Thánh Đa Minh – Nhà Giảng Thuyết khó nghèo

0

Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà, OP

Nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật trên trời của Thánh Đa Minh, Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi Bề trên Tổng quyền Gerard Francisco Timoner, O.P., đã đề cao đặc sủng và sứ vụ giảng thuyết của Dòng. Đức Thánh Cha mong muốn các tu sĩ Đa Minh kiên trung trong việc loan báo Tin Mừng, đánh thức trái tim người thời đại và khơi lên nơi họ lòng khao khát Vương quốc thánh thiện, công lý và hòa bình của Chúa Kitô. Nhắc lại tông huấn Gaudete et Exsultate“mỗi vị thánh là một sứ mạng, được Chúa Cha hoạch định để phản ánh và hiện thực hóa một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử” (số 19), Đức Thánh Cha nhận định: “Thánh Đa Minh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời bấy giờ không chỉ bằng việc rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ và sống động, nhưng quan trọng hơn là bằng chứng tá thuyết phục cho lời mời gọi nên thánh trong sự hiệp thông sống động của Giáo hội.”[1] Bước sang năm mới Giáp Thìn, người tu sĩ Thuyết giáo được mời gọi chiêm ngắm chân dung Cha Thánh Đa Minh – Nhà Giảng thuyết khó nghèo, để tìm nguồn cảm hứng loan báo Tin Mừng và đi đến mọi biên cương sứ vụ với ánh sáng Chân lý và Tình yêu của Chúa Kitô.

1. Thánh Đa Minh – Khó nghèo như chứng tá của lời giảng

Vào thế kỷ XII-XIII, Giáo hội phát triển rực rỡ về hình thức bên ngoài như tài sản, cơ cấu, tổ chức, nơi thờ tự, quyền bính và tầm ảnh hưởng, nhưng đời sống nội tại ngày càng suy thoái, lũng đoạn, đi sai lệch con đường thanh bần ban đầu của Đức Giêsu. Trong bối cảnh xã hội có sự phân biệt giàu-nghèo dẫn đến bất công ngày càng rõ rệt, nhiều người rơi vào tình trạng túng quẩn, trong khi đó Giáo hội và các dòng tu lại quá giàu sang, phóng túng, và sa đọa. Các nhóm lạc giáo Albigeois đã thành công trong việc giảng thuyết qua nếp sống khổ chế và thanh bần; ngược lại, những giáo sĩ và đan sĩ lại gặp thất bại vì lối sống xa hoa trưởng giả. Chính trong bối cảnh buồn đau này, thánh Phanxicô Assisi và thánh Đaminh Guzman đã khởi xướng một hình thức tu trì mới với ước mong thức tỉnh Giáo hội, đưa Giáo hội trở về với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng đồng thời củng cố sự hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.

Đức Cố Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã khẳng định vai trò của Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Giảng Thuyết như sau: 

Trong số các Dòng khất thực nảy sinh hồi thế kỷ XIII, hai dòng Phanxicô và Đa Minh đã có công rất lớn trong việc canh tân Giáo hội và xã hội. Các tu sĩ hai dòng này đã chứng minh cho thấy có thể sống đức khó nghèo và chân lý Tin Mừng mà không tách rời khỏi Giáo hội trái lại vẫn hiệp thông mật thiết với Giáo hội và Giáo hoàng.[2]

Cùng lý tưởng với thánh Phanxicô Assisi, thánh Đa Minh đã theo sát Đức Kitô – Nhà Giảng Thuyết lý tưởng, một Thiên Chúa làm người sống nghèo khó và vâng phục để loan báo Tin Mừng cứu độ. Cha thánh đã đề cao lối sống khó nghèo trên bình diện cá nhân và cộng đoàn như một chứng tá của lời giảng. Ngài chọn hình thức khất thực không phải để kiếm kế sinh nhai, nhưng xem đó như là một phương thế thực tập khó nghèo, khiêm nhường, tín thác vào Thiên Chúa quan phòng và liên đới với người nghèo. Tuy nhiên, khác với thánh Phanxicô, nơi thánh Đa Minh đức khó nghèo mang một mục đích khác. Thánh Đa Minh “muốn nên nghèo khó để lời giảng của mình trở nên khả tín đối với những người nghèo, trong khi với họ sự khó nghèo của những người Albigeois được coi như là dấu chỉ thánh thiện vượt trội hàng giáo sĩ Kitô giáo giàu sang.”[3] Nói cách khác, với thánh Phanxicô say mê kết duyên với Bà Chúa Nghèo, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu trên thập giá–khó nghèo mang giá trị tuyệt đối, thì thánh Đa Minh lại coi khó nghèo như là phương thế cần thiết để việc loan báo Tin Mừng được hiệu nghiệm hơn, vì “nhà giảng thuyết rao giảng Tin Mừng trong thái độ của người nghèo sẽ làm nổi bật sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa.”[4]

Vì muốn nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô qua nếp sống nghèo vì Tin Mừng khiến Cha Đa Minh khao khát trở thành chứng tá của LỜI Thiên Chúa, LỜI đã mặc xác phàm và LỜI đã được ghi chép.  Ngay khi lập Dòng, “thánh Đaminh và các anh em của người, theo những đòi hỏi của việc tông đồ thời ấy, đã quyết định không có những sở hữu, bổng lộc, tiền bạc, và đang khi giảng thuyết lời Tin Mừng, hàng ngày vẫn hành khất xin bánh nuôi cộng đoàn.”[5] Theo truyền thống, không chỉ cá nhân anh em phải khước từ tư sản nhưng cả các cộng đoàn cũng không được có tư sản. Họ sống khất thực hàng ngày để kiếm ăn và sau đó nếu còn thừa thì phân chia cho ngươi nghèo. Thánh Đa Minh chọn sống “khó nghèo khất thực”– không có những thu nhập chắc chắn và lợi tức cố định, không chỉ cho cá nhân mà còn cho cộng đoàn. Theo Cha Đa Minh,  khó nghèo là phương thế thiết yếu của đời tu khổ chế, là công cụ hữu hiệu cho hoạt động tông đồ, và là chứng tá cho tính siêu việt của mầu nhiệm tự hủy của Chúa Kitô.

Theo truyền thống Dòng, khó nghèo chính là sự cần kiệm giúp người tu sĩ thoát khỏi mọi ràng buộc bởi của cải vật chất mà hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa quan phòng, cũng như liên đới với anh chị em, những người cần được loan báo Tin Mừng. Mặt khác, khó nghèo còn mang tính chia sẻ và cho đi. Đó là “sự quảng đại khi, vì Nước Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng chi tiêu của cải, nhất là đối với những nhu cầu học hành và tác vụ cứu độ.”[6] Như thế, việc thực thi đức khó nghèo đem lại tính khả tín và sức mạnh cho lời giảng của tu sĩ Đa Minh về Chúa Giêsu, Đấng đã sống khó nghèo, Đấng đã đến với những người nghèo khó như Người Tôi Tớ khiêm hạ.

2. Thánh Đa Minh – Nhà Giảng thuyết khó nghèo

Thánh Đa Minh không chỉ rao giảng LỜI nhưng còn làm chứng cho LỜI qua nếp sống “khó nghèo tự nguyện.” Biến cố bán sách của thánh Ða Minh cho thấy ngài đã sống đức khó Phúc Âm một cách tuyệt hảo nhất. Như Đức Giêsu đã chạnh thương đám đông theo Chúa đang bị đói và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống họ, thánh Đa Minh cũng vậy. Ngài thể hiện lòng cảm thương đó qua việc bán đi bộ sách quý của mình để giúp người nghèo. Cha Thánh đã không rao giảng đức khó nghèo bằng lời nói suông nhưng bằng hành động cụ thể. Chân phước Jordan of Saxony kể lại rằng:

Trong thời gian thánh Đa Minh theo học tại Valencia, một nạn đói xảy ra hoành hành hầu như khắp cả nước Tây Ban Nha. Thương cảm trước nỗi khốn khổ của những người bần cùng và được lòng chạnh thương thôi thúc, thánh Đa Minh quyết định hành động, dựa theo lời khuyên của Chúa và trong khả năng của mình. Thánh nhân quyết định bán sách vở mình đang có (dù rằng rất cần) và mọi thứ ngài sở hữu và dùng tiền đó giúp đỡ những người bần cùng nhất đang phải khốn khổ và đối diện với cái chết.[7]

Thời ấy sách vở được xem trọng như là “đồ thánh,” là thứ không thể thiếu đối với những người làm việc trí thức. Thế nhưng, Cha Đa Minh đã vượt lên trên quan niệm và qui định của người đương thời để sống theo luật yêu thương của Tin Mừng. Ngài không muốn học trên những tấm da chết trong khi anh chị em ngài đang đói. Ngài đã biến những tấm da đó thành lương thực nuôi sống người nghèo trong cơn túng quẫn. Như thế, Tin Mừng đối với thánh Đa Minh không còn là những hàng chữ chết nữa mà đã trở thành Lời Sự Sống. Tin Mừng đã trở thành nguồn sống, nguồn tình yêu cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội. 

Thánh Đa Minh đã sống tận căn đức khó nghèo Tin Mừng cho sứ vụ cứu rỗi các linh hồn. Thánh nhân không chỉ sống nghèo trong cách ăn mặc nhưng cả trong phòng riêng và trong phẩm phục cử hành phụng vụ nữa.[8] Cha tâm niệm: “Sống nghèo tự thân chưa đủ, còn cần phải sống nghèo với những người nghèo và vì những người nghèo.”[9] Thánh Đa Minh khao khát các anh em tiên khởi chia sẻ với ngài thao thức sống nghèo và lòng chạnh thương người nghèo. Ngài mong muốn các anh em ra đi rao giảng LỜI, đem LỜI Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người nghèo cả về thể lý, tinh thần và thiêng liêng. Ngài khuyến khích các anh em sống nghèo để hiểu người nghèo, nhạy bén với nhu cầu của họ, để cảm thông và giúp đỡ họ sống đúng phẩm giá là con Thiên Chúa. Đối với Thánh Đa Minh, đức khó nghèo trở thành “dấu chỉ nhờ đó người ta nhận ra những nhà giảng thuyết đích thực luôn sẵn sàng trong bàn tay của Thiên Chúa, những nhà giảng thuyết thực sự yêu mến Đức Kitô đến nỗi trao phó mọi sự cho Người.” [10]

3. Thánh Đa Minh – Lời mời gọi “sống nghèo tự nguyện”

Người tu sĩ thuyết giáo hôm nay được mời gọi họa lại gương sống khó nghèo tự nguyện của Cha Thánh Đa Minh. Ngay từ thủa ban đầu, Cha thánh đã mời gọi các anh em tiên khởi bước theo Đức Giêsu khó nghèo-giảng thuyết, hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, quảng đại chia sẻ của cải với tha nhân, và phục vụ LỜI cho những người nghèo khổ bằng một tinh thần dấn thân. Khó nghèo của người tu sĩ Đa Minh không nhắm đến sự khinh chê của cải vật chất, cũng không cổ võ lối sống bần cùng, nhưng nhắm đến sự tự do nội tâm, toàn tâm toàn ý cho việc loan báo LỜI. Khó nghèo Tin Mừng đòi chúng ta xóa mình ra không, yêu thương vô điều kiện và đặt mọi thứ chúng ta đang có để phục vụ người khác. Sống nghèo không phải để người khác thấy mình nghèo, nhưng là để làm chứng cho ơn gọi của chúng ta, những người đã tuyên khấn theo Đức Kitô – Đấng “vốn giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta” (2Cr. 8, 9).

Hôm nay, sống khó nghèo không chỉ giới hạn trong việc có hay không có của cải, có được  phép sử dụng hay không, hay sử dụng chúng như thế nào… nhưng quan trọng hơn đó là dùng những của cải đó với tâm tình và với mục đích nào. Khó nghèo Tin Mừng mời gọi chúng ta chia sẻ chính bản thân, thời giờ, sức khỏe, khả năng, tài năng và chính sự hiện hữu của mình như món quà cho cộng đoàn và cho mọi người. Nhân đức này mời gọi chúng ta phó thác hoàn toàn vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa hơn là dựa vào sự an toàn của tiền tài hay của cải vật chất.

Ước mong sau khi chiêm ngắm mẫu gương Thánh Đa Minh – nhà giảng thuyết khó nghèo,  mỗi người chúng ta luôn thiết tha họa lại trong đời sống mình và nơi tha nhân những nét son của việc sống chứng tá khó nghèo Tin Mừng. Trong thực tế, chúng ta học với thánh Đa Minh sống khó nghèo cụ thể như:

Chuyên tâm làm việc: Khó nghèo Tin Mừng mời gọi chúng ta chuyên tâm làm việc không phải chỉ để nuôi sống chính mình, nhưng quan trọng hơn đó là cộng tác với Chúa trong công trình tạo dựng, làm ra của cải để chia sẻ với anh chị em đồng loại, hầu xây dựng thế giới ấm no hạnh phúc. Trong Tông Huấn chứng ta Phúc Âm, Đức Giáo hoàng Phaolô VI nhắn nhủ: “Làm việc để nuôi sống mình và anh chị em mình, giúp đỡ người đau khổ bằng mồ hôi nước nước mắt, đó là bổn phận đời sống phục vụ anh chị em.”[11] Vì thế mỗi người hãy ý thức, trân trọng và cộng tác hết mình trong công việc và sứ vụ mà chúng ta được ủy thác để chung tay xây dựng và kiến tạo Nước Chúa giữa trần gian.

Sống tâm tình biết ơn: Khó nghèo tự nguyện của chúng ta mang giá trị chứng tá cho sự chân nhận Thiên Chúa là Đấng tác sinh vạn vật. Giữa một xã hội thiên về sở hữu, chiếm đoạt, làm giàu, trục lợi, thì sự khó nghèo của chúng ta sẽ cảnh tỉnh con người thời đại hôm nay rằng tiền tài, của cải không phải là cùng đích, không đem lại hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới đem lại cho con người hạnh phúc đích thực và viên mãn. Hơn nữa, sống khó nghèo Tin Mừng giúp chúng ta ý thức việc sử dụng và quản lý tài sản. Khi chúng ta dùng một vật nào đó, chúng ta nhìn nhận giá trị của chính sự vật, tôn trọng phẩm giá và biết ơn người làm ra sản phẩm cho chúng ta hưởng dùng. Như vậy, sống tinh thần nghèo khó giúp chúng ta biết ơn Chúa, biết ơn đời và biết ơn người trong tất cả mọi sự.

Chia sẻ với người nghèo: Chúng ta tự nguyện sống nghèo để liên đới với người nghèo qua việc chia sẻ của cải, tinh thần và những ưu tư khắc khoải của họ. Khó nghèo mang chiều kích của yêu thương bác ái khi chúng ta chia sẻ với anh chị em tất cả những gì mình có. Sự chia sẻ này bắt đầu từ những người trong cộng đoàn và tiếp tục mở rộng tới đến những người chúng ta được sai đến phục vụ. Như Cha thánh Đa Minh chạnh thương cảnh khốn quẫn của người nghèo mà bán đi những cuốn sách quý nhất trong đời ngài, chúng ta học nơi ngài bài học đức ái cụ thể này, để khi thi hành sứ vụ, chúng ta có nhiều sáng kiến mới mẻ, thiết thực để giúp đỡ những ai lâm cảnh túng thiếu, lầm than, vất vưởng…

Là tu sĩ Đa Minh chúng ta dấn thân theo sát Đức Kitô khó nghèo-giảng thuyết và trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài, thiết nghĩ mỗi chúng ta phải khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa để tự hỏi về trách nhiệm của mình trong cộng đoàn và trong sứ vụ hiện nay, chúng ta đã thực tâm phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo như thế nào? Của cải vật chất và tiền tài có chi phối thái độ ứng xử của chúng ta đối với anh chị em – những người chúng ta được sai đến để phục vụ không? đặc biệt nơi những người hèn mọn, những người đang mặc cảm với nhiều lỗi lầm trong cuộc sống?

Ước gì bài viết này giúp mỗi người làm mới lại di ngôn của Cha thánh Đa Minh: “Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tự nguyện sống nghèo” như cách thế phục vụ Chân Lý và làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Tổ phụ, chúc lành cho những khát vọng và nỗ lực sống “khó nghèo tự nguyện” của mỗi người chúng ta.

________________________

[1] Pope Francis, “Letter of His Holiness Pope Francis to Brother Gerard Francisco Timoner, O.P, Master General of the Order of Preachers for the VIII Centenary of the Death of Saint Dominic of Caleruega,” trích tại https://www.vatican.va/content/francesco/en/letters/2021/documents/papa-francesco_20210524_lettera-centenario-sandomenico.html

[2] ĐGH Bênêđictô, “Vai trò của các Dòng Khất Thực Phanxicô và Đa Minh trong việc canh tân Giáo hội và xã hội,” ngày 13.01.2010 trích tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/vai-tro-cua-cac-dong-khat-thuc-phanxico-va-da-minh-trong-viec-canh-tan-giao-hoi-va-xa-hoi-43633

[3] Benedict Ashley, The Dominicans (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1990), 23.

[4] Phan Tấn Thành, “Những yếu tố thiết yếu của đời tu – Mục III: Khó nghèo,” trích tại: https://catechesis.net/nhung-yeu-to-cot-yeu-cua-doi-tu-muc-iii-ngheo-kho/

[5] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số 30.

[6] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số 31. 2

[7] Jordan of Saxony, On the Beginnings of the Order of Preachers, the Libellus, translated by Simon Tugwell, (Dublin: Dominican Publications, 1982), 10.

[8] Chân dung Cha Đa Minh theo các nhân chứng (Học viện Đa Minh, 2012), 60.

[9] Guy Bedouelle, OP., Thánh Đa Minh Ân Sủng Lời Chúa (Đại Kết, 1992), 145.

[10] The Libellus 108.

[11]  Pope Paul VI, “Apostolic Exhortation of His Holiness Paul VI: EVANGELICA TESTIFICATIO,” 20, trích tại: https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/apost_exhortations/documents/hf_p-vi_exh_19710629_evangelica-testificatio.html.

Comments are closed.

phone-icon