Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân dịp Mùa Chay 2017: Lời Chúa là một tặng phẩm. Người khác cũng là một tặng phẩm.

0

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân dịp Mùa Chay 2017
Lời Chúa là một tặng phẩm. Người khác cũng là một tặng phẩm

6

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là một sự tái bắt đầu, là một con đường dẫn chúng ta tới với một mục tiêu chắc chắn: đến với Cuộc Vượt Qua của sự phục sinh, đến với cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô trên sự chết. Và mùa này luôn luôn hướng đến chúng ta một lời mời gọi hoán cải đầy mạnh mẽ: Người Ki-tô hữu được kêu gọi trở về với Thiên Chúa “với trọn tấm lòng” (Ge 2,12), không phải để thỏa mãn với một đời sống tầm thường, nhưng là lớn lên trong tình bằng hữu với Thiên Chúa. Chúa Giê-su là người bạn tín trung, người không bao giờ lìa bỏ chúng ta, vì ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài cũng vẫn kiên nhẫn đợi chờ cuộc trở về của chúng ta với Ngài, và với sự chờ đợi này, chỉ cho chúng ta biết rằng, Ngài sẵn sàng tha thứ (Bài Giảng tại Domus Sanctae Marthae, 8.01.2016).

Mùa thống hối chính là khoảnh khắc thuận tiện để củng cố đời sống tinh thần nhờ vào những phương dược mà Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta: nhờ vào việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Tuy nhiên, nền tảng căn bản chính là Lời Chúa, và trong mùa này, chúng ta được mời gọi hãy lắng nghe và suy niệm Lời Chúa với sự hăng hái to lớn. Ở đây, Cha muốn đặc biệt đề cập tới dụ ngôn người phú hộ giầu có và ông La-gia-rô nghèo hèn (xc. Lc 16,19-31). Chúng ta hãy để cho mình được thúc giục bởi trình thuật hết sức quan trọng này: Nó giới thiệu cho chúng ta chìa khóa, mà chiếc chìa khóa đó cho phép chúng ta nhận thức được điều mà chúng ta phải làm để đạt tới niềm hạnh phúc đích thực và sự sống vĩnh cửu, và mời gọi chúng ta hoán cải chân thành.

1. Người khác là một tặng phẩm:

Dụ ngôn trên bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính, nhưng nói chung, người nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông ở trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, và không còn sức để tái lấy lại lòng can đảm. Ông nằm trước cửa nhà người giầu, và ước ao được ăn những thứ từ bàn ăn của người giầu rơi xuống; thân xác ông toàn mụn nhọn và lở loét, và những con chó cứ đến gần để liếm những vết lở loét của ông (xc. Lc 16, 20-21). Đó là một hình ảnh ảm đạm về một con người bị hạ thấp và bị làm nhục.

Cảnh tượng xem ra còn có vẻ kịch tính hơn nếu như người ta lưu ý tới việc người nghèo có tên là La-gia-rô – một danh xưng mang đầy triển vọng, nó có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”. Vì thế, ông không phải là một nhân vật vô danh; ông có tất cả mọi đặc tính một cách rõ ràng, và chứng tỏ mình là một con người – một con người có một lịch sử cá nhân. Trong khi đối với ông nhà giầu, La-gia-rô giống như là vô hình, nhưng đối với chúng ta, La-gia-rô rất quen thuộc và hầu như gần gũi và thân thiết, ông có một dung mạo; chính vì vậy, ông trở thành một tặng phẩm, một tài sản vô giá, một con người mà Thiên Chúa muốn, được Thiên Chúa yêu thương, và luôn nhớ tới, ngay cả khi hoàn cảnh cụ thể của ông chỉ là một trong những cọng rác của con người (xc. Bài Giảng tại Domus Sanctae Marthae, 8.01.2016).

La-gia-rô dậy cho chúng ta biết rằng, người khác chính là một tặng phẩm. Mối tương quan đúng mực với con người hệ tại ở chỗ nhìn nhận giá trị của họ với niềm biết ơn. Ngay cả người nghèo nằm trước cửa nhà người giầu cũng không phải là một sự cản trở gây khó chịu, nhưng là một lời mời gọi hãy hoán cải và thay đổi cuộc sống riêng. Lời mời gọi đầu tiên mà dụ ngôn này hướng tới chúng ta, chính là lời mời gọi hãy mở cánh cửa tâm hồn chúng ta ra cho người khác, vì bất cứ con người nào cũng đều là một tặng phẩm, kể cả những người hàng xóm láng giềng của chúng ta lẫn những người nghèo không ai biết đến. Mùa chay là thời gian thuận tiện để mở cánh cửa ra cho những người túng thiếu nghèo hèn, và nhận ra trong họ dung nhan của Chúa Ki-tô. Mỗi người trong chúng ta đều gặp gỡ những người như thế trên đường đời của mình. Bất cứ sự sống nào mà nó bắt gặp chúng ta, cũng đều là một tặng phẩm, và cũng đều xứng đáng được đón nhận, được kính trọng và được yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở cặp mắt ra để đón nhận và yêu mến sự sống, đặc biệt nhất là khi nó yếu đuối. Nhưng để có khả năng thực hiện điều đó, người ta cũng phải đón nhận một cách nghiêm túc điều mà Tin Mừng mạc khải cho chúng ta trong mối liên hệ đến viên phú hộ giầu có.

2. Tội lỗi khiến chúng ta mù lòa:

Dụ ngôn đã nhấn mạnh tới điều tương phản một cách không thương tiếc. Ông nhà giầu ở trong những điều tương phản ấy (xc. Lc 16,19). Trong sự khác biệt với ông La-gia-rô nghèo khổ, nhân vật nhà giầu này không có danh xưng; ông ta được mô tả là “giầu có”. Lối sống xa hoa của ông biểu lộ trong những bộ trang phục vô cùng lộng lẫy mà ông mang trên mình. Thực ra, gấm vóc là một cái gì đó vô cùng quý giá, nó còn quý hơn cả vàng lẫn bạc, và vì thế nó được dành riêng cho các vị thần (xc. Gr 10,9) cũng như cho các vị vua (Tl 8,26). Lụa là một loại vải đặc biệt, nó góp phần làm cho sự xuất hiện của một người trở nên gần như thiêng thánh. Như vậy, sự giầu có của con người này là vô cùng, bởi vì ông phô trương điều đó hằng ngày và thường xuyên: Ông sống “ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19). Trong ông, sự đồi bại vì tội lỗi xuất hiện theo một cách thức bi ai, mà sự đồi bại ấy được hiện thực hóa trong ba bước đi kế tiếp nhau sau đây: yêu thích tiền bạc, kiêu căng và tự phụ (xc. Bài Giảng tại Domus Sanctae Marthae, 20.09.2013).

Thánh Phao-lô Tông Đồ nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6,10). Nó là nguyên nhân chính của sự đồi bại và là nguồn mạch của sự đố kỵ, của sự ghen tương, của những tranh chấp và của những ngờ vực. Sau cùng, tiền bạc có thể thống trị chúng ta một cách quá mức, đến độ nó trở thành một ngẫu tượng hung bạo (xc. Thông Điệp Ewangelii gaudium, 55). Thay vì trở thành một phương tiện để phục vụ chúng ta, để làm điều tốt và để thực thi tình liên đới đối với những người khác, thì tiền bạc lại có thể bắt chúng ta và bắt thế giới phải phục tùng một cách nghĩ ích kỷ, mà cách nghĩ đó không tạo không gian cho Đức Ái, nhưng còn ngăn cản niềm bình an.

Ngoài ra, dụ ngôn còn cho chúng ta thấy rằng, sự tham lam tiền bạc còn biến ông nhà giầu trở nên kiêu căng nữa. Con người ông bị biến dạng trong những dáng vẻ bên ngoài, để chứng tỏ cho người khác thấy những gì ông có thể thực hiện. Nhưng dáng vẻ bên ngoài lại che đậy sự trống rỗng bên trong. Cuộc sống của ông bị giam hãm trong dáng vẻ bên ngoài, trong chiều kích hờt hợi và mau qua nhất của kiếp nhân sinh (nt, số 62).

Cấp độ thẳm sâu nhất của sự đổ đốn về khía cạnh luân lý này chính là sự cao ngạo. Ông nhà giầu ăn vận như thể ông ta là một nhà vua, ông ta thực hiện những điệu bộ của một vị thần, nhưng ông ta quên rằng, ông ta chỉ là một hữu thể phải chết. Đối với một con người bị hư hỏng bởi việc ham thích của cải thì không có bất cứ thứ gì khác ngoài cái TÔI riêng, và vì thế, những người đứng quanh con người ấy sẽ không đạt đến được với tầm nhìn của ông. Như vậy, hoa trái của việc bấu bám vào tiền bạc chính là một dạng mù lòa: nói chung, người giầu không nhìn thấy người nghèo đói bị gây kiệt quệ trong sự hạ thấp của họ và bị che phủ với những ung nhọt ghẻ lở.

Nếu người ta quan sát nhân vật này, người ta sẽ hiểu được tại sao Tin Mừng lại rõ ràng đến như thế trong việc kết án sự ham thích tiền bạc: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc được” (Mt 6,24).

3. Lời Chúa là một tặng phẩm:

Đoạn Tin Mừng nói về người phú hộ giầu sang và về ông La-gia-rô nghèo túng sẽ giúp chúng ta chuẩn bị thật tốt cho Đại Lễ Phục Sinh đang đến gần. Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta hãy bước vào một kinh nghiệm giống hệt như kinh nghiệm mà ông nhà giầu đã trải qua trong một cách thế rất bi ai. Trong khi rắc tro lên đầu, Linh mục sẽ nói: “Con hãy nhớ mình là bụi đất và con sẽ trở về lại với bụi đất.” Cả hai – người giầu và người nghèo – đều sẽ chết, và phần chính của dụ ngôn được dùng để phản ảnh về thế giới bên kia. Cả hai đều bỗng chốc khám phá ra một chân lý nền tảng. “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6,7).

Cái nhìn của chúng ta cũng mở ra cho thế giới bên kia, ở đó ông nhà giầu đã thực hiện một cuộc trò chuyện dài với Áp-ra-ham, người mà ông gọi là “Cha” (Lc 16,24.27), và do đó, chứng tỏ rằng, ông thuộc về Dân Thiên Chúa. Chi tiết này còn làm cho đời sống của ông trở nên mâu thuẫn hơn, vì cho tới thời điểm đó, bản văn vẫn chưa đề cập gì tới mối tương quan của ông với Thiên Chúa. Thực tế, trong cuộc sống của ông đã không có chỗ cho Thiên Chúa, vì thượng đế duy nhất của ông là chính ông.

Chỉ khi bị hành hạ trong thế giới bên kia, ông nhà giầu mới nhận ra La-gia-rô, và muốn được người nghèo này xoa dịu nỗi khổ đau của mình bằng một chút nước. Điều mà ông nhà giầu xin từ La-gia-rô giống hệt như điều mà ông đã có thể thực hiện, nhưng ông không bao giờ thực hiện. Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã giải thích cho ông hiểu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-gia-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ thì La-gia-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16,25). Trong thế giới bên kia, một sự công bằng nào đó lại được tái thiết lập, và sự tồi tệ từ cuộc sống sẽ được bù đắp lại thông qua sự thiện hảo.

Dụ ngôn còn đi xa hơn nữa, và như thế, giới thiệu một sứ điệp cho tất cả mọi Ki-tô hữu. Ông nhà giầu có những người anh em đang còn sống, đã xin Tổ Phụ Áp-ra-ham sai La-gia-rô đến với những người anh em đó để cảnh báo họ. Nhưng Áp-ra-ham trả lời: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16,29). Và để trả lời cho lý chứng của ông nhà giầu, Tổ Phụ Áp-ra-ham bổ sung thêm: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin!” (Lc 16,31).

Bằng cách đó, vấn đề thực sự sủa ông nhà giầu đã được phơi bày: Gốc rễ sự đồi bại của ông hệ tại ở chỗ ông đã không lắng nghe Lời Chúa; điều đó đã đẩy ông tới chỗ không yêu mến Thiên Chúa nữa, và do đó dẫn tới chuyện khinh thường tha nhân. Lời Chúa là một sức mạnh sống động, sức mạnh ấy có khả năng khơi lên sự hoán cải trong tâm hồn con người, và tái hướng con người đến cùng Thiên Chúa. Khép kín tâm hồn trước tặng phẩm mà nó chính là Lời Chúa, sẽ dẫn tới hậu quả là, con tim sẽ tự đóng kín trước tặng phẩm tha nhân.

Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời gian thuận tiện để tự canh tân trong cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô, Đấng luôn sống động trong Lời của Ngài, trong các Bí Tích và trong tha nhân. Ước gì Chúa Giê-su, Đấng đã vượt thắng mưu mô của tên cám dỗ suốt bốn mươi ngày trong sa mạc, sẽ chỉ cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta phải đi theo. Ước gì Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt chúng ta để chúng ta đi vào một con đường hoán cải đích thực hầu tái khám phá ra tặng phẩm Lời Chúa, và thanh luyện mình khỏi những tội lỗi mà chúng làm cho chúng ta trở nên mù lòa, cũng như phục vụ Chúa Ki-tô trong những con người túng thiếu nghèo hèn. Cha xin khích lệ tất cả các tín hữu hãy diễn tả sự canh tân tinh thần này thông qua việc tham dự vào các sinh hoạt Mùa Chay mà nhiều tổ chức Giáo hội sẽ tiến hành tại những khu vực khác nhau trên khắp thế giới hầu thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ trong đại gia đình nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, xin Chúa ban cho tất cả chúng ta đều được tham dự vào với cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô, cũng như hiểu để mở các cánh cửa của chúng ta ra cho những người yếu đuối và những người nghèo hèn. Nhờ thế, chúng ta sẽ có thể nếm trải và làm chứng cho niềm vui của Đại Lễ Phục Sinh trong sự viên mãn.

Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2016

Nhân dịp Lễ Kính Thánh Lu-ca

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon