Nhật ký thiện nguyện: Chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi (x Lc 17,7-10)

0

Tôi sinh ra trong thế hệ 8x, nên chưa từng biết mùi vị của chiến tranh là gì? Càng không biết chỗ đứng của người tôi tớ Chúa trong xã hội phong kiến ra sao? Có biết chăng, cũng chỉ là mớ kiến thức qua sách vở, báo chí và phim ảnh.

Nhưng Covid đã đẩy đất nước chúng tôi vào tình thế “chiến tranh lạnh”: ở đấy không tiếng súng, nhưng xác chết chất đầy trong những xe containers đông lạnh; không bắt đạo, nhưng con chiên chẳng thể đến nhà thờ; không máu me trên đường phố, nhưng các bệnh viện dã chiến luôn trong tình trạng quá tải…

Thế nhưng, bên kia nỗi thảm sầu của Covid, tôi lại bắt gặp được những hình ảnh rất đẹp của các tình nguyện viên, các linh mục, tu sĩ nơi các bệnh viện dã chiến. Họ là những tôi tớ của Đức Kitô. Nhìn bề ngoài họ không khác gì mọi người, có khác chăng là sứ điệp họ mang đến cho các bệnh nhân :“Hãy Luôn Hy Vọng”.

Một ngày sống của những tôi tớ Đức Kitô trên mặt trận Covid tại Bệnh viện Dã chiến số 1 được bắt đầu từ rất sớm. Khi Sài gòn bệnh đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, các tôi tớ của Đức Kitô  đã thức dậy ca tụng Chúa và cầu nguyện cho những người mà họ sẽ phục vụ, cũng như cho những ai đang cùng họ phục vụ Thân Mình Đức Kitô. Cầu nguyện để họ kín múc sức mạnh thần linh, giúp các tôi tớ Chúa có thêm sức đề kháng, đủ vui tươi, đủ can đảm và nhất là đủ quảng đại để đáp lại tiếng Chúa mời gọi, cùng với các bệnh nhân Covid chiến đấu chống dịch.

Ăn vội bữa sáng rồi vào bệnh viện cho kịp ca trực, các tôi tớ Chúa chỉ kịp trang bị một số kiến thức phòng vệ và bộ đồ bảo hộ kín mít. Họ chỉ có thể nhận ra đồng đội qua Logo của nhóm được vẽ sau lưng “Hãy Luôn Hy Vọng”, vì Thiên Chúa luôn yêu thương mọi người theo cách riêng của Ngài. Nhưng với các bệnh nhân, thì họ nhận diện các tôi tớ Chúa qua những việc cụ thể họ làm. “Cứ dấu này họ sẽ nhận biết được anh em là môn đệ Thầy.”

Công việc đầu ngày của các tôi tớ Chúa là tập trung trước hai containers (nhà xác lưu động) để cầu nguyện cho các bệnh nhân đã qua đời. Sau đó, chúng tôi ai nấy vào khu vực của mình để nhận nhiệm vụ.

Bước vào khoa cấp cứu: Bàn giao, nhận bệnh và nhận việc.

Giường số1: bệnh nhân PHẠM THỊ HOA: lơ mơ, thở máy, tri giác kém, dấu hiệu sinh tồn không ổn định, SpO2: 67% ăn uống qua ống… “Em ơi, bệnh nhân này cần thay bình oxy” … tiếng một chị điều dưỡng kêu lớn. Một tôi tớ Chúa vội vã chuyển bình oxy mới đến cho bệnh nhân kịp thời.

Giường số 5: bệnh nhân cần thay tã…ồ không xong rồi. Thân chủ đã vô tình làm phân văng tung toé ra đồ bảo hộ của tôi tớ Chúa…không sao, sẽ ổn thôi, an tâm nhé!… tôi tớ Chúa khẽ ra dấu hiệu để thân chủ an tâm về những gì đang xảy ra, kèm với nụ cười thân thiện dâng trên khóe mắt.

Còn nhớ sáng nay khi thức dậy, một Sr cùng phòng đã cẩn thận chuẩn bị một số dụng cụ y tế cùng với các loại gạc chuyên dụng, dự định sẽ dành tặng riêng cho bệnh nhân NGUYỄN VĂN KIỂNG – cụ đã vào viện nhiều ngày không chỉ vì Covid, mà còn vì bệnh nền tiểu đường rất nặng. Vết thương nơi bàn chân đã lâu không có điều kiện chăm sóc nên có nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ bàn chân là rất cao. Nhưng tiếc thay, tôi tớ chúa đây chưa kịp giúp gì cho cụ thì…bỗng nhiên, cuối phòng có tiếng bước chân vội vã của các bác sĩ và điều dưỡng tiến đến giường bệnh nhân số 10. Sau một hồi tích cực hồi sức, những con số trên máy dần giảm xuống rồi từ từ đứng lại, ông cụ đã không đủ sức chiến đấu với tử thần…và rồi, các loại máy móc dần được tháo ra. Trong khi các tôi tớ Chúa chỉ biết ngậm ngùi lau chùi cơ thể cụ lần cuối, dọn dẹp và chuẩn bị vài thứ cho cụ lên đường về nhà Cha. Nhưng cũng không quên dâng những lời cầu nguyện âm thầm liên lỉ kêu xin lòng thương xót Chúa.

Sống – chết mong manh là thế, tưởng chừng như chỉ cần một cú hích nhẹ là đủ để ta lên thiên đàng hay rơi vào ngõ cụt.

Tôi đã có đôi lần cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trong tác phẩm “Nhật ký của mẹ” đã viết rằng: “Cám ơn đời con đến bên mẹ”. Đêm nay, tôi càng nhận thấy điều này rõ hơn nơi bệnh nhân VÕ THỊ KIM THOA. Chị đã rơi vào tình trạng hôn mê nhiều ngày, nhưng khi dấu hiệu tri giác của chị có tiến triển, bác sĩ quyết định rút ống nội khí quản để chị tự tập thở.  5phút, 10 phút, 30 phút..các bác sĩ không ngừng quan sát và hỗ trợ giúp tri giác của chị tiến triển. Không chỉ điều trị bằng y học, bên kia điện thoại, bác sĩ cho phép người nhà nói chuyện với bệnh nhân. Chiếc điện thoại được áp sát vào tai bệnh nhân, ngay lập tức giọng một đứa trẻ vang lên:

-“Mẹ ơi, con này! Mẹ có nghe con nói gì không ạ? Mẹ tỉnh dậy đi, về với con, con nhớ mẹ lắm, mẹ ơi! Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm! Mẹ làm ơn mở mắt nhìn con đi…” Tiếng đứa trẻ cứ vang vọng  giữa đêm khuya đã đánh thức được tri giác của người mẹ.

Sự huyền nhiệm của tình mẫu tử đã làm cho tôi không cầm được nước mắt, chỉ biết ngước mắt lên cao tự hỏi “Chúa có thấy gì không? sự giao tranh giữa sống và chết, sự hoảng loạn của những đứa trẻ sợ mồ côi, sự chiến đấu không ngừng nghỉ của những bệnh nhân Covid…và sự phục vụ hết tình của các nhân viên y tế? Qủa thật, “Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Chúa…nơi những người bệnh tật…Trong sự kiên trì hằng ngày của họ. Tôi thấy sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu.” (x. Tông Huấn Gaudete Et Exsultate – Niềm vui và Hy vọng, số 7).

Quay trở lại tiếp tục với công việc của tình nguyện viên. Tôi đang loay hoay pha sữa, pha thuốc cho một cụ già neo đơn, bỗng bên kia giường có tiếng thút thít của một phụ nữ.

  • Em xin anh đừng có bỏ dây oxy ra, anh mà bỏ dây ra là anh bỏ mẹ con em đó.”

Tình trạng nửa tỉnh nửa mê đã làm cho bệnh nhân cảm thấy bứt rứt khó chịu với mớ dây nhợ quanh người. Tôi tớ Chúa đến bên cạnh trấn an người nhà, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân cách tập hít thở sâu để tự cứu lấy mình. Nhưng trong lòng tôi tớ Chúa vẫn không ngừng kêu cầu danh Chúa và tự hỏi Mẹ Maria: “Nếu Mẹ là người phụ nữ này, Mẹ sẽ làm gì???!…”

Ăn uống và thuốc men là hai điều không thể thiếu đối với bệnh nhân. Tạm gác lại những câu chuyện u buồn của khoa cấp cứu và ICU, tôi bước sang bộ phận hậu cần, những tôi tớ Chúa đang thoăn thoắt với công việc vận chuyển đồ ăn thức uống từ các bếp cơm từ thiện đến cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế, công an, dân quân tự vệ ở các chốt, các tình nguyện viên… Chúng tôi hay gọi các bạn là “ban lăng xăng”, bởi họ không chỉ lăng xăng trong công việc mà còn lăng xăng mang niềm vui, niềm hy vọng, lời động viên đến cho nhiều người. Những giọt mồ hôi ẩn dưới bộ đồ bảo hộ vẫn không làm mất đi nụ cười trên khoé mắt của tôi tớ Chúa.

  • Ông cố gắng ăn nhiều nhé, ăn nhiều mới đủ sức đi về với con cháu.
  • Hôm nay có cơm ngon lắm nha mọi người, đừng ai bỏ cơm nhé!” …

Tôi tớ Chúa không chỉ phát cơm trong bệnh viện, tôi còn bắt gặp hình ảnh của một tình nguyên viên cẩn thận gom lại những hộp cơm dư chưa ai dùng, rồi tìm cách trao gửi những phần thức ăn đó đến những người nghèo ngoài đường phố hay các khu “ổ chuột” cách vui vẻ và trân trọng.

Bên kia khu vực hậu cần, vài tu sĩ nam cũng đang chăm chỉ vận chuyển những bình oxy từ xe vào kho. Còn các nữ tu kho dược vẫn đang vui tươi trong công việc bổn phận phân phát thuốc và dụng cụ y tế cho các khoa phòng… Ôi! Những người tôi tớ Chúa, họ chẳng quản ngại những công việc nặng nhọc, mãi âm thầm phục vụ tha nhân chỉ vì tình yêu Đức Kitô thúc bách.

Quá giờ trưa, một anh đại diện bệnh viện đến thăm hỏi anh chị em tu sĩ có cần hỗ trợ gì không?. Vẫn những giọt mồ hôi đang đọng lại trên trán, các tôi tớ Chúa mỉm cười trả lời:

– “Dạ! Chúng em được phục vụ bệnh nhân, được sống vui vẻ trong tình huynh đệ, còn có được một ghế bố ngả lưng giữa ngày, ăn cơm hộp, và được nhiều người yêu thương nhớ đến…Thế là chúng em vui rồi ạ!”.

Chẳng phải Chúa từng nói: “Làm thợ thì đáng được trả công sao?” (Lc 10,7) Nhưng công lênh của các tôi tớ Chúa chẳng phải là lương bổng hằng ngày, nhưng là niềm vui của những người được ra đi loan báo Tin Mừng của Đức Kitô, niềm vui của những người vừa được cho vừa được nhận. Thế là đủ.

Tối về, các tôi tớ của Đức Kitô lại có giờ hồi tâm bên chân Chúa, để nhìn lại ngày sống của mình. Có Sr. chia sẻ:

-“Hôm nay em bị bệnh nhân cho một đá ngay mặt, chút nữa là gãy mũi luôn, may mà em có tấm chắn bảo hộ. Người nhà bệnh nhân bối rối xin lỗi, vì sợ em giận.

  • “ Cô thông cảm cho, người nhà của tôi bị tâm thần nên hay la lối đánh đập người khác lắm”
  • “Dạ không sao đâu ạ! Sáng giờ Sr. thấy chị bị bệnh nhân làm phiền nhiều, chắc cũng mệt rồi, muốn giúp chị thay tã cho bệnh nhân í mà, bệnh nhân này hơi mập, thay tã một mình vất vả lắm!…”

Chị chắp tay thay lời cảm ơn rồi cùng em thay tã cho người nhà… mọi sự rồi cũng ổn.

Một Sr. khác chia sẻ: “Hôm nay có hai bệnh nhân do tình trạng bệnh tiến triển tốt nên được chuyển khoa, bỗng em bắt gặp hình ảnh rất đẹp của một linh mục, cũng là một bác sĩ. Ngài cẩn thận giúp bệnh nhân thu dọn từng ly nước, từng cái tã, cái bô…Làm em cảm động quá chừng, bỗng thấy mình cần phải khiêm tốn dấn thân hơn nữa trong công việc Chúa giao.”

Viết đến đây tôi lại nhớ đến Tông huấn Gaudete Et Exsultate của ĐTC Phanxicô về ơn gọi trong thế giới ngày nay, có viết: “Chúng ta hãy được khích lệ bởi những dấu chỉ của sự thánh thiện mà Chúa cho chúng ta thấy qua các phần tử khiêm tốn nhất của dân ấy; là dân “cùng chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, khi truyền bá một chứng từ sống động cho Người, đặc biệt là một đời sống đức tin và đức ái” (x. Số 8).

Cứ thế, sau một ngày tất bật cùng các bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật, nhưng các tôi tớ Chúa luôn mang trong mình ngập tràn niềm vui; vui vì được Thiên Chúa yêu thương, tin tưởng và tín nhiệm sai đi làm vườn nho cho Chúa, vui vì được dùng những nén bạc sức khoẻ, tài năng và cả những cơ hội để được phục vụ. Vui vì giữa thời thế mà nhân loại đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tôi lại được cùng các anh chị em linh mục, tu sĩ nói với các bệnh nhân “Hãy Luôn Hy Vọng” vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài. Vui vì niềm vui của gia đình ông chủ, cũng là niềm vui của các tôi tớ Chúa đây.

Dẫu biết rằng đâu đó vẫn vang lên lời cảm ơn các tình nguyện viên, nhưng với những người tôi tớ của Đức Kitô, chúng tôi chỉ biết thưa lên rằng: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17, 10)

Nt. Maria Phạm Hồng Thuý Kiều

Comments are closed.

phone-icon