Vạn vật trong thế giới tự nhiên đều có quy luật của nó. Ví dụ như vòng đời của cây thường bắt đầu từ hạt mầm đâm chồi nảy lộc, mọc ra những chiếc lá xanh tươi, rồi mới kết thành hoa, thành trái. Trong quá trình này, chiếc lá dường như gánh những trọng trách thật cao cả vì là thành tố chính trong quá trình quang hợp tạo nên chất diệp lục, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, dưỡng khí và làm cho cây sinh trưởng và phát triển. Rồi chiếc lá cũng vàng úa và rụng nhường nhựa sống để cây nuôi hoa, dưỡng trái. Không mấy ai nhìn ngắm hoa mà còn quan tâm đến chiếc lá? Mấy ai ăn quả ngọt mà lại đi xem lá của quả này là loại lá nào? Nếu có chuyện ấy xảy ra thì chắc là hy hữu lắm. Đó là sự hy sinh, là cống hiến, là phục vụ quên mình và thanh thản trở về với cội nguồn của mình khi đã hoàn tất sứ mạng. Ngắm nhìn suy tư về chiếc lá, con bất chợt nhận ra một điều: Hành trình của chiếc lá cũng tựa như hình ảnh của người môn đệ Đức Kitô: sẵn sàng hy sinh trong âm thầm, lặng lẽ và hạnh phúc với sứ mạng đời mình. Bản thân con cũng cảm nhận mình như một chiếc lá nhỏ trong bàn tay yêu thương quan phòng của Đấng Tạo Hóa, được Ngài ghi khắc cho những dấu ấn, những đường nét và những bút tích riêng.
1/ Nảy Lộc
Chiếc lá đời con nảy lộc chào đời trong một gia đình thật êm ấm và hạnh phúc. Con được hấp thụ tính kỉ cương của bố, được “hút nhựa sống” từ sự đảm đang, sẵn sàng hy sinh của mẹ. Gia đình con có mười anh chị em với “lực lượng quân bình” (5 nam, 5 nữ) 5 anh chị trước con thì sinh ra tại miền Bắc, từ con về sau được sinh ra tại miền Nam do thời cuộc buổi di cư.
Như chiếc lá cảm thấy hài lòng vì được nảy lộc trong yêu thương, trong khung trời bao la bình yên, tuổi thơ hạnh phúc của con có được là do chính bố mẹ dày công chăm sóc dạy dỗ, vất vả ngày đêm. Nơi vùng nông thôn miền Nam bình dị, con được cùng với bạn bè đồng trang lứa suốt ngày quẩn quanh cùng chơi nhảy dây, chơi năm mười. Thỉnh thoảng trèo lên nóc nhà thổi bong bóng xà phòng bằng ống cây đu đủ cùng với các anh. Dù nghịch ngợm như thế nhưng con vẫn không quên mình là con chiên ngoan đạo. Tối nào cũng cùng bố mẹ đọc kinh gia đình, rồi đọc kinh xóm. Nhất là những buổi sáng, dù trời quang mây tạnh hay mưa gió bão bùng, con vẫn chăm chỉ đi lễ cùng với bố mẹ.
Chẳng biết từ khi nào mà ơn gọi trong con đã được hình thành, có lẽ ngay từ bé, mỗi khi Cô của con là nữ tu Tu hội Têrêsa được nghỉ phép về quê, mỗi lần thấy con là mỗi lần Cô hỏi:“Lớn lên đi tu không”? câu nói của Cô cứ trong tâm trí con. Không chỉ vậy, con còn nhớ, vì nhà con ở gần viện dưỡng lão Suối Tiên nên Cô hay dẫn con lên gặp Dì Catarina Lê Thị Mai Toàn, với nụ cười phúc hậu, Dì khẽ nắm tay con và nói: “lớn lên đi tu nhé con! Khi nào muốn đi tu thì lên Dì dẫn đi”. Khi con lớn và muốn đi tu thì Dì đã không còn nữa rồi, nhưng giọng nói ấm áp của Dì cứ âm vang và thôi thúc con.
Cuối năm học cấp 3, khi phải đứng trước ngưỡng cửa tương lai, con ngây ngô đặt điều kiện với Chúa, nếu đậu Tốt nghiệp thì con mới đi tu. Và Chúa cũng muốn thử thách con – con thi rớt Tốt nghiệp. Lúc này con cảm thấy trời đất tối sập xuống. Thiếu ánh nắng mặt trời, chiếc lá loay hoay không biết làm gì để có thể thi hành phận sự quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi cây? Làm sao để tồn tại? Làm sao để sống tiếp đây? Loay hoay trong cơn khủng hoảng, chiếc lá buồn muốn nhuốm màu vàng. Nhưng nhờ ơn Chúa, và sau khi đã hết thời gian “gặm nhấm nỗi buồn”, con lấy lại tinh thần với quyết tâm thi lại, hai tháng sau con đậu Tốt nghiệp và từ giây phút đó con biết Chúa muốn con làm gì.
Khi biết ý định của con, bố mẹ con không khỏi ngạc nhiên và nói: “Con đi tu bố mẹ rất vui nhưng con phải suy nghĩ cho kĩ. Đi tu không phải dễ, thử thách trăm bề, liệu con có tu nổi không?”. Đến khi thấy được sự quyết tâm của con, bố mẹ đã căn dặn đủ điều nhưng điều mà con nhớ nhất là: “Đã đi là đi cho trọn, tu cho ngoan, có khó khăn gì dâng hết cho Chúa nghe con”. Được bố mẹ ủng hộ đó là hậu phương vững chắc giúp con can đảm hơn, và lúc nào con cũng ghi nhớ lời căn dặn của bố mẹ.
Ngày 12/10/2007 con được mẹ dẫn lên gặp Dì Isabella Trần Thị Kim Hường. Qua sự hướng dẫn và khuyên nhủ của Dì, con đã xác tín hơn về con đường mình đã chọn. Hai ngày sau con mang theo hành lý chỉ vỏn vẹn hai bộ đồ, vài quyển vở ôn thi. Khi nhìn thấy túi hành lý của con, các Dì đã bật cười.
2/ Lìa cành
Như quy luật sinh tồn chung, những chiếc lá đã đủ lượng, đủ tố chất sẽ lìa cành để bước vào một hành trình mới. Tuy nhiên, giai đoạn lìa bỏ cành, nơi trú ẩn quen thuộc và an toàn bao năm là cả một vấn đề với chiếc lá.
Thời khắc đó cũng là lúc Thiên Chúa muốn con phải bước ra, phải từ bỏ nơi an toàn là nôi ấm gia đình để chuẩn bị cho chương trình mới – thử thách mới của Người. Lời Chúa mạnh đến độ bật tung con ra khỏi gia đình, rời khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn” – nơi đã lưu lại nhiều kỷ niệm và vòng tay thân yêu của bố mẹ để đi đến một miền đất mới với những bắt đầu mới. Lòng con những đau đáu với biết bao thao thức, lo lắng và pha chút sợ hãi vì chưa bao giờ con rời xa gia đình cả. Thế nhưng, khi đặt chân lên mảnh đất Đa Minh Tam Hiệp, con thấy mình như được sinh lại một lần nữa. Con có cái nhìn tròn đầy hơn, thấy tâm hồn mình rộng mở hơn.
Trong suốt quãng thời gian vừa học ngoài trường Cao Đẳng Mầm Non, vừa học chương trình Thỉnh Viện, nhiều lúc con phải chạy đua với thời gian. Nhưng nhờ sự che chở, giữ gìn của Chúa, qua vòng tay yêu thương của quý Dì và chị em, con ngày càng thêm yêu nơi con sống và yêu đời tu hơn. Lúc này con mới hiểu lời ngôn sứ Isaia đã nói:“những ai trông cậy Chúa sẽ được thêm sức mạnh, chạy hoài mà không mệt mỏi, đi mãi mà không chồn chân” (Is 40,31).
Sau khi lìa cành, có những chiếc lá sẽ trở về với lòng đất mẹ để đi vào cõi ngàn thu, mục nát để làm chất mùn cho những lớp mầm cây đang chờ nảy mầm. Và có những chiếc lá, nếu được hội đủ một số tiêu chuẩn khác thì nó lại bước vào một hành trình mới. Chiếc lá đời con sau khi đã lìa cành, nó may mắn được một người nghệ nhân nhặt về. Sau khi hồi hộp chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra cho mình thì vào một buổi sáng nắng đẹp, nó đã có câu trả lời: người họa sĩ đặt nó vào ngâm trong một xô nước có pha những hợp chất mà nó cảm thấy không thoải mái tí nào. Nó bắt đầu cựa quậy. Nhưng vô phương, mỗi ngày trôi qua là từng tảng, từng tảng “thịt lá” của nó đang “Say Goodbye” với nó và tan vào nước để lại thân mình nó bộ khung gân xương xẩu. Nó chẳng hiểu chuyện gì, chẳng ai trả lời câu hỏi của nó, nó òa lên vì không biết số phận nó sẽ đi về đâu?
Ngày ngày, Người họa sĩ lành nghề Giêsu vẫn kiên nhẫn từng chút để tẩy rửa, cọ xát và loại bỏ những tạp chất, những rong rêu vướng bận làm tâm hồn con chưa đủ trong cao. Tuy đớn đau, nhưng khi biết chiếc lá đời con đang được người Nghệ Nhân có tâm nhất quả đất này thao tác thì con lại an tâm và vui vẻ để Ngài làm điều ngài muốn.
Ngày 26/8/2012 con được Mẹ Hội dòng mời gọi bước lên Tiền tập. Ngoài việc dạy học, dạy giáo lý. Con cũng được quý Dì cho đổi môi trường 3 tháng tại vườn chè. Thật hạnh phúc khi được hít thở bầu không khí trong lành quyện với hương trà ngan ngát, khiến con làm việc mà quên cả mệt nhọc, nắng mưa. Chính trong những giây phút ấy, con lại thấy Chúa rất đỗi thân thương và ấm áp. Bản thân con càng hạnh phúc hơn khi được bàn tay yêu thương của Dì giáo, quý Dì và chị em nâng niu, gìn giữ. Tuy hành trình có chút khó khăn nhưng con hiểu rằng chính sự “cọ xát và thanh tẩy” là con đường nhanh dẫn con đến với Người nhất (x. Gr 17,7-8).
Bước vào năm Tập I với 365 ngày được ngập lặn trong tình yêu của Chúa, con tạm quên đi những tiếng ồn ào của trẻ thơ, gác lại những trăn trở băn khoăn về những cảnh đời bất hạnh để bắt đầu cho một năm sa mạc thánh. Cũng nơi đây, con được hòa mình vào những giờ cầu nguyện và lao động cùng Chúa, tập sống tâm giao với Chúa ngay trong chính việc bổn phận hằng ngày. Sáng sáng, chiều chiều bên chị bên em cùng nhau khám phá thánh ý Chúa, giúp nhau học biết từ bỏ. Mỗi ngày cứ thế trôi qua rất nhanh càng khiến con biết trân quý từng giây từng phút để gặp Chúa. Nhờ ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu, con đã biết rũ bỏ đi những thớ thịt của “ích kỉ, hờn ghen” của mình để giữ lại và sống chân thành, yêu thương và tín thác hơn; biết ngồi bên chân Chúa để lặng, để cảm, để thấu và tạ ơn vì tình Chúa thương con quá nhiều.
Khép lại những tháng ngày cô tịch bên Chúa, lúc này con đã sẵn sàng cho một hành trình mới của năm Tập II. Con nhận được bài sai đến Tu Viện Fatima với công tác là dạy các bé lớp Mầm. Tuy xa nhà lạ chỗ, nhất là ở những khúc quanh đặc biệt của hành trình sứ vụ, nhưng con luôn được Dì nhất, quý Dì và chị em yêu thương, chăm sóc và hướng dẫn tận tình. Chín tháng thực tập sứ vụ là 9 tháng con học được biết bao bài học của sự đơn sơ, vui vẻ từ em bé 3 tuổi cho đến sự dấn thân quên mình từ quý Dì cao niên trong cộng đoàn. Tạ ơn Chúa đã mang con đến đây và gửi những người yêu thương đến và đồng hành bên con.
3/ Trong tay Nghệ Nhân
Sau khi đã giũ giũ, cọ cọ, tẩy tẩy, chà chà… và cảm thấy hài lòng, Người Nghệ Nhân đã cho chiếc lá được tắm nắng cho đến khi khô ráo. Ông đặt chiếc lá (nói đúng hơn là chỉ còn bộ khung gân của lá) lên bàn chế tác của mình.
Ngày 6/8/2015, Chúa đã vẽ nét đầu tiên trên chiếc lá đời con qua hồng ân tiên khấn. Nét vẽ của Nghệ Nhân Giêsu trên chiếc lá đã đánh dấu một bước ngoặt mới, bước chuyển mình quan trọng và thiêng liêng trong cuộc đời con. Vì vậy, con xác tín rằng: đây lời tuyên khấn đầu tiên và sẽ là mãi mãi trong cuộc đời. Không gì có thể thay đổi được, từ đây con thuộc về Chúa và Chúa là gia nghiệp đời con.
Khi người họa sĩ vẽ lên, nếu chiếc lá không đủ cứng cáp thì sẽ bị rách và hư luôn chiếc lá. Là người tu sĩ của Chúa, con không chỉ là người thuộc về mà còn giới thiệu và họa lại hình ảnh Chúa Kitô sao cho có hiệu quả và rõ nét nhất. Ba năm dưới mái nhà Học viện Thánh Tôma, là một hành trình trau dồi, tôi luyện giúp cho khuôn mặt Giêsu in đậm hơn trên chiếc lá đời con qua việc con được học hỏi Thánh Khoa, Thần học; và nơi những thân phận khổ đau với những lúc đi sứ vụ thăm bệnh nhân Ung Bướu.
Để cho chiếc lá có điểm nhấn mới, mỗi ngày, sau khi ngắm nghía, suy nghĩ, Họa sĩ Giêsu lại chấm phác lên trên mặt lá những đường nét mới.
Khép lại khung trời bao la của những tri thức thần học, con đến với Tu Viện Thánh Giuse II (Bình Phước). Với công tác dạy học và dạy giáo lý. Tạ ơn Chúa, con thật sự chạm và cảm được tình thương yêu thương, chăm sóc của Dì Nhất, quý Dì cùng các chị, con thấy mình lớn khôn hơn trong bước đường thi hành sứ vụ.
Năm thực tập thứ hai, con được trở về trong chiếc nôi thân thương ấm cúng của Tu viện Trung Ương. Được thừa hưởng hồng ân của nhịp sống hài hòa và cân đối giữa công việc và giờ giấc thiêng liêng, con cảm thấy thật bình an và hạnh phúc. Với suy nghĩ: việc nhỏ nhiều hơn việc lớn, việc bình thường nhiều hơn quan trọng, việc âm thầm cũng nhiều hơn việc lớn lao. Nên con luôn vui vẻ và hăng say trong mọi công việc, vì con biết bên cạnh con, Chúa vẫn luôn bước đi cùng.
* Thay Lời Kết
Để cho họa ảnh Giêsu trên chiếc lá đời con trở nên đẹp hơn, sáng rõ hơn, nghệ thuật hơn trước khi được đưa vào triển lãm, Mẹ Hội dòng đã dành cho chiếc lá đời con một năm hồi tâm để được ủ ấp và hoàn thiện những gì còn chưa đẹp. Con tận dụng một năm hồng ân để sống trong bầu khí đơn sơ âm thầm, sẵn sàng để bàn tay yêu thương của Giêsu chạm vào, sẵn sàng để Ngài chỉnh lại những đường nét chưa đẹp vì sự yếu đuối bất toàn của con.
Những giờ cầu nguyện bên Thánh Thể giúp con nạp lại năng lượng tình yêu và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ. Ở tận nguồn gốc của ơn gọi và ở tận nguồn gốc của sự sống (x.St 1; Tv 139) luôn luôn là tình thương nhưng không mà Chúa đã dành cho con. Đặt mình trong tay Chúa, con thêm xác tín: Chúa đã yêu con bằng tình yêu đời đời, và Người sẽ hoàn tất nơi con những gì Ngài đã và đang khởi sự. (x. Gr 31,3)
Với 13 năm sống trong ơn gọi, con cảm nhận có nhiều điều kì diệu và lạ lùng đã đến trên cuộc đời con. Sự kì diệu và lạ lùng đó được tỏ lộ qua tình yêu thương, chăm sóc, qua sự kiên nhẫn của Mẹ Hội dòng dành cho con, con nguyện khắc ghi công ơn đó. Cách riêng con xin cám ơn Dì Isabella đã luôn đồng hành và hướng dẫn con trong thời gian qua.
Con xin cám ơn Bố Mẹ, Anh Chị, những người thân yêu và tất cả những ai đã vun đắp cho cây ơn gọi của con.
Matta Nguyễn Tuyết (HVTVK)