Kìa nhìn xem Cha Thánh Đa Minh

0

Những thành công trong việc rao giảng Tin Mừng phần lớn nhờ vào tinh thần chịu đựng, cương nghị, can đảm, không thoái lui trước những khó khăn. Thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại, Thánh Phanxicô Xaviê nhà truyền giáo tại Viễn Đông và các nhà thừa sai khác đều phải đối đầu với biết bao thử thách gian nan về thể xác và tinh thần trên bước đăng trình của mình, nhiều khi vượt quá mức tưởng tượng:

“Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! …Tôi phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11, 24 – 27).

Thánh phụ Đa Minh của Dòng Thuyết giáo cũng không ra khỏi quy luật đó. Chúng ta cùng ghi nhận một số thử thách, khó khăn và hy sinh tiêu biểu mà Ngài đã trải qua, để thấy rõ hơn “người bạn của Chúa” đã can đảm ra đi gieo hạt giống Tin Mừng, với niềm tin tưởng và hy vọng sẽ có một ngày trở về tay ôm bó lúa vàng.

1. Tự nguyện hy sinh những điểm tựa thiết yếu

a. Bán sách quý để cứu người nghèo

Một hành vi cao quý của Cha Đa Minh luôn luôn được ghi nhớ qua muôn thế hệ đó là Ngài đã tự nguyện hy sinh mất đi một điểm tựa căn bản để thi hành sứ vụ học hành và giảng thuyết. Thật vậy, đang theo học tại Palencia thì xảy ra một nạn đói rất lớn trong vùng này. Hậu quả là người nghèo đều mắc chứng bệnh dịch và rất nhiều người chết. Do bị đánh động bởi những nhu cầu của người nghèo và lòng thương xót đối với họ, Cha liền quyết định thi hành những lời khuyên của Chúa để xoa dịu nỗi đau cho họ. Ngài đã bán hết sách vở của mình để mua thức ăn cứu người nghèo đói.

Có lẽ đối với chúng ta ngày nay, nhất là các em sinh viên vừa mới “thanh lý” sách vở sau khi tốt nghiệp, để chuẩn bị tiến lên giai đoạn mới, hay bước vào môi trường thực tập tông đồ, những loại sách vở đã sử dụng rồi chẳng đáng quý là bao. Nếu đánh đổi các sách cũ đã ghi chú ngang dọc ở trên đó để cứu lấy một mạng người, thì các bạn trẻ chẳng ngần ngại bán luôn cả những sách mới nữa, để dành lại sự sống cho nhiều người khác!

Thế nhưng nếu trở về hoàn cảnh của Cha Đa Minh, chúng ta sẽ thấy việc làm này được nhiều người ngưỡng mộ, ca tụng như một hành vi phi thường. Thật vậy, vào thế kỷ XII, khi mà tư tưởng về ngành in vẫn chưa hiện hữu, những loại sách Cha đã bán đi không phải thứ sách giáo khoa được bày bán như hàng chợ, mà là những loại sách viết tay trên da thuộc, hiếm hoi và rất giá trị, đến nỗi số tiền bán sách có thể cứu được người nghèo khỏi cảnh chết đói. Vì thế mà câu nói của ngài trước khi được khắc vào bia đá ở Palencia thì được ghi chép lại trong cuốn sách gối đầu giường của các tu sĩ Đa Minh: “Tôi không muốn học trên những tấm da chết, trong khi nhiều người đang chết đói”[1]. Hơn nữa, việc làm này trở thành một tấm gương sáng, qua đó nhiều người đương thời, cả các giáo sư và nhà học giả của thành Palencia, cũng phải trực diện với lòng tham lam của mình trước sự quảng đại của chàng sinh viên Đa Minh, mà mở rộng của bố thí cho người nghèo nhiều hơn nữa.

Phiến đá khắc ghi hành vi bán sách quý để cứu người nghèo của Cha Thánh

b. Bán đi một mái nhà ấm êm

Đức Giêsu đã từng dạy các Tông đồ khi đi rao giảng không mang bao bị, tiền bạc giắt lưng, quần áo kồng kềnh. Các ông hãy dùng những thứ người ta dọn ra cho, nhưng không nên đi hết từ nhà này sang nhà nọ, cũng đừng ở lại quá lâu mà làm phiền chủ nhà. Vì Tin Mừng họ phải lên đường tay trắng, không quá lo lắng cho cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó (Lc 9, 6) một cuộc sống không có một hòn đá để gối đầu (Mt 8, 20).

Cha Đa Minh đã không ngừng suy niệm và thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng về lối sống thanh bần của người Tông đồ. Ngài tin tưởng và phó thác cho bàn tay quan phòng của Chúa. Ăn uống thiếu thốn, chỗ ở bấp bênh không có nghĩa là sống thiếu định hướng và mục đích. Đối với Ngài chấp nhận lối sống bấp bênh cũng là phương thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng và chống lạc giáo. Sau này Ngài cũng khuyên anh em phải dứt khoát với những ràng buộc về của cải vật chất.

Đọc lại các chứng từ về việc Cha Đa Minh bán đi sách quý tuy có đôi chút không thống nhất về nơi chốn và thời gian[2] chúng ta thấy các bản văn đều xác nhận rằng Cha Thánh không chỉ bán sách quý mà còn bán cả những đồ đạc trong nhà thuộc về tài sản của Ngài, để phân phát cho người nghèo. Điều đó cho phép một số học giả ngày nay nghĩ rằng lúc đó Cha Đa Minh có một ngôi nhà ở Palencia hoặc ít ra một gian phòng riêng của mình. Ngài đã bán đi tất cả với mục đích thiết lập một nhà tế bần, một địa điểm dừng chân từ thiện, bố thí, như thành ngữ tiếng La Tinh instituereelemosinam trong sách Libellus của cha Giôđanô muốn nói lên điều đó[3].

Nếp sống đó Ngài đã thực hành suốt trọn cuộc đời. Cả sau này khi anh em có một nơi ở chung, Cha Đa Minh không có phòng riêng, cũng chẳng có giường ngủ, tất cả chỉ vì khổ chế Phúc Âm và sứ vụ giảng thuyết.

2. Tự nguyện bán mình để chuộc người

Cũng trong thời kỳ đó một câu chuyện tuyệt vời nhất được kể lại vắn tắt về sự dâng hiến đến cả mạng sống của Cha Đa Minh vì người nghèo. Có một phụ nữ chạy đến với Cha mà khóc lóc thảm thiết, bởi vì quân Saraceni đã bắt con trai của bà mà bỏ vào tù. Đầy Thánh Thần tình yêu và chạnh lòng thương, Cha Đa Minh đã bán chính bản thân mình để chuộc lại tù nhân vô tội đó. Nhưng Thiên Chúa đã không cho phép điều này xảy ra[4].

Cả những người lạc giáo cũng là đối tượng của lòng trắc ẩn của Cha Thánh. Một lần nọ tiếp xúc với một người đã bỏ đạo mà theo lạc giáo, Cha đã dùng những lời lẽ đạo đức mà khuyên nhủ ông quay trở về lòng mẹ Giáo hội. Cha nghe người ấy trả lời rằng ông bị ép buộc phải trung thành với lạc giáo là vì họ cung cấp cho ông đầy đủ những nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống, cũng như giúp ông hoàn trả món nợ quá lớn lao. Thương cảm cho số phận nghèo nàn của người kia đến cắt ruột, Cha đã ra sức thuyết phục và muốn phóng thích họ khỏi cảnh lầm lạc đó. Cha liền quyết định bán cả bản thân mình để lấy số tiền mà chuộc người ấy khỏi hư mất. Ngài lẽ ra đã thi hành xong chương trình đó, nếu Thiên Chúa là sự giàu có của tất cả mọi người đã không định liệu một cách khác, để giải quyết cảnh túng quẫn cho nạn nhân (Libellus 35).

Cả hai trường hợp trên cha Giôđanô không cho chúng ta biết rõ Thiên Chúa đã can thiệp bằng cách nào. Phải chăng Người tìm cách thay thế mạng sống của Cha Đa Minh bằng một cách thức giống như cách mà Người đã dùng một con cừu đực đang mắc sừng để thay thế cho lễ vật hiến tế là Isaác? Hay là Người dùng một hình thức nhẹ nhàng và lãng mạn hơn, giống như trường hợp sai thánh Phêrô ra biển thả câu, rồi mở miệng con cá cắn câu đầu tiên mà lấy tiền nộp thuế cho ngài và cho ông? Dù sao đi nữa, vẫn sáng lên lòng hy sinh cao cả của thánh Đa Minh vì đức bác ái đối với người nghèo và người nô lệ. Cha dường như nghe được tiếng Chúa thúc đẩy cứ mãi cho đi, buông bỏ cả sinh mạng mình vì Chúa và vì Tin Mừng, và tin rằng phần còn lại Người sẽ định liệu sau.

3. Đương đầu với những đe dọa đức tin Công giáo          

Để hiểu được những thách đố lớn lao mà Cha Đa Minh đã vui lòng và kiên trì chấp nhận, chúng ta cần phải trở về tình cảnh lạc giáo của thế kỷ XII một chút.

a. Đau buồn trước thảm họa dị giáo

Tên gọi Albigensê  lúc ban đầu chỉ đến một giáo phái sống trong vùng núi Albi miền Nam nước Pháp. Sau đó nhóm người này cũng dính líu đến chuyện hỗ trợ cho phong trào dị giáo Cathare trỗi dậy vào thế kỷ XII. Còn Cathare có nghĩa là nhóm dị giáo “những người được thanh luyện” hay “thanh giáo” (xuất phát từ katharos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trong sạch, tinh khiết). Họ là những người Kitô hữu nhưng đã sai lạc về đức tin. Học chạy theo lạc thuyết nhị nguyên của phái Manikê ngày xưa, đối nghịch giữa vật chất và tinh thần: thế giới linh thiêng hoàn hảo thì thuộc về Thiên Chúa, còn thế giới vật chất bất toàn thuộc về Satan. Vì thế họ chối bỏ mầu nhập thể và thập giá, phủ nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ. Tinh thần con người vì thế khao khát khôn nguôi thoát khỏi tình trạng tù ngục đau khổ ở đời này là thân xác con người, để một ngày nào đó trở về với Thiên Chúa Cha. Nhóm lạc giáo này đã tìm cách trở nên “thật hoàn hảo” trong suốt cuộc đời của họ, để họ không phải trải qua một kiếp luân hồi liên lỉ, cho đến khi có thể kết hiệp với Thiên Chúa.

Các người theo dị giáo này càng ngày càng gia tăng, nhất là tại miền Languadoc. Sự thành công của họ chủ yếu là do sự mục nát của các giáo sĩ Công giáo địa phương. Thật vậy, các giám chức trở thành trò cười cho giáo dân, lơ là việc thăm viếng mục vụ, ham mê tiền bạc, địa vị, dính líu việc mại thánh và đàn bà, ra vạ tuyệt thông cho những ai phiền toái cho họ. Cũng có rất nhiều đan sĩ và kinh sĩ sống phóng túng, cờ bạc, tục tĩu, nghe kinh sáng ở trên giường, đi xin xỏ tiền bạc và mọi thứ khác, thậm chí từ bỏ những di chúc hợp pháp để bỏ vào túi số tiền thu được.

Phản ứng lại lối sống đó, các nhóm dị giáo đề nghị một lối sống khắc khổ, từ bỏ và có trình độ luân lý khác xa với giáo sĩ Công giáo, đến nỗi họ thu hút được rất nhiều sự đồng cảm trong một thời đại mà người ta có nhu cầu tâm linh sống động.

Trước tình cảnh đó, Cha Đa Minh cảm thấy đau khổ tột cùng. Trong cầu nguyện và nước mắt Cha được thúc đẩy phải sống khó nghèo, thanh thoát như một kẻ hành khất thánh thiện và nhiệt tâm rao giảng chân lý họ những kẻ lầm lạc.

b. Chấp nhận một cuộc sống đơn thương độc mã

Trước những đe dọa của các “bè rối”, Tòa Thánh đã gửi các phái đoàn đến các vùng toàn tòng dị giáo để thương lượng với họ. Tiếc rằng những phái đoàn ấy đến với họ thường tươm tất, xa hoa, lộng lẫy, không đem lại sức thuyết phục trong lời giảng dạy. ĐGM Diego đã đề nghị Tòa Thánh giải tán các đoàn tỳ tùng, và ủy nhiệm cho ngài và Cha Đa Minh đích thân ở lại đó để rao giảng.

Vào khoảng năm 1206, vì những trách vụ khác, Đức Giám mục để Cha Đa Minh ở lại chiến đấu một mình. Lúc bấy giờ Cha Thánh đã hiểu được một phương thức rao giảng mới và hữu hiệu: để tranh luận với người lạc giáo và khuyên họ trở về với chính đạo, cần phải sử dụng những nguyên tắc của họ, nghĩa là ngoài việc giảng thuyết, Ngài phải thực hành nếp sống thanh bần, thiếu thốn, khiêm tốn và bác ái. Việc xét xử những người ngoan cố thì thuộc quyền của các giám mục và các ông hoàng!

Tuy nhiên, Cha Đa Minh đã không tránh khỏi cuộc giằng co nội tâm trước phương pháp đối phó mới của Tòa Thánh. Thật vậy, tháng 01 năm 1208, khi Perre de Castelnau đặc sứ của Tòa Thánh bị ám sát bên bờ sông Rhone sau những lần can thiệp bất bạo động, ĐGH Innocente III đã ra vạ tuyệt thông cho bá tước Raymond VI ở Toulouse, vì có dính dáng đến vụ ám sát này. Sau đó Đức Giáo hoàng cổ động thập tự chinh để chống lại những bạo động nổi lên ở miền Nam nước Pháp và những người ủng hộ lạc giáo Cathare. Đây là cuộc thập tự chinh lần đầu tiên gọi là “Kitô hữu chống lại Kitô hữu”. Ngài cũng phải nhờ đến sự yểm trợ của thế quyền là vua Philippe-Auguste. Các “hiệp sĩ Đức Kitô” phải có nhiệm vụ hòa giải các dân tộc, tiêu diệt các lạc giáo, và được phép tước đoạt đất đai của những người lạc giáo.

Điều đáng chú ý là, hơn 10 năm ròng rã, Cha Đa Minh một mình ở Fanjeaux giữa thái độ thù nghịch của lạc giáo, giữa xứ sở hỗn loạn vì các cuộc nội chiến. Ngài phải đương đầu với nhiều cạm bẫy đang rình rập, nhưng Cha không nhúng tay vào các cuộc thánh chiến, truy lùng các tội nhân, thu thập các bằng chứng hay ủng hộ các phiên tòa điều tra và xét xử (Tòa Inquisitio). Đến cuối năm 1217, Cha Đa Minh vẫn còn lưu lại ở miền Nam và tiếp tục rao giảng, trước hết trong giáo phận Carcassonne rồi đến miền Toulouse là những sào huyệt của quân lạc giáo. Cha luôn giữ vai trò giảng thuyết Lời Chúa cách cần mẫn, một vai trò hoàn toàn thiêng liêng, bằng sự thánh thiện dịu hiền, vẻ đẹp thanh thoát trong đời sống cầu nguyện, hy sinh, chẳng khác gì một tu sĩ cô tịch trong sa mạc.

4. Chấp nhận những nguy hiểm đến tính mạng

Kiểu sống lữ hành và đơn độc của Cha Đa Minh khiến cho ngài gặp rất nhiều nguy hiểm. Những nguy hiểm này không chỉ xảy ra trong những nơi xa xăm, làng mạc hẻo lánh, mà còn xảy ra ngay trong những vùng quen thuộc nhất. Có lần ngài đã bị các tay giết mướn rình rập phục kích, như được thuật lại trong sách Libellus của cha Giôđanô số 34 như sau:

Suốt thời gian các chiến sĩ của thập tự chinh ở lại trong xứ sở và cho đến khi cha Montfort bị ám sát (1208), cha Đa Minh một nhà giảng thuyết Lời Chúa nhiệt thành cũng còn lại đó. Ngài phải lãnh lấy biết bao tủi nhục và phải vượt qua bao cạm bẫy của kẻ thù. Một lần nọ ngài gặp một kẻ đe dọa giết Cha, Cha liền trả lời không chút sợ hãi: “Tôi không đáng hưởng phúc vinh quang tử đạo đâu, tôi cũng chưa đáng lãnh lấy cái chết tương tự như vậy”. Một lần khác khi Ngài băng qua một nơi hồ nghi bị những người lạc giáo nổi loạn phục kích, Ngài liền tiến nhanh tới chỗ đó, vừa đi vừa hát. Bọn lạc giáo hết sức ngạc nhiên về thái độ kiên cường không lay chuyển của Ngài và hỏi: “Anh không sợ chết sao? Anh sẽ làm gì nếu chúng tôi bắt anh?” Ngài trả lời: “Tôi xin các anh đừng làm cho tôi chết ngay bằng những vết thương nguy tử giết người, nhưng hãy kéo dài cuộc tử đạo của tôi, hãy từ từ chặt đi các chi thể của tôi. Rồi sau đó tôi xin các anh đặt trước mặt tôi những phần bị cắt bỏ đó và xé ra trước mắt tôi. Cuối cùng, hãy để cho thân mình còn lại của tôi ngậm chìm trong máu, ngõ hầu bằng cách hành hạ liên tiếp như vậy, tôi mới có thể đáng được đội triều thiên cao cả hơn”. Ngạc nhiên trước những lời chân thành đó, thù địch của Ngài từ ngày đó không còn giăng bẫy rình chờ và cũng không toan tính giết chết người công chính nữa.

Quãng đường xảy ra cuộc phục kích này là ở giữa làng Prouille và Fanjeaux, mà truyền thống lâu đời cho rằng đó là địa danh Sicario, nơi đây vẫn còn ghi dấu bằng một cây thánh giá cho đến ngày nay[5].

Cha Đa Minh luôn hớn hở trong những khi bị sỉ vả, luôn tươi vui lúc gặp nghịch cảnh. Có lần người ta hỏi Cha tại sao Cha lại thích dừng chân ở Carcassonne hơn là ở Toulouse, Cha đáp: bởi vì ở Toulouse tôi được người ta kính trọng, còn ở Carcassonne tôi gặp toàn là thù địch[6].

Lòng nhiệt huyết của Cha rất đáng ngạc nhiên hầu như không thể tin nổi. Tinh thần của Cha rất mãnh liệt, đức tin của Cha rất sâu sắc đến nỗi không hề tỏ ra sợ hãi chút nào. Nói đúng hơn, Cha đã làm cho thù địch phải ngạc nhiên vì khát vọng tử đạo, chứ không phản kháng vì các cuộc truy nã từ phía Tòa Tra (Inquisitio). Cha Đa Minh chỉ muốn dùng tình thương và tính mạng của mình để đem các linh hồn, nhất là những người lầm lạc trở về với Đức Kitô. Khát vọng tử đạo ấy sẽ được gieo trồng và thành tựu nơi người môn đệ tiên khởi của Cha. Quả vậy, Cha đã có công trạng tử đạo, nhưng vương miện và cảnh thiên tuế sẽ được trao cho cha Phêrô Verôna[7].

***

Trải qua bao truân chuyên và nước mắt, Cha Đa Minh đã thu hoạch được nhiều hoa trái dồi dào. Chỉ cần trưng dẫn vài con số nhân sự trong những năm sau khi Cha qua đời thì sẽ rõ. Vào lúc Cha Thánh qua đời năm 1221, Dòng có 8 tỉnh; 16 năm sau khi cha Giôđanô Bề trên Cả kế vị thánh nhân qua đời thì Dòng có 12 tỉnh. Khi thánh Đa Minh qua đời Dòng có 15 tu viện, 6 năm sau con số tăng lên 404. Đến năm 1250, Dòng có 13.000 tu sĩ trong đó có 10.000 linh mục!

Cha Thánh Đa Minh nhà giảng thuyết đích thực cũng là người sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh. Nhà truyền giáo thực thụ đúng là một vị thánh, và mọi người tín hữu chúng ta đều được mời gọi nên thánh và là người truyền giáo[8].

Hàng ngày, khi xem TV, đọc báo, lướt Web, ta nghe thấy bao nhiêu tin tức về chiến tranh, tai nạn, lừa gạt, đau khổ, nếp sống sa đọa… Có lẽ lòng ta đau thắtlại hoặc phẫnnộ trước những cảnh bất công xã hội. Tiếc rằng sau đó cuộc sống của ta chẳng có gì thay đổi. Cũng như Cha Thánh Đa Minh, ta hãy để cho con tim động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của anh chị em mình, từ bỏ những gì không cần thiết, để chia sẻ với người túng quẫn và nhanh chân lên đường thi hành sứ vụ. Những khi ta cảm thấy chán nản vì không có ai trợ giúp mà chỉ có những lời gièm pha, cũng như Cha Thánh, ta hãy học cho biết duy trì niềm hớn hở vui tươi khi gặp gian truân thử thách, nhẫn nhục chịu đựng những lời chỉ trích, vu khống hoặc thái độ thờ ơ lãnh đạm, vì danh Chúa Kitô và công cuộc loan báo Tin Mừng.

Nt. Maria Đinh Thị Sáng, O.P

———–
[1]Xem Chân phước Giôđanô, Libellus, số 10; Tiến trình phong thánh cho Cha Đa Minh tại Bologna, số 29 và 35.

[2] Trong phiên tòa tiến hành thủ tục phong thánh tại Bologna, Cha Gioan người Tây Ban Nha xác nhận sự việc này xảy ra tại Palencia (x. Tiến trình phong thánh tại Bologna, số 29 trong Chân dung Cha Đa Minh theo các nhân chứng, Học viện Đa Minh, 2012). Còn cha Stêphanô thì nói rằng khi cha đang học Kinh Thánh tại Palencia thì lúc đó cha Đa Minh đang làm bề trên hay phó bề trên kinh sĩ đoàn Osma rồi. Cha Đa Minh đã bán đi tất cả sách vở và tài sản của Ngài vì người nghèo (x. Tiến trình phong thánh tại Bologna, số 35).

[3] Xem Pietro Lippini O.P., San Domenicovistodaisuoicontemporanei, ESD Bologna 1998, tr. 78, chú thích 28.

[4]Xem Pietro Lippini O.P., San Domenicovistodaisuoicontemporanei,ESD Bologna 1998, tr. 105, ghichú 71.

[5] Xem Pietro Lippini O.P., San Domenicovistodaisuoicontemporanei,ESD Bologna 1998, tr. 103, chú thích 68.

[6] Xem Tiến trình phong thánh tại Toulouse, số 18.

[7]Xem Victor F. O’Daniel, NhữngmônđệtiênkhởicủathánhĐa Minh (The First Disciples of Saint Dominic), tập I, HọcviệnĐa Minh, 2011, tr. 35-36.

[8]Xem ĐGH GioanPhaolô II, ThôngđiệpRedemptorismissio, số 90.

Comments are closed.

phone-icon