Anh chị em rất thân mến,
1. “Giáo hội đã đón nhận Tin Mừng như một công bố và như một nguồn vui và nguồn cứu độ. Giáo hội đón nhận Tin Mừng như hồng ân của Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai xuống ‘để mang Tin Mừng cho người nghèo khó’ (LC 4,18). Giáo hội đón nhận Tin Mừng qua các Tông đồ được Chúa sai đi khắp thế gian (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20). Được sinh ra từ hành động loan báo Tin Mừng này, Giáo hội cảm thấy vang lên trong mình lời cảnh cáo hằng ngày của Thánh Tông đồ : “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16) (Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống, số 78).
Hồng ân của Chúa Cha đối với nhân loại và sự nối dài sứ mạng của Chúa Con, Giáo Hội biết rằng mình tồn tại là để mang niềm vui Tin Mừng đến tận cùng trái đất, cho đến khi thế giới này qua đi (x. Mt 28, 19-20).
Do đó, sứ mạng truyền giáo luôn có giá trị hợp thời, và đòi buộc các kitô hữu làm chứng Tin Mừng một cách vui tươi cho những ai ở gần cũng như cho những người ở xa, tùy theo khả năng, phương tiện, kể cả mạng sống.
Sứ mạng ngang qua thập giá và sự trao ban chính mình: như Chúa Phục sinh, Đấng được tấn phong, được mời gọi để tỏ cho các môn đệ những dấu chỉ của tình yêu để vượt qua sự hoài nghi và nỗi sợ hãi của họ.
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Mỗi kitô hữu biết rằng có thể trông cậy vào sự hiện diện của Chúa Giêsu và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong việc đón nhận cách vui vẻ lời mời gọi cộng tác với sứ mạng cứu độ. Sự chắc chắn này mang lại sức mạnh cho việc phục vụ Tin Mừng và thúc đẩy người kitô hữu trở nên táo bạo và đầy tràn niềm hy vọng, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm, dửng dưng và thất bại.
Ngày Thế Giới Truyền Giáo là dịp để nài xin Thiên Chúa một sự say mê lớn hơn bao giờ hết cho việc loan báo Tin Mừng: trước hết, sự phục vụ lớn nhất mà các kitô hữu có thể làm cho những người nam và nữ trong thời đại chúng ta, được đánh dấu bởi hận thù, chiến tranh, bất công, nhất là sự mất đi ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Thực tế, không có gì giúp đối mặt với cuộc xung đột giữa cái chết và sự sống mà chúng ta được đắm chìm, cũng như việc tin vào Con Thiên Chúa làm người và đã đến thế gian để “chúng ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10): là tin vào Đấng Phục Sinh, đấng đã chiến thắng sự chết; là tin vào máu Chúa Kitô từ tiếng kêu thống thiết của Abel, đã mang niềm hy vọng và trao lại cho nhân loại khuôn mặt đích thực của nó.
2. Anh chị em hãy can đảm lên, đừng sợ loan báo Đức Giêsu là Chúa, vì “không một danh nào khác có ơn cứu độ” (Cv 4,12). Ước gì Ngày Thế Giới Truyền Giáo hàng năm toàn thể Giáo Hội sẵn sàng công bố Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa đặc biệt dành cho những người nam và người nữ vẫn chưa biết Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô!
Với tâm tình rất biết ơn, trước hết, tôi muốn nói với anh chị em, những nhà truyền giáo nam nữ thân mến, nhất là với những người đang chịu đau khổ vì danh Chúa Giêsu.
Anh chị em nói với tất cả mọi người rằng “hãy mở rộng trái tim cho tình yêu của Chúa Kitô, Người chính là sự giải thoát đích thực. Chỉ trong Người, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi sự tha hóa và bất lực, khỏi nô lệ cho quyền lực tội lỗi và sự chết” (‘Sứ vụ Đấng Cứu độ” số 11). Chính Người là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6;11,25), chính Ngài là “Lời ban sự sống” (x.Ga 1,1)!
Được loan báo Chúa Kitô bằng Lời, bằng cử chỉ cụ thể của tình liên đới, và tỏ cho con người tình yêu của Chúa dành cho con người, anh chị em hãy đặt mình cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội, “Giáo Hội luôn đứng hàng đầu trên mặt trận của tình bác ái”, nơi mà “nhiều con cái trong Giáo Hội nam cũng như nữ, đặc biệt là các tu sĩ, theo những hình thức truyền thống được canh tân, đã hiến dâng và tiếp tục hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, dâng đời mình vì yêu thương anh chị em yếu đuối nhất, thiếu thốn nhất” (thông điệp Tin Mừng về Sự sống, số 27).
Ơn gọi chuyên biệt của anh chị em đến với muôn dân và đời sống vẫn bảo tồn được toàn bộ giá trị của nó: nó được coi là khuôn mẫu cho sự dấn thân truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, mà Giáo Hội cần sự dâng hiến triệt để hoàn toàn, một sự nỗ lực mới mẻ và dũng cảm. Anh chị em đã được thánh hiến đời sống của mình cho Thiên Chúa để làm chứng cho Chúa Phục Sinh đang ở giữa các dân tộc: đừng để mình hoảng sợ bởi sự nghi ngờ, khó khăn, bị loại trừ hay bị bách hại; hãy sống lại hồng ân của đặc sủng chuyên biệt của mình, và tiếp tục mà không do dự con đường mà anh chị em đã khởi sự trong tinh thần đức tin và lòng quảng đại. (x. Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 66).
3. Cùng một lời huấn từ, tôi muốn nói với các Giáo Hội xa xưa và các Giáo Hội vừa được thiết lập, với các chủ chăn “Anh em được thánh hiến không phải chỉ cho một giáo phận nào đó, mà là cho phần rỗi của toàn thế giới” (AG 38), thường cho thấy thiếu ơn gọi và các phương tiện. Tôi muốn nói đến các cộng đoàn kitô hữu trong hoàn cảnh thiểu số.
Lắng nghe một lần nữa lời của Thầy: “Anh em đừng sợ, hỡi đàn chiên bé nhỏ, vì Cha anh em đã muốn ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12, 32), anh em hãy thể hiện niềm vui đức tin trong Đấng Cứu độ duy nhất, hãy đưa ra lý lẽ về niềm hy vọng để khích lệ và làm chứng cho tình yêu mà nó làm anh em được đổi mới mật thiết trong Đức Giêsu Kitô.
Để trở thành người thực hiện việc loan báo Tin Mừng mới, mỗi cộng đoàn kitô hữu phải thực hiện hợp lý ân huệ nhưng không được tìm thấy trong sứ mạng đến với muôn dân, không chỉ để nâng đỡ những ai có nhu cầu về tinh thần và vật chất, mà trên hết, đó là một cơ hội đặc biệt để phát triển, hướng tới sự trưởng thành trong đức tin.
4. Lời tuyên bố dũng cảm về Tin Mừng được trao cho các bạn trẻ cách đặc biệt. Ở Manila, tôi đã nhắc nhở các bạn rằng Thiên Chúa “đòi hỏi nhiều nơi các bạn; Ngài xin các bạn một sự dấn thân tối đa của toàn thể con người của các bạn trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ Dân Chúa. Nhưng các bạn đừng sợ! Việc đòi hỏi của Ngài cũng là thước đo tình yêu Ngài dành cho mỗi người trong các bạn” (OR 14/1/1995). Các bạn đừng buồn phiền và thu mình lại; nhưng hãy mở tâm trí và trái tim cho những chân trời vô tận của sứ vụ. Đừng sợ! Nếu Thiên Chúa kêu gọi các bạn ra khỏi mảnh đất để đi tới với những dân tộc khác, văn hoá khác, cộng đoàn giáo hội khác, các bạn hãy đón nhận một cách quảng đại lời mời gọi của Ngài. Và tôi muốn lập lại một lần nữa: “Các bạn hãy đến với tôi trong ngàn năm thứ ba để cứu độ thế giới” (x. như trên).
Đối với các gia đình, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu trong Chúa Kitô. Tôi xin lặp lại : anh chị em luôn có sự dũng cảm để loan báo Chúa Giêsu. Mỗi tín hữu được mời gọi để cộng tác vào việc loan truyền Tin Mừng và để sống tinh thần và thái độ truyền giáo trong ân sủng được ban nhưng không của chính mình. Như tôi đã nhắc trong thông điệp “Tin mừng sự sống”, chúng ta là một dân được mời gọi và chúng ta biết rằng “Luật của tình yêu hướng dẫn chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường đi: đó chính là tình yêu mà Con Thiên Chúa làm người, là nguồn mạch phát sinh và mẫu gương, Ngài đã ban sự sống cho thế gian nhờ cái chết của mình” (số 79).
5. Anh chị em thân mến! Ngày Thế Giới Truyền Giáo là cơ hội tuyệt vời cho tất cả các kitô hữu để chứng minh tình yêu của mình đối với Chúa Kitô và tha nhân. Có thể đây cũng là cơ hội để nhận thức rằng không một ai bỏ qua lời cầu nguyện, hy sinh và giúp đỡ cụ thể cho sứ vụ truyền giáo, tiền đồn của nền văn minh tình yêu. Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ khơi lên và hoàn tất mọi dự án truyền giáo.
Trong khi khích lệ và chúc lành cho những người hăng say cống hiến cho hoạt động truyền giáo, tôi đặc biệt nghĩ đến những người chịu trách nhiệm trong Bộ Truyền Bá Đức Tin, được giao phó làm linh hoạt Ngày Thế Giới Truyền Giáo, và cho những người đang dấn thân trong các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo khác, một cơ cấu đào tạo không thể thiếu cho việc cộng tác, và những phương tiện có giá trị để giúp tất cả các nhà truyền giáo cách công bằng và cẩn thận.
Xin Đức Maria, Nữ Vương Phúc Âm hóa, nâng đỡ và hướng dẫn công việc quý báu của các thợ gặt Tin Mừng và ban cho các tín hữu niềm vui và lòng nhiệt thành luôn luôn mới để loan báo Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói và bằng đời sống.
Tôi gửi đến mọi người Phép Lành Tòa thánh, như sự an ủi đặc biệt trong sứ vụ riêng của mỗi người để phục vụ Tin Mừng.
Vatican, ngày 11 tháng 6 năm 1995, Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, năm thứ mười bảy triều đại Giáo Hoàng.
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP