Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi – bản PDF- trang 14)

0

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

ZENIT STAFF

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.

 

Nội dung:

GIỚI THIỆU

LỜI NÓI ĐẦU

PHẦN I “NGƯỜI CÙNG ĐI VỚI HỌ”

Chương 1 Một Giáo hội lắng nghe

Chương II Ba yếu tố then chốt

Chương III Bản sắc và những mối quan hệ

Chương IV Người trẻ ngày nay

PHẦN II “MẮT HỌ LIỀN MỞ RA”

Chương I Món quà của tuổi trẻ

Chương II Sự huyền nhiệm của ơn gọi

Chương III Sứ mạng đồng hành

Chương IV Nghệ thuật phân định

PHẦN III HỌ LIỀN LÊN ĐƯỜNG

Chương I Tính Công đồng Thừa sai của Giáo hội

Chương II Đồng hành trong cuộc sống mỗi ngày

Chương III Sức mạnh thừa sai được canh tân

Chương IV Sự Đào tạo toàn diện

KẾT LUẬN

***

GIỚI THIỆU

Sự kiện Công đồng mà chúng tôi trải nghiệm

  1. Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng” (Cv 2:17;  x. Ge 3:1). Đây là điều chúng tôi đã trải nghiệm trong suốt Thượng Hội đồng, cùng nhau bước đi và lắng nghe tiếng nói của Thần Khí. Người làm chúng tôi kinh ngạc với sự dồi dào ơn sủng của Người, Người đổ đầy cho chúng tôi sự can đảm và sức mạnh của Người để mang niềm hy vọng đến cho thế giới.

Chúng tôi cùng đồng hành với nhau, với Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô, người củng cố cho chúng tôi thêm niềm tin và truyền cho chúng tôi sức mạnh tươi mới và lòng nhiệt thành cho sứ mạng. Cho dù chúng tôi đến từ nhiều nền tảng hoàn toàn khác nhau về văn hóa và hội thánh, nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức được mối ràng buộc về tinh thần hiệp nhất chúng tôi, một khao khát đối thoại và một sự thấu cảm thật sự. Chúng tôi cùng làm việc, chia sẻ những điều quan tâm sâu sắc nhất, trao đổi những điều lo lắng, không che giấu những gánh nặng của chúng tôi. Nhiều bài phát biểu đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn chúng tôi và làm thức tỉnh mong muốn rao giảng phúc âm của chúng tôi: chúng tôi cảm nhận như một thân thể, cùng chịu chung sự đau khổ và niềm vui. Chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người ơn sủng mà chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi muốn truyền đạt niềm vui của Tin mừng về cho các Giáo hội của chúng tôi và cho toàn thế giới.

Sự hiện diện của các bạn trẻ là một sự khởi đầu mới: qua họ tiếng nói của tất cả một thế hệ được lắng nghe thật dõng dạc và rõ ràng tại Thượng Hội đồng. Cùng đồng hành với họ như là những người hành hương về mộ của Thánh Phê-rô, chúng tôi có kinh nghiệm về cách thức cùng đồng hành như vậy tạo ra những điều kiện để Giáo hội trở thành một không gian cho sự đối thoại và một chứng tá cho tình huynh đệ trao tặng sự sống. Sức mạnh của kinh nghiệm này vượt qua mọi sự mệt mỏi và yếu đuối. Thiên Chúa tiếp tục nói với chúng tôi nhiều lần: Đừng sợ, Ta ở cùng các con.

Tiến trình chuẩn bị

2.  Chúng tôi đã thu được những ích lợi rất lớn từ những đóng góp của các giám mục và từ những sự hiểu biết sáng suốt của các linh mục, các tu sĩ, các giáo dân, các chuyên gia, các nhà giáo và nhiều người khác. Ngay từ đầu các bạn trẻ đã tham gia vào trong tiến trình của thượng hội đồng: bản câu hỏi đăng trên mạng, rất nhiều những đóng góp của cá nhân và trên tất cả đó là cuộc Họp Tiền Thượng Hội đồng là một dấu chỉ hùng hồn cho điều này. Sự đóng góp của họ là vô cùng quan trọng, cũng giống như câu chuyện những ổ bánh và những con cá: Chúa Giê-su đã có thể thực hiện phép lạ nhờ vào những hành động hữu ích của một cậu bé quảng đại dâng lên Người những gì cậu có (x. Ga 6:8-11).

Tất cả những đóng góp đều được tóm tắt trong Instrumentum Laboris (Tài liệu làm việc), nó cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc thảo luận trong suốt các tuần lễ diễn ra Đại Hội đồng. Bây giờ Tài liệu Đúc kết tập hợp lại những kết quả của tiến trình này và sẽ phát hành nó trong tương lai: nó cho biết những gì đã được các Nghị phụ công nhận, làm sáng tỏ và lựa chọn dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Tài liệu Đúc kết của Đại Hội Thượng Hội đồng

3. Điều quan trọng là phải làm rõ về mối quan hệ giữa Instrumentum Laboris (Tài liệu Làm việc) Tài liệu Đúc kết. Tài liệu ban đầu là một khung tham chiếu toàn diện và tổng hợp những gì đã lắng nghe trong suốt hai năm; tài liệu về sau là kết quả của sự phân định về sau và nó tổng hợp những điểm thảo luận then chốt theo chủ điểm mà các Nghị Phụ đã dành rất nhiều thời gian và sự quan tâm tập trung vào. Vì vậy chúng tôi đánh giá rất cao tính đa dạng và sự bổ khuyết của hai văn bản này.

Tài liệu này được trình lên Đức Thánh Cha (x. Francis, Episcopalis Communio, 18; Instruction, art. 35 §5) và cùng với toàn thể Giáo hội như là hoa trái của Thượng Hội đồng lần này. Vì tiến trình Thượng Hội đồng vẫn chưa kết thúc và giai đoạn áp dụng vẫn còn ở phía trước (x. Episcopalis Communio, 19-21), Tài liệu Đúc kết sẽ là một bản đồ chỉ dẫn cho những bước đi tiếp theo mà Giáo hội được kêu gọi phải thực hiện.

*    Trong tài liệu này thuật ngữ “Thượng Hội đồng” có thể chỉ về toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng hoặc là Đại Hội đồng Chung diễn ra từ ngày 3 đến 28 tháng Mười năm 2018.

LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giê-su đồng hành với các môn đệ về làng Ê-mau

4. Chúng ta lấy trình thuật hành trình về làng Ê-mau (x. Lc 24:13-35) như là một văn bản mẫu để hiểu về sứ mạng của Giáo hội cho các thế hệ trẻ. Trình thuật này miêu tả thật đúng những gì chúng tôi đã trải nghiệm tại Thượng Hội đồng và những gì chúng tôi muốn mọi người trong các Giáo hội địa phương của chúng tôi có thể có kinh nghiệm đối với giới trẻ. Chúa Giê-su cùng đi với hai người môn đệ, họ không hiểu được ý nghĩa của những gì đã xảy ra cho Ngài, trong khi họ đang rời khỏi Giê-ru-sa-lem và rời bỏ cộng đoàn. Để có thể trở thành người bạn đường của họ, Người cùng đi với họ. Người hỏi họ những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe các biến cố theo cách kể của họ, để giúp họ nhận biết những gì họ đang trải nghiệm. Rồi, với tình yêu thương và sự sinh động, Người công bố Lời cho họ, giúp họ làm sáng tỏ các biến cố mà họ đã trải qua dưới ánh sáng của các Sách Thánh. Người nhận lời mời ở lại với họ khi trời đã tối: Người đi vào đêm tối của họ. Khi họ lắng nghe, tâm hồn họ rực cháy cùng với họ và tâm trí của họ được soi sáng; khi bẻ bánh mắt của họ được mở ra. Bây giờ chính họ là những người lựa chọn ngay lập tức lên đường đi theo hướng ngược lại, trở về với cộng đoàn, chia sẻ kinh nghiệm cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Sống Lại.

Tiếp nối với Tài liệu Làm việc, Tài liệu Đúc kết bao gồm ba phần phù hợp với các giai đoạn của câu chuyện Tin mừng này. Phần đầu được lấy chủ đề là “Người cùng đi với họ” (Lc 24:15) và nó làm rõ những điều các Nghị Phụ nhận biết ra bối cảnh mà những người trẻ đang ở trong đó, làm rõ những điểm mạnh và những thách đố. Phần thứ hai, “Mắt họ liền mở ra” (Lc 24:31), là phần làm sáng tỏ và cung cấp một số công cụ căn bản để hiểu được chủ đề của thượng hội đồng. Phần thứ ba, với chủ đề “Họ liền lên đường” (Lc 24:33), trình bày những lựa chọn cho sự hoán cải tinh thần, mục vụ và thừa sai.

PHẦN I

“NGƯỜI CÙNG ĐI VỚI HỌ”

5. “Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24:13-15).

Trong trích đoạn này tác giả tin mừng chuyển tải nhu cầu của hai người lữ khách đi tìm ý nghĩa của những biến cố mà họ đã trải qua. Ngài tập trung đặc biệt vào thái độ của Chúa Giê-su cùng đi với họ trên hành trình. Chúa Phục Sinh muốn cùng sánh bước bên cạnh tất cả mọi người trẻ, lắng nghe những mong chờ của họ, cho dù đó là những điều không đạt được, và những hy vọng của họ, dù đó là những hy vọng nhỏ bé. Chúa Giê-su cùng đi, lắng nghe và chia sẻ.

Chương 1
Một Giáo hội lắng nghe
Lắng nghe và nhìn với lòng cảm thông

Giá trị của sự lắng nghe

6. Lắng nghe là một sự gặp gỡ trong tự do, nó đòi hỏi sự khiêm nhường, kiên nhẫn, sẵn sàng thấu hiểu, và một cam kết sẵn sàng trình bày những câu trả lời theo một cách mới. Lắng nghe biến đổi tâm hồn của những người thực hiện nó, đặc biệt khi nó diễn ra trong tâm tình hòa hợp và vâng nghe Thần Khí. Vì vậy nó không chỉ là sự thu thập thông tin, cũng không phải là một sách lược để đạt được một mục tiêu, nhưng nó là một cách thức mà chính Thiên Chúa liên hệ với dân của Người. Thiên Chúa nhìn thấy sự khốn khổ của dân Người và nghe thấy tiếng khóc của họ, Người thực sự mủi lòng và Người xuống để giải thoát họ (x. Xh 3:7-8). Qua việc lắng nghe, Giáo hội đi vào chuyển động của Thiên Chúa, Đấng qua Con của Người, đã xuống thế để đến gần với từng con người.

Người trẻ muốn được lắng nghe

7. Người trẻ được kêu gọi phải đưa ra những lựa chọn kiên định tạo hướng đi cho cuộc sống của họ; họ bày tỏ khát khao được lắng nghe, được công nhận, và được đồng hành. Nhiều bạn trẻ thấy rằng tiếng nói của họ không được xem là đáng quan tâm hay hữu ích trong phạm vi xã hội và giáo hội. Trong một số tình huống tiếng kêu của họ rất ít được chú ý, đặc biệt là tiếng kêu của những bạn trẻ nghèo và bị bóc lột – rất ít người lớn sẵn sàng và có thể lắng nghe họ.

Sự lắng nghe trong Giáo hội

8. Trong Giáo hội có rất nhiều sáng kiến và những trải nghiệm củng cố có thể cung cấp cho người trẻ một trải nghiệm được chấp nhận, được lắng nghe và biết cách làm cho họ được lắng nghe. Tuy vậy, Thượng Hội đồng nhận thấy rằng cộng đoàn hội thánh không phải luôn luôn thành công trong việc chuyển tải thái độ của Chúa Giê-su đối với các môn đệ đi làng Ê-mau, khi Người hỏi họ, trước khi soi sáng cho họ bằng Lời, “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24:17). Đôi khi có thể theo khuynh hướng đưa ra những câu hỏi được đóng gói trước và những giải pháp đã được chuẩn bị sẵn, mà không cho phép những câu hỏi của người trẻ được trổi lên theo tính trẻ trung của họ và gắn liền với những thách đố mà họ đưa ra.

Lắng nghe có thể tạo ra sự trao đổi các ơn sủng trong một bối cảnh cảm thông. Nó cho phép họ cống hiến những đóng góp riêng của họ cho cộng đoàn, giúp cộng đoàn nắm bắt những sự nhạy bén mới và cân nhắc những câu hỏi mới, đồng thời cộng đoàn thiết lập những điều kiện cho sự loan báo Tin mừng có thể thật sự chạm đến được tâm hồn, một cách sâu sắc và hiệu quả.

Lắng nghe như những mục tử và những người giáo dân có đủ trình độ chuyên môn

9. Lắng nghe là một yếu tố then chốt trong thừa tác vụ của các mục tử, trên hết đó là thừa tác vụ của các giám mục, mặc dù các giám mục thường xuyên mang những gánh nặng của nhiều trách vụ và các ngài phải cố gắng tìm thời gian đủ cho sự phục vụ đặc biệt này. Nhiều vị chỉ ra sự thiếu vắng những người đủ khả năng cống hiến cho sự đồng hành này. Tin tưởng vào giá trị thần học và mục vụ của việc lắng nghe dẫn đến nhu cầu phải cân nhắc lại và canh tân những con đường mà thừa tác vụ linh mục được thực hiện theo cách thông thường và cân nhắc đến những tính ưu tiên của nó. Ngoài ra, Thượng Hội đồng nhận thấy sự cần thiết phải đào tạo những người tận hiến và những giáo dân, nam và nữ, đủ trình độ chuyên môn để đồng hành với người trẻ. Đặc sủng của việc lắng nghe mà Thánh Thần kêu gọi trong các cộng đoàn cũng có thể nhận được sự công nhận về mặt thể chế như một hình thức phục vụ hội thánh.

Sự đa dạng của các bối cảnh và văn hóa

Một thế giới đông đảo

10. Cấu trúc chính của Thượng Hội đồng mang đến sự hiện diện và đóng góp của nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới, làm nổi bật lên vẻ đẹp của một Giáo hội hoàn vũ. Cho dù trong một bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển, nhưng các Nghị Phụ yêu cầu rằng những sự khác biệt giữa các bối cảnh và các nền văn hóa, thậm chí ngay trong một quốc gia, đều phải được ghi chú đầy đủ. Tính đa dạng của các thế giới của người trẻ quá lớn đến mức trong một số quốc gia có khuynh hướng sử dụng thuật ngữ “giới trẻ” (youth) ở số nhiều. Ngoài ra độ tuổi được quy định bởi Thượng Hội đồng hiện tại (16-29 tuổi) không đại diện cho một nhóm duy nhất, nhưng bao gồm nhiều nhóm khác nhau và mỗi nhóm có kinh nghiệm cuộc sống riêng của họ.

Tất cả những khác biệt này có một tác động sâu sắc đến kinh nghiệm thực tế của người trẻ: chúng ảnh hưởng đến những giai đoạn trưởng thành khác nhau, những hình thái kinh nghiệm về tôn giáo, cấu trúc gia đình và tầm quan trọng của nó cho sự truyền đạt đức tin, những mối quan hệ giữa các thế hệ – chẳng hạn như vai trò của người lớn tuổi và sự tôn trọng dành cho họ – những cách thức tham gia vào đời sống xã hội, những thái độ hướng đến tương lai, những câu hỏi về đại kết và liên tôn. Thượng Hội đồng ghi nhận và chấp nhận sự dồi dào trong tính đa dạng của các nền văn hóa và và lấy chính nó để phục vụ cho sự hiệp thông của Thần Khí.

Những thay đổi đang diễn ra

11. Điều đặc biệt quan trọng là sự khác biệt về động lực nhân khẩu học giữa các quốc gia có tỷ lệ sinh cao, trong đó những người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể và ngày càng tăng về dân số, và những quốc gia mà sự ảnh hưởng của giới trẻ đang mất dần đi tầm quan trọng. Một yếu tố khác biệt hơn nữa là do kết quả của lịch sử: có những quốc gia và lục địa với truyền thống Kitô giáo từ xa xưa, với nền văn hóa được in đậm nét trong ký ức và không thể dễ dàng bị gạt bỏ, nhưng cũng có những quốc gia và lục địa được in dấu bởi các truyền thống tôn giáo khác, trong đó Ki-tô giáo là một nhóm thiểu số – thường là nhóm thiểu số mới đến. Một lần nữa ở các lãnh thổ khác, các cộng đồng Ki-tô giáo và những người trẻ thuộc về những cộng đồng đó phải gánh chịu sự bắt bớ.

Sự loại trừ và gạt ra bên lề

12. Tiếp đến là những sự khác biệt giữa các quốc gia – và trong lãnh thổ các quốc gia – do cấu trúc xã hội và sức mạnh kinh tế phân chia, đôi khi rất gay gắt, giữa những người tiếp cận được với các cơ hội ngày càng tăng của sự toàn cầu hóa và những người sống bên lề xã hội hoặc trong những vùng nông thôn và những người bị loại trừ hoặc gạt bỏ. Một số biện pháp can thiệp cho thấy Giáo hội cần phải can đảm đứng về phía họ và giúp xây dựng các giải pháp thay thế để tháo bỏ tình trạng loại trừ và gạt ra bên lề, củng cố sự chấp nhận, đồng hành và hội nhập. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết phải nhận thức được sự thờ ơ cũng tác động đến nhiều Kitô hữu, để có thể vượt qua nó bằng cách đào sâu chiều kích xã hội của đức tin.

Nam giới và nữ giới

13. Chúng ta cũng không được bỏ qua sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới với những ơn đặc biệt, những sự nhạy cảm đặc trưng và kinh nghiệm sống của họ. Sự khác biệt này có thể làm nảy sinh các hình thức thống trị, loại trừ và phân biệt đối xử, là những điều mà tất cả các xã hội, kể cả Giáo hội, cần được giải phóng.

Kinh thánh trình bày người đàn ông và đàn bà là những cộng sự bình đẳng trước Thiên Chúa (x. St 5: 2): mọi sự thống trị và phân biệt đối xử căn cứ trên giới tính là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người. Kinh thánh cũng trình bày sự khác biệt giữa hai giới tính là một mầu nhiệm cấu thành nên con người và không được thu hẹp thành những khuôn mẫu. Mối quan hệ giữa nam và nữ được hiểu theo nghĩa là một ơn gọi sống với nhau trong sự tương quan và đối thoại, trong tình hiệp thông và sinh hoa trái (x. St 1: 27-29; 2: 21-25) trong mọi lĩnh vực kinh nghiệm của con người: đời sống vợ chồng, công việc, giáo dục và v.v.. Thiên Chúa đã giao phó trái đất theo như giao ước với họ.

Thuộc địa văn hóa

14. Nhiều Nghị Phụ Thượng Hội đồng đến từ các bối cảnh không thuộc phương Tây chỉ ra rằng ở đất nước của các ngài sự toàn cầu hóa mang theo những hình thức thuộc địa văn hóa, nó đánh bật những nguồn cội văn hóa và tôn giáo ra khỏi người trẻ. Giáo hội cần phải cam kết đồng hành cùng họ trong tiến trình này để họ không bị mất đi những đặc tính quý giá nhất thuộc bản sắc của họ.

Có những cách hiểu trái ngược nhau về tiến trình thế tục hóa. Một số người coi đó là một cơ hội đáng hoan nghênh để được thanh luyện khỏi một tôn giáo tính chỉ thuần túy dựa trên tập quán hoặc dựa trên những bản sắc sắc tộc và dân tộc, trong khi những người khác coi đó là một trở ngại cho việc truyền đạt đức tin. Trong các xã hội thế tục, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tái khám phá về Thiên Chúa và đời sống thiêng liêng. Với Giáo hội nên xem đây như một tác nhân để phục hồi tầm quan trọng của sự năng động của đức tin, rao truyền và sự đồng hành mục vụ.

Cái nhìn đầu tiên về Giáo hội ngày nay

Sự tham gia của Giáo hội trong giáo dục

15. Trong nhiều khu vực những người trẻ tuổi nhìn đến Giáo hội như một lực lượng sống động và dễ lôi cuốn, như một lực lượng quan trọng ngay cả với những người trẻ đương thời không tin hoặc thuộc về các tôn giáo khác. Các tổ chức giáo dục của Giáo hội chào đón tất cả những người trẻ tuổi, bất kể những lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa của họ, và hoàn cảnh cá nhân, gia đình hoặc xã hội của họ. Theo cách này, Giáo hội có sự đóng góp nền tảng cho công cuộc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Việc này diễn ra thông qua sự giáo dục trong các trường học với mọi hình dạng và quy mô, trong các trung tâm đào tạo chuyên, trong các trường cao đẳng và đại học, và cả trong các trung tâm tuổi trẻ và các nhà nguyện; cam kết này cũng được thể hiện thông qua sự chào đón dành cho người tị nạn cùng rất nhiều hình thức tham gia xã hội. Qua tất cả các cách này, Giáo hội hợp nhất chứng tá và việc loan báo Tin Mừng của mình vào công cuộc giáo dục và thăng tiến con người. Khi được truyền cảm hứng bởi sự đối thoại liên văn hóa và liên tôn, hoạt động giáo dục của Giáo hội được đánh giá cao như một hình thức thăng tiến con người đích thực ngay cả bởi những người ngoài Kitô giáo.

Các hoạt động trong thừa tác vụ giới trẻ

16. Khi Thượng hội đồng diễn ra, rõ ràng thừa tác vụ giới trẻ cần một ý hướng về ơn gọi, và sự chăm sóc mục vụ ơn gọi đó nên hướng đến tất cả những người trẻ. Điểm được nhấn mạnh là các chương trình mục vụ cần phải giải quyết toàn bộ mọi giai đoạn từ giai đoạn khai tâm cho đến cuộc sống trưởng thành, giúp giới trẻ tìm thấy vị trí của họ trong cộng đồng Kitô giáo. Cũng lưu ý rằng nhiều nhóm giáo xứ, các phong trào và những nhóm giới trẻ đã đưa ra một tiến trình đồng hành và đào tạo hiệu quả cho giới trẻ trong đời sống đức tin của họ.

Ngày Giới trẻ Thế giới – hoa trái của một tầm nhìn ngôn sứ của Thánh Gioan Phaolô II, người vẫn là một điểm tham khảo cho giới trẻ trong thiên niên kỷ thứ ba – cùng với các cuộc họp cấp quốc gia và giáo phận, đóng một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trẻ vì nó mang lại một kinh nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông giúp họ giải quyết những thách thức lớn trong cuộc sống và gánh vác công việc của họ với tinh thần trách nhiệm trong xã hội và trong cộng đoàn Giáo hội. Những cuộc họp này có thể áp dụng vào việc đồng hành mục vụ của các cộng đoàn riêng, là nơi việc đón nhận Tin Mừng phải được đào sâu và chuyển thành các lựa chọn cho cuộc sống.

Gánh nặng quản trị

17. Nhiều Nghị Phụ đã chỉ ra rằng gánh nặng của các trách nhiệm hành chính tiêu hao sức lực của nhiều mục tử một cách quá mức và đôi khi mất quá nhiều thời gian; đây là một trong những lý do tại sao rất khó để gặp gỡ và đồng hành với người trẻ. Để làm nổi bật sự ưu tiên dành cho các trách vụ mục vụ và tinh thần, các Nghị Phụ Thượng Hội đồng đề nghị cần phải cân nhắc lại những cách thức cụ thể để thi hành thừa tác vụ này.

Tình hình của các giáo xứ

18. Trong khi các giáo xứ vẫn còn là một cách thức đầu tiên và chính yếu của Giáo hội trong một địa hạt riêng, có nhiều dấu hiệu từ một số khu vực cho thấy giáo xứ đang phải phấn đấu để trở nên phù hợp cho người trẻ và ơn gọi thừa sai của giáo xứ cần phải được xem xét lại. Hình bóng của giáo xứ trở nên nhỏ bé đi trong các khu vực thành thị, sự thiếu năng động trong các hoạt động của giáo xứ, cùng với những thay đổi theo không gian và thời gian trong lối sống tất cả đều đòi hỏi sự đổi mới. Ngay cả khi đã có nhiều nỗ lực đổi mới, dòng chảy của đời sống tuổi trẻ thường chảy dọc hai bên lề của cộng đoàn, mà không gặp gỡ được cộng đoàn.

Khai tâm vào đời sống Ki-tô giáo

19. Nhiều người lưu ý rằng các chương trình khai tâm Ki-tô giáo không phải lúc nào cũng thành công trong cách giới thiệu cho thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên về vẻ đẹp của sự trải nghiệm đức tin. Khi cộng đoàn là nơi hiệp thông và là một gia đình thực sự của con cái Thiên Chúa, nó thể hiện sức mạnh sống động truyền tải đức tin; mặt khác, khi nó nhường chỗ cho luận lý của sự ủy thác và khi tổ chức quan liêu chiếm ưu thế, sự khai tâm Ki-tô giáo bị hiểu sai như là một khóa học kiến thức tôn giáo và kết thúc bằng Bí tích Thêm sức. Vì vậy, chúng ta cần phải cấp bách tái suy nghĩ thật sâu sắc về cách giảng dạy giáo lý và mối liên hệ giữa việc truyền đạt đức tin trong gia đình và trong cộng đoàn, tạo ra không gian cho các tiến trình đồng hành cá nhân.

Đào tạo chủng sinh và người sống đời tận hiến

20. Các chủng viện và nhà đào tạo là những nơi quan trọng nhất, trong đó người trẻ được kêu gọi tiến đến chức tư tế và đời sống thánh hiến, có thể đào sâu sự lựa chọn ơn gọi của họ và trưởng thành trong cương vị người môn đệ. Đôi khi những nền tảng này không được cân nhắc đủ cho kinh nghiệm bước đầu của ứng viên, đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Điều này ngăn cản sự phát triển của con người và có nguy cơ dẫn đến việc chấp nhận những thái độ theo hình thức hơn là phát triển những ơn sủng của Thiên Chúa và sự hoán cải sâu thẳm của tâm hồn.

(còn tiếp)

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2019]

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Comments are closed.

phone-icon