Muối và Ánh Sáng – SN Chúa nhật V năm A

0

Trên đường truyền giáo, Chúa cho tôi cảm nghiệm một điều rất quan trọng là tôi không thể thực hiện khát vọng đem Chúa đến cho anh em nếu chính tôi chưa là muối, là ánh sáng hay tôi chưa khao khát trở nên chất xúc tác này. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh muối và ánh sáng để nhấn mạnh đến điều không thể thiếu nơi người tông đồ. Trong đời sống hằng ngày muối và ánh sáng đóng vai trò chủ yếu làm cho đời sống ý nghĩa, hạnh phúc, vui tươi và mặn mà thi vị; cũng thế, đời sống chứng nhân cũng có sức thuyết phục lạ thường.

Khi được phép Bề trên về chăm sóc mẹ bị tai biến, tôi được nghe kể: cô Ba bên cạnh nhà tôi đạo phật, cô nói với em tôi: trước đây cả dòng họ tôi không theo đạo nào cả, một hôm con gái tôi muốn đi tu nên gia đình đành phải theo đạo phật để cho em đạt được nguyện vọng của mình. Nghe em tôi kể mà tôi sững sờ! Nhà tôi sát cạnh nhà cô, gia đình tôi rất thân thiện với cô đúng như câu ca dao: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, thế nhưng, tại sao gia đình tôi lại để cho sự đáng tiếc này xảy ra? Tôi xót xa cho mình, cho gia đình mình! Tôi đã “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội trong tầm tay trong khi tôi phải lặn lội xa xôi để đưa một người về với Chúa. Mỗi lần về quê tôi bôn ba đây đó mà không thăm viếng những người anh em bên cạnh tôi, những người đang cần ai đó chỉ đường. Tôi chưa đủ sáng để có thể dẫn những con chiên bơ vơ kia đến đồng cỏ xanh tươi. Tôi chưa đủ mặn để quyến rũ những con chiên đang ngơ ngác tìm suối nguồn bình an.Tôi đã đấm ngực để thưa với Chúa: con tội lỗi, con đã đóng kín tường nhà, vách ngăn, hàng rào đến nỗi các anh em ở ngã ba đường không tìm được câu trả lời thỏa đáng và hạnh phúc cho chính mình. Họ lầm đường không phải lỗi họ mà là lỗi con. Con khóa lòng, khóa cổng để họ phải ở ngoài Nước Chúa. Nếu con là ngọn đèn, họ đã tìm được nẻo chính đường ngay. Nếu con là muối, họ đã tìm được bình an hạnh phúc cho chính mình và cho con cháu.

Hôm nay Chúa cũng cho chúng tôi, những môn đệ của Chúa biết sự cần thiết của muối và ánh sáng trong đời sống chứng nhân như thế nào?

Khi đi thăm các gia đình công giáo tôi thật đau lòng vì thấy những nơi đáng lẽ đạo Chúa phải được phát triển nhưng lại bị đui chột hay nói đúng hơn bị tàn lụi nữa là khác. Tôi vào cuộc và tìm hiểu mới ngộ ra một điều rất hiển nhiên. Con cái họ bỏ đạo và không theo đạo vì nhiều lý do: Nơi chốn để giáo dục đức tin không có. Ánh sáng đỉnh núi bị tắt. Chúa chiên vắng bóng nên đàn chiên tan tác. Ánh sáng quan trọng nơi các gia đình đã lụi tàn. Cha không tin, mẹ lơ là, lạnh nhạt không sống niềm tin. Nền móng gia đình bị xuống cấp trầm trọng nên kéo theo cả một thế hệ vô thần.

Ánh sáng đã tắt,muối đã nhạt nơi các gia đình. Cha bất tín , mẹ có đạo nhưng hữu danh vô thực. Người vợ chỉ có danh là Kitô hữu nhưng không sống bản chất của mình. Chính vì thế mà nàng dễ bị ngả nghiêng theo chiều gió và buông xuôi không dám chèo ngược dòng. Bị lôi kéo mạnh vào bánh xe của người cầm đầu gia đình nên nàng để mặc nước cuốn. Một người mẹ không vững đức tin, không dám đương đầu với sóng gió và nhất là không cầu nguyện, khô lạnh và dửng dưng với chân lý đời đời, xa lạ với Thiên Chúa, bỏ qua luật Ngài thì làm sao có thể truyền sữa đức tin cho con cái được. Chính họ không thiết tha gì với phần rỗi, lác lác trong bản chất Kitô hữu của mình thì làm sao con cái họ có thể sống như một Kitô hữu được.

 Ngay trong gia đình đèn sáng đã tắt, muối đã nhạt thì lấy gì có thể ướp mặn được.Trước hoàn cảnh bi đát này Chúa đang nói với tôi: Con hãy là ngọn đèn trong đêm, là muối ướp cộng đồng nhạt nhẽo này. Dân Chúa không tiến bộ là lỗi của con, muối đã mất vị mặn. Một câu chuyện của con cái mẹ Tê-rê-sa làm chúng ta phải suy nghĩ: một ngày kia có một người đến thăm nhà người nghèo của mẹ Tê-rê-sa ở Calcutta. Ông ta tới khi các con mẹ đang mang người hấp hối ở ngoài đường về. Các chị vừa nhặt một người ở rãnh bùn về, mình bê bết bụi bẩn và vết thương. Không biết mình đang bị quan sát, các chị cứ thản nhiên phục vụ bệnh nhân bằng tất cả tình yêu thương. Nhìn cách các chị lau chùi vết thương và săn sóc bệnh nhân, vị khách đến gặp mẹ Tê-rê-sa và nói: Khi tôi đến đây tôi là kẻ vô thần và căm thù đạo của mẹ, nhưng bây giờ trái tim tôi đã chuyển đổi. Tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hành động qua bàn tay của các Sơ đây. Qua tình yêu và cử chỉ của họ, tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa xuống trên người bệnh. Bây giờ tôi tin.

Chúa Giê-su vẫn dạy chúng ta ánh sáng của anh em phải giãi sáng tức là những công việc của chúng ta đặc biệt là việc của tình yêu.

Đời sống tốt lành gương mẫu là chứng từ mạnh mẽ và hữu hiệu, chính nó là lời loan báo Tin mừng có sức thuyết phục nhất. Ông cha ta thường nói: “Lời nói lung lay nhưng việc làm mới lôi cuốn”. Lời nói chỉ làm cho đối tượng động đậy nhưng việc làm mới lôi họ làm những gì chúng ta muốn.

Khi đi thăm và xét mình cho các bệnh nhân phần lớn họ đều trả lời cho tôi: con chẳng có tội gì cả. Cái tội mà chúng ta cần xét là làm gương mù gương xấu cho người khác. Nghe họ nói mà tôi suy đến mình, tôi cũng giống họ.Cái tội tôi phải chú tâm hơn hết là đã đem sự tối tăm đến cho kẻ khác, hay đã đưa người khác vào con đường sai lạc. Tôi đã che ánh nắng mặt trời, khi không sống như con cái Chúa.

Thiên Chúa là ánh sáng và Ngài mời gọi chúng ta đến với ánh sáng bất dịch của Ngài và Ngài mời gọi chúng ta là chứng nhân ánh sáng: “Anh em phải là ánh sáng của trần gian”.Và Thánh Phao-lô còn nhắc lại: “ Anh em là ánh sáng trong Thiên Chúa. Anh em hãy sống như những người con của Thiên Chúa”. Ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết cách cụ thể hơn trong lời mời gọi khẩn thiết: “ Hãy chia bánh cho người đói, đón nhận kẻ bất hạnh không nơi nương ẩn, cho kẻ rách quần áo che thân. Lúc đó ánh sáng của ngươi sẽ chiếu sáng như hừng đông.”

Tôi còn nhớ như in cái vệt sáng đã lan tỏa trong nhà thương Ung Bướu cách đây hơn mười lăm năm về trước. Chúng tôi thường đến thăm các bệnh nhân vào những ngày quy định. Tuy thăm viếng chia sẻ nhiều nhưng kết quả cũng chỉ như muối bỏ biển. Nhưng một cụ già rất bình thường chỉ trong một thời gian ngắn cụ đã đưa được nhiều người trở về với Chúa. Cụ bị ung thư vòm cổ họng, cụ chỉ nghe và không thể nói được. Một hôm chúng tôi gặp cụ và chia sẻ với cụ về đời sau. Cụ xin chúng tôi dạy đạo cho cụ. Sau khi được rửa tội, cụ được biến đổi hoàn toàn. Cụ rất hạnh phúc và niềm vui này biểu lộ ra bên ngoài đến nỗi những người cùng phòng với cụ nhận xét: từ ngày theo đạo Chúa, cụ luôn tươi cười còn trước đây cụ buồn bã và đau khổ vì phải chịu bệnh một mình, không người thân, không họ hàng, không bạn bè. Người ta thương xót cho cảnh cô thân cô thế của cụ, nhưng bây giờ thì khác hẳn. Qua cuộc sống hiện tại của cụ, người ta truyền tai nhau: theo đạo Chúa sướng và hạnh phúc. Thế là trong phòng cụ người ta lần lượt xin theo đạo và chúng tôi được dịp gặt hái.

Trong cuộc sống chúng ta đã nghiệm được thành quả của đời nhân chứng như thế nào. Người ta vẫn thích gương sống hơn là thầy dạy.

 Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ý thức vai trò của mình. Vai trò làm cho người ta thấy Thiên Chúa, giúp cho con người có niềm vui. Muốn thế thì ánh sáng phải để trên cao, muối phải đủ mặn để có thể thể hiện ơn gọi của mình cách ý nghĩa nhất.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu 

Comments are closed.

phone-icon