Thánh Athanasiô: Nhà Vô Địch về Sự Nhập Thể

0

Thánh Athanius bảo vệ Tin Mừng chống lại bất đồng ý kiến ​​và dị giáo, và diễn giải tình yêu của Chúa Kitô – Đấng đã cứu độ chúng ta, không vì bất cứ điều gì chúng ta đã làm, nhưng vì lòng xót thương của Người.

Thánh Athanasiô được chào đời ở Alexandria, Ai Cập, khoảng đầu thế kỷ thứ ba và lớn lên trong một thời đại khi giáo hội (ở đó) bị đe dọa nghiêm trọng bởi những rối loạn về chính trị và luận chiến về tôn giáo. Giữa những tranh chấp học thuyết gay cấn giữa các giám mục, và sự kình địch cũng như mưu đồ giữa các cận thần, Athanasiô đã đứng độc lập như một người có đức tin sâu sắc và dấn thân say mê cho Chúa Kitô.

Một “Tâm Hồn Tin Tưởng”

Athanasiô được dưỡng dục bởi cha mẹ Kitô giáo và được học tại các trường huấn giáo của Alexandria, nơi Athanasiô đã có được nhiều vinh dự (sự tôn trọng và thán phục) về những khả năng thần học của anh. Anh được lãnh chức phó tế vào những năm hai mươi tuổi và được bổ nhiệm làm thư ký cho Thượng phụ Alexander, Giám mục Alexandria. Trong khoảng thời gian đó, khi vẫn còn rất trẻ, Athanasiô đã viết một luận án ngắn mà sau sẽ trở thành một trong những tác phẩm kinh điển vĩ đại của văn học Kitô giáo – Sự Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Viết với sự tôn kính lòng thương xót của Chúa và với lòng biết ơn “của một tâm hồn tin tưởng đang cần Đấng Cứu Độ”,  Athanasiô đã giải thích công trình cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã hoàn thành qua việc nhập thể của Người. Thánh nhân dạy rằng thật rõ ràng là chính bằng việc mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại sa ngã và phục hồi những con người (nam và nữ) tội lỗi về với hình ảnh của Thiên Chúa mà họ đã được tạo dựng từ khởi đầu.

Một cách chính xác nhưng nhiệt tâm tóm tắt nội dung cốt lõi của chân lý Kitô giáo, Athanasiô đã viết:

Đấng Cứu Thế do đó đã làm cho chúng ta hai điều bằng cách trở thành Con Người. Ngài đã bị kết án chết vì chúng ta và đã làm chúng ta nên mới mẻ (phục hồi chúng ta); Người vốn là Đấng vô hình và không ai có thể cảm thấy như chính Người là, vậy mà Người đã trở nên hữu hình qua những công việc của Người và đã mạc khải chính mình là Ngôi Lời của Chúa Cha, là Đấng cai trị và là Vua của toàn thể vũ trụ vạn vật.

Chiến Đấu với Những Người theo Bè Phái Ariô

Ngay sau khi Athanasiô viết luận án của mình, nhà thần học tên Ariô đã bắt đầu dạy rằng Chúa Giêsu không hoàn toàn là Thiên Chúa, Người chỉ là thụ tạo cao nhất trong số những thụ tạo đã được tạo dựng. Athanasiô đã nhìn thấy sai lầm và nguy hiểm trong việc giảng dạy như vậy nên đã dành phần còn lại của cuộc đời mình với tư cách là “Nhà vô địch về sự nhập thể”, để bảo vệ Thần Tính (Thiên Chúa tính) của Ngôi Lời Đấng mà Athanasiô đã viết về với tất cả lòng nhiệt tâm và yêu mến.

Năm 325, Athanasiô cùng với Giáo phụ Alexander tham dự Công đồng Nicêa. Công đồng, do Hoàng đế Constantine chủ tọa, đã lên án bè phái Ariô, nhưng những người theo phái Ariô có chỗ đứng mạnh mẽ trong triều đình của hoàng đế nên họ đã tiếp tục nắm giữ thế lực chính trị mạnh mẽ. Sau cái chết của Giáo phụ Alexander vào năm 328, Athanasiô đã kế vị ngài với tư cách là giám mục và ngài đã thể hiện mình là một vị mục tử cũng như một nhà thần học tài năng.

Trong suốt bốn mươi lăm năm làm giám mục, Đức cha Athanasiô là mục tiêu tấn công quyết liệt của bè rối Ariô và đã bị đi lưu đày năm lần. Ngài đã trải qua tất cả mười sáu năm bị lưu đày, liên tục bị phế truất và phục hồi khi quyền lực thay đổi cả trong Giáo Hội lẫn trong triều đình. Tuy nhiên, khi Đức Giám mục Athanasiô qua đời vào năm 373, bè phái ariô đã bị suy yếu bởi những sự chia rẽ nội bộ và không còn là mối đe dọa lớn cho Giáo Hội.

Athanasiô Chống Lại Thế Giới

Sự bảo vệ Tin Mừng của Athanasiô đã mang lại cho ngài văn bia Athanasius contra mundumAthanasiô chống lại thế giới. Với tư cách là người biện hộ cho Kitô giáo thế kỷ hai mươi C. S. Lewis đã viết: “Đó là vinh quang của Athanasiô” rằng ngài đã không thay đổi thái độ; đó là phần thưởng của ngài, mãi đến bây giờ ngài vẫn còn đó cho dẫu những lần này, lần khác đã qua đi”.

Hai tuyển lọc từ kiệt tác của Athanasiô, Sự Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, theo sau đây. Các tác phẩm ấy đã được chọn lựa để đặc biệt giúp chúng ta trong mùa Vọng này để chuẩn bị mừng lễ Ngôi Lời đã trở nên người phàm, Chúa Kitô nhập thể ở giữa chúng ta. Cả hai trích đoạn đều khẳng định rằng Chúa Giêsu đã quảng đại và nhất thiết mặc lấy một cơ thể con người như của chúng ta để phục hồi chúng ta từ trạng thái sa ngã của chúng ta sang hình ảnh của Thiên Chúa. Khi bạn đọc những lời của Thánh Athanasiô, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mạc khải cho bạn “lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Thiên Chưa, Đấng Cứu Độ của chúng ta”, Đấng “đã cứu độ chúng ta, không phải  tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì lòng thương xót của chính Người” (Tt 3,4-5).

Người Đã Mang lấy Cái Chết của Chúng Ta

Đây là lý do tại sao Ngôi Lời vô hình và bất diệt của Thiên Chúa đã bước vào thế giới của chúng ta… Người nhìn thấy một dòng giống thọ tạo có lý trí đang trên đường tiến đến sự chết. Người nhìn thấy cái chết cai trị trên họ qua sự mục nát. Người thấy rằng hình phạt vì tội lỗi đang lôi kéo chúng ta nhanh chóng tiến đến sự phá hủy. Người thấy rằng thật kỳ dị khi luật pháp sẽ thất bại trước khi người ta thực hiện. Người thấy rằng không thể tưởng tượng được rằng chính những thứ mà Người đã tạo thành phải biến mất. Hơn nữa, Người đã nhìn thấy, sự độc ác quá độ của con người và họ ngày càng gia tăng sự độc ác của họ đến nỗi sự ác đó chống lại chính họ. Sau cùng, Người đã thấy tất cả con người phải chịu án phạt là cái chết như thế nào.

Người đã nhìn thấy điều này và xót thương cho loài người chúng ta và thương xót cho sự yếu đuối của chúng ta. Người không thể chịu đựng nổi ý  nghĩ rằng cái chết sẽ ngự trị trên chúng ta. Vì thế, e sợ những kẻ đã được tạo dựng sẽ bị diệt vong và công trình của Cha Người trở nên vô ích, Người đã nhận lấy cho chính mình một thân xác không khác gì chúng ta. Người không chỉ đơn thuần quyết định nhập thể, hay chỉ đơn thuần là xuất hiện… Không, Người đã mang lấy một thân thể giống như chúng ta… từ một trinh nữ tinh tuyền và không tì vết. Người, Đấng Tạo Hóa của mọi loài, đã chuẩn bị thân thể của chính mình nơi Đức nữ trinh như một đền thờ cho chính mình và biến nó thành của riêng mình.

Như thế,… bởi vì tất cả phải chịu án phạt là cái chết, Người (Ngôi Lời) đã hiến thân mình chịu chết thay chỗ cho chúng ta và hiến dâng nó cho Chúa Cha. Người đã làm điều này vì lòng từ ái yêu thương của Người… để mà trước hết, bởi vì tất cả những ai đã chết trong Người, điều luật liên quan đến sự suy vong của con người có thể bị hủy bỏ … và, thứ hai, khi con người quay sang đường trụy lạc, thì Người có thể hướng họ trở lại tình trạng không hư vong và cho họ chỗi dậy từ cõi chết bằng việc nhập thể của Người trong xác phàm và bằng ân sủng của sự phục sinh của Người. Vì vậy, Người đã hoàn toàn loại bỏ sự chết khỏi chúng ta như rơm bị lửa thiêu hủy .

Ngôi Lời Đã Trở Nên Người Phàm

Cho dẫu là Đấng vô hình, Ngôi Lời của Thiên Chúa có thể được nhận biết thông qua các công trình sáng tạo. Tương tự, cho dẫu thiên tính của Người không thể được nhìn thấy dưới hình dạng thể xác của Người, thiên tính ấy có thể được nhận thấy nơi một người có thể thực hiện những hành động kỳ diệu như vậy không chỉ đơn thuần là con người, mà là Quyền Năng và Ngôi Lời của Thiên Chúa. Người ra lệnh cho quỷ và đuổi chúng ra khỏi những người bị chúng nhập; điều này không thể đến từ con người, nhưng từ Thiên Chúa. Cũng vậy, chẳng lẽ bất cứ ai nhìn đã thấy Chúa Giêsu chữa lành tất các bệnh tật mà tất cả chúng ta dễ mắc phải, mà vẫn coi Người là con người chứ không phải là Thiên Chúa sao? Chúa Giêsu chữa lành cho những người bệnh phong cùi, làm cho những người què đi được, làm cho kẻ điếc nghe được, người mù nhìn thấy được, và chỉ bằng một lời Người đã loại trừ mọi bệnh hoạn và tật nguyền. Ngay cả một người quan sát bình thường nhất cũng có thể nhận ra thiên tính của Chúa Giêsu thông qua những hành động này.

Những người đã nhìn thấy Chúa Giêsu … mở mắt cho một người mù bẩm sinh lại không thể nhận ra rằng bản chất của những con người là đối tượng lệ thuộc vào Chúa Giêsu và rằng Người là Đấng Tạo Thành sao? Vì chắc chắn rõ ràng rằng bất cứ ai có thể ban lại cho một người cái mà họ bị thiếu từ khi sinh ra thì hẳn phải là Chúa của sự sinh ra tự nhiên của con người… Hay người nào, đã nhìn thấy nước biến thành rượu, lại không thể nhận ra rằng người đã làm điều này hẳn phải là Chúa và Đấng Sáng Tạo của nước sao? Cũng cùng lý do này mà Chúa Giêsu bước đi trên biển như Chủ Nhân của biển, giống như khi Người bước đi trên đất liền, để chỉ cho những người nhìn thấy điều đó biết rằng Người là Chúa của tất cả mọi loài, mọi sự. Và khi nuôi một đám đông vô số bằng lượng thức ăn rất ít, còn thu lại sự số bánh còn dư khá nhiều từ chỗ không có, để từ năm cái bánh, năm nghìn người (đàn ông) đã ăn no đủ (chưa kể số phụ nữ và trẻ em)… Phải chăng Chúa Giêsu đã thể hiện chính mình hơn ai hết là Chúa quan phòng trên tất cả mọi sự?

Tất cả những điều mà Đấng Cứu Thế đã nghĩ là thích đáng để làm, để nhận ra những hành động thể xác của Người như những công việc của Thiên Chúa, những người mù lòa trước sự hiện diện của Người trong sự sáng tạo … Đối với những người nhìn thấy sức mạnh của Người trên những thần khí xấu… liệu có thể tiếp tục nghi ngờ rằng Người (Đức Giêsu) là Người Con, là Sự Khôn Ngoan và Quyền Năng (Sức Mạnh) của Thiên Chúa không? Thậm chí, Người còn khiến cho trời đất vạn vật phá vỡ sự im lặng của nó: Ngay cái chết của Người – hay đúng hơn là nơi thập giá, đó là chiến tích của Người về cái chết – tất cả các vạn vật đều thú nhận rằng Người … không chỉ là một con người, mà còn là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của tất cả mọi lòai. Mặt trời ẩn mặt đi, trái đất chuyển rung, những tảng đá nứt ra và tất cả mọi người đều kinh hoàng, sợ hãi. Tất cả những điều này cho thấy rằng Chúa Kitô trên thập giá là Thiên Chúa và rằng tất cả mọi thọ tạo là tôi tớ của Người và đang làm chứng bằng sự sợ hãi của chúng trước sự hiện diện của Chủ mình.

(Đoạn trích được phỏng theo từ Về Sự Nhập Thể của Ngôi Lời, được dịch bởi Cha John Henry Newman, 1801-1890).

Theo The Word Among Us [wau.org]
Saints & Heroes Resources

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon