Thánh Catarina thành Siena

0

Chuyển ngữ [1]: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

Catarina qua đời tại Roma vào chiều Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 29 tháng 4 năm 1380. Buổi sáng hôm ấy, cha Bartolomeo đã cử hành thánh lễ trong phòng của chị. Lúc rước Mình Thánh Chúa, Catarina đã tự đứng dậy khỏi tấm phản từ lâu từng là chiếc giường của chị mà không cần ai giúp, rồi bất chợt quỳ gối trước bàn thờ. Dường như chị không còn cảm thấy đau đớn hay đau khổ gì nữa. Có lẽ chị đang ở trong những khoảnh khắc xuất thần mà chị đã từng trải qua nhiều lần trong cuộc đời, và trong suốt thời gian xuất thần cơ thể của chị dường như không còn hiện hữu nữa, đến nỗi chị trở nên xa lạ với bất cứ sự tác động bên ngoài nào, dù là tiếng ồn ào hay sự khẩn cấp hoặc sự đau đớn thế nào. Thậm chí có lần ở Avignone, một người phụ nữ đặc biệt nghi ngờ rằng việc xuất thần của Catarina có thể không phải là sự ngất thực sự của các giác quan mà chỉ là một sự hoang tưởng, vì vậy, trong suốt một lần xuất thần, bằng một cái ghim dài, bà đã đâm nhiều lần vào bàn chân và mắt cá chân của Catarina. Nhưng chị không cử động, cũng không tỏ cho thấy rằng chị đang bị làm phiền bằng bất cứ cách nào.

Tuy nhiên, các môn đệ lúc bấy giờ đã quen với “những sự vắng mặt” này và chẳng hề ngạc nhiên gì cả. Cũng ở Rôma, vào buổi sáng Lễ Phục Sinh năm đó, trong số những người có mặt, bà Lapa, thân mẫu của người đang hấp hối, từ lâu đã gia nhập vào hội đoàn những người đạo đức của chị Catarina. Lapa lúc bấy giờ đã già, đã trải qua một cuộc đời đau khổ, chồng bà và 15 trong số 25 người con mà bà sinh ra đã qua đời cách đó ít lâu. Bà vừa khóc vừa than van: “Ôi, lạy Thiên Chúa, con chưa bao giờ đau khổ nhiều như thế này”. Catarina nghe thấy giọng mẹ, liền thì thầm với mẹ những lời cuối cùng: “Mẹ hãy xin Thiên Chúa ban cho con sức mạnh để sống tốt, đừng bao giờ nổi loạn, đừng bao giờ xúc phạm đến Người”.

Cuộc đời của chị quá ngắn ngủi nhưng rất mãnh liệt, thật đúng như thế, một niềm khát khao cao cả liên tục muốn được biến đổi để luôn luôn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Vì điều này, chị đã từ bỏ mọi của cải trần thế, mang chiếc áo choàng đen của sự sám hối, chị đã sống, đã trở nên như điều chị đã nói: “Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa”. Đó chính là lý do tại sao chị đã làm được những chuyện phi thường và đã trở thành huyền thoại. Từ một người gần như thất học, chắc chắn thiếu giáo dục và văn hoá tương xứng, chị đã trở thành một người phụ nữ đối thoại với những con người vĩ đại trên thế giới. Chị dám thách thức quyền lực của họ. Chị đã nói chuyện với họ cách bình đẳng. Chị khuyến khích họ và nếu cần chị cảnh cáo họ: các Giáo hoàng, các vua, các hoàng tử, các binh lính. Chị giải thích: “Không phải tôi nói đâu. Chính Chúa nói những lời này qua tôi. Người là hôn phu của tôi. Giêsu ngọt ngào, Giêsu tình yêu”.

Những người đương thời đã nhận thức được tính cách đặc biệt của Catarina và khi thông tin về cái chết của chị được lan truyền, người ta đã bình luận: “Thánh nhân đã chết”, như thể báo trước về việc Giáo Hội sẽ chính thức phong thánh cho Chị. Vài năm sau cái chết của Catarina, Raimondo thành Capua, cha giải tội và bạn của chị, đã bắt đầu viết tiểu sử của chị và chính ngài, vào năm 1384, với sự cho phép của Đức Giáo hoàng Urbanô IV, đã lấy đầu của chị làm quà tặng cho thành phố quê hương của chị, nơi mà người ta rất có lòng đạo đức. Sau đó, vào tháng năm cùng năm ấy (1384), từ Rôma ngài cho chuyển thánh tích được đặt trong một tủ kính, rước đi với tiếng chuông rung lớn, và cuộc rước được cử hành trên các con đường của thành phố Siena cho đến nhà thờ của Thánh Đa Minh. Tủ kính nơi giữ thủ cấp của Catarina vẫn còn được lưu giữ ở Siena, trong khi thân thể lại được chôn dưới chân bàn thờ chính của Vương cung thánh đường Santa Maria Minerva ở Rôma, cách ngôi nhà của chị vài bước chân. Tuy nhiên, không hoàn toàn, nếu phải tin vào sự kiện rằng, danh tiếng về sự thánh thiện của chị đã lan khắp mọi nơi trên nước Ý, trong những năm đầu sau khi chị qua đời, nên nhiều thành phố khác đã tìm đến di hài của chị để tôn kính.

Cuộc rước long trọng của thành phố Siena là một biến cố đáng nhớ: chiếc tủ kính chứa thánh tích, đi trước là hai trăm cô gái mặc đồ trắng, đã đi qua thành phố. Theo sau, có các đại diện của các tu sĩ ẩn sĩ, tiếp đến là đông đảo dân thành Siena và trong tất cả vùng Toscana. Có các thành viên của các dòng tu khác nhau đã tiếp xúc với Catarina. Có các viện phụ, các giám mục, các kinh sĩ. Có vô số các anh em dòng Đa Minh mà Catarina đã là một thành viên và điều này, một cách tự nhiên, lại thêm một dấu tích chính thức. Nhưng cũng có các quan tòa của thành phố, từng hai người một theo nghề nghiệp và chức vụ của họ. Có thể nói rằng tất cả dân thành Siena đều nhận biết những công lao to lớn của người con gái này, người đã cống hiến cho hòa bình và sự thịnh vượng của quê hương chị. Thánh tích tiến lên dưới một cái lọng bằng gấm, được khiêng trên vai của bốn vị linh mục. Cũng dưới cái lọng đó, hai bên của thánh tích, cùng bước đi một bên là cha Raimondo Capua, người đã có ý tưởng về chiến thắng sau cái chết của người bạn và người yêu dấu của cha, và bên kia là Đức Giám mục thành Siena. Sau đó, có các anh chị em Dòng Ba Đa Minh, và sau họ là đại diện dân chúng thành Siena. Mọi người hân hoan tiến bước giữa tiếng nhạc, và tiếng các bài hát được vang lên khắp nơi, theo một bản ghi chép thời đó, “bản hòa tấu nhẹ nhàng để phấn khích các tâm hồn tới sùng kính”. 

Lòng sùng kính đối với Thánh Catarina đã lan khắp và còn sống động cả bên trong lẫn bên ngoài nước Ý nhờ các môn đệ của chị đã làm việc không mệt mỏi. Trong các nhà thờ và tu viện dòng Đa Minh những câu chuyện về Catarina được trình diễn trước sự hiện diện của rất đông khán giả. Chẳng hạn, ở nước Áo, Stefano Maconi đã thể hiện việc sùng kính của mình cách đặc biệt giữa những người theo chủ nghĩa nhiệt tình. Ở Venezia, nhờ Caffarini, việc sùng kính trinh nữ tăng đến mức đã khiến Đức Cha Francesco Bembo, khi ấy đang là Giám mục thành Castello, phải tiến hành cuộc điều tra. Điều được gọi là “tiến trình castello” sau đó đã trở thành nền tảng cho tiến trình phong thánh trong thực tế. Lòng nhiệt tình của dân chúng và vô số những phép lạ đã được thực hiện nhờ sự can thiệp của chị Catarina bảo đảm rằng ít năm sau cái chết của chị, án phong thánh của chị đã được xúc tiến, nhưng những sự kiện rắc rối của Giáo Hội thời đó đã làm trì hoãn việc thi hành. Mãi 80 năm sau, Đức Giáo hoàng Piô II, người cùng quê với chị và là người rất ngưỡng mộ chị, cuối cùng đã đưa ra được lý do để phong thánh. Ngày 29 tháng 6 năm 1461, Đức Giáo hoàng đã long trọng công bố từ ngai tòa Phêrô sự thánh thiện của Catarina, vị thánh người Ý trổi vượt nhất trong các vị thánh.

Vào tháng 6 năm 1939, khi đất nước chúng ta sắp phải đối diện với thách thức của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, lúc bấy giờ Đức Giáo hoàng Piô XII đã chọn Thánh Catarina làm bổn mạng, đấng bảo trợ cho nước Ý cùng với Thánh Phanxicô Assisi, và đã gọi ngài là “niềm danh dự của đất nước và sự bảo vệ tôn giáo”. Một năm sau đó, chính vị Giáo hoàng này đã tới Vương cung thánh đường Santa Maria sopra Minerva và, trong bài giảng đầy ấn tượng, ngài đã nhắc lại các đóng góp về tôn giáo và dân sự của chị.

Nhưng vẫn còn một chương phải được thêm vào cuộc đời của Thánh Catarina trong Giáo Hội. Với Đức Gioan XXIII, trong các bài diễn thuyết chính thức của mình, các tài liệu tham khảo về học thuyết của thánh Catarina được ngài sử dụng ngày càng thường xuyên hơn. Ít năm sau, Đức Phaolô VI đã thể hiện ý định đưa Catarina vào hàng ngũ các Tiến sĩ của Giáo Hội và xúc tiến tiến trình giáo luật để công nhận danh hiệu này. Ngày 04 tháng 10 năm 1970, Đức Giáo hoàng đã chủ tọa nghi lễ chính thức ở Đền Thánh Phêrô để công bố vị thánh trẻ đã chỉ học ở trường học của Chúa Giêsu mà lại trở thành thầy dạy muôn dân.

Ngày 05 tháng 11 năm 1978, 15 ngày sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã muốn bày tỏ lòng tôn kính đối với vị thánh bổn mạng của nước Ý. Trong bài diễn văn được công bố ở Vương cung thánh đường Santa Maria sopra Minerva, Đức Giáo hoàng đã nói: “Nơi Thánh Catarina thành Siena tôi nhận ra một dấu hiệu hữu hình về sứ mạng của người phụ nữ trong Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô và của các Tông đồ, đồng thời, là Giáo Hội-mẹ và Giáo Hội-hiền thê. Những cách diễn tả kinh thánh này tỏ lộ rõ ràng sứ mạng của người phụ nữ được ghi khắc cách sâu xa biết bao trong mầu nhiệm của Giáo Hội. Chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa phong phú của sứ mạng này, đan xen cùng với thế giới của người phụ nữ ngày nay, vốn đã có nền tảng trên sự phong phú mà ngay từ đầu Đấng Tạo Hóa đã đặt để trong tâm hồn của người phụ nữ và trên sự khôn ngoan đáng ngưỡng mộ của tâm hồn này mà Thiên Chúa đã muốn mạc khải nơi Thánh Catarina thành Siena từ nhiều thế kỷ trước.

_____________

[1] Đây là phần Dẫn nhập, (tr.5-9) được trích từ tác phẩm: Caterina da Siena, Una santa e il suo tempo (Caterina thành Siena – Một vị thánh và thời đại của Chị), Tác giả Emilia Granzotto, nhà xuất bản San Paolo.

Comments are closed.

phone-icon