Kinh Lạy Cha – Suy niệm ngày 16.6

0

187a

I. LỜI CHÚA: Mt 6, 7-15

7 Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

II. SUY NIỆM:

Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của đời sống của mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện cần thiết đến nỗi ví được như cá cần sống trong nước.Ý tưởng này gợi lên cho chúng ta một sự liên tưởng bài Tin Mừng hôm nay về việc Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha” mà chúng ta quen đọc hằng ngày. Đó cũng chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Theo thánh sử Mathêu, kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ gồm 7 lời cầu được chia làm hai phần: phần thứ nhất, gồm 3 lời đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha và còn dạy chúng ta gọi là Cha: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Sở dĩ gọi Thiên Chúa là Cha, bởi vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta, và Thánh Thần của Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó. Hơn nữa, gọi Thiên Chúa là Cha, chẳng những mời gọi chúng ta bước vào mối tương quan thân tình với Chúa Cha, mà còn gợi lên trong chúng ta tâm tình của người con thảo, với ý thức rằng chúng ta là con của Thiên Chúa, trong người Con chí ái của Người là Đức Giêsu Kitô.

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển: là lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, vì những công trình Người đã thực hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria ngày xưa đã ca tụng “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Ngài thật chí thánh chí tôn” thế nào, thì ngày nay, khi đọc lời kinh này, chúng ta cũng nâng tâm hồn và tâm trí chúng ta để nhận ra những việc diệu kỳ của Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta để tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, nhưng không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng chính đời sống thánh thiện và sự tốt lành của mỗi chúng ta.

“Triều đại Cha mau đến” :Theo thánh Tôma Aquinô, Nước Thiên Chúa ám chỉ vương quyền của Đức Kitô vào thời cánh chung. Nước Thiên Chúa còn được hiểu là vinh quang của các thánh trên thiên đàng và sau cùng, Nước Thiên Chúa còn là nơi Thiên Chúa ngự trị, đó là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Quả thật, nếu tâm hồn là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì chúng ta cần làm cho tâm hồn mình trở nên hiền hậu, khiêm tốn như Đức Kitô là Đấng nhân từ và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 29).  

“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”:Trước hết, ý muốn của Chúa Chađã được thể hiện cách tuyệt hảo nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Đấng được sai đến để cứu độ loàingười. Ngài đã làm những gì Cha muốn và thi hành ý muốn của Cha cho đến cùng. Noi gương Đức Kitô, chúng ta kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ai làm theo ý Chúa, thì Chúa Cha cũng sẽ nhận lời người đó (x. GLCG số 2827).

Đó là cốt lõi của 3 lời cầu nguyện trong phần thứ nhất. Không những thế, phần thứ hai gồm 4 lời xin liên quan đến con người cũng đặt mọi sự trên nền tảng “Ý Cha”.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” : Với lòng tin tưởng và phó thác, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và sống hạnh phúc. Nhưng không phải chỉ nhờ cơm bánh, chúng ta còn được sống bởi Lời vàcủa ăn của uống nhờ mình và máu Kitô, Con Cha. Bởi vì Cha là Đấng tốt lành vượt trên mọi sự tốt lành.

“Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” :Đây là lời cầu xin tha thứ. Chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta vì nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Người, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1,14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ được nhận lời, nếu chúng ta cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” :Ý thức mình là kẻ yếu đuối, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để mình đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Trái lại, khi cầu xin như thế, chúng ta được Thánh Thần của Đức Giêsu hướng dẫn, dạy ta biết phân định giữa thử thách làm tăng trưởng trong sự thánh thiện và cơn cám dỗ dẫn chúng ta đến tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện, chúng ta cũng xin ơn trung thành với Đức Giêsu và luôn tỉnh thức trong cầu nguyện. 

“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” : “Sự dữ” ám chỉ một kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa là Satan mà Kinh Thánh gọi là “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12, 9). Vì vậy, chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho gia đình nhân loại được thoát khỏi Satan và những việc làm đen tối của nó, đang khi chờ đợi ngày Đức Kitô trở lại để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ một cách dứt khoát.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện, nhất là cầu nguyện với Cha qua kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng con. Để chúng con không bao giờ bỏ đọc kinh quan trọng này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng con. Amen.

Nt. Maria Phạm Thị Hoa

Comments are closed.

phone-icon