Một Hiến Lễ Tình Yêu
Chia sẻ trong “hành động phục vụ nhân từ” của Chúa Giêsu
Thánh Phaolô có nhiều vai trò: tông đồ, nhà truyền giáo, mục tử, nhà thần học, người bắt bớ các tín hữu đã cải đổi. Nhưng có một vai trò khác mà không phải ai cũng nhận được nhiều sự chú ý: người đầy tớ của những người nghèo. Phaolô đã nhận danh hiệu đó khi một số tín hữu từ Giêrusalem đến thăm ông và Banaba ở Antiôkia. Một trong những du khách, một người tên Agabô, đã nói tiên tri. Ông “được Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp cả thiên hạ” (Cv 11,28).
Lo lắng cho giáo hội Do Thái-Kitô giáo ở Giêrusalem, nơi đang phải chiến đấu với cảnh nghèo đói, các kỳ mục ở giáo hội Antiôkia, bao gồm nhiều Kitô hữu người ngoại, đã quyết định quyên góp giữa các giáo hội khác để giúp đỡ. Sau đó, họ ủy thác cho Phaolô và Banaba đến thăm những giáo hội này để thu thập các khoản quyên góp và đưa trở lại cho giáo hội ở Giêrusalem.
Như đã làm với mọi thứ khác, Phaolô xem sự quyên góp này là một cơ hội để phục vụ. Đó cũng là cơ hội để các tín hữu trải nghiệm sâu sắc hơn ý nghĩa của việc thuộc về Chúa Giêsu và dân của Người. Bằng cách nhận lấy những quyên góp cho các giáo hội ở Giêrusalem, các tín hữu trên khắp thế giới sẽ có thể kết hợp với nhau như một thân thể trong Chúa Kitô.
Bằng cách khuyến khích độc giả của mình về món quà của lòng quảng đại, Phaolô cũng đã cho chúng ta một bài học về ý nghĩa của việc yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương và phục vụ chúng ta. Ngay cả những hành động phục vụ trần tục nhất mà chúng ta thực hiện như là quyên góp để hỗ trợ người nghèo hoặc nấu bữa tối cho gia đình của chúng ta, cũng đều có giá trị tinh thần to lớn. Đó là cách chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa những món quà mà Người đã ban cho chúng ta bởi vì tất cả những gì chúng ta là và mọi thứ chúng ta có đều đã đến từ Chúa.
“Hành động nhân từ” này. Phần lớn, những nỗ lực chăm sóc cho cộng đồng Giêrusalem đã thành công. Giáo hội mà sau khi các giáo hội khác đã đồng ý dành một số tiền vào mỗi Chủ nhật trong buổi cử hành Thánh Thể của họ và trao số tiền đó cho Phaolô khi ông đến. Nhưng Phaolô đã không thành công ở Côrintô. Các tín hữu ở đó lúc đầu rất tốt, nhưng sau đó sự nghi ngờ đã len lỏi vào trong họ. Vì thế, họ tạm dừng việc quyên góp.
Phaolô nhận ra rằng những người Côrintô là những tín hữu chân thành và ngay cả khi họ mắc sai lầm, họ vẫn cố gắng sống theo đức tin của mình. Do vậy, ông đã nhắc nhở họ về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ và cầu xin họ: “Anh em cũng phải trổi vượt về hành động bác ái này” (2 Cr 8,7). Sau đó, một lần nữa, Phaolô nhắc nhở họ: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).
Phaolô đã sử dụng cùng một từ Hy Lạp, charis (bác ái), để diễn tả cả việc đóng góp tiền của của họ và việc Chúa Giêsu tự hiến mình trên thập giá. Ngài nói với họ rằng đây không phải là vấn đề tài chính. Đó là một vấn đề tâm linh. Đó là một cơ hội cho những người ở Côrintô phục vụ anh chị em của họ trong Chúa Kitô. Đó cũng là cơ hội để họ kết hiệp chặt chẽ hơn với Chúa. Bằng cách quyên góp cho giáo hội ở Giêrusalem, họ sẽ tự hiến mình để nâng những người khác lên giống như Chúa Giêsu đã làm trên thập giá.
Chúng ta không thường xuyên nghĩ về một điều gì đó như việc đóng góp tiền của trong lĩnh vực tinh thần như vậy. Bởi vì phần lớn cuộc sống của chúng ta tập trung vào các giao dịch tài chính, chúng ta có thể nghĩ đến việc quyên góp từ thiện hoặc quyên góp cho nhà thờ của chúng ta theo cách chức năng tương tự, chúng ta dâng tiền như một loại tiền lương cho vị mục tử của chúng ta và trả tiền cho các hội đoàn khác nhau trong giáo xứ của chúng ta. Điều đó có thể đúng, nhưng nó cũng có một ý nghĩa tinh thần, và đối với bất kỳ sự phục vụ nào chúng ta thực hiện đều là “hành động bác ái”.
Bằng Trái Tim Của Chúng Ta. Một lần, khi Chúa Giêsu đang ăn tối tại nhà của một trong những người Pharisêu, ông chủ nhà nhận thấy rằng Chúa Giêsu không thực hiện nghi thức rửa tay trước bữa ăn. Nhận ra người đàn ông có ý nghĩ không tốt, Chúa Giêsu quay lại phía ông ấy. Người nói: “Thật, nhóm pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà” (Lc 11,39). Chúa Giêsu biết rằng người Pharisêu này, trong khi trung thành với các quy tắc bên ngoài của Luật Môsê, lại đã không sống theo Luật đó trong lòng mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã đề cập đến tâm hồn của ông: “Tốt hơn hãy bố thì những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc 11,41).
Đây là sự khác biệt thực sự giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu. Cả hai có lẽ đã làm những việc bố thí cho người nghèo, đó là nghĩa vụ của mọi người Do Thái. Nhưng Chúa Giêsu có thể nói rằng ông chủ nhà của Chúa quan tâm đến việc tuân giữ các nghi lễ của Chúa Giêsu hơn là tâm hồn của chính ông. Người Pharisêu có thể đã cho tiền, nhưng ông không thực sự bố thí. Ông đã không cho bằng trái tim của mình. Ông đã không hy sinh vì tình yêu dành cho Chúa và những người nghèo yêu dấu của Chúa.
Cho dù chúng ta đang phục vụ một người bị bệnh hoặc người túng thiếu, Chúa Giêsu muốn chúng ta cho bằng trái tim. Chúa muốn chúng ta phục vụ như Chúa đã phục vụ, không phải vì nghĩa vụ hay thói quen, mà là vì tình yêu.
Lời nói của Chúa Giêsu đối với người Pharisêu này giống như lời của Thánh Phaolô đối với người Côrintô. Thông qua sự dâng hiến quảng đại, nhưng không và chân thành, chúng ta trao tặng “những hành động bác ái” của tình yêu phục vụ cho những người đang túng thiếu. Và khi chúng ta làm, chúng ta kết hiệp chính mình với Chúa Giêsu.
Một Của Lễ Sống Động. Trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật, có một cuộc quyên tiền (xóc giỏ), khi chúng ta dâng bánh và rượu sẽ được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Cùng với bánh và rượu này, chúng ta cũng dâng số tiền đã quyên góp. Vị linh mục, sau khi chúc lành cho lễ vật, mời chúng ta cầu nguyện rằng: “(để) của lễ tôi và của anh chị em có thể được Thiên Chúa chấp nhận”.
“Của lễ” đó không chỉ là bánh và rượu. Nó bao gồm tất cả mọi thứ chúng ta vừa tiến dâng, cùng với tất cả mọi thứ mà của lễ của chúng ta đại diện. Việc quyên tiền là cơ hội của chúng ta để kết hiệp tất cả các sự hy sinh trong cuộc sống của chúng ta, việc quyên tiền và mọi của lễ mà chúng ta dâng nhân danh Chúa – nơi bánh và rượu. Đó là cơ hội của chúng ta để đặt chính cuộc sống của chúng ta lên bàn thờ và dâng chúng cho Chúa như một của lễ (sự hy sinh) sống động, giống như Chúa Giêsu đã làm (Rm 12,1).
Hãy ghi nhớ điều này khi bạn tham dự Thánh lễ. Trong phần dâng các món quà, hãy nhớ rằng bạn là một phần không thể thiếu trong việc cử hành vì bạn là một phần không thể thiếu của lễ vật. Sau đó, khi bạn lãnh nhận Chúa Giêsu khi rước lễ, hãy biết rằng bạn cũng đang nhận lại cuộc sống của chính mình, và cuộc sống ấy chỉ được biến đổi, làm cho tràn đầy và ban phúc lành bởi Chúa Thánh Thần. Bạn đã cho dâng cho Chúa kho báu của bạn, trái tim của bạn, tâm trí của bạn và cuộc sống của bạn, và Chúa đã chấp nhận chúng và chúc lành cho chúng, để bạn có thể ra đi yêu thương và phục vụ Chúa và những người xung quanh bạn.
Kinh thánh thúc giục chúng ta: “Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối Cao tùy theo những gì Người ban tặng và tùy theo khả năng con có. Vì Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần” (Hc 35,9-10). Điều này thì quá nhiều hơn so với một giao dịch đơn giản. Đây là một hành động của tình yêu và phục vụ mà Thiên Chúa chấp nhận và biến đổi. Đây không kém gì một cuộc trao đổi thiêng liêng!
Tất Cả Vấn Đề. Là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phục vụ theo vô số cách. Hãy biết rằng Chúa hài lòng với tất cả những gì bạn làm cho những người khác. Cũng biết rằng mỗi hành động phục vụ, cho dù nó có vẻ tầm thường như thế nào đối với bạn, đều có ý nghĩa tâm linh trong mắt của Chúa. Thông qua các hành vi phục vụ, bạn dâng chính mình cho Chúa. Bạn dâng lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho bạn. Bạn kết hiệp chính mình với Chúa và với những người bạn phục vụ.
Cũng biết rằng Thiên Chúa yêu thích khi bạn trao tặng cho mọi người bằng trái tim của bạn, cho dù đó là tiền của bạn, thời gian của bạn, sự tha thứ của bạn, lời cầu nguyện của bạn, sự đồng hành của bạn, hoặc sự thông cảm và lòng trắc ẩn của bạn. Chúa yêu thích khi bạn đi tới với những người đang bị tổn thương và lo lắng với sự bình an mà Chúa đã ban cho bạn.
Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống một cuộc đời phục vụ vì mỗi Kitô hữu được mời gọi theo bước chân của Thầy mình. Đó là cuộc sống được Chúa chúc lành. Xin cho tất cả chúng ta trở thành những người tôi tớ có trái tim của Chúa Giêsu.
Giáo Huấn về sự Phục Vụ của Chúa Giêsu
Mt 25,40: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
Ga 12,26: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”
Mc 10,45: “ Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
Lc 6,38: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em”.
Mt 25,21: “Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”
Mt 23,11: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.
Mc 12,43-44: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.
Theo the Word Among us
February 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương