Bài GL của ĐTC về các Mối Phúc (12.02.2020)

0

VIRGINIA FORRESTER

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Khán phòng Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý mới về các Mối Phúc, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Mối Phúc thứ hai: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:4). (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Sách Tiên tri Da-ca-ri-a 12:10).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi cầu nguyện cho tình hình bi thảm ở Syria, và cho dân tộc Trung Hoa đang bị ảnh hưởng bởi cơn đại dịch.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đang thực hiện hành trình qua các Mối Phúc và hôm nay chúng ta dừng lại ở Mối Phúc thứ hai: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”.

Trong ngôn ngữ Hy Lạp, là ngôn ngữ Tin mừng được viết, Mối Phúc này được diễn tả bằng một động từ không đặt ở thể thụ động — thật vậy, người được Được Chúc Phúc không chịu đựng sự sầu khổ này — nhưng ở thể chủ động: họ than khóc. Họ than khóc trong lòng. Đó là một thái độ trở thành trung tâm trong linh đạo Ki-tô giáo và là thái độ mà các Giáo phụ Sa mạc, là những vị tu sĩ đầu tiên của lịch sử, gọi là “penthos,” một sự đau buồn trong nội tâm mở ra mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân — mối quan hệ được đổi mới với Thiên Chúa và với tha nhân.

Trong các Sách Thánh, sự sầu khổ này có thể có hai khía cạnh: thứ nhất là vì cái chết hoặc sự đau khổ của người khác. Khía cạnh thứ hai là những giọt nước mắt ăn năn vì tội — vì tội của mình, khi con tim rướm máu vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, nó là sự yêu thương người khác theo cách ràng buộc bản thân với người đó để chia sẻ nỗi đau đớn của họ. Có những người vẫn giữ khoảng cách, bước lui lại đằng sau. Nhưng điều quan trọng là người kia hãy phá vỡ rào cản tâm hồn.

Cha thường nói về ơn của những giọt lệ, và nó quý giá biết bao.[1] Có ai có thể yêu một cách lạnh lùng không? Có ai có thể yêu vì chức năng, vì bổn phận không? Chắc chắn là không; có những người ưu sầu để an ủi, nhưng đôi khi cũng có những người được an ủi phải ưu phiền, để thức tỉnh những người không có khả năng lay động trước sự đau khổ của người khác.

Chẳng hạn, tang chế là một con đường cay đắng, nhưng nó cũng có thể hữu ích để mở đôi mắt đối với sự sống và với giá trị thánh thiêng và không thể thay thế được của mỗi người, và chính trong giây phút đó người ta nhận ra rằng thời gian quá ngắn ngủi.

Có một ý nghĩa thứ hai của Mối Phúc nghịch lý này: hãy khóc than vì tội. Cần có sự phân biệt rõ ở đây: có những người trở nên giận dữ vì họ sai lầm, nhưng đây là sự kiêu căng. Thay vì vậy, có những người khóc vì sự thiệt hại đã gây ra, vì việc thiện đã bị bỏ lỡ, vì sự bội phản lại mối quan hệ với Thiên Chúa. Đây là sự sầu khổ vì đã không yêu thương, xuất phát từ việc luôn quan tâm đến đời sống của người khác trong tâm tư mình. Ở đây người ta khóc vì không làm phù hợp theo Chúa, Đấng yêu thương chúng ta quá đỗi, và suy nghĩ làm cho họ buồn sầu vì một điều tốt đã không được thực hiện. Đây là ý thức về tội. Họ nói: “Tôi đã làm tổn thương Ngài người mà tôi yêu mến,” và điều này làm đau đớn tới mức nhỏ lệ. Phúc thay nếu những giọt nước mắt này nhỏ xuống!

Đây là chủ thể của những lỗi lầm của một người phải đối mặt — khó khăn nhưng vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy nghĩ đến những giọt nước mắt của Thánh Phê-rô, là những giọt nước mắt đã đưa ngài đến với một tình yêu mới và chân thực hơn: đó là tiếng khóc thanh tẩy, đổi mới. Phê-rô nhìn Chúa Giê-su và khóc: tâm hồn ông được đổi mới. Giu-đa thì ngược lại, anh ta không chấp nhận đã phạm tội, và thật tội nghiệp vì đã tự vẫn. Hiểu được tội là một ơn của Chúa; đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Riêng bản thân chúng ta, chúng ta không thể hiểu được tội. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin. Lạy Chúa, xin cho con có thể hiểu được điều ác mà con đã làm và con có thể phạm. Đây là một ơn rất lớn, và sau khi đã hiểu được điều này, những giọt lệ ăn năn tuôn đổ.

Một trong những tu sĩ tiên khởi, Ephrem xứ Syria, nói rằng một khuôn mặt đẫm nước mắt thì đẹp khôn tả (x. Bài giảng đức khổ chế). Nét đẹp của sự thống hối, nét đẹp của nước mắt, nét đẹp của sự ăn năn! Bình thường, đời sống Ki-tô hữu có sự thể hiện tốt nhất trong lòng thương xót. Thật khôn ngoan và diễm phúc cho người chấp nhận đau khổ vì yêu, vì người đó sẽ nhận được sự an ủi của Chúa Thánh Thần là chính lòng nhân từ của Chúa, Đấng tha thứ và sửa lại điều sai lỗi. Chúa luôn luôn tha thứ: chúng ta đừng quên điều này. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, ngay cả những tội khủng khiếp nhất, luôn luôn. Vấn đề nằm ở nơi chúng ta, chúng ta chán ngán xin tha thứ. Chúng ta đóng chặt lòng mình và không xin tha thứ. Đây là vấn đề, nhưng Người vẫn ở đó để tha thứ. Nếu chúng ta luôn nhớ rằng Thiên Chúa “không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:10), chúng ta sống lòng thương xót và trắc ẩn, thì tình yêu xuất hiện nơi chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta biết yêu thương dư tràn, biết yêu thương bằng một nụ cười, bằng sự gần gũi, bằng sự phục vụ và cũng bằng nước mắt.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Cha mời gọi tất cả anh chị em trong giây phút này hãy cầu nguyện cho Syria thân yêu và tử đạo. Quá nhiều gia đình, quá nhiều người già, trẻ em phải chạy trốn chiến tranh. Syria đã đổ máu suốt nhiều năm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Syria.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những anh em Trung quốc đang chịu đựng trận dịch khủng khiếp. Xin cho liệu pháp chữa lành sớm được tìm ra.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

_______________________

[1] X. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Christus Vivit, 76; Huấn từ với giới trẻ thuộc Đại học Thánh Tô-ma, Manila, 18 tháng Một năm 2015; Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, 18 tháng Hai năm 2015.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2020]

Comments are closed.

phone-icon