Huấn từ Kinh Truyền Tin: Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng hay là Chúa nhật “Hãy Vui Lên” (15.12.2019)

0

‘Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui mừng’

15 tháng Mười Hai, 2019 15:20

VIRGINIA FORRESTER

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng này, còn được gọi là Chúa nhật của “niềm vui”, một mặt Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui mừng, và mặt khác nhận thức rằng cuộc sống bao gồm cả những khoảnh khắc hoài nghi, đó là khoảng khắc cảm thấy khó tin. Niềm vui và sự hoài nghi là hai kinh nghiệm trong một phần cuộc sống của chúng ta.

Đối lại với lời mời gọi hãy vui mừng rất rõ ràng của Tiên tri I-sai-a: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông” (35:1), trong Tin mừng là sự hoài nghi của Gioan Tẩy Giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Trong thực tế, ngôn sứ có cái nhìn vượt ra ngoài tình huống: trước mặt ngôn sứ là những con người chán nản: những bàn tay rã rời, những đầu gối bủn rủn, những trái tim lạc lối (x. 35:3-4). Trong mọi thời đại, cùng một thực tại như vậy đưa đức tin của chúng ta vào sự thử thách. Tuy nhiên, con người của Thiên Chúa nhìn vượt xa hơn, bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho ngôn sứ cảm nhận trong lòng mình sức mạnh của lời hứa của Ngài, và ngôn sứ công bố sự cứu rỗi: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi [. . . ] Chính Người sẽ đến cứu anh em” (c. 4). Và rồi tất cả mọi sự được biến đổi: sa mạc trổ hoa, sự an ủi, và niềm vui bừng lên trong những tâm hồn bị lạc lối, người què, người mù và người câm được chữa lành (x. cc. 5-6). Đó là những điều trở nên hiện thực với Chúa Giê-su: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5). Sự mô tả này cho chúng ta thấy rằng ơn cứu độ này bao trùm lên toàn nhân loại và tái sinh cho nhân loại. Tuy nhiên, sự tái sinh này, với niềm vui cùng theo nó, luôn hàm ý đến việc phải để cho con người cũ của chúng ta chết đi cùng với tội trong chúng ta. Từ đây xuất phát tiếng kêu gọi hoán cải, nó là nền tảng của sự rao giảng dù là của Gioan Tẩy Giả hay của Chúa Giê-su; đặc biệt, đó là sự thay đổi ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa. Và Mùa Vọng chính là khơi gợi lên cho chúng ta điều này, với câu hỏi Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Chúng ta nghĩ rằng: suốt cuộc đời Gioan đã chờ đợi Đấng Mê-xi-a; cách sống của ông, toàn thân ông được đúc khuôn theo sự trông đợi này. Cũng vì điều này mà Chúa Giê-su khen ngợi ông bằng những lời sau: “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (x. Mt 11:11). Nhưng ông cũng phải hoán cải bản thân để trở về với Chúa Giê-su. Cũng như Gioan, chúng ta cũng được kêu gọi để nhận ra khuôn mặt mà Thiên Chúa chọn để mang lấy trong Đức Giê-su Ki-tô, khiêm nhường và luôn thương xót.

Mùa Vọng là thời gian của ân sủng. Nó nói với chúng ta rằng tin Chúa thôi là chưa đủ: cần phải thanh tẩy đức tin của chúng ta mỗi ngày. Nó không phải là việc tiếp đón một nhân vật trong truyện cổ tích, nhưng là Thiên Chúa chất vấn chúng ta, thu hút chúng ta và trước mặt Ngài một lựa chọn được đặt ra. Hài nhi nằm trong máng cỏ có khuôn mặt của những anh chị em thiếu thốn nhất của chúng ta, của những người nghèo “là những người được đặc ân của mầu nhiệm này, và thường là những người có khả năng nhận biết sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta” (Tông thư Admirabile Signum, 6).

Khi chúng ta đang đến rất gần ngày Giáng sinh, xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta không để mình bị sao lãng bởi những điều thuộc bề ngoài, nhưng là dành chỗ trống trong lòng mình cho Ngài là Đấng đã đến, và sẽ đến để chữa lành những căn bệnh của chúng ta và trao ban cho chúng ta niềm vui của Ngài.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Cha xin chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm giáo xứ và các Hiệp hội đến từ Roma, từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha xin chào anh chị em hành hương của Hàn Quốc, của Valencia và nhóm Rotzo (VI).

Các con thiếu nhi thân mến, cha chào các con, chúng con đến với những tượng nhỏ Chúa Hài đồng Giê-su để đặt trong máng cỏ của chúng con. Hãy nâng cao các bức tượng lên! Cha làm phép cho các tượng. “Máng cỏ giống như một Tin Mừng sống động. [. . .] Trong khi chúng ta chiêm ngưỡng Cảnh Chúa giáng sinh, chúng ta được mời gọi để sẵn sàng trong tinh thần lên đường, bị thu hút bởi sự khiêm hạ của Chúa Giê-su, là Thiên Chúa, Người đã hạ mình trở thành người phàm để gặp gỡ mỗi người chúng ta. Và chúng ta khám phá ra rằng Ngài yêu thương chúng ta quá đỗi đến mức kết hiệp chính Ngài với chúng ta để chúng ta cũng có thể kết hiệp với Ngài” (x. Tông thư Admirabile Signum, 1).

Không đầy một năm nữa, Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 sẽ được tổ chức tại Budapest, từ ngày 13 đến ngày 20 tháng Chín năm 2020. Trong hơn một thế kỷ, các Đại hội Thánh Thể nhắc lại rằng Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội. Chủ đề của Đại hội tiếp theo sẽ là “Mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành” (Tv 87”7). Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sự kiện Thánh Thể của Budapest có thể thúc đẩy những tiến trình đổi mới trong các cộng đoàn Ki-tô giáo (Huấn tứ trước Ủy ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh Thể Quốc tế, 10 tháng Mười Một năm 2018).

Cha xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc và Tuần Cửu nhật Giáng sinh an lành. Thiếu nhi chúng con ẵm Chúa Hài đồng Giê-su về máng cỏ, và đừng quên cầu nguyện cho cha nhé. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2019]

Comments are closed.

phone-icon