Ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng bị mất cảnh giác
Bởi: Fr. George Montague
Trời lạnh. Trời tối. Tôi đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong một tháng. Hoặc mặt trăng hoặc ánh sáng sao. Tôi không thể nói thời gian như thế nào ngoại trừ một bữa ăn cho tôi biết rằng đó phải là giữa ban ngày. Khi Hêrôđê đến hỏi tôi những câu hỏi, tôi đoán lúc đó phải là ban đêm bởi vì ông ta đã trốn bà Hêrôđia, bà chê ghét những gì tôi nói.
Chào mừng các bạn đến với hầm ngục tại pháo đài Machaerus. Vâng, Thật đáng thương ở đây. Nhưng tôi chưa bao giờ quý trọng món quà thời gian nhiều như tôi đang trân quý bây giờ. Thời gian đã cho tôi cơ hội để suy ngẫm – và có nhiều điều tôi cần suy ngẫm. Tôi rời làng của tôi ở vùng đồi bên ngoài Giêrusalem để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa vào sống trong sa mạc. Nhưng bây giờ, tôi đang vật lộn với cùng một Thiên Chúa đó và cùng sự kêu gọi đó. Không phải về việc tôi đang ở trong tù. Không, tôi tự hỏi không biết tôi có làm đúng nhiệm vụ của tôi hay không.
Tất cả những năm này, tôi đã học hỏi các tiên tri và đang kêu gào, tôi nói với mọi người rằng Đấng Cứu Thế đang đến. Tôi nài xin họ hối cải hoặc nếu không họ sẽ có nguy cơ bị thiêu đốt bởi ngọn lửa phán xét của Thiên Chúa. Nhưng các môn đệ của tôi đã nói rằng sứ vụ của Đức Giêsu – người anh em họ của tôi, dường như không phù hợp với những gì tôi đã nói. Người là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa? Nếu vậy, vương quốc của Thiên Chúa sẽ như thế nào?
Không phải điều tôi mong muốn. Hãy để tôi giải thích. Trở lại ơn gọi của tôi từ thời thơ ấu. Cha tôi là một tư tế – không phải bởi sự truyền chức mà là bởi sự sinh hạ (cha truyền con nối). Ngay khi cha bắt đầu dạy tôi Kinh Torah, thì tôi đã yêu mến các vị ngôn sứ. Vị ngôn sứ yêu thích của tôi là Giêrêmia, bởi vì ông là một vị ngôn sứ của sự phán xét. Tôi đã bị quyến rũ bởi câu chuyện của Giêrêmia và cách ông nói rằng sa mạc là nơi Thiên Chúa sẽ bắt đầu làm mới lại dân của Người. Giêrêmia chưa bao giờ kết hôn. Tôi cũng cảm thấy một người vợ và gia đình sẽ cản trở cho ơn gọi của tôi.
Không lâu sau thời bar mitzvah[1] của tôi, cha mẹ tôi về với Chúa. Những người thân đã đề nghị nuôi tôi, nhưng tôi có những lý tưởng khác. Rất nhiều người ở Israel đã tự xưng họ là dân của Đức Chúa nhưng lại vi phạm các mệnh lệnh của Người. Họ nghĩ rằng Chúa không quan tâm. Ngay cả một số tư tế ở Đền thờ cũng nghĩ rằng sự hy sinh của họ là đủ để họ làm hài lòng Chúa. Vì vậy, nhiều người cho mình là tuân giữ luật khi đến kỳ cử hành các nghi thức yêu quý của chúng tôi, nhưng thực ra đã rất thiếu sót khi nói đến sự thanh khiết của tâm hồn.
Thần Khí của các ngôn sứ đã đánh động tôi. Ngọn lửa phán xét quá gần đến mức tôi có thể cảm nhận được sức nóng của nó. Tôi rời khỏi ngôi làng ấm cúng của tôi được bao quanh với những vườn nho và tôi đi tới sa mạc cạnh vùng Giodan. Giống như một con sư tử trong sa mạc, tôi bắt đầu gầm lên. Cuối cùng, mọi người từ mọi nơi tuốn đến, ngay cả từ Giêrusalem, để nghe những gì tôi phải nói. Một số người trong số họ đã trở thành môn đệ của tôi. Tiếng kêu của tôi “Hãy ăn năn sám hối!” đã chạm đến nhiều người, và họ xếp hàng để thú nhận tội lỗi của họ và được thanh tẩy trong dòng sông.
Tôi biết đây là một cuộc cách mạng. Đó không phải là loại nghi thức rửa sạch mà mọi người đã làm trong mikvoth[2] trước khi vào Đền thờ. Đó không phải là một lời lễ tế tạ tội để bù cho những lỗi lầm của một người. Đó là một sự chuẩn bị cho vương quốc và cho Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa. Một số người nghĩ Người là một vị vua xâm chiếm. Cho dẫu, không phải tôi. Tôi tin Người là một vị thẩm phán thánh thiện.
Vì thế, bạn có thể tưởng tượng tôi bị sốc khi vị thẩm phán này, Đức Giêsu Nazarét, đến để xin rửa tội! Vào một ngày nóng bức và dòng người quá dài đến nỗi tôi không thể nói ai đang tham dự. Bỗng nhiên, tôi nhìn lên và Người ở đó là: Đấng Cứu Thế (Mêsia), Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Tôi nghĩ: “Điều này không đúng”.
Một Phép Rửa của Cuộc Sống Mới. “Xin chờ!”, tôi buột miệng. “Tôi cần phải được rửa tội bởi Ngài, nhưng Ngài đang đến với tôi như là một kẻ ăn năn như những người khác”.
Người từ trên bờ bước xuống vào dòng sông lầy lội và lội về phía tôi. Với giọng nói trầm, tôi thưa với Người: “Tôi không nên làm điều này. Thậm chí, tôi còn không xứng đáng để cởi dây xăng đan của Ngài”.
Người phản đối: “Nhưng điều đó là đúng”. “Tôi đến vì tội lỗi của dân tộc tôi và của cả thế giới. Thật vây, tôi nói với anh, Gioan, tôi sẽ thay thế vị trí của họ trước mặt Chúa Cha”. Tôi co rúm lại với ý nghĩ rằng số phận cháy bỏng mà tôi đã nói tiên tri có thể chạm vào Người – vào máu thịt của chính tôi.
Khi tay tôi nhẹ nhàng đặt lên đầu Đức Giêsu rồi ấn xuống dưới nước, cứ giống như Người sắp chết. Nó như thể Người bị bao phủ bởi tất cả tội lỗi của nhân loại. Nhưng Người không ở lại lâu. Khi Người ngẩng đầu lên, Người đang rạng rỡ với sự sống và niềm vui. Các tội lỗi đã bị dìm chết. Đó là cách Đức Giêsu muốn điều đó.
Thế rồi, ba điều đã xảy ra. Tôi thấy bầu trời bị chia làm hai và phát ra ánh sáng chói lòa. Một con chim bồ câu đậu xuống trên đầu Đức Giêsu, khiến tôi nghĩ đến con chim bồ câu đã trở về với Noe để thông báo một sự sáng tạo mới. Và rồi có tiếng nói: “Đây là Con yêu quý của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (Mt 3,17).
Tôi cảm thấy như tôi đã dìm chính mình xuống – không phải trong nước, nhưng trong một tình yêu lớn lao và mạnh mẽ. Trong một khoảnh khắc, tôi quên mất những cán cân của sự phán xét. Tôi quên mất ngọn lửa của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Đây thực sự là một điều gì đó lớn hơn và huyền nhiệm hơn những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho tôi. Ngày hôm đó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc hành trình của chúng tôi: Sứ vụ của Người, sự khám phá của tôi.
Sau khi chúng tôi chia tay, tôi tiếp tục nhịn ăn, cầu nguyện và rao giảng. Trong khi đó, một số môn đệ tốt nhất của tôi rời tôi để đến với Đức Giêsu. Tôi biết điều đó sẽ xảy ra. Nhưng trong khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng cho các thành phố, thì tôi rao giảng trong sa mạc. Đó là nhà của tôi và là nơi tôi cảm thấy Thiên Chúa kêu gọi tôi chuẩn bị con đường của Đức Chúa. Tôi không biết cách nào khác.
Sứ Vụ của Lòng Thương Xót. Một ngày nọ, một người sám hối đến thông tin một lần nữa với sự khẳng định sự cần thiết phải thực hiện một cuộc sám hối cho công chúng. Vua Hêrôđê Antipa đã đánh cắp và kết hôn với vợ của anh trai mình. Khi chiếc xe ngựa hoàng gia đi qua vài ngày sau đó, tôi đã hét lên: “Ngài không được phép lấy vợ của anh trai mình! Hãy ăn năn hối cải!”. Ngày hôm sau, binh lính của Hêrôđê đến và đưa tôi đến Machaerus.
Thiên Chúa thì động lòng trắc ẩn, cho dẫu, bởi vì Hêrôđê tỏ cho thấy tính tò mò của ông. Thậm chí, vua còn đến thăm tôi tại ngục tối với những câu hỏi. Và vua cho phép các môn đệ của tôi đến thăm tôi. Tháng trước, tôi yêu cầu họ trở lại Galilê và tìm kiếm những dấu hiệu của sự phán xét của Thiên Chúa mà tôi cảm thấy chắc chắn Đức Giêsu đang thực hiện. Tôi nói với họ: “Người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Rồi tôi nói: “Hãy trở lại cho thầy biết về cách Người làm điều đó”.
Họ trở lại ba tuần trước đây và tôi đã choáng váng trước những gì họ thuật lại. Đức Giêsu không chỉ chữa lành cho mọi người, Người còn đi ngồi đồng bàn với các tội nhân khét tiếng như những người thu thuế. Người đang điều chỉnh các kinh sư và các tư tế trong Đền thờ và bảo vệ những phụ nữ ngoại tình trên đường phố.
“Lạy Thiên Chúa” tôi hỏi, “Tôi có đọc nhầm Kinh thánh không? Làm sao Người có thể là Đấng Cứu Thế được?”
Tôi đã vật lộn với câu hỏi đó qua nhiều đêm không ngủ. Sứ vụ của Đức Giêsu không phải là điều tôi mong đợi. Tôi đã chỉ sai người rồi sao? Phải chăng niềm hy vọng của tôi đặt nơi Đức Giêsu là sai lầm? Tôi cần phải biết liệu công việc của cuộc đời tôi có vô ích hay không. Cuối cùng, tuần trước, tôi đã quyết định sai các môn đệ của tôi đến hỏi Đức Giêsu một câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Câu trả lời của Người sẽ quyết định mọi sự.
Tin Tốt Lành Được Công Bố! “Vậy Đức Giêsu đã nói gì?” Tôi hỏi các môn đệ của tôi một cách lo lắng ngay khi họ quay trở lại.
“Ngài nói Ngài là một vị ngôn sứ và hơn cả một vị ngôn sứ nữa”, họ trả lời.
“Vâng, nhưng Ngài có phải là vị ngôn sứ mà các ngôn sứ đã báo trước không?” Tôi hối thúc họ: “Ngài là Đấng sẽ mang vương quốc của Thiên Chúa đến chứ?”
Họ nói với tôi điều Đức Giêsu đã nói với họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22) . Và rồi, Người nói thêm: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,23).
Dòng cuối cùng đó làm se thắt trái tim tôi. Làm sao tôi có thể hiểu lầm Người? Đức Giêsu đang phán: “Hãy nhìn vào kết quả sứ vụ của tôi. Con người được phục hồi, được ban cho hy vọng và thăng tiến với cuộc sống dư đầy”. Đấng Cứu Thế đến với mục đích vinh hiển hơn tôi từng nghĩ. Bây giờ, tôi nhận ra rằng tôi đã không chỉ hiểu lầm Đức Giêsu, tôi còn hiểu sai về các ngôn sứ, ít nhất là đã không chú ý cuộc sống mới mà họ đã báo trước. Đức Giêsu không chỉ trích dẫn lời hứa của ngôn sứ Isaia, Người đã hoàn thành nó theo đúng những gì mà tất cả các ngôn sứ đều nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngay cả người anh hùng của tôi, Giêrêmia cũng đã nói: “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng” (31,9). “Ta đã yêu người bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”(31,3).
Tôi cảm thấy nước mắt trào dâng trong mắt mình. Có lẽ vì tôi bắt đầu nhìn thấy bằng đôi mắt của Đức Giêsu. Ký ức về phép rửa của Người trở lại với tôi. Lòng tôi đang ấm lên. Tôi thấy trời mở ra và chim bồ câu đậu xuống. Tôi nghe tiếng của Chúa Cha và lòng thương xót của Người làm tôi cảm động. Đó không phải sự phẫn nộ, nhưng là tình yêu sẽ thắng thế gian. Tôi đã đe dọa bằng sự phán xét và tập hợp một số ít môn đệ. Còn Đức Giêsu, Người thương xót và cả thế giới chạy đến với Người. Ngay cả với những dây xích này, tôi cũng sẽ chạy.
Cha George Montague, SM, dạy tại trường Đại học St. Mary ở Texas.
Theo The Word Among Us
Advent 2018 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
[1] Bar mitzvah: con trai Do Thái đến tuổi 13, đảm đương những trách nhiệm tôn giáo như người lớn.
[2] Mikvoth: Bồn tắm nghi lễ Do Thái, trong đó mọi người đắm mình trong những dịp đặc biệt; Bồn tắm nghi thức Do Thái, trong đó phụ nữ Do Thái đắm mình để đạt được sự tinh khiết nghi thức sau khi hành kinh hoặc sau khi sinh.