Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Mt 17, 22-27)
22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời,23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao? “25 Ông đáp: “Có chứ! ” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? “26 Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.”
Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*************
1. Luật nộp thuế
Những người thu thuế cho Đền Thờ hỏi ông Phê-rô, và qua ông Phê-rô họ chất vấn chính Đức Giê-su về việc nộp thuế:
Thầy các ông không nộp thuế sao? (c. 24)
Sau này, người ta sẽ còn tiếp tục chất vấn Đức Giê-su về vấn đề nộp thuế, nhưng không phải cho Đền Thờ Do Thái, nhưng là cho Xê-da Roma: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22, 17)
Sự kiện Đức Giê-su bị chất vấn về luật nộp thuế, luật nộp thuế của người Do Thái và luật nộp thuế của người Roma, đã loan báo và hướng tới cuộc Thương Khó, mà Đức Giê-su vừa mới loan báo, và đó là lần thứ hai:
Con Người sắp bị nộp vào tay người đời,
họ sẽ giết chết Người,
và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy. (c. 22-23)
Thật vậy, những biến cố then chốt, từ đó người ta kết án, hành hạ, sỉ nhục và đóng đinh Người, đó là những vụ xét xử: Người sẽ bị điệu đến cả hai tòa án Do Thái và Roma để bị chất vấn và vu cáo vi phạm luật của người Do Thái và luật của người Roma![1]
Như thế, cách hiện hữu (sống, nói và hành động) của Đức Giê-su thiết yếu có liên quan đến lề luật và điều này đạt tới đỉnh điểm trong cuộc Thương Khó: chính khi để cho mình bị chất vấn bởi lề luật, Người chất vấn lề luật, luật Do Thái (luật đạo) và luật Roma (luật đời), và ngang qua những luật này, Người chất vấn lề luật của loài người thuộc mọi thời. Bởi vì lề luật, vốn là tốt và thánh, đã trở thành nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự Dữ (x. Rm 7, 7-13) và Người đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng hoàn tất (x. Mt 5, 17-48). Chính vì thể, khi Người hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua, Người giải thích cho các môn đệ và các Tông Đồ:
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. (Lc 24, 44-45)
2. Mầu nhiệm Nhập Thể
Thuế Đền Thờ là một loại thuế đóng hằng năm, để duy trì sinh hoạt phụng tự của Đền Thờ; theo đó, mỗi người đàn ông Do Thái, ở Palestin cũng như ở những nơi khác, đều có bổn phận đóng mỗi năm hai quan tiền Do Thái. Chính vì thế, có nhiều bàn đổi tiền được dựng lên trong khuôn viên Đền Thờ (x. Mt 21, 12; Ga 2, 15). Như thế, đóng thuế Đền Thờ là điều bình thường, nhưng tại sao người ta lại chất vấn Đức Giê-su về việc thực hành nộp thuế Đền thờ, nhất là khi câu hỏi được phát biểu ở thể phủ định: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Chắc chắn là vì, người ta nhận ra có điều gì đó không bình thường nơi ngôi vị của Đức Giê-su đối với lề luật, và vì thế, thường xuyên chất vấn Người về lề luật. Và quả nhiên, sau này, Người sẽ lật đổ những bàn đổi tiền trong Đền Thờ!
Khi bị chất vấn về chuyện nộp thuế của Thầy mình, ông Phê-rô trả lời một cách tự phát: “có chứ!” Chắc là vì, một đàng Đức Giê-su vẫn đóng thuế như một người Do Thái và như mọi người Do Thái khác, và đàng khác, vì ông yêu mến Thầy và muốn bảo vệ Thầy của mình; và quả nhiên, Đức Giê-su không chỉ lo đóng thuế cho mình, nhưng còn đóng thuế cho cả ông Phê-rô nữa. Tuy nhiên, lần này, khi ông Phê-rô trở về, Đức Giê-su sẽ đi bước trước để giúp ông nhận ra, ngang qua việc thi hành luật nộp thuế, mầu nhiệm Nhập Thể: Người giữ luật đóng thuế, cho dù Người được miễn trừ, với tư cách là Con Thiên Chúa; Người mang lấy thân phận con người cùng mọi qui luật chi phối thân phận con người, cho dù Người vốn là phận Thiên Chúa (x. Pl 2, 5-11), để chia sẻ cho chúng ta sự tự do của con cái Thiên Chúa và mở đường cho chúng ta đi về với Thiên Chúa, nguồn sự sống, ngang qua thân phận con người.
3. Mầu nhiệm Vượt Qua
Tuy nhiên, qua vấn để giữ luật đóng thuế, tác giả Tin Mừng đã hướng tới chúng ta đến cuộc Thương Khó rồi. Bởi vì người ta vẫn kết án Người, ngay cả khi không tìm ra chứng cớ Người vi phạm luật (x. Lc 23, 2); tương tự như người ta bàn bạc để tìm cách giết Người, cho dù Người chữa bệnh vào ngày Sabat, nhưng không vi phạm luật Sabat, bởi vì Người chữa bệnh bằng lời nói quyền năng (x. Mt 12, 9-14). Như thế, sự dữ có nơi người kết án nhân danh lề luật, chứ không phải nơi bị kết án.
Và chúng ta được mời gọi “chiêm ngắm” cách Đức Giê-su có được tiền để đóng thuế; và khi chiêm ngắm, chúng ta hãy vượt qua chiều kích lạ lùng, để nhận ra rằng, sự tự do mà Người thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Vượt đã hiện diện ngay trong biến nhỏ bé và giới hạn này rồi:
Anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết,
thì bắt lấy, mở miệng nó ra:
anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan;
anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ,
phần của Thầy và phần của anh. (c. 26-27)
Như thế, có một lúc nào đó, nhóm Đức Giê-su và các môn đệ rơi vào cảnh nghèo đến độ không còn sẵn tiền trong túi hay trong quĩ của nhóm để đóng thuế.
Tiền có được từ miệng con cá quả là lạ, nhưng xét cho cùng, đó không phải là “kho tàng”, vì chẳng có bao nhiêu: chỉ có một đồng tiền bốn quan, đủ đóng thuế cho hai thầy trò, không hơn không kém! Còn có môn đệ khác thì phải xoay sở làm sao?
Tiền có được để đóng thuế, không phải đến từ công sức của con người, cho dù có hoạt động thả câu bắt cá, nhưng đến từ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng. Vì thế, ngay cả khi phải đóng thuế theo luật và để không gây cớ vấp phạm, Đức Giê-su vẫn bảo tồn được sự tự do của Người Con và Người chia sẻ sự tự do này cho thánh Phê-rô. Và với mầu nhiệm Vượt Qua, Người sẽ chia sẻ tất cả cho chúng ta.
______________________________
[1] Có thể đọc bài “Con Rắn và Lệnh Truyền” (St 3, 1-7); “Luật và Tội” (St 3, 1-7 và Rm 7, 7-13); Đức Ki-tô và Lề Luật (Mt 5, 17-48).