Tâm thức bình dân thường cho tu là sống kham khổ, nên có lẽ quan tâm bàn chuyện ẩm thực nhà Dòng, thấy có vẻ tâm hồn ăn uống, không thích hợp với tinh thần tu trì, và chuyện này cũng phàm phu tục tử quá. Tuy vậy, tu sĩ cũng là người, thì dù cho cao siêu hay tầm thường mấy đi nữa cũng một ngày 5 lần, 7 lượt lên nhà nguyện và ít là 3 bữa xuống nhà cơm; vả lại, ngẫm nghĩ một chút cũng thấy cái khác khác và hay hay của ẩm thực nhà Dòng. Nên nhân lúc đang “trổ tài đầu bếp”, kẻ hậu sinh, với kinh nghiệm ở lâu lâu trong nhà Dòng, muốn ghi ít dòng gọi là kỷ niệm, chấm phá một nét văn hóa, một nếp sống rất thực và sinh động ở nhà Dòng trong những bữa cơm ngày thường, cho đến những ngày chay và những ngày mừng lễ.
Các cụ xưa cho rằng: thực vô cầu bão (nghĩa là ăn không cần no). Nhưng chị em ta, phần đông vốn xuất thân từ nhà nông và công việc hàng ngày cũng bình thường đầy đủ nên chuộng kiểu ăn chắc mặc bền hơn. Vì vậy, cơm đều 3 bữa lại lấy làm vui. Thời chưa mở cửa, kinh tế còn eo hẹp, các món ăn hàng ngày cũng thanh đạm, phần nhiều là tự cung tự cấp. Rau muống là loại rau chủ yếu, hầu như khi ít khi nhiều, ngày nào cũng có. Món mặn cũng thường là cá kho, hoặc độn măng dưa, trái sung,… thỉnh thoảng cũng có món đạm động vật trên cạn. Kẻ hậu sinh này vẫn còn nhớ một vài món “đặc sản”: dừa xay xào với tôm khô, ăn với cơm ngòn ngọt, bùi bùi; bí đỏ nấu canh, nhưng lại nêm ngọt như chè, mấy bữa đầu chưa quen, nên để dành ăn sau coi như món tráng miệng vậy. Đặc biệt, món canh rau đay với mướp hương, nấu kiểu gì thì nấu nhưng phải có chút mắm tôm, mới gọi là có vị ngọt. Đây là vị đúng kiểu miền Bắc, không được làm sai.
Nay cửa đã mở, kinh tế nhà Dòng cũng tạm ổn, nên dầu vẫn 3 bữa đều đặn, nhưng cũng có nét khác xưa. Không cứ buộc phải 3 bữa cơm, nhưng thỉnh thoảng lại thay đổi: sáng điểm tâm xôi, mì tôm, bánh mì, bánh cuốn,…; trưa có bữa bún riêu; tối thì có miến xào, bún hủ tiếu, cháo đậu… Vì đất chật, người đông, không còn chỗ trồng rau muống nữa, nên món luộc và món canh thay đổi nhiều thứ rau củ ở chợ. Món mặn thì thịt thà, giò chả cũng thường xuất hiện hơn; duy có món nem: gồm bì heo và thit luộc cắt chỉ, trộn thính, khi dùng cuộn với lá mơ, lá lốt, … xưa nay vẫn thấy và vẫn còn tồn tại trong thực đơn.
Những ngày mừng lễ, khi nhà nguyện rộn ràng hoa nến và chị ca trưởng tất bật với hát xướng, thì nhà bếp cũng nhộn nhịp hơn. Nghe có chị lớn tuổi nói, ở một nơi nọ, lễ nào đốt 3 cây đèn cầy (tức là lễ trọng hoặc lễ kính), thì ở nhà cơm sẽ có thêm món chuối đét-se, mà thấy ở nhà Dòng hồi xưa cũng có vậy. Lễ mừng ở nhà Dòng thường theo 3 kiểu: bún, cuộn hoặc phở, tùy theo lễ trọng hay lễ vừa. Các món cũng tùy theo, thời nào thức đó. Chẳng hạn, thời cha Tuyên úy Giuse đãi cả nhà Dòng món đầu bò, thì cứ tiệc là chị em được thưởng thức món mới lạ này, sau còn sắm cả chảo đầu bò để khi cần dùng, khỏi phải đi mượn. Mấy năm gần đây, các món lẩu thái, lẩu hải sản,… xâm nhập, chị em cũng được dịp thưởng thức, và có vẻ hợp nhãn món này, vì vốn thích rau cỏ đạm bạc.
Ở nhà Dòng có nhiều ngày ăn chay, nhưng trọng hơn cả vẫn là ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Thường bữa sáng cả nhà giữ chay trọn. Bữa trưa là bữa chính với món truyền thống là rau muống luộc, nước canh rau và muối mè. Các món rất đơn giản, nhưng sao bữa cơm hôm đó thật tuyệt: những cọng rau mềm và xanh, nước canh đậm đà, cơm dẻo và thơm,… Nay đã khác trước nhiều rồi. Bữa cơm vẫn thanh đạm, nhưng không cứ rau muống luộc với muối mè,…
Chỉ là chuyện ăn chuyện uống bình thường, nhưng có thực mới vực được đạo, có an cư mới lạc nghiệp. Biết bao chị em bước qua ngưỡng cửa nhà dòng để vào sống chung với nhau, cùng một lời kinh nguyện, cùng một linh đạo cha thánh Đa Minh, cùng . Để rồi, từ những ngày đầu mới lạ tiếp nhận và làm quen với nếp sống mới, tới hôm nay đã quen với vị hơi ngang ngang của mạch nước phèn Tam Hiệp, hay những món ăn, cách nấu khác xa với gia đình mình. Tam Hiệp lại cũng đã cảm nhận được những vị ngon mới lạ của bún bò Huế, phở Bắc, canh chua miền Nam. Và dù mỗi chị em ở tận đâu tới tu ở Tam Hiệp, cũng đã biết tới rau muống Tân Mai, bưởi Tân Triều, bánh đa chợ Sặt,…
Đất lành chim đậu, mong rằng những gì đã được đón nhận nơi đất Mẹ Tam Hiệp, từ những nét di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, sẽ đơm kết nhiều hoa trái cho Giáo Hội nhờ tất cả mọi thành viên cùng hiệp ý, hiệp sức, hiệp lòng.
Sr. Cỏ May, OP