Bài GL của ĐTC:Thánh Phaolo, chứng nhân đau khổ của Đấng Phục sinh (11.12.2019)

0

‘Ngày nay, nhiều Ki-tô hữu trên thế giới, ở Châu Âu, bị bắt bớ và hiến mạng sống vì đức tin, hoặc bị bắt bớ với bao tay trắng, tức là bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề …’

ZENIT STAFF

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 tại Khán phòng Phaolo VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha phân tích về chủ đề: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Ki-tô hữu rồi đấy!” (Cv 26:28) — Phaolo là một tù nhân trước vua Ác-ríp-pa (Trình thuật Kinh thánh: Tông đồ Công vụ 26:22-23).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong bài đọc sách Tông đồ Công vụ, hành trình Tin mừng vẫn tiếp tục trên thế giới và dấu ấn của sự đau khổ ngày càng lớn hơn qua chứng tá của Thánh Phaolô. Tuy nhiên, đây là điều phát triển theo dòng thời gian trong cuộc đời của Phaolô. Phaolô không chỉ là nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết, nhà truyền giáo gan dạ giữa những người ngoại giáo, là người mang lại sự sống cho các cộng đoàn Ki-tô giáo mới, nhưng ngài cũng là chứng nhân đau khổ của Đấng Phục sinh (x. Cv 9:15-16).

Như được mô tả trong chương 21 của sách Công vụ, Thánh Tông đồ đến Giê-ru-sa-lem tạo nên sự hận thù dữ dội liên quan đến ngài; họ khiển trách ngài: “Nhưng hắn là một kẻ đi bắt bớ! Đừng tin tưởng hắn!” Cũng như với Chúa Giêsu, với Phaolô thì Giê-ru-sa-lem cũng là thành phố đầy thù địch. Đi đến Đền thờ, ngài bị phát hiện; <ngài> bị dẫn ra bên ngoài để chịu hành hình, và được cứu ngay trong gang tấc bởi những người lính La Mã. Bị buộc tội giảng dạy chống lại Lề Luật và Đền thờ, ngài bị bắt và bắt đầu cuộc lữ hành tù tội của mình, ban đầu là trước Tòa công nghị, rồi sau đó là trước Biện lý La Mã ở Caesarea và cuối cùng trước Vua Agrippa. Thánh Lu-ca cho thấy sự tương đồng giữa Thánh Phaolo và Chúa Giê-su, cả hai đều bị những kẻ thù của các ngài ghét bỏ, bị buộc tội công khai và được thừa nhận vô tội bởi chính quyền đế quốc và vì thế Phaolô được liên kết chặt chẽ với sự Thương khó của Thầy mình, và cuộc thương khó của ngài trở thành một Tin Mừng sống động. Cha từ Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô <đến> đây, nơi sáng nay cha có cuộc tiếp kiến với những anh chị em hành hương Ukraine từ một giáo phận của Ukraine. Những người này đã bị bách hại như thế nào; họ đã chịu đựng bao đau khổ vì Tin mừng! Tuy nhiên, họ đã không thỏa hiệp đức tin. Họ là một mẫu gương. Ngày nay, nhiều Ki-tô hữu trên thế giới, ở Châu Âu, bị bắt bớ và hiến mạng sống vì đức tin, hoặc bị bắt bớ với bao tay trắng, tức là bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề … Phúc tử đạo là không khí của sự sống của người Ki-tô hữu, của cộng đoàn Ki-tô hữu. Trong chúng ta sẽ luôn có những người tử đạo: đây là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang đi theo con đường của Chúa Giê-su. Đó là một phúc lành của Chúa, rằng trong Dân Chúa, có một một người đàn ông hoặc một người phụ nữ làm chứng cho phúc tử đạo này.

Phao-lô được yêu cầu tự bào chữa cho mình khỏi những lời buộc tội, và cuối cùng, trước sự hiện diện của Vua Agrippa II, lời xin lỗi của ngài biến thành một nhân chứng hữu hiệu của đức tin (x. Cv 26:1-23). Sau đó, Phaolo thuật lại sự hoán cải của chính mình: Đức Ki-tô Phục sinh đã biến ngài thành Ki-tô hữu và trao phó cho ngài sứ mạng giữa dân ngoại, “khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Satan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến” trong Đức Ki-tô (c. 18). Phaolo đã nghe lời buộc tội này và không làm gì khác hơn ngoài việc cho thấy cách các tiên tri và ông Môi-sê đã tuyên bố những gì ngài tuyên bố bây giờ: “Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại” (c. 23).

Chứng tá nhiệt thành của Phaolô đã chạm đến trái tim của Vua Agrippa, ông chỉ còn thiếu một bước quyết định. Và nhà vua nói như vậy: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Ki-tô hữu rồi đấy!” (c. 28). Phaolô được tuyên bố vô tội, nhưng ngài không được thả vì ngài đã kháng cáo lên Caesar. Do vậy, hành trình liên tục của Lời Chúa tiếp tục hướng về Roma. Phaolo, trong xiềng xích, sẽ kết thúc ở đây tại Roma.

Vì vậy, hình ảnh của Phaolo, là một tù nhân bị xiềng xích là dấu chỉ của lòng trung thành của ngài với Tin Mừng và làm chứng cho Đấng Phục sinh. Xiềng xích chắc chắn là một thử thách nhục nhã đối với Tông đồ, người xuất hiện trước mắt thế gian với như là “một tên tội phạm” (2 Tm 2:9). Tuy nhiên, tình yêu của ngài dành cho Chúa Ki-tô quá mạnh mẽ đến nỗi ngay cả những xiềng xích này cũng được đọc với con mắt đức tin; đức tin với Phaolô không phải là “một lý thuyết, một ý kiến về Thiên Chúa và về thế giới”, nhưng là “sự tác động của tình yêu của Thiên Chúa trên tâm hồn của ngài, [. . . ] đó là tình yêu dành cho Đức Giê-su Ki-tô.” (Benedict XVI, Bài giảng ngày Lễ Năm Thánh Phaolô, 28 tháng Sáu, 2008).

Anh chị em thân mến, Thánh Phaolô dạy chúng ta sự kiên trì trong những thử thách và khả năng đọc mọi điều bằng con mắt đức tin. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ sự cầu bầu của Thánh Tông đồ, để vực dậy đức tin của chúng ta và giúp chúng ta trung thành đến cùng với ơn gọi của người Ki-tô hữu, của người môn đệ của Chúa, của các nhà truyền giáo.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/12/2019]

Comments are closed.

phone-icon