Đại hội mừng lễ Bổn mạng và mừng ngày Lập dòng tại Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp

0

Sáng thứ Bảy, ngày 25.04.2015, trong tâm tình hân hoan và tạ ơn, chị em trong toàn Dòng trở về Nhà Trung Ương tại Tam Hiệp để tham dự Đại hội mừng lễ Thánh Catarina – Bổn Mạng Hội Dòng (29.4), và mừng kỷ niệm 64 năm ngày lập Dòng (30.4.1951 – 30.4.2015) và 300 năm thành lập nhà Phước (tiền thân của Dòng nữ Đa Minh Việt Nam) với chủ đề “TÌM VỀ CỘI NGUỒN”.

“Tìm về cội nguồn” hay “nhìn về quá khứ với niềm tri ân” là một trong 3 mục tiêu của Năm Đời sống thánh hiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra trong Tông thư gởi tất cả những người tận hiến, mà Hội dòng đã chọn để tổ chức ngày mừng Bổn Mạng, ngày thành lập Dòng, và ngày kỷ niệm 300 năm (1715 – 2015) thành lập Nhà Phước.

Sau phần sinh hoạt khởi động và xin Chúa thánh hóa cho ngày đại hội, chương trình được bắt đầu với phần tôn kính thánh Bổn Mạng Catarina.

Các em Thỉnh Sinh trình bày vũ khúc “thánh Catarina”

Tiếp đến, chị Matta Phạm Thị Thanh Vân (Bề trên Tu xá Thánh Giuse) giúp chị em trở về nguồn cội qua bài thuyết trình: “Tìm về nguồn cội NHÀ MỤ ĐA MINH trên đất Việt” với hai nội dung chính:

 – Các thừa sai dòng Đa Minh đến Việt Nam truyền giáo, đã truyền bá tinh thần Đa Minh

 – Từ nhà mụ tới nhà mụ Đa Minh tại Việt Nam – tiền thân của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp

Chị Matta Phạm Thị Thanh Vân đang giúp chị em trở về với nguồn cội của Dòng nữ Đa Minh 

Qua trình bày và giải thích của một người chuyên về Sử học, chị Matta Thanh Vân đã giúp cho chị em hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử của Dòng như: các thừa sai dòng Đa Minh đến truyền giáo tại Việt Nam khi nào; các thừa sai Đa Minh hoạt động ở địa bàn nào ; gốc tích các nhà mụ tại Việt Nam ra sao; các nhà mụ Đa Minh tại Việt Nam được hình thành như thế nào; cùng với các sinh hoạt của nhà mụ Đa Minh trong thời kỳ khai sinh và phát triển.

Đồng thời, chị cũng giúp chị em nhìn lại quá trình ba trăm năm trên đất Việt để thấy các bậc tiền bối thật kiên cường khi cùng với Giáo hội Mẹ Việt Nam trải qua 3 thế kỷ bị bách hại gần như liên tục và đầy đau thương, nhưng các nhà mụ Đa Minh vẫn được hình thành và phát triển. Hơn nữa, mặc dầu phải trải qua 53 sắc chỉ cấm đạo, từ thời chúa Trịnh (1627) đến triều vua Tự Đức (1883), và các cuộc bách hại thời Văn Thân, các nhà mụ đã nhiều lần bị phá hủy, đốt cháy, các thừa sai, linh mục, thầy giảng và người có đạo bị truy nã ráo riết, nhất là sắc chỉ ngày 17/01 và tháng 7/1860 nhắm vào các người nhà mụ, nhưng các chị vẫn can đảm đưa tin tức, thư từ, tiếp tế lương thực và của ăn đàng (Mình Thánh Chúa) cho các vị thừa sai, thầy cả, các thầy và người nhà Đức Chúa Trời đang bị giam cầm, dù cũng phải gặp nhiều gian khổ, bị bắt và tra tấn,…

Hết thời bắt đạo, chị em lại trải qua thời kỳ chiến tranh với những vũ khí tối tân, bom đạn và những nhũng nhiễu, đe dọa đến tính mạng, của cải. Chị em phải nhiều lần tản cư, chạy tránh bom đạn, nhịn đói, chịu khát. Nhà nguyện, nhà ở, nhà cơm,… đều bị cháy rụi. Tuy chiến tranh, loạn lạc liên miên, nhưng chị em vẫn giữ vững niềm tin và trung tín với ơn gọi Chúa ban. Và khi được bình yên, dù có khi nhà cửa đã đổ nát hoang tàn, nhưng chị em lại trở về cùng với nhau kiến tạo để tiếp tục sống ơn gọi dâng hiến. Cùng với giáo hội Việt Nam, trải qua hơn 2 thế kỷ với nhiều thử thách, nhà mụ Đa Minh đã ra đời và ngày càng được củng cố. Đó là công sức của các thừa sai Đa Minh thuộc tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi (Philippines) đã truyền bá linh đạo dòng cho chị em; đồng thời cũng nhờ lòng can đảm, trung tín,nhiệt tâm với sứ vụ truyền giáo, dạy giáo lý, các công việc bác ái, … các chị em nhà mụ Đa Minh đã nỗ lực gìn giữ vun đắp, để ơn gọi nữ tu Đa Minh ngày càng vững mạnh và phát triển, … Chính đời sống của các chị đã đặt nền tảng cho ơn gọi nữ tu Đa Minh tại Việt Nam hôm nay.

Xen kẽ và minh họa thêm cho bài chia sẻ của chị Bề trên Matta là tiết mục múa biểu cảm “Từ thủa bình minh” do chị em Học viện Dọn khấn trọn và đoản kịch: “Nội cấm” do các chị thuộc Tu viện Truyền Tin trình bày.

“Từ buổi bình minh …” do các chị em Học viện trình diễn

Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nhưng với cách trình bày sống động của diễn giả và các diễn viên không chuyên, chị em toàn Dòng đã được sống lại một quá trình lịch sử bất khuất của tiền nhân đã tạo nên nền móng cho tinh thần và nếp sống Đa Minh hiện nay của chị em.

Đỏan kịch “Nội cấm” do các chị em thuộc Tu viện Truyền tin trình diễn

Chương trình đại hội được tiếp tục với phần tưởng niệm và nhớ ơn các Mẹ Bề trên của Hội Dòng là những người đã dày công gìn giữ, bồi đắp, xây dựng Hội dòng trong suốt dòng lịch sử đầy bất trắc, bấp bênh của nước Việt. Hai năm trước, cũng trong ngày đại hội mừng Lễ Bổn Mạng và mừng ngày lập Dòng, Hội dòng đã ghi ơn Mẹ Bề trên Tiên khởi Êmilia Nguyễn Thị Sê và Mẹ Agnès Đỗ Thị Sâm. Năm nay, Hội dòng tưởng niệm Mẹ Bề trên thứ III : Antônina Nguyễn Thị Phượng (1910 – 2008), người đã lãnh đạo Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp trong hai nhiệm kỳ: 1969 – 1975 và 1983 – 1987.

Phần tưởng nhớ Mẹ Bề trên Antonina Nguyễn Thị Phượng

 Với những câu chuyện và hình ảnh sống động mà Mẹ đã để lại nơi chị em trong thời gian Mẹ tại thế, cùng với những thước phim quý giá chị em quay lại được trong lúc Mẹ lâm chung, Ban tổ chức đã ghi lại thành một phóng sự ngắn nhưng đầy đủ và rất cảm động về Mẹ để chị em nhớ về Mẹ, hồi tưởng lại những ký ức đẹp về Mẹ với tâm tình yêu mến tri ân.

Tuy lúc này thân xác Mẹ Bề trên Antonina đã ngủ yên trong lòng đất, nhưng có lẽ linh hồn Mẹ đang tỏa sáng trên cõi trời cao và đang cầu nguyện cho chị em biết  sống đẹp đời tu, sống trọn vẹn từng ngày cho Chúa và cho Hội Dòng để mong ước của Mẹ lúc sinh thời là “Hội Dòng được phát triển và chị em sống tốt lành thánh thiện” được trở thành hiện thực.

Chương trình được khép lại với phần huấn từ của chị Bề trên Tổng quyền Maria Nguyễn Thị Hùy.

BTTQ Maria Nguyễn Thị Hùy huấn từ, cám ơn Ban tổ chức và chị em về tham dự đại hội

Sau đó chị em hiệp lời tạ ơn Chúa trong giờ Chầu Thánh Thể và chia sẻ niềm vui trong bữa Agapê đầm ấm.

Xin mời xem tòan bộ hình ảnh tại đây

 Ban Truyền Thông

 

 

Comments are closed.

phone-icon