TÌNH YÊU LÀM GÁNH NẶNG
TRỞ NÊN ÊM ÁI, NHẸ NHÀNG
Kính thưa quý ông bà anh chị em!
Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được thiết lập khá muộn màng và chỉ buộc toàn thể Giáo hội mừng vào năm 1856. Tuy nhiên việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã có nền tảng từ xa xưa, có thể nói được là ngay từ lúc Ngài thở hơi thở cuối cùng trên Thập Giá. Chính cái lưỡi đồng vô tình được tên lính sử dụng, đã xé rách cạnh sườn của Chúa Giêsu để lộ con tim nhợt nhạt, tê tái của Ngài. Mẹ Maria, ông Nicôđêmô, Giuse đã quỳ lạy tôn kính trái tim của Chúa Giêsu. Đấy chính là khởi đầu cho việc tôn kính Thánh Tâm Chúa. Một trái tim hoàn toàn hiến dâng cho nhân loại đến nỗi đã trao ban những giọt máu giọt nước cuối cùng, chấp nhận bị hao mòn, chấp nhận cả sự vô ơn bội nghĩa chỉ vì yêu thương mà thôi. Việc tôn kính Thánh Tâm Chúa không phải là việc tôn kính một phần thân thể của Chúa nhưng là tôn kính tình yêu Thiên Chúa trao ban cho con người được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giêsu. Yêu thương con người, một tình yêu tự hiến, dám chết cho người mình yêu, và để rồi từ đó mỗi một người phải có trái tim giống như Ngài, biết yêu thương anh em mình một cách nhưng không.
Trong cơn động đất khủng khiếp ở Armenia hồi tháng 12/1988. Cũng như hàng ngàn người khác, một bà mẹ và đứa con 4 tuổi cũng bị vùi lấp dưới những lớp gạch đá của những tòa nhà sụp đổ. Nhưng may mắn thay, dưới đống gạch đá đổ nát ấy, hai mẹ con nằm lọt trong một khoảng trống vừa đủ để cứu mình.
Tất cả lương thực của họ chỉ là một mẩu bánh mì và chẳng mấy chốc họ cũng đã ăn hết, Lúc đó cô bé nói với mẹ: “Con khát”. Thế nhưng tìm đâu cho ra nước lúc này. Tiếng cản người con kêu lên chưa dứt thì đã làm cho bà mẹ đau lòng, rối như tơ vò. Tuy vậy, tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo là lấy những giọt máu cuối cùng cho con uống để cầm cự với tử thần. Với miếng kiếng vỡ vớ được, bà đã cắt đầu ngón tay và đưa cho con mút. Khi mút ngón tay mẹ rồi , đứa con nói tiếp:
– Mẹ cắt thêm ngón tay nữa cho con mút.
Bà cắt thêm một ngón tay nữa.
Sau này khi được cứu sống, bà mẹ đã thuật lại rằng: “Lúc đó tôi nghĩ thế nào mình cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.
“Tôi muốn con tôi được sống”. Đây là câu nói người mẹ trong câu chuyện đã thốt lên, nói lên một tình yêu bà muốn dành cho con mình. Tình yêu đó được cụ thể trong hành động đầy hy sinh của bà, khi bà sẳn sàng trao ban cho người con của mình những giọt máu cuối cùng; bà sẳn sàng chết để con mình được sống. Tấm gương hy sinh trên đây của bà mẹ gợi lên cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được thực hiện qua dòng lịch sử, và đặc biệt qua tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu.
Không cần phải tìm hiểu đâu xa xôi, chỉ cần đọc lại phần phụng vụ Lời Chúa của ngày lễ hôm nay cũng đủ để cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng.
Sau thời lưu đày dân Do Thái không còn được lớn mạng như thế, họ bị đế quốc Assyri đè bẹp. Tuy nhiên chính lúc nhục nhã ấy Thiên Chúa mới chứng tỏ cho họ thấy vì tình yêu mà Ngài dành cho họ thật là thắm thiết. Chính tác giả sách thứ luật đã viết: “Người đã lòng quyến luyến các ngươi và đã chọn các ngươi . . . Người yêu mến các ngươi và giữ lời thề. . . Người trung tính với các ngươi”. Sự bao dung và gắn bó của Thiên Chúa đối với dân Người mạc khải cho chúng ta thấy lòng Chúa yêu thương chúng ta, Ngài luôn để ý lưu tâm đến thân phận yếu hèn tội lỗi của chúng ta, nâng chúng lên bậc nghĩa thiết như trong tương quan phu phụ hay bằng hữu, và Ngài đã thi thố tình thương ấy trong sự tín trung ngàn đời .
Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách đậm nét nơi trái tim Chúa Giêsu mà bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu trình bày. Đối tượng tình yêu của Thiên Chúa chính là những kẻ bé mọn, những người đang lao đao vất vả, đang vác những gánh nặng trên đôi vai, trên thân xác của mình, nhất là những gánh nặng đang đè nặng tâm hồn của mình. Ngài đang tha thiết mời gọi: “Tất cả hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”.
Tất cả những lời ấy được thốt lên từ trái tim, từ tấm lòng yêu thương của Đức Giêsu. Ngài muốn mời gọi hết tất cả những ai đang mang gánh nặng, từ gánh nặng của cuộc sống đến gánh nặng của bổn phận, của xã hội; đặc biệt là gánh nặng của một cuộc sống đầy tội lỗi, đầy yếu hèn mặc cảm, chán chường. Hãy đến với Ngài để được Ngài xoa dịu, nâng đỡ và ban sự bình an, nhất là sự bình an tâm hồn.
Tình yêu của Thiên Chúa chưa kết thúc ở đây, nhưng Ngài còn yêu đến cùng, yêu đến độ phó nộp Con một mình là Đức Giêsu Kitô để đền thay tội lỗi của chúng ta. Chính con một Ngài phải tử nạn trên thập giá, chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn, máu và nước chảy ra để thanh tẩy tâm hồn chúng ta.
Tất cả những gì Thiên Chúa có thể làm để yêu thương chúng ta thì Ngài đã làm qua Đức Giêsu Kitô. Chính tình yêu của Thiên Chúa đang tràn đến với chúng ta qua trái tim Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh. Và Ngài đang muốn chúng ta phải sống chính tình yêu ấy đối với anh em mình trong cuộc sống hằng ngày với tất cả con tim yêu thương của mình. “Trái tim không phải một món hàng để mua bán nhưng là một món quà để trao tặng. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết”.
Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta xin Chúa cho chúng biết noi gương Ngài, biết lưu tâm đến những anh chị em đang đau khổ, nghèo đói ở bên cạnh chúng ta, sẳn sàng mở rộng bàn tay và con tim để trao ban, dù chỉ một chia sẻ nhỏ mọn, một lời an ủi, một nụ cười. Ước gì mỗi việc chúng con làm đều xuất phát từ lòng mến Chúa. Xin Chúa cho chúng ta biết dùng tình yêu để làm cho gánh nặng của mình cũng như của anh em trở nên nhẹ nhàng và êm ái.
Để kết thúc xin gởi đến ông bà anh chị em một câu chuyện thật ngắn sau đây: Có một người gặp một cậu bé đang cõng em nhỏ bị què, ông ta hỏi: “Em đang cõng một gánh quá nặng trên lưng phải không?”. Cậu bé trả lời: “Nó đâu phải là gánh nặng, nó là đứa em nhỏ của cháu mà?”
Lm HKT