SỨ MẠNG CỦA GIOAN
BÀI GIẢNG LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
GỢI Ý ĐẦU LỄ:
… Hôm nay, Giáo hội long trọng mừng lễ kính sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, một vị thánh đã được Thiên Chúa tuyển chọn một cách lạ lùng từ trong thai mẫu, để làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Mỗi người chúng ta, từ đời đời, cũng đã được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi để thi hành sứ mạng làm chứng cho Đức Giêsu, làm chứng cho sự thật của Tin mừng. Thế nhưng, chúng ta chỉ có thể chu toàn sứ mạng ấy, khi chính chúng ta dám nói và nhất là dám sống theo sự thật, giữa một thế giới mà con người đang ngày càng đánh mất lương tri của mình để rồi không còn biết đâu là sư thật, đâu là lẽ phải.
BÀI GIẢNG:
… Trong bài đọc thứ nhất, Tiên tri Isaia đã nói về ơn gọi của mình như sau: “Đức Chúa đã gọi tôi từ trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi… Và giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Ngài là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người” (Is 49, 1b.5). Như thế, ngay khi còn ở trong lòng mẹ, ngạy từ khi chưa lọt lòng mẹ, Tiên tri Isaia đã được Thiên chúa Giavê kén chọn làm ngôn sứ cho Ngài, tức là làm người được sai đi để loan báo cho con người biết ý định và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiết tưởng, những lời Tiên tri Isaia nói về ơn gọi của mình đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, vị thánh mà hôm nay Giáo hội long trọng mừng kính. Thật vậy, Tin mừng cho chúng ta biết, cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả là một chuỗi những can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Từ việc sinh hạ lạ lùng, từ việc đặt tên cho đến ơn gọi làm tiền hô cho Đấng cứu thế, tất cả đều có sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa đến độ những người họ hàng thân thích và hàng xóm láng giềng, khi chứng kiến, đều đã phải tự hỏi: “Con trẻ này rồi sẽ ra sao vì chúng ta thấy có bàn tay Thiên chúa ở với nó” (Lc 1,66).
Như thế, sự xuất hiện của Gioan trên cuộc đời này đã gắn liền với một sứ mạng. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn Gioan có mặt trên đời này là để trao cho ông một sứ mạng, sứ mạng làm tiền hô cho Đấng cứu thế, dọn đường cho Đấng Mêssia. Và để chu toàn sứ mạng cao quý ấy, Gioan Tẩy Giả đã phải trả bằng một giá rất đắt, đó là mạng sống của Ngài. Thật vậy, vì dám lên tiếng khiển trách nhà vua không được lấy vợ của anh mình, Gioan Tẩy giả đã bị Hêrôđiađê, người đàn bà loạn luân, âm mưu xin cho được đầu của Gioan Tẩy giả. Thân phận của người làm ngôn sứ là như thế, bởi vì họ phải nói lên sự thật, mà sự thật không phải lúc nào cũng được lắng nghe, được chấp nhận, nhất là khi nó đụng chạm đến quyền lợi, đến đặc quyền của con người. Chính vì thế mà Tiên tri Giêrêmia đã cảm thấy sợ hãi, đã cảm thấy khiếp sợ khi đón nhận sứ mạng làm ngôn sứ. Ông đã muốn thoái thác khi thưa với Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa là Chúa thượng con, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói’. Nhưng, Thiên Chúa đã trấn an ông như sau: “Đừng nói ngươi còn trẻ. Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,7- 8). Như thế, Thiên Chúa chẳng những trấn an Tiên tri Giêrêmia mà Ngài còn cho ông một bảo đảm là luôn ở với ông để bảo vệ ông.
Thế nhưng, không chỉ có cuộc đời của Tiên tri Isaia, cũng không chỉ có cuộc đời của Gioan Tẩy giả, mà mỗi người tín hữu Kitô chúng ta, từ đời đời cũng đã được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi làm người và nhất là làm con Chúa để thi hành một sứ mạng, sứ mạng làm chứng cho sự thật của Tin Mừng, Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, sứ mạng làm chứng cho sự thật của người Kitô hữu cần thiết biết bao giữa một xã hội mà sự dối trá xem ra đang hoàn toàn thắng thế. Nào là hàng giả, nào là đồ giả, thậm chí cả người giả nữa. Tiếc rằng, không ít người Kitô hữu đã vì khiếp sợ trước những thế lực trần gian hoặc vì một chút lợi lộc vật chất thấp hèn, để rối tránh né không dám nói lên sự thật, sự thật của niềm tin, sự thật của lẽ phải, sự thật của công bằng, sự thật của bác ái. Thậm chí có người còn cho đó là khôn ngoan, là khôn khéo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng tuy đã già yếu, nhưng vẫn đang là đối tượng được mọi người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ hết sức ngưỡng mộ là vì Ngài là người đã dám nói lên sự thật mà không hề biết khiếp sợ là gì. Giữa một thế giới mà người ta không còn dám nói sự thật cho nhau, thì việc con người, đặc biệt là giới trẻ khao khát được nghe biết sự thật về bản thân họ, về cuộc đời này, là điều dễ hiểu.
Chuyện kể rằng: “Ngày nọ, một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị linh mục người Hungary và xin được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan này là một chàng trai trẻ, tính khi hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách đã được đóng lại, viên sĩ quan đưa tay chỉ cây Thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục như sau: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các linh mục bày ra để mê hoặc đám dân nghèo và để giúp cho những người giàu có dễ dàng giam hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ còn tôi với ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng, ông không bao giờ tin rằng, Đức Giêsu là con Thiên Chúa”
Vị linh mục mỉm cười trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. Thấy vậy, viên sĩ quan giận điên lên và quát lớn: “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng có giễu cợt tôi”. Nói xong, anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa thẳng vào người vị linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.
Nhưng vị linh mục vẫn điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế được vì không đúng sự thật. Đức Giêsu thật sự là con Thiên Chúa”.
Nghe vậy, viên sĩ quan liền vứt khẩu súng xuống sàn nhà và chạy đến ôm vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi đã không thể tin rằng có những con người đã dám chết vì niềm tin, vì sự thật cho đến khi tôi được tận mắt chứng kiến” ( Ls, P.185).
… Nếu chúng ta đã dám sống và dám chết cho sự thật, thì chắc hẳn đã có không biết bao nhiêu người tin Chúa. Tôi tin như thế. Câu chuyện trên đã là một bằng chứng cho chúng ta thấy, tiếp bước thánh Gioan Tẩy Giả, đã có không biết bao nhiêu con người dám chết để làm chứng cho sự thật.
Chính vì thế, khi mừng kính thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta được mời gọi làm chứng cho sự thật, không chỉ bằng lời nói tố cáo những bất công, gian dối và tội ác của con người, nhưng tiên vàn bằng chính cung cách sống ngay thẳng của chúng ta giữa một thế giới mà gian dối và lừa đảo đã nghiễm nhiên trở thành luật sống.
Thiết nghĩ, sống như thế là chúng ta đang làm chứng cho Đức Giêsu, là chúng ta đang dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với lương dân -Amen.
Lm HKT