Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật ngày 11.09.2016:

0

Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung
trưa Chúa Nhật ngày 11.09.2016:

143

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong Phụng Vụ hôm nay, chúng ta đã nghe chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Chương này được coi là chương nói về Lòng Thương Xót, và chứa đựng ba dụ ngôn, mà Chúa Giê-su đã sử dụng chúng để trả lời cho sự căm phẫn của các Luật Sĩ và của những người Pha-ri-siêu. Họ đã chỉ trích thái độ của Ngài và nói: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng“ (Lc 15,2). Với ba dụ ngôn này, Chúa Giê-su cho chúng ta hiểu rằng, Thiên Chúa – Đấng là Cha -, chính là Đấng đầu tiên thể hiện một thái độ vừa có tính gọi mời lại vừa có tính thương xót đối với các tội nhân. Đó là thái độ của Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được giới thiệu là vị mục tử sẵn sàng bỏ 99 con chiên lại để lên đường tìm kiếm một con chiên bị lạc. Trong dụ ngôn thứ hai, Ngài được so sánh với một người phụ nữ đã đánh mất một đồng quan và đã tìm nó cho tới khi thấy được nó. Trong dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được giới thiệu như là một người Cha đón nhận đứa con đã bỏ nhà đi xa nhưng lại trở về; nhân vật người Cha biểu lộ con tim của Thiên Chúa, của Thiên Chúa giầu lòng xót thương được mạc khải trong Chúa Giê-su.

Có một yếu tố chung nơi ba dụ ngôn này, mà yếu tố chung đó chính là điều được diễn tả trong các động từ, chúng mô tả một niềm vui chung, một buổi đại tiệc. Ở đây không hề nói về sự buồn rầu. Người ta vui mừng, người ta tổ chức một đại tiệc. Vị mục tử mời gọi bạn bè và những người hàng xóm láng giềng tới và nói với họ: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó“ (Lc 15,6); người phụ nữ cũng mời những người bạn bè và những người hàng xóm tới và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm  được đồng quan tôi đã đánh mất“ (Lc 15,9); và người Cha nói với đứa con khác: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy“ (Lc 15,32). Trong hai dụ ngôn đầu tiên, điểm nhấn được đặt trên niềm vui, mà niềm vui này lớn lao tới độ nó phải được chia sẻ với “những người bạn bè và hàng xóm láng giềng“. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm nhấn được đặt nơi đại tiệc mà nó phát xuất từ con tim của người Cha nhân hậu và tràn ra trên toàn thể gia đình của ông. Đại tiệc này của Thiên Chúa đối với những người mà họ thống hối trở về với Ngài lại càng có ý nghĩa hơn khi nó đứng trong sự hòa hợp với Năm Thánh mà chúng ta đang sống, như thuật ngữ “vui mừng“ tự nói lên.

Với ba dụ ngôn này, Chúa Giê-su đã giới thiệu cho chúng ta biết dung nhan đích thực của Thiên Chúa: dung nhan của một người Cha với đôi tay giang rộng, Ngài đã đối xử với các tội nhân bằng tất cả sự trìu mến và sự cảm thông. Mầu nhiệm gây cảm động nhất – gây cảm động cho tất cả -, nó mạc khải Tình Yêu khôn cùng của Thiên Chúa, đó là dụ ngôn về người Cha, người đã ôm ghì lấy đứa con tái trở về. Và điều gây ấn tượng không phải là câu chuyện buồn rầu của một thanh niên, người đã sa vào trong sự đổ đốn, nhưng là những lời có tính quyết định của đứa con ấy: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha“ (Lc 15,18). Con đường trở về nhà chính là con đường hy vọng và là con đường của sự sống mới. Thiên Chúa luôn luôn đợi chờ chúng ta tái lên đường, Ngài chờ đợi chúng ta cách kiên nhẫn, Ngài thấy chúng ta ngay từ khi chúng ta còn ở đàng xa, Ngài chạy về phía chúng ta, Ngài ôm chúng ta, Ngài hôn chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa là như thế! Cha của chúng ta là như thế! Và sự tha thứ của Ngài sẽ xóa sạch quá khứ, và làm cho chúng ta tái được sinh ra trong Tình Yêu. Ngài lãng quên quá khứ: đó là sự yếu đuối của Thiên Chúa. Khi Ngài ôm chúng ta và tha thứ, Ngài sẽ quên hết ký ức, Ngài không còn nhớ gì nữa! Ngài lãng quên hết quá khứ.

Khi những tội nhân chúng ta hoán cải và để cho Thiên Chúa tái tìm thấy chúng ta, thì sẽ không có sự trách móc nào, cũng chẳng có sự nghiêm khắc nào chờ đợi chúng ta cả, vì Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, sẽ đón chúng ta vào trong nhà của Ngài với trọn niềm vui, và sẽ mở tiệc ăn mừng. Chính Chúa Giê-su đã nói về điều đó trong bài Tin Mừng hôm nay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn“ (Lc 15,7).

Và Cha xin hỏi anh chị em: Anh chị em đã bao giờ nghĩ tới chuyện mỗi lần khi chúng ta bước tới Tòa Cáo Giải, thì niềm vui sẽ ngự trị trên Thiên Đàng và một đại tiệc sẽ được mở ở đấy chưa? Anh chị em đã nghĩ tới chuyện đó bao giờ chưa? Điều đó thật tuyệt vời. Điều đó trao cho chúng ta một niềm hy vọng lớn, vì sẽ không có tội lỗi nào mà chúng ta đã trót phạm phải, khiến chúng ta không thể tái lấy lại lòng can đảm với ân sủng của Thiên Chúa; sẽ không còn có những con người lầm lạc nào mà không thể được phục hồi; không có bất cứ ai bị lầm lạc mà không thể tái phục hồi! Vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng mong muốn điều tốt đẹp cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta phạm tội! Và Đức Trinh Nữ Maria, nơi trú ẩn của các tội nhân, sẽ làm nhú lên trong tâm hồn chúng ta niềm tín thác mà nó đã bừng cháy trong con tim của người con hoang đàng: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng Cha và thưa với Người: Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha“ (Lc 15,18). Bằng cách đó, chúng ta sẽ có thể trao cho Thiên Chúa niềm vui, và niềm vui của Ngài sẽ có thể trở thành đại tiệc của chính Ngài cũng như trở thành đại tiệc của chúng ta.

Quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 11 tháng 09 năm 2016

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon