LỄ PHỤC SINH, NĂM B
LỜI CHÚA: Ga 20,1-9
Những người không có niềm tin đều cho rằng chết là hết. Họ quan niệm con người cũng như con vật sẽ bị rữa nát thành bùn đất sau khi chết. Chính vì nghĩ như thế nên họ sống buông thả và tìm hạnh phúc đời này trên sự bất công, trong những công việc bất chính…Một người bỏ đạo lâu năm trả lời tôi: Tôi chết rồi muốn vất tôi ở chỗ nào cũng được. Tôi không cần ai an táng vì tôi cũng thối rữa như mọi sinh vật. Bà nói điều đó với một thái độ rất bàng quang không sợ chết, cũng như không quan tâm gì đến bốn sự sau như niềm tin của những người tin Chúa. Hôm nay sự kiện Chúa Phục Sinh hẳn làm đảo lộn những suy tư và thái độ sống như thế.
Sống trong một thế giới tục hóa, người ta tìm mọi cách để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Như thế người ta sẽ yên ổn hơn khi tìm hạnh phúc nơi thế giới mau qua và phù du này. Người ta tìm mọi cách để sống và rất sợ chết. Tần Thủy Hoàng là vua đầu tiên của Trung Hoa, rất tàn ác, giết người không ghê tay, vua sẵn sàng giết người thân cận, ám sát hoàng thân, thiêu đốt dân quân để đoạt mộng làm chủ thiên hạ. Nhưng ông lại bị ám ảnh bởi cái chết nhiều nhất. Chính vì thế mà ông rơi vào hoang tưởng với giấc mơ bất tử. Ông trở nên điên khùng tìm thuốc trường sinh. Nếu thần y nào không tìm được thứ thuốc này sẽ bị giết. Sợ chết đến nỗi ông phải chuẩn bị cho mình một vương quốc ở thế giới bên kia bằng cách xây dựng một lăng mộ vĩ đại có kho tàng báu vật, có cung điện nguy nga, có cung tần mỹ nữ, có phò mã, binh đội để bảo vệ nhà vua ở thế giới bên kia.
Thật là rồ dại, ngu xuẩn! Những con người bằng đất nung vô hồn ấy, những cung điện nguy nga bằng gạch chết ấy, có theo nhà vua về một thế giới khác hẳn với thế giới này của chúng ta không, một thế giới vượt không gian và thời gian., một thế giới tồn tại vĩnh hằng không đong đếm bằng thời gian có cùng, một vương quốc hạnh phúc vô song trong tình yêu bất diệt. Nếu Tần Thủy Hoàng sợ chết sao ông không tìm đến thuốc trường sinh bất diệt này. Thuốc này sẽ giúp ông được hưởng sự bình an, hạnh phúc mà ngai báu, quyền lực không thể cho ông.
Hôm nay khi sống lại Chúa đang nói với mỗi người chúng ta, những người đang mải miết dong duổi tìm thuốc trường sinh để thỏa mãn những đăm mê trần tục của mình rằng: Thiên Chúa không chết. Chúa Giê-su bước vào thế giới tối tăm của sự chết nhưng Ngài đã chỗi dạy vinh quang trong vương quốc bất diệt. Ngài đã đánh bại tử thần, và Ngài mời chúng ta đi vào con đường của Ngài để được trường sinh bất tử. Chúa Giê-su đã chỗi dạy trong xác thịt của chúng ta. Ngài đã chết cái chết của chúng ta và cái chết này đã bị đánh bại. Dẫu cái chết có tạo nên một thách đố lớn cho Đức tin của chúng ta vì chúng ta chỉ thấy cái chết như một hầm tối ghê sợ, nhưng Đấng Phục Sinh vẫn ở với ta để củng cố niềm tin của ta. Dẫu sức mạnh của tử thần ám ảnh đe dọa và phủ lấp chúng ta mọi nơi, nhưng Đấng Phục Sinh đang nói với chúng ta: Ta đã toàn thắng, âm phủ và sự chết đã bị đánh bại. Từ nay chúng ta không phập phồng sợ hãi như những kẻ không có niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Một người đạo phật ở cạnh nhà tôi, bà rất sùng Phật, bà có người con gái tu chùa. Một hôm bà hỏi người con gái: Mẹ thấy người công giáo nói Chúa của họ phục sinh và con người ngày sau sống lại. Sao đạo mình không thấy nói như thế? Ni cô, con bà, mắng bà. Từ đó không bao giờ bà thắc mắc nữa. Và tôi cũng không có cái duyên để nói chuyện niềm tin của mình với bà. Nhưng tôi tin rằng cái thắc mắc bình dân này của bà chắc chắn một ngày nào đó Chúa sẽ cho bà biết chân lý này.
Thế giới ngày nay còn rất nhiều người không tin vào sự phục sinh nên họ cố bám víu vào cuộc sống đời này và giải quyết cuộc đời theo chiều hướng vô thần. Thật tội cho những con người không có niềm tin! Khi đi sứ vụ tôi thấy người ta tất bật lo toan cho cuộc sống và trên gương mặt của họ biểu lộ một sự lo lắng mất bình an. Tôi thương những con người ấy! Tôi thấy họ thật bất hạnh khi không có chỗ dựa dẫm, không có neo để giữ con thuyền tròng trành trước sóng gió. Một em thanh niên nói với tôi: Con phải tìm cho mình một chỗ dựa tâm linh. Con thấy các ông giám đốc của con ngày Chúa nhật đi lễ; họ có chỗ dựa. Còn con thì không.
Phê-rô và Gioan trong Tin Mừng hôm nay cũng không tin vào sự phục. Các Ngài không thể tin vào điều mà từ trước đến nay chưa hề xẩy ra cho một người đã chết. Điều này thật mới mẻ và lạ lùng ngoài trí tri của các Ngài. Khi an táng Chúa xong, các Ngài chỉ nghĩ một điều thông thường như mọi người: Thày nằm yên trong mồ rồi, mọi mơ ước của các ông tan tành, nên khi nghe Maria Madalenna báo tin, các ông hối hả chạy đến mồ để kiểm chứng sự việc. Hồ nghi và không tin vào những người, những phụ nữ, mà các ông cho rằng luôn sống trong hoang tưởng , nhiều tưởng tượng. Hơn nữa là môn đệ của Chúa, các ông phải rao truyền và làm chứng cho Tin mừng vĩ đại này, thì chính các ông phải thấy tận mắt, phải sờ đụng, phải cảm nghiệm. Không chần chừ, Phê-rô, rồi Gioan bước vào. Họ thấy xác Thày không còn, khăn liệm cuốn gọn xếp riêng ra một nơi. Gioan đã tin. Sự phục sinh của Chúa Giê-su đã áp đặt từ bên ngoài qua những dấu chỉ thực tế đến nỗi Gioan đã nhận ra ngay.
Hai Ngài đã nhận được Tin Mừng trọng đại này qua sự loan tin của Madalenna, một người tội lỗi đã được Chúa biến đổi. Chúa đã hiện ra với bà trước tiên và trao trọng trách chuyển trao sứ điệp, vì chính qua cái chết và sự Phục sinh, Chúa Giê-su đã hoàn thành việc cứu độ nhân loại. Con người phạm tội, cái chết thống trị thì hôm nay tình thế lật ngược: tội lỗi được tha và sự sống ngự trị. Cũng trong ý nghĩa này, mà Chúa Giê-su đã chọn Phê-rô, là người tội lỗi trong các anh em, tội chối Thày, để làm mục tử của các mục tử. Lý do Chúa chọn như thế vì sứ mạng của các Tông Đồ là loan báo lòng thương xót, sự tha thứ của Thiên Chúa. Ai có thể xác quyết hơn anh em mình nếu không phải là người đã cảm nghiệm sâu sa tội lỗi của mình đã được tha thứ. Tội lỗi thay vì dìm chúng ta trong thất vọng, trong sự cắn rứt, Đấng Phục Sinh dạy chúng ta sự thống hối sẽ mang lại cho chúng ta sự bình an, hạnh phúc òa vỡ trong tình yêu.
Sự Phục Sinh của Đức Ki-Tô mạc khải cho chúng ta biết rằng cuối con đường nhân loại này không phải là sự chết. Như thế, chúng ta không được tìm hạnh phúc nơi cuộc đời mau qua, vì trái đất này đang thay đổi bộ mặt của nó để tiến dần đến một cuộc sống vĩnh hằng viên mãn. Cuộc sống đời này chỉ là phương tiện để chúng ta đạt tới mục đích tối hậu là chính Thiên Chúa.
Biến cố Phục sinh đã làm bùng nổ Tin Mừng vĩ đại: Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-Tô từ trong kẻ chết sống lại thì cũng cho chúng ta sau này sẽ được phục sinh. Đấng Phục Sinh sẽ biến cái vũ trụ mau qua này thành thế giới vĩnh cửu trường tồn. Tội đã làm cho con người đau khổ, phải chết, nhưng Đấng Phục Sinh đã đánh bại nó và mang lại sự sống thật cho chúng ta. Dẫu ngày nay con người vẫn bị đau khổ bủa vây tư bề, nhưng nước vĩnh cửu đang đến, một thế giới mới, trong đó mọi người được sống trong tình yêu viên mãn của Cha và anh em. Đấng Phục sinh sẽ biến đổi thế gian tội lỗi thành thánh thiện; biến tuyệt vọng thành hy vọng; biến cuộc đời cay đắng thành Thiên Đường.
Thật hạnh phúc thay cho những người tin Chúa, vì cuộc sống của họ sẽ tròn đày ý nghĩa. Chúa đã phục sinh, chúng ta sẽ được như Ngài. Mọi đau khổ, khốn đốn, bất hạnh, tủi nhục rách nát, chết chóc…Không sao cả! Chúng ta sẽ được đền bù ngoài sự mơ ước của chúng ta như thánh tông đồ đã cảm nghiệm và Ngài thốt lên trong sự kinh ngạc: “ Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề cảm”.
Xin Đấng Phục Sinh mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta cảm nghiệm được điều cao siêu này, để chúng ta hân hoan tiến bước cách tin tưởng, vì Anh Cả của chúng ta đã đi trước, mở đường cho chúng ta bước theo Ngài.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu