Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư ngày 07.03.2018

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư ngày 07.03.2018

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Thánh Lễ, và trong bài Giáo Lý hôm nay, chúng ta sẽ bàn về Kinh Nguyện Thánh Thể. Sau khi kết thúc nghi thức dâng bánh rượu thì phần Kinh Nguyện Thánh Thể sẽ bắt đầu. Phần này là phần nổi bật nhất của Thánh Lễ và cũng là khoảnh khắc trung tâm của Thánh Lễ. Phần này sẽ kết thúc với nghi thức Hiệp Lễ. Nó tương xứng với điều mà chính Chúa Giê-su đã thực hiện khi Ngài ngồi cùng bàn với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Ngài “dâng lời tạ ơn“ trên bánh và rượu (xc. Mt 26,27; Mc 14,23; Lc 22,17.19; 1Cor 11,24): trong bất cứ bữa tiệc Thánh Thể nào mà chúng ta cử hành thì lời tạ ơn của Ngài cũng sẽ vẫn không ngừng sống động và liên kết chúng ta lại làm một với hy tế cứu độ của Ngài.

Và trong lời cầu nguyện long trọng này – Kinh Nguyện Thánh Thể là lời Kinh long trọng -, Giáo hội sẽ diễn tả điều mà mình thực hiện khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, cũng như biểu thị cho thấy, tại sao Giáo hội lại cử hành Bí Tích Thánh Thể, và thực chất là thiết lập mối hiệp thông với Chúa Ki-tô, Đấng hiện diện thực sự trong bánh và rượu. Sau khi Linh mục mời gọi dân chúng nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và tạ ơn Người, thì Ngài sẽ đọc lời nguyện cầu nhân danh tất cả những ai đang hiện diện, và hướng về Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần. “Ý nghĩa của lời nguyện cầu này nằm ở chỗ là, toàn thể cộng đoàn tín hữu hiệp nhất với Chúa Ki-tô trong lời ngợi khen trước quyền năng của Thiên Chúa và trong việc tiến dâng lễ vật“ (Lời dẫn vào Sách Lễ Rô-ma).

Và để hiệp nhất nên một thì phải hiểu. Vì thế, Giáo hội muốn cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ mà con người có thể hiểu, để họ có thể hiệp nhất với Linh mục trong lời ngợi khen và trong lời kinh long trọng này. Vì “hy tế của Chúa Ki-tô và hy tế Thánh Thể chính là một hy tế duy nhất“ (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1367).

Trong Sách Lễ có nhiều mẫu Kinh Nguyện Thánh Thể. Các mẫu này được cấu thành từ tất cả các yếu tố nhất định mà giờ đây Cha muốn nhắc tới (xc. Lời dẫn nhập Sách Lễ Rô-ma, số 79; SGLHTCG, số 1352-1354). Tất cả những yếu tố đó đều rất tuyệt vời. Trước tiên là Kinh Tiền Tụng; nó chính là một lời tạ ơn đối với ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là đối với việc Ngài đã sai Con của Ngài đến làm Đấng Cứu Độ. Kinh Tiền Tụng sẽ kết thúc với Kinh Santus, mà theo thông lệ, Kinh này thường được hát lên. Thật là tuyệt vời khi hát kinh “Santus“: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh“. Thật tuyệt vời khi hát lời Kinh đó. Toàn thể cộng đoàn sẽ hòa giọng của họ với giọng ca của các Thiên Thần và của các Thánh để hát mừng và ca khen Thiên Chúa.

Sau đó là lời cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống để, với quyền năng của mình, Ngài sẽ biến đổi bánh và rượu. Chúng ta kêu cầu Chúa Thánh Thần để Ngài ngự xuống và Chúa Giê-su hiện diện trong bánh và rượu. Hoạt động của Chúa Thánh Thần và hiệu năng của Lời Chúa Ki-tô mà Linh mục nói tới, sẽ làm cho Mình và Máu Ngài, tức hy tế mà Ngài đã hiến dâng một lần cho muôn lần trên cây Thập Tự, thực sự hiện diện dưới hình bánh và rượu (xc. SGLHTCG, số 1375). Chúa Ki-tô đã nói rất rõ về điều đó.

Lúc nãy, chúng ta đã được nghe Thánh Phao-lô lập lại những lời của Chúa Giê-su: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy“. “Đó là Máu Thầy, đó là Mình Thầy“. Chính Chúa Giê-su đã nói như vậy. Chúng ta hoàn toàn không được phép nghĩ ngợi gì về chuyện đó: “Nhưng tại sao, những vật đó lại…“ Đó là Mình Chúa Giê-su; đó là tất cả! Đức Tin: Đức Tin đến giúp chúng ta; với một hành vi Đức Tin, chúng ta tin rằng, đó là Mình và Máu Chúa Giê-su. Đây là “Mầu Nhiệm Đức Tin“, như chúng ta nói sau khi truyền phép. Linh mục nói: “Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin“, và chúng ta đáp lại với một lời tung hô. Trong lúc Giáo hội tưởng nhớ tới sự chết và sự phục sinh của Chúa và mong chờ Ngài đến trong vinh quang, Giáo hội dâng lên Chúa Cha hy tế giao hòa đất với trời: Giáo hội tiến dâng hy tế vượt qua của Chúa Ki-tô, bằng cách là, Giáo hội tiến dâng bản thân mình cùng với hy lễ đó và nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội cầu xin cho được “trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô“ (xc. Kinh Nguyện Thánh Thể III; SC 48; SLRM 79tt). Giáo hội muốn hiệp nhất chúng ta với Chúa Ki-tô, và trở nên một thân thể và một tinh thần với Ngài. Đó là hồng ân và là hoa trái của việc rước Mình Thánh: chúng ta nuôi sống bản thân mình bằng mình Chúa Ki-tô, để chúng ta, những người ăn thịt Ngài, trở thành thân thể sống động của Ngài trong thế giới hôm nay.

Đó là mầu nhiệm hiệp thông mà Giáo hội hiệp nhất với hy tế của Chúa Ki-tô, và nhờ lời cầu bầu của Ngài, ở trong ánh sáng đó, “trong các hầm mộ […] Giáo hội thường thể hiện mình như là một phụ nữ cầu nguyện, với đôi tay dang rộng, trong thái độ của một Orante (người cầu nguyện). Giáo hội tự hiến bản thân mình như Chúa Ki-tô, Đấng dang rộng đôi tay trên Thập Giá, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, và đại diện cho tất cả nhân loại“ (SGLHTCG, 1368). Giáo hội là người cầu nguyện. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng, Giáo hội là Giáo hội cầu nguyện. Có một đoạn trong sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: Khi ông Phê-rô bị giam trong ngục, thì “cộng đoàn Ki-tô hữu đã không ngừng cầu nguyện cho ông“. Giáo hội là người cầu nguyện, là Giáo hội cầu nguyện. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, thì có nghĩa là chúng ta trở thành một Giáo hội cầu nguyện.

Kinh Nguyện Thánh Thể cầu xin Thiên Chúa quy tụ tất cả mọi con cái Ngài trong Đức Ái hoàn hảo, hiệp nhất với Đức Thánh Cha và với Giám mục, các Ngài sẽ được nêu tên như là một dấu chỉ cho thấy rằng, chúng ta cử hành Thánh Lễ trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và với Giáo hội địa phương. Lời cầu nguyện cũng như hy tế được dâng lên Thiên Chúa để cầu cho tất cả mọi chi thể của Giáo hội, những người còn đang sống cũng như những kẻ đã qua đời, và với niềm hy vọng thánh thiêng, mong chờ sẽ được chia sẻ gia nghiệp nước Trời cùng với Đức Trinh Nữ Maria (xc. SGLHTCG, 139-1371).

Không có bất cứ điều gì cũng như không có bất cứ ai bị lãng quên trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng tất cả đều sẽ được đưa về cùng Chúa, như bài tụng ca được hát lên vào lúc cuối Kinh Nguyện Thánh Thể, nhắc nhớ. Không ai bị lãng quên. Và nếu tôi có bất cứ một người nào đó, người họ hàng hay bạn bè mà họ đang gặp cảnh khốn khó, hay vừa mới bước ra khỏi thế gian này, thì tôi có thể nêu tên họ trong khoảnh khắc đó, gọi tên họ trong lòng và trong âm thầm, hay ghi tên của những người cần được nhắc đến, ra giấy. “Thưa Cha, vậy con phải trả bao nhiêu tiền thì tên của con mới được nhắc đến trong lúc đó?“ – “Không mất gì hết!“ Anh chị em có hiểu không? Không mất gì hết! Không phải trả một xu nào cả! Không phải thanh toán cho Thánh Lễ. Thánh Lễ là hy tế của Chúa Ki-tô, mà hy tế đó thì nhưng không. Ơn cứu độ thì nhưng không. Nếu bạn muốn dâng cúng, thì bạn cứ việc làm, nhưng bạn đừng thanh toán bất cứ điều gì. Hiểu được như thế là rất quan trọng.

Có lẽ hình thức Kinh Nguyện được hệ thống hóa xem ra có vẻ là một cái gì đó khá xa lạ đối với chúng ta. Đúng vậy, nó là một hình thức rất cổ xưa. Nhưng nếu chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa của nó thì rồi chắc chắn chúng ta sẽ tham dự vào đó tốt hơn. Vì nó diễn tả tất cả những gì mà chúng ta thực hiện trong phần Phụng Vụ Thánh Thể; và ngoài ra, nó còn dậy chúng ta quan tâm tới ba thái độ không bao giờ được thiếu nơi các môn đệ của Chúa Giê-su. Ba thái độ đó là: thứ nhất, để “tạ ơn luôn luôn và khắp nơi“, cụ thể là không chỉ làm điều đó ở những nơi hay trong những cơ hội nhất định, khi tất cả mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp; thứ hai, biến cuộc sống chúng ta thành một của lễ Tình Yêu tự do và nhưng không; thứ ba, kiến tạo sự hiệp thông cụ thể trong Giáo hội và với tất cả mọi người. Lời Kinh có tính trung tâm này của Thánh Lễ sẽ dần dần huấn luyện chúng ta để chúng ta biết biến toàn bộ cuộc sống mình thành một “Eucharistie“, tức thành một Bài Ca Tạ Ơn.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư, ngày mồng 07 tháng 03 năm 2018

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon