Đức Ki Tô đang sống – Suy niệm Lễ Thăng Thiên

0

LỄ THĂNG THIÊN
ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG

32

Hướng về ngày Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, với mệnh lệnh loan báo Tin Mừng Chúa truyền và những dấu lạ Chúa ban (x.Mc 16,15-20), tôi nghĩ đến sứ vụ ơn gọi thuyết giáo của mình giữa lòng xã hội tục hóa hiện nay, tôi sẽ làm chứng nhân thế nào khi tiếp xúc với từng lớp người đang lao mình theo sức hút ‘thần diệu’ của nền kinh tế thị trường, say mê lợi nhuận, thần tượng ‘dollar’, hưởng thụ dưới mọi hình thức? Câu trả lời có lẽ không mấy khó khăn vì tôi biết mình đã chọn con đường bước theo chân các thánh tông đồ để làm chứng nhân Chúa Kitô Phục sinh. Nhưng vấn đề làm tôi thao thức không phải là đi tìm một thuật ngữ đẹp mà là một phương pháp hành động cụ thể. Tôi ý thức rằng: mình không thể rao giảng về một ‘Ai đó’ mà mình thiếu xác tín hay chưa có một tình yêu gắn bó với đối tượng. Thái độ của người Do Thái đối với Chúa Giêsu: ‘Hoan hô Con Vua Đa vít’ hay ‘Đóng đinh nó vào thập giá”, phải chăng đã phát xuất từ tâm trạng chưa tin này?

Vậy, “Đối với tôi Đức Kitô là ai?”

Câu hỏi như một ‘công án’[1] xoáy sâu vào tư duy của tôi, mời gọi tôi trở về  với đời sống nội tâm, trở về với niềm tin trong từng chọn lựa có ý thức của ơn gọi. Hiện nay tôi đang bước theo một Đức Giêsu nào? – một siêu nhân trong lịch sử đã chết; và nghe nói Ngài đã sống lại, đã từ giã trần gian về trời cho đến ngày tận thế mới trở lại? – hay một Đức Giêsu Phục sinh đang sống, đang đồng hành với từng con người trong mọi thời đại; và hơn nữa chính Người đang điều hành từng biến cố trong lịch sử Giáo Hội và xã hội?

Tin là một hành trình phải khám phá liên tục mỗi ngày, tôi sẽ học kinh nghiệm sống đức tin của các tông đồ trong Giáo Hội sơ khai qua bản văn Công vụ mà tôi rất thích thú mỗi khi đọc. Hy vọng Lời Chúa sẽ khơi sáng niềm tin của tôi vào Đấng Phục sinh hơn.

1. CHÚA GIÊSU DẠY CÁC TÔNG ĐỒ VỀ SỰ PHỤC SINH [2]

Trong các Tin Mừng; đặc biệt Tin Mừng Marcô đã cho độc giả thấy: sau khi Chúa Giêsu chết, các tông đồ hoàn toàn nghi ngờ về sự phục sinh mà Người đã tiên báo. Vì thế, Chúa đã  hiện ra “khiển trách các ông không tin và cứng lòng.” (Mc 16,14). Riêng thánh Luca đã thuật lại hoạt động của Đức Giêsu trước khi  về trời (Cv 1,1-12). Người dạy các môn đệ về sự phục sinh của Người, giúp họ nhận ra và thâm tín rằng: Người đã sống lại, Người dùng những chứng cứ hiển nhiên để dạy. Đó là những lần hiện ra trong những sinh hoạt hằng ngày với họ, cùng ăn uống với họ, mở trí cho họ hiểu Thánh kinh và dựa vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Qua đó, chúng ta thấy nơi Luca xem ra có sự mâu thuẫn: Trong Tin Mừng thứ 3, Luca cho độc giả xác tín rằng: nơi Đức Giêsu, lên trời không tách khỏi phục sinh. Ông đã thuật lại biến cố phục sinh, những lần hiện ra và việc lên trời của Chúa Giêsu xẩy ra trong cùng một ngày. Nhưng ở Công vụ, Luca đã để buổi từ giã sau 40 ngày, ông muốn chuyển trao cho độc giả một ý nghĩa thần học rất quan trọng: Đấng Phục Sinh đã có một thời gian để huấn luyện các tông đồ thay đổi lối nhìn, trước khi Người thay đổi lối hiện diện.

Như vậy, Đức Giêsu đã giúp các Tông đồ nhận ra Người đã phục sinh thì cũng có nghĩa là Người huấn luyện các ông làm quen với sự hiện diện mới, ‘hiện diện bằng sức mạnh cùng hoạt động của Thánh Thần của Người’ để các ông tiếp tục sứ vụ của Người. Cho nên, đối với Chúa Giêsu, nói về sự phục sinh và chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận Thánh Thần cũng là giúp các ông có một lối nhìn mới.

2. CẦN PHẢI THAY ĐỔI LỐI NHÌN VỀ ĐỨC GIÊSU.[3]

Theo Luca, lên trời là thay đổi lối hiện diện của Đức Giêsu. Đây là điểm mà các soạn giả Tin Mừng đều coi là quan trọng. Đối với Matthêu, Chúa Giêsu hứa ở lại mãi ngay chính lúc Người biến đi. Còn Gioan thì cho biết Chúa Giêsu yêu cầu Tôma và Maria Madalena tương giao với Người theo cách mới.

Marcel Domergue giải thích về mầu nhiệm lên trời trong cuốn: “Chìa khóa để mở các Tin Mừng – Cầu nguyện và sống” đã chứng minh: Đức Giêsu lên trời tức là vào lòng người tin khi người tin giữ lời của Người. Ông viết như sau: “ Việc lên trời sắp gây khó khăn, ở Ga 13,33 chúng ta đọc thấy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thày, Thày còn ở với anh em một ít nữa thôi”. Chúng ta chớ phản đối việc Người còn ở với chúng ta cho đến khi thế mạt, bởi vì sự hiện diện sẽ thay đổi hình thức và sẽ làm cho nơi ngự trị có một nghĩa mới, như chúng ta sắp thấy. Nhưng khi Đức Kitô về cùng Cha Người, các môn đệ của Người sẽ không thấy Người nữa, các ông chưa có thể theo Người được (Ga 13,23-26). Như vậy, nơi ngự trị của Giavê ở giữa loài người sẽ ở đâu vì trước đó là ở trong Đức Kitô? Đền thờ xưa thì đã xưa quá chẳng còn giá trị gì nữa; từ lúc màn của Đền thờ bị xé toạc ra. Có phải chúng ta dứt khoát chỉ có thể ngắm nhìn xa xa Đức Kitô đã ở trên trời hay không?

Ngay từ chương 6 của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy Chúa ở trong các môn đệ khi nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6,56). Như vậy, ngay từ đầu sự hiện diện của Thiên Chúa đã gắn liền với mầu nhiệm vượt qua. Đối với chúng tôi, đoạn văn trọng tâm có lẽ là đoạn Ga 14,23: “Ai yêu Thày thì sẽ giữ lời Thày, … Cha Thày và Thày sẽ đến và ở lại trong lòng kẻ ấy”. Tương tự  như thế, Đức Giêsu nói tới việc Đấng Phù Trợ đến ngự trong lòng các môn đệ: “Đó là Thần Khí sự thật…, Người luôn  ở giữa anh em và trong lòng anh em” (Ga 14,17). Còn Ga 14,20 đồng hóa việc Đức Kitô ngự trong lòng người tin với  việc Chúa Cha ngự trong lòng Chúa Con.

Cuối cùng ta có cảm tưởng rằng: Đức Kitô lên trời thì các tầng trời ấy chỉ là tâm hồn người tin. Mầu nhiệm không còn hiện ra với những dấu hiệu hữu hình nữa bởi vì mầu nhiệm ấy trở thành bên trong chúng ta. Phải chăng đó là ý nghĩa sứ mệnh của Thánh Thần. “Đấng an ủi” khác là Thánh Thần (Ga 14, 16-17). Đức Kitô đã là Đấng Phù trợ, Đấng Phù trợ hữu hình mà Phêrô, Gioan, Giacôbê và những người khác có thể sờ mó được, chiêm ngắm được, lắng nghe được. Tuy nhiên chính vì họ có thể thấy Người được, biết Người được bằng giác quan mà Người vẫn ở ngoài họ. Thiên Chúa phải biến đổi để có thể vào bên trong môn đệ, lập nội cư  trong lòng môn đệ. “Thày nói thật với anh em, Thày ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thày không ra đi, Đấng bào chữa sẽ không đến với anh em.” (Ga 16,7).

Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giêsu Kitô trên các tầng trời”. Thánh Phaolô cho như chuyện đã xẩy ra, Thiên Chúa trở thành nơi cư ngụ của người tin và người tin trở thành nơi ở của Thiên Chúa. Còn rất nhiều đoạn văn chứng minh lối nhìn này (1Cr 10,3; 10,16-17; 2Cr. 6, 16; Eph 2, 18-22). Như vậy, về cùng Cha và đến ở trong chúng ta là những kiểu nói tương đương, vì Chúa Cha ở trong chúng ta và chúng ta là một với Cha. Sau phục sinh, Đức Kitô quả quyết mạnh mẽ chân lý này. Cách Ngài nhấn mạnh vào tình Cha con của Thiên Chúa đối vói chúng ta có một ý nghĩa rất lớn. Tình phụ tử có một nghĩa mới do việc thừa nhận đã khởi sự ở cuộc vượt qua: “Thày đi lên với Cha của Thày cũng là Cha của anh em nữa đấy! Thày đi lên với Chúa của Thày cũng là Chúa của anh em nữa đấy” (x.Ga 20,17). Có một số nhà chú giải coi đoạn văn trên là những lời quả quyết về khoảng cách sự khác biệt giữa điều kiện làm con của Đức Kitô và của chúng ta. Thực ra, đây là sự khẳng định về sự đồng nhất chứ không phải về sự khác biệt. Đức Kitô đã chẳng nhấn mạnh: Đấng đã làm Cha Người thì bây giờ cũng trở thành Cha của anh em là gì. Phải giải thích những câu đó bằng ánh sáng của Ga 17,20-23: “Con trong họ và Cha trong Con”. Từ nay mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Chúa Cha và tôi, chúng tôi là một”. Đó là cuộc sống hiệp nhất của thần học bí nhiệm.

Như thế, Thăng Thiên không phải là một cuộc ra đi thực của Chúa Giêsu đâu, Thăng Thiên là một cuộc ra đi đối với giác quan thôi, chứ đối với đức tin thì đó là một sự đi vào. Lúc sau Chúa gần hơn lúc trước. Thăng Thiên khai triển ý nghĩa Phục Sinh thế nào thì Linh Giáng sẽ cho Thăng Thiên ý nghĩa thực như vậy. Từ nay các tầng trời ở ngay trên mặt đất và thang Gia Cóp bây giờ lỗi thời rồi.”

3. ĐẤNG PHỤC SINH ĐANG SỐNG NƠI NHỮNG NGƯỜI TIN

Đến đây tôi đã hiểu: Đức Kitô Phục Sinh, Lên Trời chỉ là thay đổi cách hiện diện, Người đang sống và tiếp tục sứ vụ cứu thế nơi các tông đồ và những người tin. Thánh kinh đã cho tôi thấy rằng: Sau khi hòn đá lớn đã che kín ngôi mộ của Chúa Giêsu (Mt 27,60) và họ đặt lính canh cẩn thận (Mt 27,66), có lẽ người Do Thái nghĩ rằng: thế là dẹp yên được sự quấy rối của một tên lừa đảo ngạo mạn, phạm thượng tới Thiên Chúa. Nhưng kìa, khởi từ một ngôi mộ trống, Luca đã cho thấy các môn sinh ít học của Chúa Giêsu, từ trạng thái sợ hãi, co dúm (Cv 4,13) đã trở nên một nhà hùng biện khắp đó đây. Với những dấu lạ, họ đang chứng minh Đức Giêsu mà người Do Thái giết chết, Thiên Chúa đã cho sống lại (Cv 2,23-24). Họ mạnh bạo làm chứng điều họ đã cảm nghiệm: “Xin toàn thể nhà Israel hãy biết chắc là Thiên Chúa đã đặt làm Chúa và làm Kitô, Đức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia” (Cv 2,32-36). Khi đó, những người chứng kiến đều nhận rằng: Đấng Phục Sinh đang sống nơi các tông đồ. Nhân danh Đức Giêsu các ông đã làm rất nhiều phép lạ (Cv 2,43; 5,12.16) và nhiều người đã tin (Cv 2,37.41.47; 5,14-15). Đặc biệt, các tông đồ không sợ bất cứ một thách thức, ngăn cấm nào, các ông còn  hân hoan vui mừng vì được chịu xỉ nhục, tù đày vì Danh Đức Giêsu (Cv 5,41). Lúc này, đại công nghị thấy mình đang bị đối đầu với chính Đức Giêsu chứ không phải những người thất học (Cv 2 43; 4,13).

Đọc tác phẩm Công vụ Tông đồ, Luca cho tôi thấy hoạt động rất cụ thể của Thần Khí Chúa Kitô. Các tông đồ: Phêrô Gioan, Stêphanô, Philiphê và tất cả những người tin đều được tràn ngập sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đặc biệt nơi Phaolô, đang khi ông còn “hằm hằm đe dọa, thở ra sát khí với các môn đồ của Chúa” (Cv 9,1-29), ông đã nghe thấy tiếng nói: “Sao người tìm bắt Ta”; “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt”. Vâng, Chúa Giêsu đã nói chuyện với Saulô và xoay lại cuộc đời của ông với một tên mới là Phaolô. Người vẫn sống, đồng hành và điều khiển mọi hoạt động của Phaolô. Từ đó, ông không còn biết gì khác ngoài Danh của Người và không gì có thể tách rời Phaolô ra khỏi tình mến của Thiên Chúa (Rm 8,35).

Chúa Giêsu đang sống. Đó là một trong những mục đích chính của Luca khi viết tác phẩm Công vụ. Ông muốn cho độc giả cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu đang điều hành Giáo Hội. Người sống trong các tông đồ bằng Thần khí của Người và qua các ông, Chúa vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế. Quả thật, Luca muốn trình bày một Giáo Hội đang được chính Chúa Giêsu làm chủ và hướng dẫn bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà không lực lượng trần gian nào có thể chống lại.

Theo dòng lịch sử, tôi cũng cảm thấy Chúa Giêsu vẫn sống trong Giáo Hội lữ hành đức tin, tập thể những người giới hạn, yếu đuối và tội lỗi. Người vẫn sống để nuôi dưỡng và canh tân hiền thê của Người thích nghi với mọi thời đại. Qua đời sống chứng nhân của các thánh, dấu ấn thập giá và phục sinh của Người luôn nâng đỡ, ủi an và chữa lành những chi thể đau yếu, đang bị thương tích và tuyệt vọng. Tôi chú ý đặc biệt hơn tới đời thánh nữ tiến sĩ Catarina de Siena OP, một thiếu nữ quê nghèo, thất học đã được Chúa Phục sinh hướng dẫn để trở thành vị cố vấn cho các Đức Giáo hoàng Gregorio XI và Ubano VI. Và nơi mẹ thánh Têrêsa Calcutta, người nữ tu già yếu, đã gây ngạc nhiên cho cả thế giới về tình yêu quên mình phục vụ của mẹ dành cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Vâng, qua đời sống đức ái, khiêm tốn và khó nghèo của những người tin trong lịch sử Giáo hội thuộc đủ mọi tầng lớp, tuy âm thầm phục vụ nhưng tất cả đã làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh đang sống và yêu thương hết mọi người.

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP

……………………………………………………………………………………….

[1] Danh từ của Thiền

[2] X. Giáo trình Công vụ của Lm Phạm Hữu Lai, SJ

[3] X. Marcel Domergue

Comments are closed.

phone-icon