Chiều trên vùng đất đỏ bazan

0

Lâm Đồng vào Đông, trời ủ ê, xám xịt. Gió nhẹ, lạnh buốt. Minh, một tu sĩ Dòng thánh Augustinô, ngồi co ro bên chiếc bàn nhỏ đặt bên cạnh bờ ao, mặt phẳng lì, mịt mờ trong sương khói. Càphê keo lại thành giọt, chưa kịp nhỏ, đã lạnh tanh. Khói thuốc lơ thơ lạc loài giữa một trời sương khói. Minh lơ đễnh nhìn về phía xa xăm. Mặt trời giữa một vùng sương, mất hết vẻ ngạo nghễ, trông hệt như trăng rằm, to hơn một chút. – Làm gì mà đăm chiêu thế? Tuấn cùng lớp hỏi. Minh chưa kịp trả lời, Tuấn tiếp: “Mới đi nghỉ có mấy ngày, đã nhớ ai rồi mà ngẩn ngơ thế. Cô Thủy Tiên phải không?” Tuấn cười, kéo nghế ngồi xuống bên cạnh. Minh vẫn đăm chiêu, hơi nhếch mép cuời. – Thủy gì cũng được, miễn là có người để nhớ, vẫn hơn kẻ không có, hìhì. – Mình đang nghĩ tới năm đức tin, Minh ạ. – Bao nhiêu năm rồi, đời vẫn thế, Hội Thánh vẫn thế, có thay đổi gì đâu mà nghĩ cho mệt. Này nhé, Năm Truyền Giáo, Năm Thánh Thể, Năm Thánh Phaolô,  Năm Linh Mục … Các năm ấy trôi đi chẳng để lại gì, hệt như chưa bao giờ có vậy. Mình là tu sĩ còn thế, huống nữa là dân. – Nhưng chắc phải có gì, thì Đức Giáo hoàng mới thiết lập năm đức tin chứ. – Dĩ nhiên là vì có cuộc khủng hoảng đức tin[1], và ngài nói rõ mục đích của năm ấy là khơi lên việc tuyên xưng đức tin với niềm tín thác và hy vọng; cử hành đức tin trong phụng vụ nhất là trong Thánh Lễ; tăng cường các chứng tá đời sống của các tín hữu; tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, thể hiện qua đời sống và việc cầu nguyện; xây dựng một lòng tin vững chắc trên nền tảng là Đức Kitô[2]. Ngài còn đề nghị thống nhất đức tin và đời sống (Rm 10,10), ở lại với Chúa Giêsu[3]; tái khám phá và học hỏi nội dung đức tin được trình bày Sách Giáo Lý Công Giáo, là bản ghi nhớ vĩnh viễn về cách thức Hội Thánh suy gẫm về đức tin, tạo nên sự tiến triển trong giáo huấn và giúp tín hữu vững vàng trong đời sống đức tin. Điều được trình bày trong sách giáo lý ấy không phải là một lý thuyết mà là cuộc gặp gỡ một con người đang sống[4]. – Gớm các cụ nói chuyện gì mà sôi nổi thế? Thịnh chen vào. – Uống cà phê. Minh mời. – Đang bàn về năm đức tin ấy mà! Minh chép miệng thất vọng. – Vậy hả? Thịnh hào hứng hỏi. – Bên ta chỉ quan tâm tới “mạc” thôi. Tuấn nói. “Khai mạc cho hoành tráng, bế mạc cho xôm trò là xong. Còn ở giữa ‘mạt mạt’ tí cũng không sao. Tớ hỏi thật các cậu nhé, Đức Giáo hoàng bảo đọc Công Đồng, đọc sách Giáo Lý Công Giáo. Từ lúc khai mạc năm đức tin tới giờ có cu cậu nào chạm tay vào hai quyển sách đó chưa? Đó là tu sĩ đó nha.” – Hèn chi ông giám đốc mình chỉ khuyên mỗi chuyện: ‘đi lễ tập trung không lo ra, tỉnh thức không ngủ gật, lắng nghe các bài đọc và chỉ cần nhớ lấy một câu, về nhà nhắc đi nhắc lại, suy gẫm, cầu nguyện và sống câu ấy thôi, thì năm đức tin chắc chắn sẽ để lại một cái gì đó cho ta’. Ngay cả mình đi lễ ngày nào cũng “lên thiên đàng” không lên thì cũng chẳng nhớ được câu Kinh Thánh nào nói gì đến giáo dân. Minh nói. Thịnh chỉ gục gặc, không nói. Mắt vẫn mơ hồ nhìn về phía xa xăm. – Mà sao mình lại nói chuyện này nhỉ? Minh hỏi – Tại tôi. Tuấn nhận lỗi. “Nhưng tôi muốn nói chuyện khác cơ,” Tuấn chỉ mặt Minh, tiếp: “Tại anh khơi lên chuyện này”. Minh còn đang có vẻ thắc mắc, Tuấn tiếp: “Tuần trước dạy giáo lý, tôi hỏi các em: ‘năm nay là năm gì?’một đứa trả lời, năm đức tin. Ngay lúc ấy, một đứa giáo lý viên, đang lo ra chuyện gì không biết, giơ ta phát biểu: thưa thầy trò này sai, vì chỉ có một đức tin thôi chứ làm gì mà có tới năm đức tin lận. Cả lớp cười ồ. Mình bó tay luôn.” Minh vẫn đăm chiêu. Thịnh vừa cười vừa lắc đầu, nói: “Đức tin không dễ tí nào, hiểu đã khó, sống lại càng khó hơn”. – Đó là lý do vì sao cha giáo Liêm có lần nói: “Ta đang sống trong một thời đại, người ta có giáo lý mà không có đức tin, có đạo mà không có Chúa, có dâng lễ mà không dâng mình”. Mặt trời đã lên cao. Sương khói đang tan dần. Gió nhẹ. Mặt hồ nhấp nhô, bàng bạc ánh bình minh. Con chích chòe đáp xuống cành tre, gân cổ hót líu lo như chỗ không người. – Tớ đố các cậu vì sao chim hót? Minh hỏi. – Để khẳng định lãnh thổ của mình. Tuấn đáp. Thịnh trợn tròn mắt. “Thật hả?” – Thật, Minh nói gọng kiêu hãnh. “Người có đức tin phải là người để cho Chúa Giêsu tự do khẳng định mình là lãnh thổ của Ngài như con chích chòe kia kìa”. – Đúng. Tuấn nói. “Nhưng không dễ đâu, chính vì thế mà trong cuộc khổ nạn của Chúa, các tông đồ vấp ngã hết chỉ mình Chúa Giêsu là để cho Cha tự do ‘hót’ trong mình thôi.” – Nói về đức tin với người lớn đã khó, nói với con nít càng khó hơn. Minh nói bâng quơ. – Nghe đâu, lớp trưởng đang nhờ Minh nói chuyện với thiếu nhi về đức tin đó. Thịnh nói. Minh lè lưỡi: “Không bao giờ.” Minh vừa nói xong, thì Tâm và Hiền, lớp trưởng tới. Hiền hí hửng nói: “Mình tìm anh mãi. Cha giám đốc nhờ mình nói với anh là cuối tháng Tư, anh sẽ nói chuyện với các em lớp giáo lý Thêm Sức về đức tin.” – Thôi đi cha nội, nói về đức tin cho con nít làm sao mà nói. – Anh chỉ nói, đức tin là gì, đức tin cần thiết thế nào thôi, còn nội dung và sống đức tin thì người khác nói. – Nói về nội dung đức tin thì dễ, còn cái này làm sao mà nói. Minh nhăn nhó trả lời. – Cụ giám đốc bảo: chỉ anh mới làm được thôi, cháu cụ Mỹ mà! Hiền nói. – Ủa, cậu cháu cụ Mỹ hả? Hèn chi… Thịnh nhìn Minh nể phục. – Cụ Mỹ khác, cháu cụ Mỹ khác ạ. Minh lớn tiếng. – Cụ ấy tuyệt vời lắm. Đề tài có khó đến mấy cũng có thể làm thành dễ, khác hẳn với mình, càng nói, càng làm cho cái dễ thành khó, Tâm kể. “Cụ có chiều sâu lắm, mà văn chương bình dân vô cùng, cụ nói người bình dân ai cũng hiểu mà người trí thức thì lại không chê vào đâu được. Thế mới tài chứ!” – Ủa sao cậu biết cụ? Minh ngạc nhiên hỏi. – Cụ là cha sở mình mà. Hôm nay giỗ cụ mười lăm năm đây nè. Cậu có nhớ không? – Chính xác. Mặt Minh đượm buồn. Gió lao xao. Vài ba con chim sâu đuổi nhau trên cành ríu rít. Cá dưới hồ lóp ngóp. Nắng lung linh. – Ủa, cụ qua đời rồi hả? Tâm lắc đầu, đau đớn kể: “Cụ về xứ cũ mừng hai năm linh mục, chở theo ông cố nữa. Trên đường về chỉ còn cách nhà chừng cây số, bị một anh hình như công an thì phải, chạy chiếc Win 100 đỏ, tông chết ngay tại chỗ. Ông cố ngồi dậy, chỉ nói được có một câu ‘con có sao không?’ rồi ngã xuống, chết trên đường tới nhà thương.” – Hai cha con cùng chết à? – Ừ, thế mới đau chứ. Mặt Minh bệch ra. Mắt xa xăm. Cảnh vật chung quanh nhạt nhòa. Mọi người như cũng chìm sâu vào trong xót xa, thương tiếc. Xa xa, tiếng tù và vang lên u uẩn. – Tới giờ đi thác rồi anh em ơi. Hiền nói.   Suốt đêm ấy, Minh không sao nhắm mắt được. Kỷ niệm với chú Mỹ trên vùng đất đỏ bazan, hiện lên rõ mồn một trong đầu Minh. Hai mươi lăm năm trước, khi Minh mới chỉ là một cậu giúp lễ 7 tuổi. Trời chiều. Nắng nhạt. Gió mạnh. Minh đang thả diều, thì chú Mỹ, lúc ấy vẫn còn là một đại chủng sinh về chơi. Minh cuộn diều lại, cùng chú tản bộ trong vườn cà phê đang rộ bông, trắng phau, thơm ngát. – Con học lớp mấy? – Dạ, lớp hai ạ. – Có được tiên tiến không? – Dạ, học sinh giỏi ạ. – Vậy hả? Chú Mỹ bắt tay Minh: “Chúc mừng con. Chú sẽ có quà cho con. Cố gắng lên nha.” – Con cám ơn chú. Minh cúi mặt xuống đất, cố che đi vẻ kiêu hãnh. “Ở đây chỉ có mình con là học sinh giỏi thôi, chú ạ”. Mặt vẫn cúi gằm xuống đất. – Vậy hả? Thế mới xứng đáng chứ! Trời chiều. Nắng nhạt. Các cây cà phê lá bóng nhẫy đang nhởn nhơ dập dềnh dưới gió chiều. Từng đàn chim to nhỏ lật đật kéo nhau về, thỉnh thoảng có con hứng chí kêu lên vài tiếng. Dưới lũng, con suối nhỏ lờ lững đang chìm dần vào đen tối. Con bìm bịp lông màu nâu đỏ, thình thoảng lại kêu vang ai oán. Minh bỗng nắm tay chú Mỹ hỏi: “Chú ơi, ngày nào bố con cũng bảo con đọc kinh, vậy đọc cho ai hả chú?” – Đọc kinh là cách cầu nguyện của người bình dân. – Mình cầu nguyện, ai nghe mình, hả chú? – Thiên Chúa nghe. – Mình có thấy Thiên Chúa được không hả chú? – Không, nhưng ta vẫn có thể cảm được Ngài. Minh cau mày, không hiểu. “Nghĩa là sao hả chú? – Có những cái ta thấy được, nhưng cũng có những cái ta không thấy được nhưng vẫn cảm được. Con có ngửi thấy gì không? – Mùi hoa cà phê. – Con có thấy mùi không? – Không, chỉ ngửi được thôi. – Đúng. Mùi có đó, ta không thấy, nhưng lại ngửi được. Con có nghe thấy gì không? – Chuông nhà thờ. – Đúng. Con có thấy tiếng chuông không? – Không ạ. – Nhưng con nghe được, phải không? – Dạ. – Cũng có những cái ta không thấy, không nghe, không ngửi được, nhưng vẫn có. Ví dụ như cái này đây, vừa nói chú Mỹ vừa rút trong túi cái đèn pin nhỏ, chú bật lên hỏi: ‘cái gì làm cho cái đèn này sáng? – Điện, chú ạ. – Con có thấy, có nghe, có ngửi được điện không? – Không ạ. – Nhưng có không? – Có ạ. – Thiên Chúa là Đấng ta không thấy, không nghe, không ngửi được, nhưng vẫn có, giống như điện vậy. – Làm sao biết được Thiên Chúa hả chú? – Dễ lắm. Nếu người ta dùng mắt để thấy, mũi để ngửi, tai để nghe, ánh sáng để biết được điện, thì người ta cũng phải dùng đức tin để biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin trở thành phương thế để gặp gỡ Thiên Chúa. – Đức tin là gì hả chú? Chú Mỹ chưa kịp trả lời thì ông Đức, bố Minh đã gọi: “Chú Mỹ ơi, về ăn cơm” – Thôi về ăn cơm, con. Bố đang gọi. Trời đã nhá nhem, không còn nhìn rõ mặt người. Những hàng cà phê thẳng tắp trên vùng đất đỏ bazan đang nở rộ đã chuyển thành màu đen từ lúc nào không rõ. Căn nhà gỗ khang trang chỉ còn thấy mỗi mái tôn mờ ảo. Trong nhà, chỉ có mỗi ngọn đèn dầu duy nhất đặt giữa bàn cơm. – Gớm, chú cháu nói chuyện gì mà hăng thế, quên cả giờ ăn. Bà Đức nói. “Cái thằng Minh này giỏi tám lắm chú ạ!” Chú Mỹ không nói chỉ cuời. Nhà chỉ có bốn người, ông bà Đức, Thanh và Minh thêm chú Mỹ là năm. Sau khi đọc kinh, xin Thiên Chúa thánh hóa bữa ăn và sau vài lời chào mừng của ông Đức, chú Mỹ cầm ly rượu, giơ cao, cụng ly mọi người. Tiếng thủy tinh chạm nhau chan chát. Minh nhìn chú Mỹ nói: “Chú còn nợ con đó nha!” – Con hỗn quá. Chú nợ gì con nào? Bà Đức nói. – Còn nợ thật, chị ạ. Nợ một câu trả lời. – Bố báo cho con biết, chú Mỹ mới tặng con một bộ quần áo đẹp lắm, không chê vào đâu được. Nhìn bộ quần áo ấy, bố chỉ mong trở thành bé như con thôi. Ông Đức cười hóm hỉnh. Minh quay sang chú Mỹ, mắt sáng rỡ, gật đầu nói: “ Con cám ơn chú nhiều. Cám ơn bố”. – Con đã thấy bộ quần áo ấy chưa nào? Chú Mỹ hỏi – Chưa ạ. – Sao con lại cám ơn chú, lỡ không có thì sao? Minh còn đang ú ớ, chú Mỹ tiếp: “Tin là thế đó con ạ. Không thấy, nhưng con vẫn coi những gì bố con nói là sự thật, phải không nào? Như vậy, tin là công nhận là sự thật những gì người ta nói dù ta không thấy.” Minh trợn tròn mắt ngạc nhiên. Chú Mỹ bắt tay Minh nói: “Hết nợ nha!” Minh cười. – Nhưng đó mới là tin thôi, đức tin cao hơn tin ở chỗ, đó là ơn Thiên Chúa ban để ta công nhận là sự thật những gì Ngài nói với ta qua Kinh Thánh, qua Hội Thánh, qua tiếng lương tâm và những biến cố lớn nhỏ trong đời. Gió thổi mạnh. Cây lao xao. Đèn bập bùng. Mọi người im lặng. Chú Mỹ nhìn Minh tiếp: “Tin và đức tin bao giờ cũng có hai phần: nhìn nhận là sự thật những gì người ta nói và có thái độ phù hợp với những gì mình tin. Ví dụ, con tin vào những gì bố con nói, và con cám ơn chú, đó là thái độ phù hợp với những gì con tin. Nếu thay vì cám ơn, con chỉ nhìn chú cười cười cách nghi ngờ, thì rõ ràng là con không tin, phải không nào?” Minh gật đầu, không nói. Thấy Minh có vẻ cau mày, chú Mỹ hỏi: “Con không đồng ý hả?” – Nhưng nếu không có Thiên Chúa mà những người viết Kinh Thánh bịa ra thì sao? Thanh nhìn chú Mỹ hỏi. Chú Mỹ nhìn Thanh bằng ánh mắt thân thiện và nể phục. Con Đốm đang nằm chực bàn cơm, bỗng đứng phắt dậy sủa oang oang. – Chào các bác, cô Liên hàng xóm nói. “Ủa nhà đang ăn cơm à. Con xin lỗi.” – Mời cô xơi cơm. – Chào thầy Mỹ, lâu lắm rồi hôm nay mới được gặp thầy, thầy khỏe không? Bao giờ chịu chức? – Cám ơn cô tôi khỏe, còn chịu chức thì chẳng biết đến bao giờ, Đức Giám mục đồng ý rồi, nhưng còn nhiều anh em lớp lớn hơn chưa được nên phải chờ cô ạ. Năm ngoái họ cho năm là khá lắm rồi. Mà nếu mỗi năm họ cho năm người thì phải sáu năm nữa mới tới phiên mình. – Trời ơi, tội nghiệp nhỉ, không khéo lại phải hát bài “con lom khom bước lên bàn thánh” thì chết mất. Cô quay sang ông Đức nói: “Con sang xin bác ngày mai cho con mượn cái máy cắt cỏ. Cà phê non, dọn cỏ mệt quá. – Được thôi, bao giờ lấy? – Sáng mai con lấy. Vậy thôi, cám ơn bác con về. – Cô này có phải con nuôi bà Nha, ngày xưa nấu cơm cho cha không? Mỹ hỏi – Đúng rồi. Bà ấy chết rồi, tội nghiệp lắm. – Bà ấy bệnh à? – Không, chết rũ tù mới tội chứ? – Sao lại phải ở tù? – Bà ấy chứng kiến hai đứa con chủ tịch xã giết người hàng xóm bà, rồi cướp mất chiếc xe và hai chỉ vàng. Bà ấy với hai bà khác bị gọi ra làm chứng, nhưng kỳ thực là để cấm không cho nói sự thật. Những người kia sợ không dám nói, rồi bị buộc phải chuyển đi chỗ khác. Bà Nha cứ nói, bà bảo tôi không thể nói trái với lương tâm tôi được. Bà bị giam rồi bốn ngày sau bị giết chết. Họ cũng cho khám nghiệm tử thi với kết luận, chết do nhồi máu cơ tim. Bây giờ … Nỗi buồn hiện thành nếp nhăn trên mặt Mỹ. Mỹ chép miệng: “Tội quá! Không biết đến bao giờ dân mình mới được an cư lạc nghiệp trên quê hương này!” Rồi như nhớ ra chuyện gì, mặt Mỹ sáng lên, Mỹ nhìn Thanh nói: “Con có nghe chuyện ba con vừa kể không?” – Dạ có. – Bà Nha là người can đảm phải không con. Bà chấp nhận tù, thậm chí chấp nhận chết để làm chứng cho sự thật, phải không? Không ai lại ngu dại đến độ chết cho những gì mình bịa đặt ra, phải không nào. Các tác giả Kinh Thánh không phải là tiểu thuyết gia cũng không phải là sử gia. Các Ngài viết chỉ để chuyển giao một kinh nghiệm các ngài đã có, kinh nghiệm về Chúa Giêsu phục sinh. Khi rao giảng về mầu nhiệm này, các ngài đã bị bắt bớ, bị giết chết và đã sẵn sàng chết. Các ngài đã dám lấy mạng mình ra để làm chứng về Chúa Phục Sinh nên phải kể rằng chứng tá của các ngài là chứng thật. Vì thế, những gì các ngài chép lại cũng là sự thật. Dựa vào những gì các ngài viết ta cũng có được kinh nghiệm về Chúa Giêsu y như các ngài vậy. – Thôi, chú ạ. Bà Đức nói. “Mấy đứa nhà tôi, nhất là thằng Minh, lý sự lắm. Có lần, lễ về nó hỏi tôi, vua David có phải là Chúa không, tôi không biết đường nào mà trả lời, tôi hỏi sao con biết vua David. Nó bảo nó nghe đọc trong Thánh Lễ. Lúc đó nó mới 4 tuổi thôi đó.” Bà Đức hãnh diện nhìn Minh. Mặt chú Mỹ toát lên niềm vui: “Hay! Đi lễ phải thế con ạ. Đi lễ mà không nhớ được câu Kinh Thánh nào là đi không về không.” Minh vẫn không để ý lời chú Mỹ lắm. Chú vừa nói xong, Minh hỏi tiếp: “Làm sao mình biết là mình có đức tin hả chú?” – Thôi, tụi con đừng thắc mắc nữa, để bố mẹ nói chuyện với chú. Ông Đức nói. “Mấy ngày nay, dân ở đây, chẳng hiểu nghe đồn chuyện gì không biết mà nhà nào cũng đi kiếm xương rồng, chở cả xe tải lên thành phố nữa. Chú Mỹ cười khoan khoái nói: “Người ta đồn lung tung rằng có một thứ ma cà rồng nào đó. Ma này ghê gớm lắm, có thể giết chết người ta. Ma này chỉ sợ xương rồng thôi, nhà nào có treo xương rồng thì ma ấy không dám vào”. – Hèn chi, tôi tưởng người ta mua về làm thuốc thôi, ai dè lại để trừ ma cà rồng. – Chú ơi, mà có ma thật không hả chú? Minh hỏi. – Chú nghĩ không có ma mà chỉ có quỉ thôi. – Tháng trước, bà Sại, con gái ông Tứ ở đây, bị ma nhập đấy chú ạ. Bà nói toàn tiếng Tàu không. Ấp mình chẳng ai hiểu gì, nhưng người Tàu hiểu. Khi ma xuất, bà chẳng còn nhớ gì mà cũng không nói được một câu tiếng Tàu nào. Thanh nói. – Bây giờ trở lại với câu hỏi của Minh, “làm sao mình biết mình có đức tin” nha. Thấy nhà nào có treo xương rồng trước cửa, mình biết chắc là nhà ấy tin có ma cà rồng, phải không nào? Thấy người nào đeo thánh giá, mình biết chắc người ấy có đạo, phải không nào? Đức tin phải thể hiện ra trong đời sống. Nếu không thể hiện đức tin ra trong đời sống thì chắc chắn không có đức tin, hoặc đức tin chết. Là người tin vào Thiên Chúa, ta phải cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và sống bác ái yêu thương. – Người Công Giáo khác người ta ở chỗ nào hả chú? Thanh hỏi Trời đã khá khuya. Tiếng côn trùng rỉ rả làm cho màn đêm đã u uẩn càng u uẩn thêm. Con cú ăn đêm cứ đều đều nhả ra những tiếng ai oán, rùng rợn. Gió thổi mạnh. Đèn bập bùng xém tắt. – Thôi dọn dẹp rồi đi ngủ, khuya rồi. Ông Đức nói. – Còn một thắc mắc quan trọng chưa giải đáp anh ạ. Để em giải đáp cho các cháu luôn. Chú Mỹ tiếp: “Người Công Giáo khác với tín đồ của các tôn giáo khác ở chỗ: ngay hôm nay ta đã được ở với và ở trong Thiên Chúa. Vì thế, người Công Giáo không những không được trả thù mà còn phải yêu thương kẻ thù; không những không được giết người mà còn không được chửi rủa người ta; không những không được ngoại tình mà còn không được ham muốn phạm tội ngoại tình; không những không được ăn cắp mà còn không được ham muốn của cải của người ta; không được thề thốt mà còn ‘có nói có, không nói không’ nữa. Nhưng nét độc đáo nhất của người Công Giáo là yêu thương kẻ thù.” Minh vỗ tay: “Hoan hô chú. Chú giỏi quá, hỏi gì chú cũng biết. Mai mốt lớn lên thế nào con cũng đi tu như chú”. Chú Mỹ ngoéo tay Minh, nói: “Thật nhé!” – Thật đấy chú ạ. – Chú cứ cầu nguyện cho cháu thế nào cũng thành đấy, Ông Đức nói. Chú Mỹ ngậm ngùi nói: “Đức tin của người Công Giáo ta hiện mới chỉ đủ sức đẩy ta tới đọc cho Chúa một vài kinh, hát cho Chúa vài bài, dâng cho Chúa vài lễ, xin Chúa vài ơn, thắp cho Chúa vài nén nhang, chẳng khác gì người ta đi viếng người chết vậy. Không biết cho đến bao giờ ta mới để cho Chúa tự do biến đổi ta nên như Ngài.” Chú Mỹ cầm tay Minh nói: “Con đường đức tin trước mặt còn dài lắm con ạ”. Cả nhà chìm sâu trong im lặng. Nghe loạt soạt bên ngoài, Đốm phóng vội ra, rồi huỳnh huỵch đuổi theo. “Chắc lại chồn hay thỏ gì đây,” Ông Đức nói.   Minh thiếp đi lúc nào không rõ. Những chuyện xảy ra chiều ấy trên vùng đất đỏ bazan một lần nữa in sâu trong lòng Minh. Lâm Đồng hôm nay vẫn se lạnh. Sương khói lơ thơ. Ánh bình minh rực rỡ. Một tia nắng luồn qua khe cửa vào tận chỗ Minh. Trong lúc nửa tỉnh, nửa mơ, tưởng vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa, Minh râm lâm nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin cho con một đức tin vững mạnh, không phải để con chuyển núi dời non, nhưng là để Chúa tự do biến đổi trái tim con; làm cho con thành niềm vui, thánh bánh, thành đầy tớ và thành người hy sinh mạng sống cho mọi người kể cả kẻ thù con”. Tiếng chân bước lép xép bên ngoài khiến Minh mở choàng mắt. Mặt trời rực rỡ. Nắng chói chang. Gió hây hây. Sương khói không còn nữa. Con đường trước mặt thênh thang, thắng tắp. Hàng liễu hai bên đong đưa, dập dềnh.

NĐT 



[1] Porta Fidei 2.
[2] Ibid., 9
[3] Ibid., 10
[4] Ibid., 11.  

Comments are closed.

phone-icon