Tôi Phản Đối Bạn

0

Bạn không trở nên mạnh mẽ bằng cách hạ thấp người khác.

Khi Chúa Giêsu chỉ định mười hai môn đệ, Người đã chọn những ngư phủ và người thu thuế – những người buôn bán hằng ngày hay giống như những công nhân viên.

Không ai trong số họ đã được đào tạo chuyên môn về việc rao giảng Tin Mừng, nghệ thuật thuyết giáo hoặc quản trị. Nhưng họ là những người chăm chỉ, chân thật và trung thành; và Chúa Giêsu biết rằng dần dần Người có thể uốn nắn họ thành những tông đồ đích thực.

Qua thời gian sống với các môn đệ, Chúa Giêsu cảm nhận rằng họ đang có sự tiến bộ. Họ đang học hỏi những giáo huấn của Người. Họ đang tin vào những phép lạ của Người. Họ đã và đang nhìn thấy cuộc sống của mọi người thay đổi. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu biết rằng họ vẫn phải đối phó với những lối suy nghĩ và hành động trước đây của họ. Giống như chúng ta, mười hai môn đệ đã “tiến bộ”.

Ở đây, chúng ta muốn tập trung vào một khía cạnh mà Nhóm Mười Hai vẫn cần phải thực hành về cách cư xử của họ đối với những người khác. Chúng ta muốn xem cách họ có thể đẩy chính mình vào thế chống đối lẫn nhau, hay cách họ loại trừ những người khác khỏi nhóm được Chúa Giêsu tuyển chọn, và họ cần thay đổi cách nhìn của họ về những người mà họ cho là không xứng đáng hoặc Chúa Giêsu không tuyển chọn. Chúng ta muốn tích lũy từ kinh nghiệm của các môn đệ những bài học nào giúp chúng ta thay đổi với những suy nghĩ chia rẽ cục bộ và tự coi mình là trung tâm.

Để làm được điều này, chúng ta sẽ tập trung sự chú ý của chúng ta vào một số câu chuyện về Nhóm Mười Hai trong chương 9 của Tin Mừng Thánh Luca – những câu chuyện cho thấy các môn đệ đã đạt được nhiều tiến bộ như thế nào nhưng họ vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tính Hơn Thua nơi Người Môn Đệ? Một cuộc tranh cãi nổi lên giữa các môn đệ về việc xem ai trong số họ là người lớn nhất (Lc 9,46).

Đây không chỉ là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh nói về việc các tông đồ đang tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mt 18,1; Mc 9,34; Lc 9,46). Thực vậy, dường như họ đã tranh cãi trên suốt quãng đường đi cho tới Bữa Tiệc Ly (x.Lc 22,24)!

Thánh Luca không cho chúng ta biết đâu là lý do khiến các tông đồ có cuộc tranh cãi đặc biệt này, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những câu chuyện được đề cập trước đoạn này, chúng ta có thể khám phá ra một số nguyên nhân khả dĩ.

Một điều có liên quan đến việc Chúa Giêsu vừa mới sai các môn đệ đi tới các làng lân cận để thực hiện “chuyến truyền giáo” đầu tiên của họ. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng các môn đệ đã đi “công bố Tin Mừng và chữa lành các bệnh tật những người đau ốm ở khắp nơi” (Lc 9,6). Vì thế, các ông chắc hẳn đã rất thành công!

Dĩ nhiên, bây giờ sự thành công là một điều tốt. Nhưng nó cũng tiềm tàng nguy cơ khiến cho chúng ta quá tự tin. Có lẽ, các môn đệ đang tranh cãi về việc ai là người làm tốt nhất công việc này, chuyến ra khơi đầu tiên của họ. Thật không khó để hình dung khi Mátthêu nói rằng: “Tôi đã thực hiện ba cuộc chữa lành và cuộc trừ quỷ. Và thậm chí tôi đã giúp được hơn bốn người đi theo Chúa Giêsu”. Nhưng rồi, hãnh diện khi thông báo về công việc của mình: “Không tệ, anh Mátthêu, nhưng tôi đã chữa lành được sáu người. Hai người trong số họ vừa mới bỏ nạng của họ và bắt đầu nhảy múa! Tôi cũng giúp cho toàn bộ một gia đình trở lại và tin vào Chúa Giêsu”. Rồi Andrê đã hắng giọng và nói: “Không tệ, nhưng tôi thực sự có thể cảm thấy Thần Khí Chúa đang làm việc qua tôi. Tôi không đếm được bao nhiêu người đã được chữa lành và rất nhiều dân làng đã sám hối và tin (vào Thầy Giêsu)”.

Với kiểu giành lợi thế cho mình hơn người khác đó, thật dễ dàng để hình dung một cuộc tranh cãi đang diễn ra.

Sự Ưu Tú của Người Tông Đồ? Một nguyên nhân khác của cuộc cãi vã có thể là những sự kiện xung quanh biến cố biến hình của Chúa Giêsu, đã xảy ra không lâu sau khi các môn đệ trở về từ chuyến rao giảng Tin Mừng của họ.

Luca tường thuật cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi để cầu nguyện với Người. Vì thế chỉ có ba người này được đặc ân chứng kiến Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng thiên đàng và đang đàm đạo với Môsê và Êlia. Có lẽ, Chúa Giêsu nói các tông đồ khác ở lại phía sau và đợi Người cùng ba tông đồ ấy trở lại. Có thể là Chúa Giêsu đã xem Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người môn đệ thân tín nhất – và sự kiện duy nhất đó có thể là điều gây khó chịu trong nhóm họ. “Bộ ba” có bao giờ khoe khoang, phô trương về chỗ đứng đặc biệt của mình không? Chín tông đồ kia có từng cằn nhàn về cách đối xử đặc biệt của các anh em mình không? Có thể lắm.

Sau đó khi Chúa Giêsu và môn đệ xuống núi, Thầy trò gặp một người đàn ông – cha của một bé trai đang bị quỷ ám. Ông ấy đã van xin chín người môn đệ còn lại trừ quỷ cho con trai mình, nhưng dù đã cố gắng nỗ lực thế nào, họ không thể làm được điều đó. Có thể là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã tỏ thái độ khinh thường đối với các tông đồ khác vì họ cho rằng họ đã thành công hơn chăng?

Dĩ nhiên, chúng ta chỉ đang phỏng đoán. Chúng ta không biết các môn đệ đang suy nghĩ gì. Chúng ta không biết những sự kiện này có liên quan gì đến cuộc tranh cãi của các môn đệ sau này không. Nhưng điều đó không cần phải tưởng tượng nhiều để thấy các tình huống như thế này có thể đã trở lại trong tâm trí của họ như thế nào khi họ bắt đầu cãi nhau về việc ai là người lớn nhất.

Đã và Chưa. Chúng ta có thể nhận thấy rằng cách phỏng đoán này thật thú vị và thậm chí hơi nực cười. Thật vui khi tưởng tượng cuộc sống hằng ngày của các môn đệ. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng các tác giả Tin Mừng kể ra những câu chuyện này là có lý do. Chúng ta có thể chắc chắn rằng vì phần lớn Nhóm Mười Hai đã trở thành một nhóm những người đàn ông rất gắn bó, họ đã yêu thương và nâng đỡ lẫn nhau. Chúng ta có thể chắc chắn rằng họ cũng đã lớn lên trong sự thánh thiện. Những câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện là cả một hành trình chứ không phải là một đích đến mà chúng ta có thể đạt được ngay tức khắc.

Giống như các môn đệ vẫn cần được huấn luyện và được dạy dỗ bởi Thiên Chúa, chúng ta cũng thế. Giống như Nhóm Mười Hai, chúng ta cũng có khuynh hướng nghiêng về não trạng tôi-chống lại-bạn. Hãy nghĩ xem thật khó khăn biết chừng nào để có thể kiên quyết chống lại cơn cám dỗ tham gia vào một cuộc tán gẫu với bạn bè. Hoặc hãy tưởng tượng rằng bạn vừa mới hoàn tất thành công một dự án nhóm tại công sở. Phần lớn chúng ta phải thực hiện một quyết định có ý thức để mở rộng sự tín nhiệm ra xung quanh nhưng không làm cho bản thân mình tỏa sáng hơn những người khác. Hoặc hãy nghĩ xem có thể khó biết chừng nào đối với một người đàn ông để đón nhận lời phê bình xây dựng của vợ mình – và ngược lại.

Điều này không có nghĩa là toàn bộ cuộc sống của chúng ta đều bị chi phối bởi những thái độ chia rẽ, tự cho mình là trung tâm. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng yêu mến Chúa và những người xung quanh chúng ta. Giống như họ, chúng ta đang cố gắng để làm những điều tốt nhất có thể. Nhưng tất cả chúng ta đều có những vùng tối cần được tác động và được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta đều đang ở trong trạng thái đã được Thiên Chúa cứu chuộc và được tràn đầy Thánh Thần của Người, nhưng vẫn chưa được hình thành cách trọn vẹn theo hình ảnh của Chúa Kitô.

Dừng Lại, Xét Mình và Ngợi Khen. Như thế, đâu là những bước chúng ta có thể thực hiện sẽ giúp chúng ta đối phó với những suy nghĩ chia rẽ, tự cho mình là trung tâm? Làm cách nào chúng ta có thể tránh kiểu tranh cãi mà các môn đệ đã gặp phải?

Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là chỉ cố gắng hết sức dừng lại những suy nghĩ và những lời nói tiêu cực. Bước này không cần thực hiện bất cứ sự hiểu biết tâm linh nào. Chúng ta chỉ phải canh chừng tâm trí và môi miệng chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cư xử với những người khác theo cùng cách mà chúng ta muốn được đối xử (x.Mt 7,12). Chúng ta có thể thực hiện lời hướng dẫn căn bản này cho tất cả mọi mối tương quan của mình – kẻ thù cũng như bạn bè của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể thực hành thói quen duyệt xét lại các mối tương quan của chúng ta. Hãy cố gắng dành ra ít phút mỗi buổi tối để nhìn lại ngày sống của bạn. Đã có những lần bạn đã hạ nhục một ai đó phải không? Những lần khi bạn xây dựng hình ảnh bản thân trên những thương tổn của người khác? Những lần bạn góp phần gây chia rẽ hơn là sự hiệp nhất trong gia đình bạn? Nếu bạn kiên định xét mình như thế thì theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những điều tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của bạn – và bạn sẽ nhận thấy ân sủng của Thiên Chúa đang giúp bạn chiến thắng chúng.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi” (Mc 9,43). Chúng ta không phải đi đâu xa, nhưng chúng ta có thể cố gắng hết sức để chấp nhận và thực hiện chính sách “không khoan nhượng” khi xảy ra hành vi chia rẽ. Và chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách kiềm chế bản thân mình trước khi chúng ta đi vào con đường sai trái.

Cuối cùng, chúng có thể cố gắng phát triển cách nhìn tích cực đối với những người khác. Hãy khen ngợi những người khác, đặc biệt các thành viên trong gia đình mình. Hãy quyết tâm trao tặng ít nhất một lời bình luận tích cực đối với người bạn đời của mình mỗi ngày. Hãy đặc biệt chú tâm để chúc mừng một người đồng nghiệp về một công việc đã được hoàn thành tốt hoặc để nói với ai đó rằng bạn rất vui khi làm việc với anh hay cô ấy.

Bất cứ điều gì bạn làm, hãy biết rằng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho những nỗ lực của bạn. Người sẽ mỉm cười mỗi lần chúng ta kiềm chế chính mình không nói điều gì đó chia rẽ. Người vui thích khi thấy chúng ta đối xử với nhau cách tử tế.

Hãy Bắt Đầu Làm Đi! Anh chị em thân mến, có một vương quốc cần phải được xây dựng. Các môn đệ có thể đã có những khoảnh khắc chiến đấu nội tâm, nhưng theo thời gian họ đã học được một cách tốt hơn và cuối cùng họ đã biến đổi được thế giới. Đây là cũng là thách đố của chúng ta. Chúng ta có một sứ mạng lớn lao. Có một thế giới cần phải được biến đổi và Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta để làm cho ánh sáng của chúng ta tỏa chiếu rạng. Vì thế, chúng ta hãy cống hiến hết mình để thay đổi môi trường trong gia đình, nơi làm việc và xóm làng của chúng ta. Chúng ta có thể làm nên một sự khác biệt!

Theo Word Among Us, Personal Spirituality Resources
Nguồn:https://wau.org/resources/article/me_against_you/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon