Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại Hy Lạp

0

Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ
Nguồn: vatican.va

Trường Thánh Dionysius của các Nữ tu Dòng Thánh Ursula ở Maroussi, Athens

Anh chị em thân mến, kaliméra sas! [Chào buổi sáng!]

Cảm ơn các con đã đến đây hôm nay, nhiều bạn đến từ những nơi rất xa: efcharistó! [Cảm ơn các con!]. Cha rất vui được ở bên các con khi chuyến thăm Hy Lạp của cha sắp kết thúc. Nhân dịp này cha bày tỏ lòng biết ơn trước sự chào đón mà cha đã nhận được và tất cả những công việc đã được thực hiện để tổ chức chuyến thăm này: efcharistó!

Cha đã rất xúc động trước những chứng ngôn của các con. Cha đã đọc chúng, và bây giờ cha muốn phân tích cho các con về một số điểm các con đã nêu ra.

Katerina, con chia sẻ với chúng ta những hoài nghi về đức tin lại tái diễn của con. Cha muốn nói với con và với tất cả các bạn trẻ ở đây rằng: đừng lo sợ những hoài nghi, vì chúng không phải là dấu hiệu của sự thiếu đức tin. Đừng sợ những hoài nghi. Ngược lại, những nghi ngờ là “vitamin cho đức tin”: chúng giúp củng cố đức tin và làm cho đức tin trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng làm cho đức tin phát triển, trở nên ý thức hơn, tự do và trưởng thành hơn. Chúng làm cho đức tin trở nên háo hức hơn để lên đường, kiên trì với lòng khiêm nhường, ngày nối ngày. Đức tin chính xác là như vậy: là một cuộc hành trình hàng ngày với Chúa Giêsu, Đấng cầm tay chúng ta, đồng hành với chúng ta, động viên chúng ta, và khi chúng ta gục ngã, nâng chúng ta lên. Ngài không bao giờ sợ làm điều này. Đức tin giống như một câu chuyện tình yêu, khi chúng ta cùng nhau tiến về phía trước, từng ngày từng ngày. Giống như một câu chuyện tình yêu cũng vậy, có những lúc chúng ta phải suy nghĩ, phải đứng trước những câu hỏi, phải nhìn vào trái tim của mình. Và điều đó là tốt, bởi vì nó nâng cao chất lượng của mối quan hệ! Điều này rất quan trọng đối với các con, vì các con không thể tiến bước trên hành trình đức tin mà bị mù lòa, không; thay vào đó, hãy đối thoại với Chúa, đối thoại với lương tâm của mình và với những người khác.

Trong kinh nghiệm của Katerina, cha muốn nhấn mạnh một điều rất quan trọng. Có những lúc, khi đối mặt với sự hiểu lầm hoặc những khó khăn của cuộc sống, với sự cô đơn hoặc thất vọng, sự hoài nghi có thể đến gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ: “Có lẽ có điều gì đó không ổn xảy ra với mình… Tôi nghĩ có thể tôi đã làm cho mọi thứ trở nên lộn xộn…” Các bạn trẻ của cha, đó là một sự cám dỗ! Một sự cám dỗ để bị từ chối. Ma quỷ gieo vào lòng chúng ta sự nghi ngờ này để làm cho chúng ta trở nên u sầu và chán nản. Chúng ta nên làm gì? Chúng ta làm gì khi loại hoài nghi đó trở nên ngột ngạt và dai dẳng, khi chúng ta mất tự tin và thậm chí không biết bắt đầu từ đâu? Chúng ta cần quay trở lại điểm xuất phát. Điểm xuất phát đó là gì? Để hiểu điều đó, chúng ta hãy lắng nghe những gì nền văn hóa cổ điển vĩ đại của các con đã nói. Các con có biết điểm khởi đầu cho tất cả triết học, và cả nghệ thuật, văn hóa và khoa học không? Các con có biết nó là gì không? Tất cả những điều đó bắt đầu bằng một tia sáng, một hiện thực, được ghi lại bằng một từ ngữ tuyệt vời: thaumàzein. Nó bắt đầu với sự ngạc nhiên, với sự kinh ngạc. Triết học xuất hiện từ cảm thức kinh ngạc về mọi sự tồn tại, về sự sống của chính chúng ta, về sự hài hòa của thiên nhiên xung quanh chúng ta, và về bí ẩn của chính sự sống.

Sự kinh ngạc, ngạc nhiên, là khởi đầu không chỉ của triết học, mà còn là niềm tin của chúng ta. Thường thường, Tin mừng cho chúng ta biết rằng khi người ta gặp Chúa Giêsu, họ đầy kinh ngạc. Trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, sự kinh ngạc luôn hiện hữu, vì đó là sự khởi đầu của cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Và lý do là vì đức tin không phải là một danh sách những điều cần tin và các quy tắc phải tuân theo. Theo nghĩa sâu xa nhất, đức tin không phải là một ý tưởng hay một hệ thống đạo đức, mà là một thực tế, một chân lý cao đẹp không phụ thuộc vào chúng ta và là điều khiến chúng ta kinh ngạc: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa! Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của đức tin: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa! Chúng ta là những người con yêu dấu bởi vì chúng ta có một người Cha luôn dõi mắt trông theo chúng ta và không ngừng yêu thương chúng ta. Hãy suy nghĩ về điều này: các con có thể suy nghĩ hoặc làm bất cứ điều gì, ngay cả có thể là những điều tồi tệ nhất, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương các con. Cha muốn các con hiểu rõ điều này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi yêu thương. Có thể có bạn nói với cha: “Nhưng nếu con rơi vào điều tồi tệ nhất, Chúa có yêu thương con không?” Chúa yêu con. “Và nếu con là một kẻ phản bội, một tội nhân khủng khiếp và có kết cục tệ hại, sa vào ma túy … Chúa có yêu con không?” Chúa yêu con. Thiên Chúa luôn yêu thương. Người không thể ngừng yêu thương. Người luôn luôn yêu thương, không có ngoại lệ. Người nhìn vào cuộc sống của các con và thấy rằng nó tốt đẹp (xem St 1:31).

Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta đứng trước một cái gương, có thể chúng ta không nhìn thấy bản thân theo cách chúng ta muốn, bởi vì chúng ta quá quan tâm đến những điều chúng ta không thích. Nhưng nếu chúng ta đứng trước Chúa, cái nhìn sẽ thay đổi. Chúng ta không thể không kinh ngạc vì rằng với tất cả những tội lỗi và sa ngã của chúng ta, đối với Người, chúng ta là đứa con yêu dấu của Người. Vì vậy, thay vì bắt đầu một ngày bằng cách nhìn vào cái gương, tại sao không mở cửa sổ phòng ngủ và chăm chú nhìn vào mọi sự đẹp đẽ hiện hữu, nhìn vào vẻ đẹp các con tìm thấy xung quanh mình? Thoát ra khỏi chính mình. Các con thân yêu, hãy nghĩ về điều này: nếu thiên nhiên đẹp trong mắt chúng ta, thì trong mắt của Chúa, mỗi người trong chúng con hoàn toàn đẹp hơn! Kinh Thánh chép: “Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng” (x. Tv 139:14). Trong mắt Chúa, chúng ta là một kỳ công. Hãy cho phép bản thân bị cuốn vào kỳ công đó. Hãy cho phép bản thân được yêu thương bởi Đấng luôn tin tưởng các con, bởi Đấng thậm chí còn yêu thương các con hơn chính các con yêu mình. Thật không dễ để hiểu được sự bao la của tình yêu thương của Thiên Chúa, không dễ để nắm bắt được điều đó, nhưng nó là như thế này: hãy để cho mình được nhìn ngắm bởi ánh mắt của Thiên Chúa.

Khi các con cảm thấy buồn phiền vì điều gì đó các con đã làm, các con sẽ cảm nhận được một điều kinh ngạc khác: kinh ngạc của ơn tha thứ. Cha muốn nói rõ về điều này: Chúa luôn tha thứ. Chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi khi xin tha thứ, nhưng Người luôn tha thứ. Trong sự kinh ngạc của ơn tha thứ đó, chúng ta tái khám phá khuôn mặt yêu thương và sự bình an của Chúa Cha. Người cho chúng ta một khởi đầu mới và Người tuôn đổ tình yêu của Người trong vòng tay nâng đỡ chúng ta lên, xua tan những điều xấu chúng ta đã làm, phục hồi lại vẻ đẹp tuyệt vời trong chúng ta như những người con yêu dấu của Ngài, và làm cho nó tỏa sáng. Mong rằng chúng ta không bao giờ để sự lười biếng, sợ hãi hay xấu hổ cướp đi kho tàng của sự tha thứ. 

Ước mong chúng ta luôn biết kinh ngạc trước tình yêu của Thiên Chúa! Chúng ta sẽ tái khám phá được bản thân mình: không phải những gì người khác nói về chúng ta, hoặc nơi những ý nghĩ lóe lên bất chợt có thể đưa chúng ta đến, hay sự thổi phồng của chúng ta trong các quảng cáo, nhưng là thực tại sâu thẳm nhất của chúng ta, sự thật mà Chúa nhìn thấy, người mà Ngài tin tưởng: vẻ đẹp độc đáo của chúng ta.

Các con có nhớ những dòng chữ nổi tiếng được khắc trên trán tường (pediment) của đền Delphi không? γνωθι σεαυτόν, “Hãy tự biết mình”. Ngày nay, chúng ta có nguy cơ quên mất mình là ai, bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp làm cho cuộc sống phải lệ thuộc vào những gì chúng ta mặc, chiếc xe chúng ta lái, cách người khác nhìn chúng ta … Tuy nhiên, những từ ngữ ngàn xưa đó – hãy tự biết mình – vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hãy nhận thức rõ rằng giá trị của các con là chính con người của các con chứ không phải những gì các con có. Giá trị của các con không nằm ở thương hiệu của chiếc đầm hay đôi giày của các con, nhưng bởi vì các con là duy nhất. Ở đây cha nghĩ đến một hình ảnh xa xưa khác, đó là mỹ nhân ngư. Giống như Odysseus trên hành trình trở về nhà của mình, trong cuộc đời này, là một hành trình đầy phiêu lưu về Nhà Cha, các con cũng sẽ bắt gặp những nhân ngư. Trong thần thoại, các mỹ nhân ngư với các bài hát đã làm mê hoặc các thủy thủ và khiến họ đâm vào đá. 

Những mỹ nhân ngư ngày nay muốn mê hoặc các con bằng những thông điệp quyến rũ và chỉ tập trung vào những điều đạt được cách dễ dàng, nhu cầu giả tạo của chủ nghĩa tiêu dùng, sự sùng bái vóc dáng thể chất, tiêu khiển bằng mọi giá … Tất cả những điều này giống như pháo hoa: chúng bùng lên trong chốc lát, nhưng rồi biến thành khói trong không khí. Cha hiểu rằng không dễ để cưỡng lại chúng. Các con có nhớ Odysseus đã làm điều đó như thế nào không, khi bị đe dọa bởi những mỹ nhân ngư? Ông đã tự trói mình vào cột buồm của con tàu. Một nhân vật cổ đại khác, Orpheus, dạy chúng ta cách tốt hơn. Ông hát một bài hát còn hay hơn cả bài hát của các mỹ nhân ngư, và do đó làm cho chúng phải im lặng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết nuôi dưỡng sự kỳ diệu, sự kinh ngạc, vẻ đẹp của niềm tin! Chúng ta là những người Kitô hữu không phải vì bổn phận, nhưng vì vẻ đẹp. Và chính vì chúng ta muốn nâng niu vẻ đẹp đó, chúng ta phải nói không với bất cứ thứ gì có thể làm hỏng nó. Niềm vui của Tin Mừng, sự kỳ diệu của Chúa Giêsu, làm cho những hy sinh và phấn đấu của chúng ta phai mờ.Các con có đồng ý không? Hãy nhớ điều này: là người Kitô hữu về cơ bản không phải là làm điều này hay điều kia, làm việc này việc nọ. Chúng ta phải làm việc, nhưng về cơ bản Kitô giáo không phải như vậy. Là một người Kitô hữu tức là để cho Chúa yêu thương bạn và nhận ra rằng bạn là một cá nhân duy nhất trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta chuyển sang chủ đề khác. Khuôn mặt của những người khác. Ioanna, cha thích cách con kể cho chúng ta nghe về cuộc sống của con, con đã nói về những người khác. Trên hết là hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của con, mẹ và bà của con, những người đã “dạy con cầu nguyện, tạ ơn Chúa mỗi ngày”. Bằng cách đó, con đã thấm nhuần đức tin cách tự nhiên, chân thật. Con đưa ra một gợi ý rất hữu ích: chúng ta cần hướng về Chúa trong mọi sự, “để thưa chuyện với Ngài, chia sẻ những lo lắng của chúng ta với Ngài”. Đó là cách Chúa Giêsu trở thành bạn của con. Chúa hạnh phúc biết bao khi chúng ta mở lòng với Ngài! Đó là cách chúng ta nhận biết Chúa. Bởi vì để nhận biết Chúa, chỉ cần có những ý tưởng rõ ràng về Người là chưa đủ – đây chỉ là một phần nhỏ, nhưng chưa đủ – nhưng phải đưa cuộc sống của các con đến trước mặt Ngài. Có lẽ đó là lý do tại sao rất nhiều người không biết Chúa: bởi vì tất cả những gì họ nghe là các bài giảng và bài diễn văn. Mặt khác, Chúa Giêsu tỏ lộ Ngài qua những khuôn mặt thật và con người thật. Hãy lấy sách Tông đồ Công vụ; ở đó các con sẽ nhìn thấy bao nhiêu người khác nhau, bao nhiêu khuôn mặt khác nhau. Đó là cách những người đi trước trong đức tin tìm biết Chúa Giêsu. Chúa không trao cho chúng ta một quyển giáo lý; Ngài hiện diện thông qua những câu chuyện cuộc sống của con người. Ngài đi giữa chúng ta. Chúa không cho chúng ta một cuốn sách để học thuộc lòng, không. Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu Ngài qua sự gần gũi, đồng hành với chúng ta trên đường đời. Biết Chúa Giêsu là cốt lõi thật sự của đức tin chúng ta.

Về vấn đề này, Ioanna đã đề cập đến một người thứ ba rất quan trọng trong cuộc đời của con: một nữ tu, người đã chỉ cho con niềm vui “nhìn cuộc sống là sự phục vụ”. Cha muốn nhấn mạnh điều này: coi cuộc sống là sự phục vụ. Đúng là như vậy: phục vụ người khác là con đường dẫn đến niềm vui đích thực! Giúp đỡ người khác không phải dành cho người thua cuộc, nhưng cho người chiến thắng; nó là cách để mang đến một điều mới thật sự trong lịch sử. Cha được cho biết là trong tiếng Hy Lạp, có một từ mang hai nghĩa là “mới” và “trẻ”. Phục vụ là sự mới mẻ của Chúa Giêsu; phục vụ, cống hiến cho người khác là sự mới mẻ khiến cuộc sống luôn tươi trẻ. Các con có muốn làm điều gì đó mới mẻ trong cuộc sống không? Các con có muốn giữ sự trẻ trung không? Vậy thì đừng bằng lòng với việc đăng một vài dòng tweet. Đừng bằng lòng với những cuộc gặp gỡ ảo; hãy tìm kiếm những cuộc gặp gỡ thực sự, đặc biệt với những người đang cần các con. Đừng tìm kiếm sự thể hiện mà hãy tìm kiếm những người ẩn mình ở giữa chúng ta. Đó là điều mới mẻ, thậm chí mang tính cách mạng. Hãy thoát ra khỏi mình để gặp gỡ người khác. Vì nếu các con sống bị giam cầm trong bản thân mình, các con sẽ không bao giờ gặp gỡ người khác, các con sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa của việc phục vụ. Phục vụ là hành động cao quý nhất, lớn lao hơn một cá nhân: phục vụ người khác. Nhiều người ngày nay liên tục sử dụng mạng xã hội, nhưng bản thân họ lại không mang tính xã hội nhiều: họ bị khóa chặt vào bản thân, trở thành tù nhân của chiếc điện thoại di động trên tay. Những gì xuất hiện trên màn hình không phải là thực tế của những người khác: đôi mắt, hơi thở và bàn tay của họ. Màn hình có thể dễ dàng trở thành một chiếc gương, nơi các con nghĩ rằng các con đang nhìn ra thế giới, nhưng thực tế là các con chỉ có một mình trước một thế giới ảo đầy những thể hiện bên ngoài, những bức ảnh chưng diện để trông luôn đẹp đẽ và dễ dàng được chấp nhận. Tuy nhiên, thật đẹp biết bao khi được ở cùng với người khác, để khám phá sự mới mẻ của người khác! Nói chuyện với người khác, trau dồi sự huyền diệu của việc ở cùng nhau, của niềm vui được chia sẻ, của nhiệt huyết phục vụ!

Trong lần gặp gỡ của cha với giới trẻ ở Slovakia vào tháng Chín năm ngoái, một số các bạn đã vẫy một biểu ngữ chỉ có hai từ: “Fratelli Tutti”, “tất cả là anh em”. Cha thích điều đó: thường thường trong các sân vận động, trong các cuộc biểu tình, trên đường phố, mọi người trương các biểu ngữ để ủng hộ phe của họ, ý tưởng của họ, đội của họ, quyền của họ. Tuy nhiên, biểu ngữ đó đã nói lên một điều mới mẻ: rằng thật tuyệt vời khi mọi người là anh chị em của nhau, xem người khác là một phần của chính mình, chứ không phải là những người phải giữ khoảng cách. Cha thật vui khi thấy tất cả các con ở đây với nhau, hiệp nhất, mặc dù thực tế là các con đến từ các quốc gia và lịch sử hoàn toàn khác nhau! Hãy luôn ước mơ về tình huynh đệ!

Trong tiếng Hy Lạp, có một câu nói soi sáng: o fílos ine állos eaftós, “một người bạn là một bản ngã khác”. Đúng, người khác là con đường để khám phá bản thân chúng ta. Không phải một chiếc gương, nhưng là những người khác. Đương nhiên, không dễ để thoát ra khỏi vùng an toàn của các con; sẽ dễ dàng hơn khi ngồi trên ghế trường kỷ trước cái TV. Nhưng việc đó dành cho người già, không phải cho người trẻ tuổi. Nhìn này: một người trẻ tuổi trên chiếc ghế trường kỷ – thật là một việc già nua! Người trẻ tuổi phải có phản ứng: khi các con cảm thấy cô đơn, các con mở lòng ra; khi các con bị cám dỗ khóa chặt lòng mình, các con tìm đến những người khác. Các con thực hành một loại “thể dục tâm hồn”. Đất nước này đã sinh ra những sự kiện thể thao vĩ đại: Thế vận hội, chạy marathon … Ngoài những môn điền kinh rất tốt cho cơ thể, còn có một loại hình điền kinh tốt cho linh hồn. Rèn luyện bản thân để mở lòng với người khác, bước thêm vài bước để rút ngắn khoảng cách của các con với người khác, quyết tâm vượt qua các chướng ngại vật; đỡ lấy gánh nặng cho nhau … Hình thức rèn luyện này sẽ làm cho các con hạnh phúc, giữ sự trẻ trung và giúp các con cảm nhận tính phiêu lưu của cuộc sống!

Nói đến phiêu lưu, tất cả chúng ta đều vô cùng ấn tượng bởi câu chuyện về cuộc chạy trốn của Aboud, cùng với gia đình, thoát khỏi đất nước Syria thân yêu bị chiến tranh tàn phá, sau khi hơn một lần đối mặt với nguy cơ mất mạng trong cuộc xung đột. Rồi sau bao nhiêu lần bị từ chối và muôn ngàn khó khăn, con đã đặt chân đến đất nước này theo cách duy nhất có thể, bằng thuyền, ở lại “trên một tảng đá không có nước uống và không thức ăn, chờ bình minh và một con tàu bảo vệ bờ biển”. Một cuộc phiêu lưu thật sự của thời hiện đại. Cha chợt nghĩ rằng, trong tác phẩm Odyssey của Homer, người anh hùng đầu tiên xuất hiện không phải là Odysseus, mà là một chàng trai trẻ: Telemachus, con trai của ông, người đã lao vào một cuộc phiêu lưu vĩ đại.

Telemachus chưa bao giờ biết cha mình; cậu ta rất đau khổ và thất vọng vì không biết Odysseus đang ở đâu hoặc liệu cha cậu còn sống hay không. Cậu ta cảm thấy mất gốc và thấy mình đang ở ngã tư đường. Cậu ta nên ở nhà chờ đợi, hay lao vào cuộc tìm kiếm điên cuồng? Nhiều tiếng nói khác nhau, gồm cả tiếng nói của nữ thần Athena, đã thôi thúc cậu can đảm lên đường. Và cậu đã làm: cậu ta đứng dậy, bí mật trang bị một con tàu, và khi mặt trời mọc, cậu ta bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình. Ý nghĩa của cuộc sống không được tìm thấy bằng cách ở trên bãi biển chờ đợi cơn gió mang đến một điều gì đó mới mẻ. Sự cứu rỗi nằm ngoài biển khơi, trong việc ra khơi, trong cuộc tìm kiếm, trong việc theo đuổi những giấc mơ, những giấc mơ thật sự, những giấc mơ mà chúng ta theo đuổi với đôi mắt rộng mở, những giấc mơ trong đó có những cố gắng, đấu tranh, sóng gió, bão tố bất ngờ. Xin đừng để bị tê liệt vì sợ hãi: hãy ước mơ lớn! Và cùng nhau ước mơ! Cũng như với Telemachus, sẽ luôn có những người tìm cách ngăn cản các con. Sẽ luôn có những người nói với các con: “Quên nó đi, đừng mạo hiểm, điều đó vô ích”. Họ là kẻ hủy diệt ước mơ, kẻ giết chết hy vọng, bị mắc kẹt trong quá khứ.

Với con, xin hãy nuôi dưỡng lòng can đảm hy vọng! Hy vọng mà con đã có, Aboud. Làm thế nào để các con làm điều này? Bằng sự lựa chọn của các con, bằng quyết định của các con. Lựa chọn là một thách thức. Nó liên quan đến việc đối mặt với nỗi lo sợ về điều chưa biết, xuất phát từ sự đồng nhất hỗn độn, quyết định nắm lấy cuộc sống của mình trong tay. Để có những lựa chọn đúng đắn, các con nên nhớ một điều: những quyết định đúng đắn luôn là về người khác chứ không chỉ riêng về bản thân chúng ta. Đó là những quyết định đáng để thực hiện, những ước mơ đáng phấn đấu để hoàn thành, những ước mơ cần có lòng can đảm và sự tham gia của người khác.

Khi cha chia tay các con, đây là mong muốn của cha dành cho các con: hãy can đảm tiến về phía trước, hãy can đảm chấp nhận rủi ro và không ngồi lại trên chiếc ghế trường kỷ. Hãy dũng cảm chấp nhận rủi ro, bước ra ngoài và hướng tới người khác, không bao giờ cô lập nhưng luôn ở bên người khác. Và với lòng can đảm này, mỗi người các con sẽ khám phá ra chính mình, khám phá ra tha nhân và ý nghĩa của cuộc sống. Mong ước của cha là các con sẽ khám phá ra điều này, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương các con. Chúa yêu thương các con, vì vậy hãy can đảm và tiếp tục tiến về phía trước! [Bằng tiếng Hy Lạp]: Hãy cùng nhau tiếp tục tiến về phía trước!

Comments are closed.

phone-icon