Nhật ký thiện nguyện: HÀNH TRÌNH: THẤU – CẢM – TIN

0

“Mỗi hành trình là mỗi trải nghiệm

Mỗi trải nghiệm là mỗi phương thế

Mỗi phương thế giúp tôi thấu cảm

Tôi được Yêu”.

Thật vậy, hành trình tham gia chống dịch tại thành phố Biên Hòa cùng với đoàn thiện nguyện của giáo phận Xuân Lộc là một hành trình đầy thú vị, đong đầy thấu hiểu, cảm mến và tin yêu.

THẤU

Với công tác được trao, ngày ngày tôi cùng đoàn đi vào các khu cách ly để test định kỳ cho các bệnh nhân nhiễm Covid. Trong quá trình đó, tôi luôn động viên họ: “Các bác đừng lo, mọi sự sẽ ổn thôi, cứ an tâm ăn uống, ngủ nghỉ, tĩnh dưỡng rồi sẽ được về nhà. Bệnh này nó như bệnh cúm í mà”.

Ngày 12/9/2021 nghĩa là sau gần 2 tháng tham gia thiện nguyện, sau khi đi làm về, tôi được test nhanh theo định kỳ (3 ngày/lần). Quá sức bàng hoàng khi nhìn vào kết quả test nhanh. “Lạy Chúa! Con sao?”, “Tại sao lại vậy?”. Lúc này tôi tôi mới hiểu một câu mà người ta vẫn nói “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”. Thật vậy, chỉ đến khi bị đón nhận kết quả dương tính với Covid, tôi mới hiểu được mọi nỗi lo lắng của người nhiễm bệnh.

Đêm đó tôi đã trải qua một đêm thật dài, tôi đã cố làm mọi cách: xông, bỏ dầu nóng vào 2 cánh mũi, súc miêng, súc mũi, hầu sáng mai hy vọng test nhanh hôm qua không đúng và lấy mẫu PCR để chứng tỏ là test nhanh hôm qua nhầm (vì theo kinh nghiệm của người lấy mẫu chuyên nghiệp, có những test nhanh bị lỗi nên báo nhầm). Nhưng đâu vẫn vào đó, hai vạch đậm lè hiện lên còn rõ hơn hôm qua. Tôi biết rằng: “mình làm bạn cùng Covid”.

CẢM

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa, (Tv 26, 11)

Sau khi biết “thế là xong”. Tôi được bước qua một hành trình mới – hành trình đi vào khu cách ly với tâm thế là một bệnh nhân. Tất cả các chị em cũng như đồng đội của tôi, khi hay tin, ai cũng thương, cũng muốn tặng cho tôi cái ôm chia sẻ, nhưng … Mọi người chỉ đứng xa nhìn tôi với hàng lệ tuân trào. Đong đầy những nỗi niềm, tôi nhớ lại những mẩu chuyện mà tôi đã được chứng kiến và được nghe chia sẻ.

1. Câu chuyện của bác tài xế. 

“Dì biết không, đã gần 2 tháng tôi không được về nhà, gặp kho báu của tôi (2 đứa con của anh). Cũng như bao người khác, tôi thích ở nhà với vợ, với con, nhưng vì lời mời gọi của công ty xe Hoàng Hà với mọi nhân viên, tôi đã bỏ qua sự êm ấm và an toàn của gia đình mình mà tham gia vào đội chống dịch của Thành phố Biên Hoà với tư cách là tài xế xe. Dĩ nhiên công ty không ép ai tham gia làm công việc này, cũng chẳng ai ép tôi, nhưng đều là người Việt Nam, dù tôi không làm được như các y bác sĩ, hay như các thiện nguyện là các Dì, các em sinh viên, nhưng tôi nghĩ mình có thể giúp mọi người đi làm, hoặc đến các phường xã để lấy mẫu xét nghiệm, hoặc vận chuyển thuốc, đồ dùng cần thiết cho các bệnh nhân và thậm chí chở cả F0 đến các khu cách ly ….” Ôi tấm lòng của anh thật quả cảm!

Rồi một lần tình cờ đoàn xe cách ly đi ngang qua nhà của anh, anh xin phép được dừng lại để ngó cái nhà cho đỡ nhớ. Ai ngờ theo linh cảm, “kho báu của anh” cũng đứng ở đó như biết trước rằng hôm nay bố về.

Nhìn thấy hai đứa con, theo phản xạ tự nhiên, anh bước xuống xe, hai đứa bé nhận ra, chúng í ới gọi: “Bố ơi! Bố ơi!!!!!” và vội chạy lại như muốn ôm chầm lấy anh. Nhưng chợt nhớ ra, anh liền chạy ngược lên xe, đóng sập cửa, rồi nói vọng xuống:

“Bo, bế em vào trong nhà, ai cho ra ngoài nhà thế này?

Bé Bin hét toáng lên: “Bố ơi! Bao giờ Bố về? Con nhớ bố quá

Nhìn bé Bin cố vùng vẫy trong đôi tay bé nhỏ của anh trai, cả đoàn trên xe không cầm được lòng.

“Hai anh em vào trong nhà đi, khi nào hết dịch rồi Bố về”. Anh gạt nước mắt vẫy tay chào hai con rồi quay lại nói với đoàn “Chúng ta đi chiến đấu tiếp nha”.

2. Câu chuyện của chị nhân viên y tế

Chồng em là lính quân y, em là ngân viên y tế. Theo bình thường, em được ở nhà để nuôi con gái mới được 2 tuổi. Nhưng nhìn vào tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, em tình nguyện đi làm mỗi ngày. Chồng em biết chuyện cũng trách nhẹ: “Hai vợ chồng mình đi tuyến đầu, nếu có vấn đề gì xảy ra, con mình sẽ ra sao?”

Có những hôm nhớ con, em xin ghé nhà một xíu để được nhìn thấy Coca – đứa con gái nhỏ của mình. Em đứng thật xa để lén nhìn thấy con gái. Coca như biết được em về, bé ngồi ở cửa đợi sẵn và khóc thét lên khi nhìn thấy mẹ. Từ xa em muốn chạy lại ôm con một cái, nhưng không thể… Em nén lại và gọi tên con “Ca của mẹ ơi!”

Làn ranh giới vô hình đã ngăn không cho em được ôm lấy đứa con, nó còn khắc nghiệt hơn cả chiến tranh. Em ơi, chúng ta cùng chiến đấu và cầu nguyện cho cơn dịch bệnh này mau chóng qua nhanh nha.

3. Câu chuyện của các chú bộ đội lục quân.

Em là đang là sinh viên của trường Lục Quân 2. Theo lời mời gọi của trường, em theo đoàn xuống Biên Hoà để tham gia phòng chống dịch. Em đã được phân bổ nhiểu nơi lắm và cũng kiêm nhiều công tác. Từ vận chuyển F0, chuyển mẫu xét nghiệm, đứng chốt vào ở các khu cách ly và thậm chí là cả đem người quá cố đi thiêu nữa. Nhiều khi rất mệt mỏi, em muốn cởi bộ đồ bảo hộ ra thật nhanh để không làm nữa. Nhưng con tim không cho phép, em đang chiến đấu, em phải hoàn tất công việc của mình, thế là em lại tiếp tục cố gắng.

4. Câu chuyện chung của các bệnh nhân Covid

Vâng tôi cảm được tâm tư tình cảm của các bệnh nhân, làn ranh giới mỏng manh vô hình trong một phút chốc đã làm cho các bệnh nhân không được ở gần được người thân. Ngay trong lúc cần một lời động viên, một cái một thật nhẹ để cảm thấy được yêu thương, được nâng đỡ và được bảo vệ. Thì họ lại phải đứng một mình, nhìn những người thân yêu với hai hàng lệ tuôn rơi vì bất lực, không thể làm điều gì khác nào hơn. Tinh thần và tâm thế của người bệnh khi bước vào khu cách ly là thế. Họ hoang mang lo sợ vì mình là F0 đã đành, những người nhà, người thân bạn bè của mình tiếp xúc gần, nguy cơ cao. Họ sẽ thành F0 như mình thì sao ??? Mình đã liên luỵ đến thật nhiều người.

Tôi cũng thế, sau khi biết mình là F0, cả ngày hôm sau – là một ngày thật kinh khủng. Tôi ngóng tin của các chị em cùng sống với tôi và các đồng nghiệp của tôi, tôi luôn cầu nguyện và hy vọng họ có kháng thể tốt hơn tôi để không một ai là F0 như tôi.

TIN

“Dù có phải lâm vào chiện trận, Lòng tôi vẫn cậy tin” (Tv 26,3b)

Vâng, trong cơn khó khăn này, tôi biết rằng: “Tôi không chiến đấu một mình, Tôi có Chúa, tôi có Hội Dòng, có các Cha, các thầy, các sr., các anh chị em trong đoàn thiện nguyện của Giáo phận Xuân Lộc cùng đồng hành”, nên đây là một hành trình yêu thương khác Chúa đang dẫn tôi đi. Do đó, tuy tôi phải chiến đấu một mình, nhưng trong tinh thần mọi người đang cùng tôi chiến đấu

“Hừng đông chưa xuất hiện, con đã kêu xin,
con hằng cậy trông ở lời Chúa.”

(Tv 118, 147).

Ngay từ tờ mờ sáng, đêm đầu tiên trong khu cách ly, – mới 3 giờ sáng- tôi đã nghe vẳng vẳng đâu tiếng: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Ôi Chúa ở đây thật rồi. Con tin Chúa đang cùng các bệnh nhân chiến đấu. Nên giờ đây tôi tin rằng:

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh, 
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.

(Tv 26,5).

Chúa đã giấu các bệnh nhân vào Lòng thương xót của Ngài. Ẩn họ trong các khu cách ly, để gần họ hơn ai hết, để từ đây cho họ cảm nghiệm “Chúa cùng con chiến đấu”. Đến 5 giờ sáng tôi lại nghe tiếng người đọc kinh, tham dự thánh lễ. Một tiếng sau ở lầu dưới lại là tiếng lần hạt mân côi. Cả một ngày trong khu cách ly, đều đều nghe râm ran những lời thì thầm lên Chúa và Đức Mẹ.

Và tình thương Chúa lan tràn, toả lan khắp nơi đây, từ người phục vụ âm thầm đến các nhân viên và bệnh nhân tôi đều cảm nhận được “Chúa đó”. Chúa đang ở đây đồng hành và chia sẻ kiếp người. Giờ đây tôi lại xác tin: “Trong tình yêu không có đau khổ và sợ hãi, nếu có nó là dấu chỉ của tình yêu”

Quả thật có bàn tay Chúa đang ở cùng tôi, Người dẫn tôi đi trên mọi nẻo đường tôi không hề nghĩ tới để tôi : Thấu – Cảm – Tin rằng:  “Không có gì êm đềm hơn trong những khoảng khắc khó khăn nhất, bạn biết rằng có ai đó đang cùng bạn chiến đấu”

Nt. Têrêsa Thanh Thanh

Comments are closed.

phone-icon