Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững

0

Đức Thánh Cha Phanxico
khẳng định tầm quan trọng của việc
đạt được những mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị Quốc tế ‘Tôn giáo và những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất và của người nghèo’

08 tháng Ba, 2019 16:11

JIM FAIR

Ngày 8 tháng Ba, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được Những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) được hơn 190 quốc gia thông qua năm 2015.

Phát biểu của ngài trong Đại sảnh Clementine của Điện Tông Tòa Vatican, nơi ngài tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Các Tôn giáo và Những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs): Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất và của người Nghèo”, được tổ chức bởi Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, diễn ra trong Đại sảnh New Synod của Vatican từ ngày 7 đến 9 tháng Ba.

“Những giải pháp là điều tôi hy vọng có được từ Hội nghị này: những phản ứng cụ thể trước tiếng khóc của Trái Đất và tiếng khóc của người nghèo,” Đức Thánh Cha nói. “Những cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển thật sự theo con đường bền vững qua các tiến trình mở rộng cho sự tham gia của mọi người. Những đề nghị cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những người thiếu thốn, áp dụng theo những điều Đức Giáo hoàng Benedict XVI gọi là ‘cơ hội chưa từng có cho việc tái phân chia trên diện rộng tài sản trên mức độ toàn thế giới.’ Các chính sách kinh tế cụ thể tập trung vào con người và có thể thúc đẩy một thị trường và xã hội nhân văn hơn. Những biện pháp kinh tế cụ thể nghiêm túc cân nhắc về ngôi nhà chung của chúng ta. Các cam kết cụ thể về đạo đức, dân sự và chính trị phát triển cùng với người chị trái đất của chúng ta và không bao giờ chống lại người chị ấy.”

Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải lôi cuốn tất cả mọi người cùng tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp quan trọng của những người dân bản địa.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Kính Thưa quý ngài,

Kính thưa các vị Lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo thế giới,

Thưa quý vị đại diện của các Tổ chức Quốc tế,

Thưa quý vị,

Tôi xin chào thân ái tất cả quý vị đến tham dự Hội nghị Quốc tế về Các Tôn giáo và Những Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tính bền vững và Bao gồm

Khi chúng ta nói về tính bền vững, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc bao gồm và lắng nghe mọi tiếng nói, đặc biệt là tiếng nói của những người thường bị gạt ra khỏi buổi thảo luận này, như tiếng nói của người nghèo, người di cư, người bản địa, người trẻ. Tôi rất vui khi thấy rất nhiều tham dự viên tại hội nghị này mang đến nhiều tiếng nói, ý kiến và đề xuất, có thể đóng góp cho những con đường phát triển mang tính xây dựng mới. Điều quan trọng là việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thực sự tôn trọng bản chất ban đầu của chúng, đó là tính bao gồm và sự tham gia.

Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững, được hơn 190 quốc gia thông qua vào tháng Chín năm 2015, là một bước tiến lớn cho sự đối thoại toàn cầu, đánh dấu một “sự đoàn kết mới và phổ quát” vô cùng quan trọng” (Tông huấn Laudato Si’, 14). Các truyền thống tôn giáo khác nhau, gồm cả truyền thống Công giáo, đã đón nhận các mục tiêu phát triển bền vững bởi vì chúng là kết quả của những quá trình có sự tham gia toàn cầu, về một mặt, phản ánh các giá trị của con người, và mặt khác, được duy trì bởi một tầm nhìn phát triển toàn diện.

Phát triển toàn diện

Tuy nhiên, việc đề xuất một cuộc đối thoại về sự phát triển toàn diện và bền vững cũng đòi hỏi phải chân nhận rằng “sự phát triển” là một khái niệm phức tạp, thường bị thao túng. Khi chúng ta nói về sự phát triển, chúng ta phải luôn đặt câu hỏi: Phát triển về cái gì? Phát triển cho ai? Trong suốt một thời gian dài, ý tưởng thông thường về sự phát triển hầu như hoàn toàn bị giới hạn trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Các chỉ số phát triển quốc gia đều dựa trên các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này đã khiến hệ thống kinh tế hiện đại đi vào một con đường nguy hiểm, ở đó sự tiến bộ chỉ được đánh giá thuần túy về mặt tăng trưởng vật chất, vì chúng ta gần như bị buộc phải khai thác môi trường và đồng loại một cách bất hợp lý.

Như đấng tiền nhiệm của tôi Thánh Phaolô VI đã nhấn mạnh rất đúng, nói về sự phát triển con người có nghĩa là nói đến tất cả mọi người – không chỉ một số người – và con người toàn diện – không riêng chiều kích vật chất (x. Thông điệp Populorum Progressio, 14). Do đó, bất kỳ cuộc thảo luận hiệu quả nào về sự phát triển đều phải đưa ra các mô hình khả thi về sự hội nhập xã hội và hoán cải môi sinh, vì chúng ta không thể phát triển bản thân là con người bằng cách thúc đẩy sự bất bình đẳng và suy thoái môi trường.[1]

Từ chối những mô hình tiêu cực, và đề xuất các con đường thay thế để tiến tới, không chỉ áp dụng cho người khác mà áp dụng cho cả chúng ta. Tất cả chúng ta cần phải cam kết thúc đẩy và thực hiện các mục tiêu phát triển được hỗ trợ bởi các giá trị tôn giáo và đạo đức sâu sắc nhất của chúng ta. Phát triển con người không chỉ là vấn đề kinh tế hay là vấn đề dành riêng cho các chuyên gia quan tâm; nó là một ơn gọi, một tiếng gọi đòi hỏi một câu trả lời tự do và có trách nhiệm (x. Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 16-17).

Các mục tiêu (Đối thoại và Cam kết)

Những giải pháp là điều tôi hy vọng có được từ Hội nghị này: những phản ứng cụ thể trước tiếng khóc của Trái Đất và tiếng khóc của người nghèo. Những cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển thật sự theo con đường bền vững qua các tiến trình mở rộng cho sự tham gia của mọi người. Những đề nghị cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những người thiếu thốn, áp dụng theo những điều Đức Giáo hoàng Benedict XVI gọi là “cơ hội chưa từng có cho việc tái phân chia trên diện rộng tài sản trên mức độ toàn thế giới.” (nt. 42) Các chính sách kinh tế cụ thể tập trung vào con người và có thể thúc đẩy một thị trường và xã hội nhân văn hơn. Những biện pháp kinh tế cụ thể nghiêm túc cân nhắc về ngôi nhà chung của chúng ta. Các cam kết cụ thể về đạo đức, dân sự và chính trị phát triển cùng với người chị trái đất của chúng ta và không bao giờ chống lại người chị ấy.

Mọi sự đều được liên kết

Tôi cũng vui mừng khi biết rằng các tham dự viên của hội nghị này sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của tôn giáo khi họ thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả những người tham gia vào cuộc đối thoại về vấn đề phức tạp này được mời gọi phải vượt xa hơn lĩnh vực chuyên môn của họ theo một cách nào đó để tìm được câu trả lời chung cho tiếng khóc của trái đất và của người nghèo. Những người trong các tôn giáo chúng ta cần mở ra các kho báu của những truyền thống tốt đẹp nhất của chúng ta để tham gia vào một cuộc đối thoại chân thực và đầy tôn trọng về cách xây dựng tương lai cho hành tinh của chúng ta. Các câu chuyện tôn giáo, mặc dù rất xa xưa, thường chứa đầy tính biểu tượng và mang “một niềm tin mà ngày nay chúng ta chia sẻ, rằng mọi sự đều được liên kết với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho cuộc sống và những mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công bằng và trung tín với người khác” (Tông huấn Laudato Si’, 70).

Về mặt này, Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc đề nghị tổng hợp tất cả các mục tiêu bằng ‘5 chữ P’: con người (person), hành tinh (planet), thịnh vượng (prosperity), hòa bình (peace) và hợp tác (partnership). [2] Tôi biết rằng hội nghị này cũng đang tập trung vào ‘năm chữ P’.

Tôi hoan nghênh cách tiếp cận thống nhất cho các mục tiêu này, nó có thể giúp chúng ta thoát khỏi cách hiểu về sự thịnh vượng dựa trên tính hoang tưởng về sự tăng trưởng và tiêu dùng vô độ (x. Tông huấn Laudato Si’, 106), trong đó chúng ta chỉ phụ thuộc vào sự tiến bộ công nghệ cho tính bền vững. Vẫn có những người ngoan cố ủng hộ sự hoang tưởng, và họ nói với chúng ta rằng các vấn đề xã hội và môi sinh sẽ tự nó giải quyết đơn giản bằng cách áp dụng các công nghệ mới, mà không cần phải cân nhắc về tính đạo đức hoặc sự thay đổi sâu sắc (x. nt. 60).

Sự tiếp cận toàn diện dạy chúng ta rằng điều này là không đúng. Mặc dù chắc chắn cần phải hướng đến một loạt các mục tiêu phát triển, nhưng điều này là không đủ cho một trật tự thế giới công bằng và bền vững. Những mục tiêu kinh tế và chính trị phải được duy trì bởi các mục tiêu đạo đức, nó hàm ý về một sự thay đổi thái độ: điều mà Kinh Thánh gọi là một sự thay đổi tâm hồn. Thánh Gioan Phaolô II đã nói về sự cần thiết phải “khuyến khích và ủng hộ ‘hoán cải môi sinh’” (Giáo lý, 17 tháng Một, 2001). Thuật ngữ này rất mạnh mẽ: hoán cải môi sinh. Các tôn giáo có một vai trò then chốt trong việc thực hiện điều này. Để có một sự thay đổi chính xác hướng tới một tương lai bền vững, chúng ta phải nhận ra “những sai sót, các tội, những lỗi lầm và thất bại của chúng ta”, điều này dẫn đến “sự ăn năn chân thành và khao khát thay đổi”; theo cách này, chúng ta sẽ được hòa giải với những người khác, với tạo vật và với Đấng Tạo Hóa (x. Tông huấn Laudato Si’, 218).

Nếu chúng ta muốn đưa ra một nền tảng vững chắc cho công cuộc của Chương trình Nghị sự 2030, chúng ta phải gạt bỏ cám dỗ muốn tìm kiếm một sự ứng phó thuần kỹ thuật đối với các thách đố – điều này không tốt – và sẵn sàng  giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và những hậu quả lâu dài.

Các dân tộc bản địa

Nguyên tắc trọng yếu của tất cả các tôn giáo là tình yêu đối với tha nhân và sự chăm sóc tạo vật. Tôi muốn hướng sự chú ý đến một nhóm đặc biệt gồm những người thuộc tôn giáo, cụ thể đó là các dân tộc bản địa. Mặc dù họ chỉ đại diện cho năm phần trăm dân số thế giới, nhưng họ chăm sóc khoảng hai mươi hai phần trăm diện tích đất Trái đất. Sống ở các khu vực như Amazon và Bắc Cực, họ giúp bảo vệ khoảng tám mươi phần trăm hệ sinh thái của hành tinh. Theo UNESCO, “các dân tộc bản địa là những người giám hộ và người thực hành các nền văn hóa và mối quan hệ duy nhất với môi trường tự nhiên. Họ là hiện thân của một sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa là trung tâm của tính nhân loại chung của chúng ta”.[3]

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong một thế giới bị thế tục hóa quá mạnh, những dân tộc như vậy nhắc tất cả chúng ta về sự thiêng liêng của trái đất chúng ta. Điều này có nghĩa là tiếng nói và những mối quan tâm của họ cần phải là trung tâm cho việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và là trung tâm của việc tìm kiếm những con đường mới cho một tương lai bền vững. Tôi cũng sẽ thảo luận vấn đề này với các huynh đệ giám mục của tôi tại Thượng Hội đồng cho Vùng Pan-Amazon, vào cuối tháng Mười năm nay.

Kết luận

Anh chị em thân mến, hôm nay, sau ba năm rưỡi kể từ khi thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta thậm chí phải ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tăng tốc và áp dụng các hành động của mình trong việc trả lời thỏa đáng cho tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo (x. Tông huấn Laudato Si’, 49) – chúng có sự liên kết.

Những thách đố là phức tạp và có nhiều nguyên nhân; do đó, sự phản ứng nhất thiết phải phức tạp và có kết cấu tốt, tôn trọng những gia tài văn hóa đa dạng của các dân tộc. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến việc phát triển một hệ sinh thái đủ khả năng sửa chữa những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra, thì không nên bỏ qua một ngành khoa học hoặc hình thái khôn ngoan nào, và điều này bao gồm các tôn giáo và ngôn ngữ đặc thù của chúng (x. nt. 63). Các tôn giáo có thể giúp chúng ta trên con đường phát triển toàn diện đích thực, đó là một tên mới của nền hòa bình (x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 26 tháng Ba 1967, 76-77).

Tôi xin bày tỏ sự lòng cảm kích chân thành đối với những nỗ lực của quý vị trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta với sự phục vụ thúc đẩy một tương lai bền vững toàn diện. Tôi biết rằng, có những lúc, nó có vẻ là một nhiệm vụ quá khó khăn. Tuy nhiên, “con người, dù có thể làm những điều xấu nhất, vẫn có khả năng vượt lên chính mình, lựa chọn lại những gì tốt, và tạo ra một khởi đầu mới” (Tông huấn Laudato Si’, 205). Đây là sự thay đổi mà những hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi vì sự bất công đem đến nước mắt cho thế giới của chúng ta và cho người nghèo của nó không phải là bất khả chiến bại. Cảm ơn quý vị.

___________________

[1] Chẳng hạn, do những bất bình đẳng trong phân phối quyền lực, gánh nặng nợ nần quá lớn đặt lên vai những người nghèo và các nước nghèo, khi sự thất nghiệp lan rộng cho dù có sự mở rộng thương mại hoặc khi mọi con người bị đối xử đơn thuần như là những phương tiện cho sự sự phát triển của người khác, chúng ta cần đặt vấn đề toàn diện về mô hình phát triển chính của chúng ta. Theo cùng một cách thức, khi nhân danh sự tiến bộ chúng ta lại phá hủy nguồn mạch phát triển – ngôi nhà chung của chúng ta – thì mô hình chi phối phải bị xem xét lại. Bằng cách đặt vấn đề đối với mô hình này và rà soát lại nền kinh tế thế giới, những người tham gia trong cuộc đối thoại về sự phát triển sẽ có thể tìm thấy một hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu thay thế. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân của sự biến dạng phát triển, đó là điều trong giáo huấn xã hội Công giáo gần đây gọi tên là “những tội theo cơ cấu”. Việc lên án những tội như vậy là một đóng góp tốt mà các tôn giáo đưa vào cuộc thảo luận về sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh sự lên án này, chúng tôi cũng phải vạch ra được những cách chuyển đổi khả thi cho con người và cho các cộng đồng.

[2] X. LHQ, Thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự 2030 về sự Phát triển Bền vững, 2015.

[3] UNESCO, Thông điệp từ Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO nhân dịp Ngày quốc tế về Các Dân tộc Bản địa của Thế giới, 9 Tháng Tám, 2017.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2019]

Comments are closed.

phone-icon