Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 24.04.2019: Kinh Lạy Cha (XIV – Trang 14) – Hết

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 05.12.2018: Kinh Lạy Cha (I)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loại bài Giáo Lý mới về Kinh “Lạy Cha”. Các Tin Mừng đã lưu lại cho chúng ta một bức chân dung rất sống động về Chúa Giê-su với tư cách là một con người cầu nguyện: Chúa Giê-su cầu nguyện. Bất chấp sự khẩn thiết nơi sứ mạng của Ngài cũng như sự xô lấn của nhiều người muốn đến được với Ngài, Chúa Giê-su vẫn cảm thấy cần phải đi vào một nơi tĩnh mịch để cầu nguyện.

Tin Mừng theo Thánh Mác-cô tường thuật lại cho chúng ta biết về chi tiết nêu trên ngay từ khi khởi đầu đời sống hoạt động công khai của Chúa Giê-su (xc. Mc 1,35). Ngày đầu tiên của Chúa Giê-su tại Caphanaum đã kết thúc với một cách thức đầy huy hoàng. Khi mặt trời vừa lặn, vô vàn bệnh nhân đã kéo tới trước cửa nhà, nơi Chúa Giê-su đang hiện diện: Đấng Messias loan báo Tin Mừng và chữa lành. Những lời tiên báo thuở xưa và những mong chờ của những con người khổ đau nay đã được ứng nghiệm: Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa gần gũi, Đấng giải phóng chúng ta. Nhưng đám đông vẫn còn bé so với rất nhiều đám đông khác mà họ sẽ tập trung lại xung quanh vị Ngôn Sứ làng Nazareth; trong một ít phút sau, một biển người đã quy tụ lại, và Chúa Giê-su đứng giữa mọi người: Ngài là Đấng muôn dân đang mong chờ, và là Đấng mà niềm hy vọng của Israel hướng tới.

Mặc dầu thế, Chúa Giê-su vẫn thoát ra được; Ngài không trở thành con tin cho những mong chờ của những người đã chọn Ngài làm “người lãnh đạo”. Nơi “những kẻ lãnh đạo” luôn có nguy cơ rằng, họ sẽ đu bám rất chặt vào con người mà không hề có chuyện giữ khoảng cách. Chúa Giê-su nhận ra điều đó và không để cho mình bị biến thành con tin của đám đông. Ngay từ đêm đầu tiên tại Caphanaum, Ngài đã cho thấy rằng, Ngài chính là Đấng Messias đích thực. Khi đêm đã tàn, và khi bình minh đã xuất hiện, các môn đệ vẫn tiếp tục đi tìm Ngài nhưng không thể thấy Ngài. Ngài ở đâu? Cuối cùng, cho tới khi Phê-rô tìm thấy được Ngài tại một địa điểm tách biệt, thì Ngài cũng vẫn đang hoàn toàn chìm đắm trong lời cầu nguyện. Và Phê-rô nói với Ngài: “Mọi người đang tìm Thầy” (Mc 1,37). Lời nói đó có vẻ như là một sự xác nhận về một sự thành công có tính quyết định, là bằng chứng về sự thành công tốt đẹp của một sứ mạng. Nhưng Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài rằng, Ngài phải đi tới bất cứ nơi đâu; và vấn để ở đây không phải là người ta tìm kiếm Ngài, nhưng đặc biệt là Ngài tìm kiếm người ta. Vì thế, Ngài không được mọc rễ ở một nơi nào đó, nhưng phải thường xuyên lên đường và hiện diện trên những con đường của vùng Galilea (xc. Mc 1,38-39). Và Ngài cũng phải lên đường để đi đến với Chúa Cha, tức trong cầu nguyện. Lên đường trong cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện.

Và tất cả đã diễn ra trong một đêm cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, sự mật thiết của Ngài với Thiên Chúa Cha xuất hiện ở một số điểm trong Kinh Thánh, để phản ứng lại tất cả, chẳng hạn như trong đêm tại vườn Getsemani. Đoạn đường cuối cùng của Chúa Giê-su (đây là đoạn đường hoàn toàn khó khăn, và phải nói là khó khăn nhất trong số những đoạn đường mà Chúa Giê-su đã đi qua) có vẻ như đã thấy được ý nghĩa của nó trong sự lắng nghe không ngừng của Chúa Giê-su đối với Thiên Chúa Cha. Đó là một cuộc cầu nguyện chắc chắn không hề đơn giản, nhưng trái lại, còn là một cuộc chiến đấu mang tính “sinh tử” thực sự, trong ý nghĩa cuộc chiến của các lực sĩ, nhưng cũng là một lời cầu nguyện có khả năng hỗ trợ con đường Thánh Giá. Đó là điểm chính yếu: Chúa Giê-su cầu nguyện ở đó.

Chúa Giê-su cầu nguyện sốt sắng trong những khoảnh khắc có tính công cộng, khi Ngài tham dự buổi Phụng Vụ của Dân Ngài, nhưng Ngài cũng tìm đến những nơi cô tịch, tách ra khỏi sự ồn ào của thế giới, đến những nơi mà ở đó Ngài có thể bước vào khu vực thầm kín trong tâm hồn mình: Ngài là một vị Ngôn Sứ, người biết rất rõ những viên đá trong sa mạc, và thường xuyên leo lên đỉnh núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giê-su, trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, chính là những lời Thánh Vịnh, tức những lời cầu nguyện, đó là lời cầu nguyện của dân Do-thái: Ngài cầu nguyện bằng những lời nguyện mà Mẹ Ngài đã dạy cho Ngài.

Chúa Giê-su cầu nguyện như thế, như bất cứ người nào trên thế giới cầu nguyện. Nhưng trong cách thức cầu nguyện của Ngài còn hàm chứa một mầu nhiệm, một điều chi đó mà chắc chắn các môn đệ của Ngài đã không bỏ qua, khi chúng ta thấy trong các Tin Mừng có một lời yêu cầu hết sức đơn giản và trực tiếp: “Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Chúa Giê-su cầu nguyện và rất thích học cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dậy chúng con cách cầu nguyện”. Và Chúa Giê-su đã không từ chối, Ngài không khăng khăng bảo vệ cho được sự mật thiết của riêng Ngài với Thiên Chúa Cha, nhưng chính vì thế mà Ngài đã đến để dẫn chúng ta vào trong mối tương quan ấy với Thiên Chúa Cha. Và như vậy, Ngài trở thành Thầy dậy cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài, và chắc chắn Ngài cũng muốn trở thành Thầy dậy của chúng ta biết chừng nào. Ngay cả chúng ta cũng phải nói: “Lạy Chúa, xin dậy con biết cầu nguyện. Xin hãy dậy con.”

Ngay cả khi chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm rồi, thì chúng ta cũng vẫn phải tiếp tục học để cầu nguyện! Lời cầu nguyện của con người, niềm khát khao mà tất nhiên, nó phát xuất từ tâm hồn của họ, có lẽ là một trong những mầu nhiệm thẳm sâu nhất của vũ trụ. Và chúng ta chưa hề biết, liệu những lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa, có thực sự là những lời nguyện mà Ngài muốn chúng ta dâng lên Ngài hay không. Kinh Thánh cũng thuật lại cho chúng ta những lời nguyện bất xứng mà chúng bị Thiên Chúa khước từ: chỉ cần nhớ tới dụ ngôn về người Pha-ri-siêu và viên thu thuế. Chỉ có người thu thuế mới được công chính hóa sau khi rời Đền Thờ để về nhà, vì người Pha-ri-siêu quá tự cao tự đại và muốn cho mọi người thấy ông ta đang cầu nguyện như thế nào, và giả vờ cầu nguyện: con tim của ông ta quá nguội lạnh. Và Chúa Giê-su nói: kẻ này không được công chính hóa, “vì phàm, ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Bước cầu nguyện đầu tiên hệ tại ở chỗ khiêm nhượng, để đến cùng Thiên Chúa Cha và nói: “Xin thương nhìn đến con vì con là kẻ có tội, con yếu đuối, con xấu xa”. Mỗi người đều biết mình nên nói gì. Nhưng người ta luôn bắt đầu với sự khiêm nhượng, và Thiên Chúa sẽ lắng nghe. Lời cầu nguyện khiêm nhượng sẽ được Thiên Chúa lắng nghe.

Giờ đây, khi chúng ta bắt đầu loạt bài Giáo Lý này về Lời Kinh của Chúa, thì sự tuyệt vời và sự hợp lý nhất mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện, hệ tại ở chỗ, lập lại lời khẩn xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cách cầu nguyện!” Thật là tuyệt vời khi không ngừng lập đi lập lại câu đó, ngay cả trong Mùa Vọng: „Thưa Thầy, xin dậy chúng con cách cầu nguyện!“. Tất cả chúng ta đều có thể thực hiện bước tiếp theo và sẽ cầu nguyện tốt hơn; nhưng chúng ta phải cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin dậy con cách cầu nguyện!” Chúng ta hãy thực hiện điều đó, giờ đây, ngay cả trong Mùa Vọng, và chắc chắn Ngài sẽ không để cho lời kêu xin của chúng ta bị rơi vào cõi hư vô.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 05 tháng 12 năm 2018

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Comments are closed.

phone-icon