Thiên Chúa Đang Khao Khát Tôi
Cầu nguyện là nơi niềm khát khao Thiên Chúa của tôi gặp gỡ được niềm khát khao tôi của Thiên Chúa
BỞI: JEROME KODELL, OSB
Thánh Augustinô đã rất ấn tượng bởi câu chuyện trong chương thứ tư của Tin Mừng Gioan về việc Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria tại giếng nước.
Người phụ nữ ngạc nhiên vì Chúa Giêsu xin chị nước uống, bởi lẽ người Do Thái thời đó không liên lạc với người Samaria. Thánh Augustinô cũng ngạc nhiên trước câu hỏi của Chúa Giêsu nhưng ngài đưa khung cảnh ấy vào mức độ sâu sắc hơn. Thánh nhân nhìn người phụ nữ như một biểu tượng của Giáo Hội, đại diện cho nhân loại đang đói khát và nghèo túng, và đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu, Chúa của vũ trụ, lại hỏi xin thụ tạo miếng nước uống. Rốt cục, như Chúa Giêsu nói với người phụ nữ, thay vào đó chị nên hỏi xin Người cho chị uống nước hằng sống.
Giáo Lý lấy gợi ý từ Thánh Augustinô và nhìn nhận Chúa Kitô đang khao khát gặp gỡ mỗi người: “Chúa Giêsu khát; lời xin của Người xuất phát từ cõi sâu thẳm của Thiên Chúa, Đấng khát mong chúng ta. Cầu nguyện, dù chúng ta có biết điều này hay không, là cuộc gặp gỡ giữa sự khao khát của Thiên Chúa với sự khao khát của chúng ta. Thiên Chúa khao khát chúng ta khao khát Ngài” (2560). Một ý tưởng thật hấp dẫn! Thiên Chúa khao khát một mối tương quan với tôi! Chúng ta rất ý thức rằng chúng ta nên tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chúng ta có biết rằng Thiên Chúa đang tìm kiếm chúng ta trước không? Kinh Thánh nói với chúng ta điều đó, nhưng điều đó khó có thể cân xứng. “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19); “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thường bị cản trở và quấy rầy với những bận tâm về việc làm cho đúng. Chúng ta không biết cầu nguyện là phải nói những gì, hoặc cầu nguyện bao lâu. Chúng ta lo lắng về những chia trí hoặc sự ngủ gật. Thái độ không nghiêm trang của chúng ta chẳng khác gì xúc phạm đến Chúa hơn là ngợi khen Người? Lý do duy nhất mà Kinh Thánh đưa ra cho việc trì hoãn cầu nguyện là nếu chúng ta không được hòa giải với ai đó (x. Mt 5,23-24): không liên quan gì đến cảm giác xứng đáng hoặc thành quả của chúng ta. Thiên Chúa vui thích với sự hiện diện của chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta là đủ. “Thiên Chúa khao khát chúng ta khao khát Người” (Giáo lý, 2560). Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người bà nhăn mặt vì một chiếc giầy chưa tháo dây khi một đứa cháu nhảy vào lòng mình chưa? Hầu hết những nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta về cầu nguyện là do chúng ta tự áp đặt. Chúng giống như một sự nhầm lẫn về Thiên Chúa là ai, chúng ta là ai và cầu nguyện là gì. Thiên Chúa là người Cha yêu thương của chúng ta và chúng ta là những đứa con rất được yêu thương của Chúa, và lời cầu nguyện là cách chúng ta bày tỏ mong muốn được tương giao với Người.
Chúng ta có thể bị ngăn trở với hình ảnh thời thơ ấu của Thiên Chúa như ông già Noel hàng ngày của chúng ta, và vẫn dành thời gian cầu nguyện để lập danh sách và kiểm tra nó hai lần. Nhắm mục đích những gì chúng ta muốn Thiên Chúa làm cho chúng ta là một phần của tương quan cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng mô hình tầm thường này phải trưởng thành hơn trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa như chúng ta sống với mọi người. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta thích đến thăm họ hàng vì những gì họ đã cho chúng ta; khi trưởng thành, chúng ta ghé thăm họ vì mối tương quan.
Sự chuyển đổi này trong cầu nguyện này được diễn tả thật tuyệt vời bởi thánh vịnh gia người đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Một đứa trẻ cai sữa là một người không còn tìm đến mẹ để bú sữa. Trước đó, em bé đang đến với mẹ để nhận thứ gì đó. Một đứa trẻ cai sữa đến với mẹ chỉ để được ở bên mẹ. Chúng ta khao khát để từ bỏ việc cầu nguyện với Chúa chỉ để cầu xin ơn này điều kia, thay vào đó chúng ta hãy cầu nguyện vì yêu mến Chúa. Đó là những gì Thiên Chúa đang khao khát. “Đời sống Kitô hữu bao gồm việc liên tục leo lên ngọn núi để gặp ‘Thiên Chúa và sau đó quay trở lại’” (Giáo hoàng Benedict XVI, Thông điệp cho Mùa Chay 2013, phần 3).
Pauline Martin, chị gái của Thánh Therese of Lisieux, là người đầu tiên trong năm chị em bước vào đời sống tu trì. Trong một bộ phim về cuộc đời của Thánh Therese, Pauline, người đang chuẩn bị vào Dòng Carmel, giải thích với các em về sự phấn khích của chị “Chị phải đi. Chúa Giêsu đang chờ đợi chị”. Đôi khi chúng ta có một quan niệm về Thiên Chúa là Đấng không xúc cảm, vô tình và không động lòng dù chúng ta quay lại với Người hay không. Đó là Thiên Chúa của sự trừu tượng triết học, chứ không phải Thiên Chúa của Kinh thánh. Thiên Chúa đã mạc khải trong Kinh rằng Người yêu thương chúng ta hơn cả một người mẹ (x. Is 49,15) và như một người cha yêu thương lo lắng cho con trai mình, luôn nóng lòng mong con trở về nhà (x. Hs 11,1-4). Thiên Chúa sẵn sàng đánh đổi cả thế giới vì bất kỳ ai trong chúng ta: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương (nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi, nộp bao dân nước thế mạng ngươi” (Is 43,4). Đây là Vị Thiên Chúa đang khao khát chúng ta, vui thích trong chúng ta, chờ đợi chúng ta. Cầu nguyện là nơi niềm khát khao Thiên Chúa của tôi gặp gỡ được niềm khát khao tôi của Thiên Chúa.
Trích từ Thiên Chúa có ở trong Top Ten của tôi không? của Jerome Kodell, OSB (The Word Among Us Press, 2018). Có sẵn tại wau.org/books.
Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương