1. “Người Cha trong vâng phục” và các giấc mơ
Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này, ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu. Để giúp chúng ta chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục”, Đức Thánh Cha kiên nhẫn và chẫm rãi nhắc lại bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, tương ứng với bốn giấc mơ của Thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống, đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22).
Giấc mơ được coi như một trong những cách thức, qua đó Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Người. Ngoài ra, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất. Nếu như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình. Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng, sự ưng thuận của Thánh Giuse không chỉ là “tức khắc không do dự”, nhưng còn là “tuyệt đối”! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng.
Phần tôi, đâu là cách thức Chúa dùng, để bày tỏ ý muốn của người cho tôi, về cuôc đời, về ơn gọi, trong những hoàn cảnh, nghịch cảnh hay tình huống đặc biệt của tôi? Tôi lắng nghe và đáp lại như thế nào? Tôi có “phân định” hay tập “phân định” không? Và đâu là cách tôi “phân định”, để tìm ra ý muốn của Người? Thánh Giuse dạy tôi bài học nào, trong sự vâng phục ý Chúa? Tôi khám phá ra ý nghĩa nào và Chúa muốn nói với tôi điều gì, khi tôi chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục? (có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria; ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, chương 5).
2. “Người Cha trong vâng phục” và Mầu Nhiệm Nhập Thể
Theo lời kể của thánh sử Luca, Thánh Giuse sống đức vâng phục trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống: khai nhân khẩu cho mình và cho Hài Nhi mới sinh theo Luật Roma, tuân giữ mọi qui định theo Luật Do Thái, liên quan “Hai Mẹ Con”. Từ đó, Đức Thánh Cha liên kết ba lời “fiat” (tiếng La-tinh, có nghĩa là ước gì xẩy ra, hãy xẩy ra) của Thánh Gia: “Trong từng tình huống của cuộc sống, Thánh Giuse đã biết nói lên lời ‘fiat’ của mình, giống như Đức Maria trong biến cố Truyền Tin, và như Đức Giêsu ở Vườn Dầu Ghết-sê-ma-ni”.
Thánh Giuse không chỉ vâng phục, nhưng trong đời sống ẩn dật, ngài còn dạy Chúa Giêsu biết phục tùng cha mẹ của mình (x. Lc 2, 51), theo lệnh truyền của Chúa (x. Xh 20, 12), với tư cách là chủ gia đình. Vì thế, sau này, trong đời sống công khai, Ý của Chúa Cha đã trở thành lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4, 34). Như thế, Đức Giê-su không chỉ vâng phục theo bản tính Con Thiên Chúa của Người (x. Pl 2, 5-11), nhưng còn học vâng phục nơi Thánh Giuse. Noi gương Đức Giê-su, tôi được mời gọi đến học nơi Mái Trường của Thánh Giuse, “cha trong đức vâng phục”, để có thể trở nên giống như Người, bằng cách mặc lấy tâm tình vâng phục của Người Con đối với Chúa Cha, trong đời sống đức tin, nhất là trong đời sống ơn gọi của tôi.
Như thế, đời sống ẩn dật chính là nguồn của những gì Đức Giê-su sẽ nói và sẽ làm trong thời gian rao giảng Nước Trời. Trong thực tế, chúng ta chỉ chú ý đến « nguồn thần linh », đến trực tiếp từ thiên tính của Người và từ chính Chúa Cha, mà quên đi « nguồn nhân linh », là kinh nghiệm sống của cuộc đời bình thường ; bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời trở nên « xác phàm » thật sự ở giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng, nơi Đức Giê-su, điều tuyệt vời của đời sống công khai cũng phát xuất từ điều tuyệt vời của đời sống ẩn dật, nơi đó có sự hiện diện với trọn cả con tim của một người cha, là Thánh Giuse.
3. “Người Cha trong vâng phục” và Mầu Nhiệm Cứu Độ
“Ơn gọi” của Thánh Giuse gắn liền với con người (personne) và sứ mạng (mission) của Đức Ki-tô, theo một cách thức duy nhất: “phục vụ trực tiếp” và “trong tư cách là cha”. Như thế, ơn gọi của ngài vừa đời thường, vì như bao người cha trong gia đình, nhưng cũng thật nhiệm mầu, vì liên quan đến Mầu Nhiệm Cứu Độ.
Thánh Giuse đã, đang và sẽ cho đến tận cùng thời gian, tiếp tục “phục vụ với tư cách là cha” cho các môn đệ của Đức Ki-tô, trong đó có tôi hôm nay, vì tất cả chúng ta đều là “con của ngài” và kêu cầu ngài mỗi ngày: “Lạy cha yêu dấu của con…”. Chính vì thế mà “ngài được yêu mến” trong lịch sử Giáo Hội (đường nét thứ hai, làm nên chân dung của Thánh Giuse trong Tông Thư của Đức Thánh Cha), như ngài đã được yêu mến bởi Đức Giê-su trong Gia Đình Thánh Gia. Nếu là như thế, chúng ta có thể tự hỏi: Thánh Giuse “phục vụ với tư cách là cha” cho các môn đệ của Đức Ki-tô nhằm mục đích gì? Nếu không phải, chính là để làm cho chúng ta nên giống Đức Giê-su, con của ngài?
Để kết thúc phần nói về Thánh Giuse, “người cha trong vâng phục” , Đức Thánh Cha trích lời của thánh Giáo Hoàng Gioan-Phao-lô II: “Chính bằng cách thức này, mà trong sự viên mãn của thời gian Thánh Giuse cộng tác vào mầu nhiệm lớn lao của công trình cứu độ, và một cách đích thực ngài là thừa tác viên của ơn cứu độ” – Bản văn tiếng Pháp: “C’est bien de cette manière qu’il coopère dans la plénitude du temps au grand mystère de la Rédemption et qu’il est véritablement ministre du salut” (x. Ghi chú 17). Một khẳng định vừa có tầm mức thần học và vừa có ý nghĩa mục vụ. Vậy, tôi hiểu lời khẳng định như thế nào? Nhất là hai cụm từ “trong sự viên mãn của thòi gian” và “thừa tác viên của ơn cứu độ”? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc