“Nếu tôi chạm vào áo choàng của Người….”

0

Hãy tiếp cận với sức mạnh chữa lành của Chúa trong năm mới này.

Khi Tom được chẩn đoán mắc một căn bệnh hiếm gặp, cuộc sống của anh thay đổi rất nhiều. Anh bị buộc phải nghỉ hưu. Anh ngày càng yếu đi và hầu như liên tục đau đớn. Anh đã mất quá nhiều thời gian nằm trên giường bệnh ở nhà đến nỗi mất liên lạc với một số người bạn của mình. Tất cả những điều này dồn dập xảy đến làm cho Tom cảm thấy tức giận với Chúa và cay đắng với cuộc sống. Những người bạn trong giáo xứ của anh đã cố gắng khích lệ anh, nhưng dường như điều đó chẳng thay đổi được gì.

Vài tháng sau, giáo xứ của Tom lên kế hoạch cho một sứ vụ (truyền giáo) kéo dài bốn ngày. Các bạn của Tom đã giục anh tham dự, nhưng anh không chịu đi. Nhưng sau đó, vào đêm cuối cùng của sứ vụ, Tom quyết định xuất hiện. Anh đã không mong đợi bất cứ điều gì xảy ra; anh chỉ muốn làm hài lòng các bạn của mình.

Nhưng điều gì đó đã xảy ra. Sứ vụ kết thúc với một lời mời gọi cho bất cứ ai muốn nhận được lời cầu nguyện để được chữa lành. Cảm thấy một chút hoài nghi, Tom quyết định xin cầu nguyện. Khoảnh khắc thầy phó tế và hai người khác đặt tay lên anh, Tom cảm thấy choáng ngợp với cảm giác yêu thương và ấm áp. Anh cảm thấy sự giận dữ và oán giận chồng chất trong lòng anh bắt đầu tan chảy và anh bắt đầu khóc. Và thật kỳ diệu, tại cuộc hẹn bác sĩ lần kế tiếp đó, bác sĩ tuyên bố anh có sức khỏe hoàn hảo. Thiên Chúa đã chữa lành căn bệnh của anh!

Bạn đã bao giờ miễn cưỡng cầu xin Chúa chữa lành cho bạn chưa? Có lẽ bạn không nghĩ rằng bất cứ điều gì sẽ xảy ra, hoặc bạn sợ bị thất vọng nếu những lời cầu nguyện của bạn không được trả lời. Có thể bạn cảm thấy mình không xứng đáng được chữa lành, hoặc giống như Tom, bạn tức giận với Chúa vì đã để cho bạn bị bệnh.

Trong đề tài của tháng này, chúng tôi muốn xem Chúa Giêsu muốn chữa lành chúng ta biết chừng nào bằng cách khám phá một số câu chuyện chữa lành trong Tin Mừng. Làm thế nào mà những người Giêsu đã chữa lành tiếp cận được Người? Họ đã mong đợi điều gì? Những trở ngại nào họ đã phải vượt qua? Chúng ta có thể học được gì từ những con người này?

Chúng ta không phải lúc nào cũng chứng kiến những ​​sự chữa lành thể xác đáng kinh ngạc như Tom đã trải nghiệm. Thật là một bí ẩn là Chúa chữa lành một cách kỳ diệu cho một số người nhưng không phải cho những người khác. Nhưng ngay cả khi đó không phải là sự chữa lành về thể xác, tất cả chúng ta đều cần sự chữa lành của Chúa Giêsu. Đó có thể là sự chữa lành khỏi những ký ức đau đớn trong quá khứ. Đó có thể là sự chữa lành khỏi ảnh hưởng của một lối sống tội lỗi lâu đời. Đó có thể là sự chữa lành khỏi các chứng nghiện ngập hoặc mô hình hành vi đang làm tổn thương chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta. Bạn hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra nếu trong năm mới này, chúng ta xác định một hoặc hai lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta, nơi chúng ta cần được chữa lành và hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự chữa lành đó!

Đẩy qua Các Chướng Ngại Vật. Bạn nghĩ sẽ như thế nào khi phải chịu đựng một căn bệnh đau đớn và đáng xấu hổ trong suốt mười hai năm dài? Hoặc đi khám bác sĩ nhiều lần, chỉ để được điều trị nhưng kết quả lại khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn? Còn về về gánh nặng ghê gớm của tất cả các hóa đơn y tế thì sao? Sẽ thật cám dỗ để từ bỏ và chấp nhận một cuộc sống khốn khổ, đúng không? Có lẽ bạn chỉ nên học cách đối phó với nỗi đau và hy vọng sẽ chết sớm.

Nhưng đây không phải là cách mà một người phụ nữ được mô tả trong Tin Mừng đã phản ứng. Chúng ta chỉ được biết là “người phụ nữ bị băng huyết”, bà đã làm điều gì đó táo bạo và tai tiếng, và bà đã được khen thưởng rất nhiều vì điều đó. Bà đã lách qua đám đông người đang vây quanh Chúa Giêsu và đưa tay chạm vào áo choàng của Chúa. Bà đã được chữa khỏi ngay tức khắc (x. Mc 5,25-34).

Có lẽ, nếu chúng ta nhìn vào một số trở ngại mà người phụ nữ này gặp phải, chúng ta có thể học được một số điều về mẫu đức tin mà chúng ta có thể có được – một đức tin giúp chúng ta đụng chạm với quyền năng của Thiên Chúa.

Trước hết, có những trở ngại vật lý. Chúa Giêsu vừa mới đồng ý đến nhà của ông Giaia để Chúa có thể chữa lành cho cô con gái sắp chết của ông. Phấn khích khi có cơ hội được nhìn thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, nhiều người chen chúc quanh Chúa khi Chúa đi đến đó. Bạn có thể tưởng tượng mọi người đang nói chuyện rất hào hứng với nhau, có thể họ đang hỏi Chúa Giêsu rằng Chúa sẽ chữa trị cho cô bé gái như thế nào. Làm thế nào người phụ nữ này có thể vượt qua tất cả sự hỗn loạn đó?

Bà cũng gặp trở ngại về sức khỏe yếu kém của chính mình. Mười hai năm chảy máu không kiểm soát có lẽ khiến bà rất yếu. Có lẽ bà cũng đang rất đau đớn. Sự cố gắng thể lý đơn thuần cần có để vượt qua đám đông mà đến với Chúa Giêsu có thể đủ khó nhọc để khiến bà ngất xỉu hoặc mất thăng bằng và ngã.

Bà cũng phải đối mặt với những trở ngại bên trong của nỗi sợ hãinghi ngờ của chính mình. Luật của người Do Thái xem bất kỳ người phụ nữ nào khi đang trong chu kỳ tháng của mình là ô uế, và bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai cô chạm vào cũng bị làm cho ô uế (x. Lv 15,19-33). Do đó, bạn có thể tưởng tượng trận chiến hẳn đang diễn ra trong tâm trí người đàn bà bị băng huyết ấy khi bà cố gắng chạm vào Chúa Giêsu: “Nếu ai đó nhìn thấy tôi thì sao? Thậm chí tôi có nên thực hiện điều này hay không – đó không phải là chống lại luật của Thiên Chúa sao?” Thật không có gì lạ, sau đó, bà đã đến sau lưng Chúa Giêsu. Bà không muốn mình bị người khác phát giác.

Kế hoạch của bà có thể có vẻ phi logic, thiếu sáng suốt hoặc không thể. Nhưng trong thâm tâm, người phụ nữ này tin rằng không ai trong số những trở ngại này có thể chống lại được Chúa Giêsu và mong muốn của Chúa là làm điều tốt. Bà đã tự lý luận: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5,28). Và bà đã đúng.

Không Bao Giờ là Quá Trễ. Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng luôn có chỗ cho đức tin, bất kể chúng ta có thể phải đối mặt với những thách đố nào. Bất kể những yếu tố về y tế của một căn bệnh có thể là gì, cho dù lịch sử của mối quan hệ bị tổn thương có thể xảy ra, bất kể bao nhiêu lần chúng ta có thể không chống lại nổi một lối sống tội lỗi cụ thể nào đó thì Chúa Giêsu vẫn có thể làm việc trong tình huống đó. Vấn đề không bao giờ là quá lớn và thời gian không bao giờ là quá trễ. Chúa có thể thay đổi những tình huống đau khổ nhất, làm dịu đi những tâm hồn đau khổ nhất và chữa trị những căn bệnh có sức tàn phá nhất.

Câu chuyện này cũng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đáp lại những người có lòng tin. Nhiều người đã chạm vào Chúa Giêsu khi Chúa đi trên đường ngày hôm đó. Nhưng giữa tất cả những sự đụng chạm này, chính là sự đụng chạm thoáng qua của người phụ nữ này – chỉ là một sự đụng chạm đơn giản vào chiếc áo choàng của Chúa Giêsu – vậy mà bà đã nhận được sức mạnh chữa lành của Chúa.

Có phải những người khác chỉ đơn giản là tò mò? Họ có hoài nghi không? Có phải họ chỉ quan tâm đến việc chứng kiến một phép lạ, nhưng họ đã không mang nhu cầu của riêng họ đến cho Chúa Giêsu? Chúng ta không biết; có lẽ đó là sự kết hợp của những yếu tố này và các yếu tố khác. Nhưng chúng ta biết rằng người phụ nữ này có lòng tin và bà đã được biến đổi.

Vì thế, hãy tiếp cận trong đức tin (Hãy tin tưởng mở lòng). Hãy xác định những trở ngại của riêng bạn và cố gắng vượt qua chúng. Chúa Giêsu muốn bạn đến với Người. Chúa muốn chữa lành cho bạn. Chúa chỉ yêu cầu bạn thực hiện bước đầu tiên.

Một Cuộc Gặp Gỡ Thân Mật. Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người có đức tin đều nhận được sự chữa lành chính xác mà họ cầu xin. Và cũng không phải là những người không được chữa lành thì yếu kém trong đức tin. Ngay từ khi khai nguyên Giáo Hội, các tín hữu đã bị thử thách bởi mầu nhiệm về thánh ý của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Người. Chúng ta chỉ không biết tại sao một số người được chữa lành, trong khi những người khác thì không. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu trả lời tất cả những người hướng về Chúa. Đôi khi các câu trả lời thật đáng ngạc nhiên và đôi khi chúng vượt xa sự chữa lành về thể lý mà chúng ta đang cầu xin. Nhưng cho dù sự chữa lành là về thể xác, tinh thần hay tình cảm, thì sự thật vẫn giống như những gì Thánh Phêrô đã nói vào ngày lễ Ngũ tuần cách đây hai ngàn năm: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được cứu độ” (Cv 2,21) .

Câu chuyện về người phụ nữ bị băng huyết đã thể hiện sự thật này bằng cách cho chúng ta thấy rằng lòng tin phải đặt vào chính Chúa Giêsu chứ không phải vào sức mạnh của Chúa để loại bỏ bệnh tật. Người phụ nữ đưa tay chạm vào áo choàng của Chúa, hy vọng sẽ được chữa lành về thể lý và bà đã được. Nhưng Chúa Giêsu không để bà ẩn danh. Dừng lại đột ngột, Chúa Giêsu hỏi ai đã chạm vào Người. Khi người phụ nữ kể câu chuyện của mình, Chúa Giêsu đã không mắng bà vì đã làm cho Chúa ô uế. Chúa Giêsu đã không đối xử với bà như một tên trộm. Thay vào đó, Chúa nói chuyện với bà một cách dịu dàng, Chúa gọi bà là “con gái” của Chúa và bảo đảm với bà về tình yêu và ân sủng của Chúa dành cho bà (x. Mc 5,34).

Người phụ nữ này đã được ban phúc lành, không chỉ với một sự chữa lành kỳ diệu, mà còn với một hứa hẹn hoàn toàn mới cho cuộc sống. Bà không còn bị ràng buộc bởi nỗi đau đớn và sự ốm yếu. Bà không còn là một kẻ bị ruồng bỏ. Bây giờ, bà là một người con gái yêu dấu, một thành viên của gia đình của Chúa. Trên thực tế, dường như bà đã nhận được nhiều hơn những gì bà mong đợi. Đối diện với Chúa Giêsu, bà đã nhận được một sự chữa lành sâu sắc và quan trọng hơn cả, đó là một ơn cứu độ thấm nhập vào toàn bộ con người bà.

Hãy Tiếp Cận với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn chữa lành chúng ta! Nhưng thậm chí quan trọng hơn, Chúa muốn sống thân tình với chúng ta. Chúa muốn chúng ta cảm thấy tự do mang bất cứ nhu cầu nào chúng ta có khi đến với Chúa. Chúa muốn nói với chúng ta, giống như Chúa nói với người phụ nữ này, rằng chúng ta là con trai và con gái yêu dấu của Chúa.

Vì thế, bạn đừng sợ tiếp cận với Chúa Giêsu. Hãy tiến lên và cầu xin bất cứ điều gì bạn cần, cầu cho bản thân hoặc cho người khác. Sau đó, hãy lắng nghe Chúa nói với bạn rằng bạn là con của Chúa và lòng tin của bạn đã cứu chữa bạn!

Năm Bước để Cầu Nguyện cho Sự Chữa Lành

1. Hãy tự tin

Hãy tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành và Chúa có thể chữa lành nhờ lời cầu nguyện của bạn!

Hãy tin tưởng rằng Chúa sẽ hướng dẫn bạn khi bạn bước đi trong đức tin.

2. Lắng nghe…

Hãy lắng nghe những người xin bạn cầu nguyện và nói cho bạn biết nhu cầu của họ là gì.

Hãy lắng nghe Thiên Chúa, Đấng thỉnh thoảng cho chúng ta ý thức về những gì cần cầu nguyện và cầu nguyện như thế nào.

3. Đặt tay lên người

Hãy hỏi người (muốn được chữa lành, muốn được cầu nguyện cho) xem bạn có thể đặt tay lên họ và họ có cảm thấy thoải mái khi được chạm vào không.

Hãy để tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu truyền qua bạn đến người đó.

4. Cầu nguyện cách thanh thản và bình an

Hãy mời Chúa Giêsu đến với bạn và người mà bạn đang cầu nguyện.

Hãy cụ thể hóa trong lời cầu nguyện của bạn. Hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho chính xác những gì người đó đang cần.

Hãy cầu nguyện tích cực: tuyên bố rằng Thiên Chúa thực sự đang tuôn đổ ân sủng và sự chữa lành cho bạn của bạn. Hãy tưởng tượng sự chữa lành đang diễn ra.

5. Cầu nguyện với niềm tin và lời Tạ ơn

“Lạy Cha xin hãy để cho điều này được thực hiện, theo ý muốn của Cha”

Hãy tạ ơn Chúa vì đã nghe lời cầu nguyện của bạn và đáp lời bạn bằng tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa.

Theo the Word Among us
January 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon