Các Thánh Dòng Đa Minh kính ngày 28.9

0

Ngày 28 tháng 9

THÁNH ĐA-MINH I-RA-NHÊ Ê-QUI-XI-A (DOMINIC IBAÑEZ DE ERQUICIA),

GIA-CÔ-BÊ KI-U-XÊ-I TÔ-MÔ-NA-GA (JAMES KYUSHEI TOMONAGA), Linh mục,

LÔ-REN-XÔ RU-I (LORENZO RUIZ DE MANILA), giáo dân,

và 13 anh em tử đạo (lễ nhớ)

Tiểu sử

Đoàn chứng nhân gồm 16 vị này đã lãnh phúc tử đạo vào các năm 1633, 1634,1637, góp phần xây dựng Hội Thánh ở Na-ga-xa-ki. Các vị gồm đủ thành phần tác vụ; có hoặc không có chức thánh. Các vị chịu chết bằng nhiều cực hình rất kinh khủng: bị kẹp cổ treo trên thập giá hay bị chôn sống, xác bị thiêu đốt, hài cốt bị vứt bỏ tứ tán. Các vị tử đạo này gồm 9 người Nhật Bản, 4 người Tây Ban Nha, 1 người Pháp, và 1 người Ý. Cha Đa Minh I-ba-nhê Ê-qui-xi-a, người được phúc tử đạo đầu tiên vào ngày 14-8-1633. Ông Lô-ren-xô Ru-i, quê tại Ma-ni-la, một giáo dân có gia đình, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Phi-líp-pin, chịu chết ngày 29-9-1637. Thuộc gia đình Đa Minh có 13 vị, 3 vị khác có liên hệ với Dòng.

Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã long trọng suy tôn các vị lên bậc hiển thánh ngày 18-10-1897.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã hứa ban nước trời cho những người chịu bách hại vì lẽ công chính. Xin ban cho chúng con lòng can đảm bất khuất của các thánh tử đạo, để chúng con luôn trung tín phụng sự Chúa và hết lòng phục vụ anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. 

(Trích từ tác phẩm “Đám mây nhân chứng” của các Anh em Đa Minh)  

******* 

Ngày 28 tháng 9

CHÂN PHƯỚC LÔ-REN-XÔ RI-PAP-RA-TA (LORENZO RIPAFRATTA)

Linh mục (1359 – 1457)

Tiểu sử

Chân phước Lô-ren-xô là một trong những nhà cải cách sáng giá trong cuộc tái thiết Dòng ở thế kỉ XIV, khi cuộc Đại Ly giáo và “cơn dịch đen” tàn phá toàn bộ Dòng và gần như xóa sổ các tu viện. Chỉ một ít người sống sót nhưng mang tâm trạng chán nản và buông xuôi.

Cậu Lô-ren-xô chào đời tại lâu đài Ri-pap-ra-ta dưới chân núi Pi-xa vào năm 1359. Cậu theo học ở Pi-xa. Năm 20 tuổi cậu lãnh tu phục Dòng Đa Minh và được thừa hưởng tinh thần của một nhà cải cách vĩ đại của Dòng đó là chân phước Gio-an Đa Minh.

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na là người đã gieo mầm cho công cuộc cải tổ; theo đó, chân phước Rây-mun-đô Ca-pua, vừa là bạn thân, vừa là người viết tiểu sử về thánh nữ, khi trở thành Bề trên Tổng quyền đã tiếp ứng và duy trì cuộc cải cách này. Về phía các nữ tu, chân phước Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta người Pi-xa, đã hăng say hưởng ứng cuộc cải tổ này. Còn đối với các nam tu sĩ, chân phước Gio-an Đa Minh và Lô-ren-xô đóng vai trò xuất sắc trong việc này. Thật vậy, cha Gio-an Đa Minh đã giao cho tu sĩ Lô-ren-xô nhiệm vụ huấn luyện các tập sinh ở Co-tôn. Tại đây vào năm 1405, cha Lô-ren-xô làm giám sư tập sinh. Trước tiên cha là vị giám tập của thánh An-tô-ni-nô, thứ đến là chân phước Phê-rô Ti-phe-nơ. Rồi vào năm 1407, cha là giáo tập của tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô là hai danh họa người Mu-gie-lô đã bị thánh Đa Minh chinh phục.

Vốn là một giám sư tập sinh nghiêm cẩn, người biết thắp lên ngọn lửa nhiệt tình trong tâm hồn của mỗi tập sinh, với lòng kiên nhẫn cha dần dần uốn nắn tâm tư của họ. Cha có biệt tài định hướng ơn gọi chuyên môn cho mỗi tập sinh và phát triển năng khiếu tự nhiên của họ. Cha hướng dẫn tu sĩ Phê-rô theo con đường chiêm niệm, tu sĩ An-tô-ni-nô theo đường học vấn, tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô theo hướng phát triển tài năng hội họa. Cha đã ân cần nhủ bảo họ: “Các con rất yêu quí, Thiên Chúa đã không cho các con khả năng về khoa học, các con hãy theo đuổi sự nghiệp hội họa, các con sẽ không bao giờ thua kém những nhà giảng thuyết chân lý. Bởi vì chúng ta không chỉ dùng lời để thuyết phục người ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn bởi gương lành và bởi các loại hình nghệ thuật – một phương cách tuyệt vời để diễn giải tư tưởng của con người. Trong số các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc và hội họa giữ vị trí hàng đầu. Chắc chắn có một số lớn những tội nhân mà tài năng hùng biện của các anh em chúng con không thể lay động tâm hồn họ được, thì họ lại thú nhận là đã bị cảm hóa khi chiêm ngưỡng những bức họa của các con. Các con có lợi thế hơn những anh em khác: “Trong khi lời nói không thể vang vọng đến những người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh và miệng lưỡi của các nhà hùng biện lẫy lừng nhất cũng không thẻ vọng lên từ các nấm mồ, thì những kiệt tác thiên tài lại mang những giá trị vĩnh hằng; chúng sẽ trường tồn như những nhà giảng thuyết có uy tín cả về đạo lý lẫn nhân đức.”

Chính cha đã rao giảng trong vùng và thánh An-tô-ni-nô đã lưu giữ lời cha với lòng hâm mộ sống động. Năm 1443, cha được đặt làm Tổng đại diện đứng đầu hiệp hội cải cách do thánh Gio-an Đa Minh thiết lập. Tu viện đầu tiên được cải tổ là Phi-ê-xôn. Cha Lô-ren-xô đã cư ngụ ở Pit-tô-gia, rồi hăng say trong sứ vụ giảng thuyết “non curiosus, sed utilis et copiosus” – “không nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của thính giả, nhưng nhắm đến hiệu quả và khả năng thuyết phục”. Khi trở thành tổng giám mục Phi-ren-xê, trong tinh thần khiêm nhường, thánh An-tô-ni-nô đã phải nhờ đến sự khôn ngoan và thông tuệ của cha Lô-ren-xô trong việc điều hành giáo phận.

Được biết cha Lô-ren-xô đã an nghỉ trong Chúa năm 1457, hưởng thọ 98 tuổi. Cha được Đức Giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong chân phước năm 1851.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa đã ban cho chân phước Lô-ren-xô ơn khôn ngoan và sự nhiệt tâm để giúp anh em của người nhận ra ơn gọi của mình. Nhờ lời người chuyển cầu, xin cho chúng con luôn biết chân thành tìm kiếm và can đảm thực thi ý Chúa, ngõ hầu chúng con được đổi mới nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. 

Sr. Maria Chinh Anh

(Trích từ tác phẩm “Đám mây nhân chứng” của các anh em Đa Minh)

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon