Phục vụ thời covid – SN Chúa Nhật XXV TN, năm B

0

Trong hoàn cảnh dịch bệnh gây nên bao nỗi khổ đau thì các tu sĩ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam đã dấn thân lên đường phục vụ các nạn nhân covid bất chấp nguy hiểm. Đức Tổng Giám Mục Sài gòn nhắc nhở sứ vụ của người Ki-Tô Hữu về tinh thần phục vụ vô vị lợi này :  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mt 20,28), và địa chỉ được sai đến chính là người nghèo hèn, bị giam cầm, áp bức, và tật nguyền, khốn khổ, bị bạc đãi, bỏ rơi (x. Lc 4,16-19). Ngài nói: ““Làm sao trái tim chúng ta không nhói đau khi chứng kiến những cảnh tượng đau buồn này và nhìn thấy những đứa trẻ bị bỏ lại một mình vì gia đình chúng đã chết vì COVID-19?”

 Hôm nay Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn là người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”

ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh nói: “ Những gương sáng về sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm. Quả thực, lòng mến đã không bị “cách ly” bởi dịch bệnh, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).

Hơn bao giờ hết nhân loại đang phải đối đầu với đại dịch do biến chủng mới của Virus Corona gây ra với những hậu quả nặng nề : hơn 200 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4 triệu người tử vong. Riêng ở Việt Nam, làn sóng dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát như một cơn sóng thần, khiến nhiều người hoảng sợ, các đơn vị phòng chống dịch hầu hư bất lực vì tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới. Thời gian này rất cần những người quảng đại hiến thân đến quên mình để phần nào làm dịu đi những đau thương nghiệt ngã này. Bây giờ không phải là sống lý thuyết nhưng là dấn thân vào cuộc, Đức Cha ĐGM GB Bùi Tuần Giáo Phận Long Xuyên đã chia sẻ như sau: Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hy sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết”.

ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh có lần đã nhắn nhủ các linh mục trong dịp tĩnh tâm ở giáo phận Đalat, như sau:

“ ‘Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được.” [4]

Khi đề cập đến vấn đề phục vụ chúng ta không quên lời nhắn nhủ rất sâu sắc của Thánh Terexa Avila nhắc nhở chúng ta: “Hôm nay Đức Kitô nhìn người khác bằng mắt chúng ta, yêu người khác bằng trái tim chúng ta, đến với người khác bằng đôi chân chúng ta và phục vụ người khác bằng đôi tay của chúng ta.” Lúc cao điểm này thì sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã “yêu đến cùng” thế nào.

Trong cơn đại dịch này, chúng ta nhớ đến mẫu gương của thánh tu sĩ Luy Gonzaga (1568 – 1591). Ngài vốn là con của một vị lãnh chúa nhưng năm 17 tuổi ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa để gia nhập Dòng Tên với ước nguyện được sang Á Đông truyền giáo. Tuy nhiên vào năm 1591, Châu Âu bị dịch bệnh hoành hành, Luy Gonzaga cùng với các anh em khác tình nguyện đến thăm các bệnh nhận, đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích trước khi qua đời. Cuối cùng, Luy Gonzaga đã phục vụ bệnh nhân tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời đêm 20 tháng 6 năm 1591 khi mới 23 tuổi.

Khi những con số bệnh nhân gia tăng hàng ngày, số người chết cũng ngày một nhiều thêm, cuộc sống trở nên ngột ngạt, cũng là lúc anh chị em tu sĩ chúng ta được mời gọi làm chứng nhân cho Tin mừng, bằng việc chăm sóc, an ủi và xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân COVID-19. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên niềm mong đợi của ngài nơi các tu sĩ “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Bởi vậy, tu sĩ chúng ta phải là những người tiên phong dấn thân mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho các nạn nhân dịch cúm Covid qua việc tận hiến phục vụ tha nhân. Qua lá thư này, trên cương vị chủ tịch ủy ban tu sĩ và với tư cách là một tu sĩ, tôi tha thiết mời gọi những người sống đời thánh hiến tiếp tục tình nguyện dấn thân phục vụ các nạn nhân của đại dịch. Cũng vậy, xin các cộng đoàn tu sĩ tiếp tục trợ giúp và rộng cửa đón tiếp những nạn nhân COVID-19 trong khả năng có thể.

Ngày nay những người đau khổ bệnh tật đang được cảm hóa từ những môn đệ khiêm tốn và yêu thương của Chúa. Họ thắc mắc những người này là ai vậy mà đến với họ bằng tình yêu thương xót và thông cảm. Có những bệnh nhân trong cơn hấp hối đã hỏi một chị nữ tu đang phục vụ : «  Cô là ai vậy mà vào đây chăm sóc tôi ». Trong mùa dịch này ánh sáng Đức Ki-Tô đang bừng sáng trong nhà thương, ở nơi phong tỏa và trong chốn cách ly. Những môn đệ Đức Ki-Tô đang âm thầm tỏa sáng trong phục vụ.

Xin Chúa giúp chúng ta thực hành bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay: phục vụ trong khiêm tốn và tình yêu. Ngày nay người ta nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Ki-Tô qua cuộc sống âm thầm phục vụ. Yêu thương, khiêm tốn, dấn thân, phục vụ là những dấu chỉ sống động có sức lôi cuốn và thuyết phục con người thời đại nhất là trong hoàn cảnh rất khó khăn này. Ngày nay con người nhìn vào lối sống của những mang Lời hơn là ở lời giảng dạy. Lời giảng dạy có sức cuốn hút là do người giảng đã sống điều mình giảng.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon