1. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thấy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Anh chị em rất thân mến, trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ Ba, Chúa Giêsu lặp lại với một sức mạnh đặc biệt với toàn thể Giáo Hội cùng một lời mà Ngài đã nói với các Tông đồ trước khi về trời; những lời mà trong đó chứa đựng bản chất của ơn gọi kitô hữu. Thật thế, ai là kitô hữu? Một ai đó bị “chiếm hữu” bởi Chúa Kitô (Phil 3,12) và do đó họ ước ao làm cho khắp nơi được nhận biết và yêu mến Ngài “cho đến tận cùng trái đất”. Đức tin thúc đẩy chúng ta trở thành những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Ngài. Nếu điều này không xảy ra, thì có nghĩa là đức tin vẫn chưa trọn vẹn, chưa đủ, chưa trưởng thành.
Vì thế, nhân dịp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, tôi khích lệ mỗi người trong anh chị em hãy để cho Chúa cật vấn mình trước những thách đố tông đồ trong thời đại của chúng ta.
2.“Truyền giáo là một vấn đề của đức tin, một chứng tỏ xác thực cho thấy niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô và tình yêu của Người dành cho chúng ta” (Sứ vụ Đấng Cứu Thế số 11). Đức tin và sứ mạng thường đi đôi với nhau: đức tin càng mạnh mẽ và sâu sắc, càng cần phải truyền đạt nó, chia sẻ nó và làm chứng về nó. Ngược lại, nếu đức tin yếu, thì sự nhiệt tình truyền giáo cũng sẽ suy yếu và mất đi việc đẩy mạnh khả năng làm chứng. Điều này từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội: sự mất đi sức sống trong việc thúc đẩy truyền giáo luôn là triệu chứng của sự khủng hoảng đức tin. Điều này không xảy ra có lẽ bởi vì thiếu sự xác tín sâu xa rằng “Đức tin được tăng cường khi ban phát cho kẻ khác” (RM số 2), mà chỉ loan báo và làm chứng về Chúa Kitô, người ta có thể tìm thấy sự nhiệt tình và tái khám phá con đường cho một cuộc sống Phúc âm hơn không? Chúng ta có thể nói rằng sứ mạng là phương thuốc chắc chắn nhất chống lại cuộc khủng hoảng đức tin. Thông qua sự dấn thân truyền giáo, mỗi thành phần Dân Chúa gia tăng căn tính vốn có của mình, và hiểu thấu rằng người ta không thể là kitô hữu đích thực nếu không phải là những chứng nhân.
3. Được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi kitô hữu được mời gọi trở thành người truyền giáo và chứng nhân. Đây là lệnh truyền quá rõ ràng của Chúa. Và Chúa Thánh Thần cử từng người được rửa tội đi loan báo và làm chứng về Chúa Kitô cho mọi dân tộc: bổn phận và đặc quyền, đó chính là lời mời cộng tác với Thiên Chúa về ơn cứu độ của mỗi người và của toàn thể nhân loại. Thật vậy, ta đã được ban cho sự “nhận biết ân sủng này để loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Eph 3,8).
Cũng như Thánh Thần đã biến đổi nhóm môn đệ đầu tiên thành những tông đồ dũng cảm của Chúa và những người loan báo được soi sáng Lời của Người thế nào, thì Người cũng tiếp tục chuẩn bị các chứng nhân Tin Mừng trong thời đại của chúng ta như vậy.
4. Ngày Thế Giới Truyền Giáo nhắc nhở tất cả chúng ta bổn phận và “ân sủng” này , để thông truyền cho mọi người, không phải là “sự khôn ngoan thuần túy loài người, tựa như một khoa học về một cuộc sống tốt lành” (RM số 11), nhưng là một kinh nghiệm vui mừng về sự “hiện diện sống động” được toả sáng nơi mỗi người đã được rửa tội đang khơi lên nơi những người khác – cũng như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi Đức Phaolô VI – “những câu hỏi bất khả kháng: Tại sao họ là những người như thế? Tại sao họ sống như vậy?” (RM số 21). Do đó, sứ mạng cùng lúc là “làm chứng và lối sống sáng soi” (RM số 26). Thật vậy, nếu chúng ta thực sự ngoan ngoãn với tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thành công trong việc thể hiện và tỏa sáng ra ngoài Mầu nhiệm tình yêu đang ngự trị trong lòng chúng ta (x. Ga 14,23). Về điều này, chúng tôi là những chứng nhân. Những chứng nhân đức tin chiếu sáng toàn vẹn, đức ái cần cù, kiên nhẫn và khoan dung (x. 1Cor 13,4), nhằm phục vụ những người nghèo của con người thời đại. Những chứng nhân của niềm hy vọng chứ không thất vọng và sự hiệp thông sâu sa phản ánh đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi, về sự vâng phục và thập giá: tóm lại là những chứng nhân về sự thánh thiện, “những con người của các mối phúc” được mời gọi để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5, 48). Đây chính là căn tính của người kitô hữu chứng nhân, “bản sao”, “dấu chỉ” và “chiếu sáng sống động” của Chúa Giêsu.
Như thế, sự dấn thân từ Dân của Thiên Chúa không thiếu để nảy sinh vô số các ơn gọi truyền giáo : các bạn trẻ có khả năng đánh mất mạng sống mình vì Chúa Kitô (x. Mc 8,35) trong cuộc phiêu lưu hấp dẫn của sứ mạng dành cho các dân tộc. Đã bao nhiêu lần, trong các chuyến tông du sứ vụ, tôi tình cờ thấy một mùa lúa chín vàng (x. Ga 4,35) và tự nhủ : thiếu các nhà truyền giáo, linh mục, các tu huynh, các nữ tu, những người được thánh hiến cho Tin Mừng! Ngày Thế Giới Truyền Giáo có một ý nghĩa nếu có sự cổ võ trong các giáo xứ, các gia đình kitô hữu, cầu nguyện cho các ơn gọi truyền giáo và thôi thúc một môi trường thích hợp cho sự trưởng thành của họ.
5. Căn tính của một chứng nhân kitô giáo được định nghĩa bởi sự hiện diện vô hạn và phẩm chất của Thập giá. Không có căn tính này không tồn tại một chứng nhân đích thực. Do đó, thập giá là điều kiện không thể thiếu đối với tất cả những ai quyết định đi theo Chúa: “Nếu ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Tất cả các chứng nhân của Thiên Chúa và của Chúa Kitô, bắt đầu từ các Tông đồ, biết chịu bách hại vì Ngài : “Họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Đây chính là gia tài mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Ngài mà mỗi người phải tiếp nhận và đem thực hành trong cuộc sống của mình. Gôn-gô-ta chính là con đường bắt buộc cho sự Phục Sinh.
Thật vậy, “thập giá” chính là việc bắt chước Chúa Kitô trong sự trung thành và kiên trì nhẫn nại làm việc hằng ngày. “Thập giá” là đi ngược dòng, định hướng những lựa chọn cá nhân theo các lệnh truyền của Chúa dù có bị hiểu lầm, không được lòng dân, bị gạt ra bên ngoài; “thập giá” còn là lời tố cáo ngôn sứ về sự bất công, tự do chà đạp, các quyền xâm phạm; phải sống ở nơi mà Giáo Hội bị chống đối nhiều hơn, bị cản trở, bị bách hại. Về điểm này, làm thế nào không nghĩ đến anh chị em của chúng ta và toàn thể cộng đoàn ở nhiều nơi trên thế giới đưa ra lời chứng tuyệt vời về đời sống kitô hữu hoàn toàn được trao ban cho Chúa Kitô và Giáo Hội, bất chấp sự thù ghét và khủng bố từ môi trường bên ngoài? Mỗi năm, chứng từ anh hùng của các vị “tử đạo mới” được ghi lại, những người đã đổ máu để trung thành với Thiên Chúa. Giáo Hội cúi đầu trước sự hy sinh của họ và gắn bó với các ngài bằng lời cầu nguyện và tình yêu thương anh em chung quanh các tín hữu bị bạo lực, mời gọi họ đừng để mất linh hồn, đừng sợ hãi. Chúa Kitô ở với anh chị em, hỡi anh chị em thân mến và rất yêu quí của tôi!
6. Trong hoạt động truyền giáo, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đóng vai trò quan trọng, họ có nhiệm vụ hình thành các Giáo Hội địa phương và các tín hữu trong ý nghĩa truyền giáo của đức tin. Vai trò quan trọng nhất của họ là phát triển các giáo phận, giáo xứ và các gia đình kitô hữu.
Ngày nay, Chúa Kitô hỏi những ai đã được rửa tội: “các con có phải là chứng nhân của Thầy không?”. Và mỗi người được mời gọi tự cật vấn chính mình với lòng chân thành: “Tôi có trao cho thế giới lời chứng mà Thiên Chúa đòi hỏi tôi không? Tôi có sống một đức tin mạnh mẽ, bình an, vui vẻ hay tôi đang trình bày hình ảnh về một sự hiện diện kitô giáo bị lu mờ, biến dạng bởi những thỏa mãn thích nghi?”.
Một cách thích hợp, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đặt mình vào việc phục vụ của nhân chứng truyền giáo bằng cách nhấn mạnh, trong sự nâng cao nhận thức, về tính ưu việt của sự thánh thiện. Như tôi đã viết trong thông điệp sứ vụ Đấng Cứu thế: “Nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh …Mỗi một nhà truyền giáo thực sự như thế chỉ khi họ dấn thân sống theo con đường thánh thiện … Cần khơi lên sự nhiệt huyết mới về sự thánh thiện giữa các nhà truyền giáo và trong cộng đoàn kitô hữu, đặc biệt là giữa những cộng tác viên gần gũi nhất của các nhà truyền giáo” (số 90).
7. Việc nâng cao sự nhận thức này càng hiệu quả, càng có nhiều gia đình tín hữu chấp nhận trước thế giới khía cạnh và vai trò của một cộng đoàn chứng nhân đích thực cho sứ vụ “đến với muôn dân”, và mỗi tín hữu có thể có được nhận thức mới về nghĩa vụ của mình để mở lòng ra trước những sứ vụ thường sống trong những tình huống khó khăn về vật chất và tinh thần. Nhận thức này chắc chắn sẽ tác động đến sự dấn thân thực hiện các nhu cầu của anh chị em nghèo nhất. Như vậy, nhận thức truyền giáo sẽ gia tăng và mở ra với tính phổ quát của Giáo Hội. Tiếp theo sẽ có sự tham gia tích cực vào nỗ lực truyền giáo mới, đặc trưng cho những năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000.
“Trong lúc Ngàn Năm thứ ba của ơn cứu chuộc gần đến, Thiên Chúa đang sửa soạn một mùa xuân rất tươi đẹp cho Kitô giáo, và chúng ta đã thấy được các dấu hiệu le lói của nó” (RM số 86). Với sự chắc chắn này, tôi nhắc lại lời mời gọi “để sống tha thiết với mầu nhiệm của Chúa Kitô hơn nữa, bằng việc cộng tác với một lòng tri ân cảm mến vào công cuộc cứu độ” (RM 92). Trong lúc khẩn cầu sự bảo trợ của Đức Maria, ngôi sao truyền giáo, đặc biệt trên các nhà truyền giáo nam và nữ, cũng như trên tất cả mọi người bằng nhiều hình thức khác nhau đã bỏ sức lực của mình cho việc phục vụ truyền giáo, tôi chân thành bạn Phép Lành Toà Thánh cho mỗi người.
Vatican, ngày 28 tháng 5 năm 1996.
GIOAN PHAOLÔ II
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP