta “đã chết” trong “sự sa ngã và tội lỗi” của chúng ta (Ep 2,1). Tất cả chúng ta đều chống lại Thiên Chúa và rất cần sự cứu rỗi.

Và ơn cứu độ chính xác là những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Người đã sai Con của mình, Chúa Giêsu, từ bỏ cuộc sống của mình để chúng ta có thể sống. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta. “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, để … chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6, 6). Có thể khó nắm bắt, nhưng thánh giá Chúa Chúa Giêsu đã mở cổng thiên đàng và làm cho chúng ta có thể nhận biết tình yêu của Thiên Chúa cách sâu sắc và cá vị. Chính sự hy sinh của Chúa Giêsu giúp chúng ta trở nên yêu thương, thương xót và từ bi hơn.

Bất cứ khi nào bạn phải đối diện với một tình huống khó khăn hoặc một số bất công, hãy cố gắng dán mắt bạn vào thập giá. Hãy nhìn xem Chúa Giêsu, Đấng chịu sự bất công lớn nhất trong tất cả những bất công, đã thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lc 23,34). Hãy xem Chúa Giêsu cũng nói như thế cho bạn: “Lạy Cha, xin tha thứ!” Thật sự sẽ luôn luôn dễ dàng hơn một chút để tha thứ khi chúng ta biết rằng mình đã được tha thứ.

Thứ ba: Một “Hương Thơm Ngào Ngạt”. Cái chết của Chúa Giêsu là một “hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2). Tất cả chúng ta biết rằng thật ngọt ngào thế nào khi ai đó mở lòng để sống tử tế hoặc quảng đại với chúng ta. Đó là cách mà Thiên Chúa nhìn nhận hy lễ của Chúa Giêsu – như một “hương thơm ngào ngạt” đã mang lại cho Người niềm vui lớn lao.

Theo thánh Phaolô, chúng ta có thể là “hương thơm của Chúa Kitô” làm vui lòng Thiên Chúa (2 Cr 2,15). Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta tuân theo các mệnh lệnh của Chúa, đặc biệt là khi chúng ta phải gạt bỏ những mong muốn và ước muốn của riêng mình hoặc hy sinh một cái gì đó để thực hiện mệnh lệnh của Người. Không nơi nào có hương thơm ngào ngạt này làm hài lòng Thiên Chúa hơn là khi chúng ta quyết định tha thứ.

Vì vậy, khi Thiên Chúa yêu cầu bạn tha thứ cho ai đó, hãy để tình yêu của Thiên Chúa và lễ hy sinh của Chúa Giêsu làm dịu trái tim bạn và nói với bạn rằng trái tim nhân hậu của bạn là một mùi hương thơm ngào ngạt sẽ làm ấm áp trái tim của Chúa.

Một Tư Duy Mới. Bây giờ, bạn hãy dành một chút thời gian và đọc câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu về một người đầy tớ không biết thương xót (x. Mt 18,21-35). Hãy để thông điệp chìm ngập vào trái tim bạn. Người đầy tớ trong câu chuyện này không thể nắm bắt được những chân lý mà Phaolô giải thích cho các tín hữu Êphêsô. Tất nhiên, người đầy tớ ấy đã rất vui mừng khi nhà vua đã tha bổng món nợ kếch xù của anh. Nhưng sự hào phóng của vua đã không ảnh hưởng đủ sâu sắc đến anh để khiến anh trở nên nhân từ. Vì thế, anh đã sống theo tiêu nước đôi, không sẵn lòng đối xử với người khác theo cách mà anh đã được đối xử.

Chúng ta đối diện với thử thách tương tự khi ai đó làm tổn thương chúng ta -cùng một thử thách mà Corrie Ten Boom và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phải đối diện. Tôi sẽ đáp lại bằng lòng tốt, từ bi và tha thứ chứ? Tôi sẽ để điều này trở thành một cách sống cho tôi? Đây là kiểu tư duy mà Phaolô muốn người Êphêsô đón nhận và đó cũng là chính cách suy nghĩ mà Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta.

Hãy Cầu Xin Cho Có Những Đột Phá. Hãy bước trở lại và chậm lại một chút. Hãy tìm kiếm Chúa và hãy cảm nghiệm lòng thương xót và tình yêu của Chúa. Hãy suy nghĩ về cách bạn đang sống và hãy thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh nào bạn nghĩ là cần thiết. Để giúp bạn, chúng tôi muốn đề xuất ba câu hỏi mà bạn có thể suy nghĩ.

  • Bắt đầu ngày hôm nay, tôi có thể từ bi và nhân hậu hơn như thế nào?
  • Có ai trong cuộc đời tôi cần được tôi tha thứ trong Mùa Chay này không?
  • Tôi cần tiếp cận và cầu xin sự tha thứ của ai đó trong đời tôi không?

Chúng ta hãy cầu cho có những sự đột phá trong các mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu phá bỏ những bức tường ngăn cách chúng ta để chúng ta có thể thương xót hơn, như Chúa là Đấng xót thương. Ước mong mỗi một người trong các mối quan hệ của chúng ta – những người tốt, người xấu và những người khó khăn – đều cảm nhận được lòng thương xót của Chúa!

 Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon