Đề tài tĩnh tâm tháng 02/2015
Mc 1, 21-28
Thưa Quý Bề trên và Chị em,
Trong Tông Thư gửi tất cả những người tận hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi ước mong anh chị em tu sĩ sẽ “đánh thức thế giới,” với nét đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ. Như tôi đã nói với các bề trên tổng quyền: “Tính cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng là điều đòi hỏi hết mọi người. Riêng các tu sĩ đã đi theo Chúa một cách đặc biệt, phải sống tính ngôn sứ của mình.” Đây là điều đòi hỏi ưu tiên: “Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ.”[1] Hưởng ứng lời kêu gọi của Vị Cha Chung Giáo Hội, trong ngày tĩnh tâm tháng này, chúng ta dành thời gian để chiêm ngắm Đức Giêsu, vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, để hiểu rõ hơn căn tính của người ngôn sứ đồng thời chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để thực thi sứ mạng ngôn sứ của mình trong hoàn cảnh hiện nay.
I. LỜI CHÚA: CN 4 TN B (Mc 1, 21-28)
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! “26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
II. SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Đức Giêsu vào giảng dạy tại một hội đường thành Caphacnaum nhân ngày Sabát. Thánh Maccô không cho biết Đức Giêsu đã đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung bài giảng hôm ấy, mà chỉ ghi lại phản ứng của dân chúng: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người”(c.22). Thính giả hôm ấy ắt hẳn phải rất ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu, chỉ là người dân bình thường, không địa vị, không bằng cấp, không thuộc hàng tư tế, luật sĩ, hay kinh sư… vậy mà Ngài lại giảng dạy “như một Đấng có uy quyền.” Đức Giêsu không chỉ quyền uy trong lời nói, nhưng còn thể hiện uy quyền trong hành động. Cụ thể Ngài đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám. Hành động này cho thấy Đức Giêsu là Đấng có thẩm quyền của Thiên Chúa tối cao, Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Trong sự thinh lặng thánh của ngày tĩnh tâm này chúng ta cùng đào sâu sứ mạng ngôn sứ của Đức Giêsu để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta biết thi hành sứ mạng ngôn sứ của chúng ta.
1. Đức Giêsu—Vị ngôn sứ có uy quyền
Thời Đức Giêsu, toàn dân Do Thái đang mong đợi sự xuất hiện của một vị ngôn sứ mà Thiên Chúa đã hứa với Môsê: “Từ giữa anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (x.Đnl 18,15). Như thế, ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa cộng đồng nhân loại và sai đi nói Lời Chúa cho dân. Ngôn sứ là người mang Lời Chúa trong miệng và có bổn phận đi nói lại cho dân chúng những gì Chúa muốn cho họ biết. Vì thế, nghe lời ngôn sứ chính là nghe lời Thiên Chúa. Cũng vì thế, các ngôn sứ phải tuyệt đối trung thành với Lời Chúa, phải nói hết mọi điều Thiên Chúa muốn tỏ cho dân, kể cả những điều mà nhiều người xem là chướng tai, không thể nghe được. Nói cách khác, ngôn sứ chỉ nói điều Chúa muốn và chỉ được nói nhân danh Chúa.
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu xuất hiện trong hội đường hôm nay chính là dấu chỉ Thiên Chúa đã sai ngôn sứ của Ngài đến giữa dân Ngài. Đức Giêsu chính là ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với nhân loại. Ngài không chỉ là người nói Lời Chúa với con người, nhưng Ngài còn chính là Lời Thiên Chúa ngỏ với nhân loại. Thánh sử Maccô trong bài Tin Mừng hôm nay đã phát họa chân dung của Đức Giêsu như một vị ngôn sứ có uy quyền. Quyền uy đó biểu lộ không những nơi lời giảng dạy, nhưng còn nơi sức mạnh trấn áp “thần ô uế” và truyền cho nó phải xuất khỏi người đang bị nó trói buộc. Chứng kiến phép lạ hiển nhiên này, dân chúng đã tin vào Đức Giêsu. Họ kinh ngạc đến độ phải thốt lên: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (c.27)
Theo nhận định của những người hiện diện trong hội đường hôm đó, ngôn sứ Giêsu này không giống như những kinh sư giảng Lời Chúa mà họ thường nghe: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư” (c.22). Điểm khác đầu tiên đó là, sức mạnh lời giảng của các kinh sư không đến từ họ, nhưng đến từ uy quyền của Lời Chúa; còn uy quyền giảng dạy nơi Đức Giêsu lại đến từ chính Ngài. Tiếp đến, các kinh sư cũng giảng Lời Chúa nhưng họ lại không sống điều họ rao giảng; còn Đức Giêsu thì khác: Ngài đã sống triệt để điều Ngài rao giảng. Như thế, lời giảng dạy của Đức Giêsu không chỉ có uy quyền vì nội dung, nhưng trên hết, uy quyền đó còn được tỏ lộ qua việc Ngài trở thành người tiên phong sống và thực hiện những gì Ngài giảng dạy. Điều này nói lên căn tính ngôn sứ của Ngài—Người nói Lời Thiên Chúa và sống Lời Thiên Chúa.
Gương sống “ngôn hành như nhất” của Đức Giêsu là một lời cật vấn quan trọng cho mỗi người chúng ta hôm nay. Là những người được thánh hiến để loan báo Lời, chúng ta có đủ khiêm hạ để cuộc sống mình được Lời hóa không? Chúng ta có loan báo điều mình đã sống và sống điều mình đã loan báo chưa? Lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI một lần nữa cảnh tỉnh chúng ta: ngày nay người ta không thích nghe những nhà giảng thuyết mà lại thuận phục những chứng nhân. Mà sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì họ đã là những chứng nhân, tức là đã thực hiện những gì mình giảng dạy.
2. Đức Giêsu—Vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa
Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ bình thường như bao ngôn sứ khác, nhưng Ngài còn là ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Là ngôn sứ đích thực vì Đức Giêsu chính là Ngôi Lời được Chúa Cha sai xuống trần gian, là Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Qua mầu nhiệm Nhập thể và trong con người Giêsu, Thiên Chúa đã tuyển chọn chính Con của Ngài làm người nói thay Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu không những mang Lời Thiên Chúa trong miệng, mà còn là chính Lời Thiên Chúa như Tin Mừng Gioan đã viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
Vì là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nên Đức Giêsu giảng dạy với thẩm quyền của Thiên Chúa tối cao. Phép lạ Đức Giêsu thực hiện hôm nay—chữa lành cho người bị thần ô uế ám đã minh chứng Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài có quyền trên sự sống và cái chết, trên quyền lực của tội lỗi và ma quỷ. Là hiện thân của Thiên Chúa tình thương, Ngài hằng quan tâm chăm sóc và lắng nghe khát vọng của con người. Như thế, sứ mạng của Đức Giêsu nơi trần gian là cứu chữa những gì đã hư mất; là đem lại sự sống, một sự sống dồi dào cho tất cả những ai tin và đón nhận Ngài và qua Ngài tin nhận Thiên Chúa.
Khi tại thế, Đức Giêsu đã can đảm chu toàn sứ mạng ngôn sứ do Thiên Chúa Cha trao phó. Ngài khẳng định với người Do thái: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì… Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 49-50). Lãnh nhận sứ vụ từ nơi Cha và bất chấp những hậu quả ngay cả hiểm nguy đến tính mạng, Đức Giêsu đã tuân phục cách triệt để. Vì những lý do này mà Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Qua cái chết để làm chứng cho sự thật của Đức Giêsu, tính ngôn sứ nơi Ngài được hiển lộ. Ngài đã dùng mạng sống của mình để minh chứng lời giảng. Trong hy tế Thập giá của Đức Giêsu, Ngài vừa minh chứng được tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3, 16), vừa nói lên tính ngôn sứ tròn đầy, viên mãn của Ngài—vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa Cha.
3. Sứ mạng ngôn sứ của người thánh hiến hôm nay
Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy rõ sứ mạng ngôn sứ của đời thánh hiến, đó là: tham gia đặc biệt vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô; đòi buộc người tu sĩ bước theo Người cách triệt để, trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa và những giá trị Tin Mừng; giúp người tu sĩ dám đối diện với sự thật, chống lại những gì trái ngược với ý Chúa, đồng thời mở lối đưa Tin Mừng vào thế gian và dấn thân phục vụ tha nhân.[2] Thật vậy, khi tuyên khấn, người tu sĩ được mời gọi sống sứ mạng ngôn sứ của mình bằng cách thể hiện một Đức Giêsu đang sống trên trần gian, như lời thánh Phaolô xác quyết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20).
Qua tính ngôn sứ của đời thánh hiến, tu sĩ còn được mời gọi trở nên người làm chứng về Thiên Chúa và giá trị của Tin Mừng. Lời mời gọi này được cụ thể hóa nơi tình yêu của người thánh hiến dành cho Đức Giêsu, cho Tin Mừng cũng như cho anh chị em đồng loại, được diễn tả qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Ba lời khấn chính là câu trả lời cho ba thách đố lớn của xã hội hôm nay, đó là: nền văn hóa hưởng thụ lạm dụng tính dục, chủ nghĩa vật chất ích kỷ, và những quan niệm lệch lạc về tự do. Nhờ việc trung thành tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ trả lời cho mọi người bằng thái độ và hành động ngôn sứ của mình, trong việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người; trong việc bước theo Chúa Kitô nghèo khó để làm chứng rằng chỉ có Thiên Chúa là kho tàng đích thực của con người, điều này giúp người tu sĩ sống liên kết với người nghèo, chia sẻ cuộc sống của họ; và trong việc tuân phục thánh ý Chúa Cha, để cùng nhau tiến bước trong tình huynh đệ của những người con của Cha trên trời.
Ước gì khi chiêm ngắm Đức Giêsu—Vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, chúng ta có thêm nghị lực, sự can đảm và sức mạnh để thực thi sứ mạng ngôn sứ của mình trong hoàn cảnh hiện tại. Xin Chúa giúp chúng ta sống đúng căn tính ngôn sứ của mình giữa một xã hội đầy khó khăn thử thách. Chúng ta nài xin Chúa giúp chúng ta ý thức lại giao ước của chúng ta với Chúa như một dấu chỉ ngôn sứ cho thấy chúng ta là những người được Thiên Chúa thánh hiến để xây dựng Nước Trời ngay tại trần gian này.
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha đã yêu thương, chọn, gọi và hiến thánh chúng con cho Nước Trời. Và qua Đức Giêsu, Cha đã cho chúng con một mẫu gương của người ngôn sứ đích thực mà Cha hằng mong ước. Xin cho chúng con theo sát gương Đức Giêsu, Con Cha, trong sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời bằng chính đời sống yêu thương, bác ái và thắm đượm tinh thần Tin Mừng của chúng con. Amen.
Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông Thư gửi tất cả những người tận hiến Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 2.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 84.