Trông cậy không thất vọng

0

Được tình yêu của Chúa nâng đỡ, chúng ta có thể chuyển núi dời non.

Chúng ta hãy đối diện với cuộc sống. Đôi khi nó có thể khó khăn.

Tuy nhiên, giữa tất cả những khó khăn này, Thiên Chúa muốn chúng ta biết Người ở với chúng ta. Thiên Chúa muốn nói với chúng ta Người cùng chịu đau khổ với chúng ta và Người muốn giúp chúng ta bằng cách quả quyết tình yêu của Người dành cho chúng ta. Thực vậy, chúng ta có thể khẳng định tình yêu của Thiên Chúa là món quà cao quý nhất đối với chúng ta khi chúng ta vượt qua những khó khăn và đau khổ mà tất cả chúng ta phải đối diện.

Sự thật này được giải thích rõ ràng nhất trong Thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma. Suy gẫm về kinh nghiệm của chính mình, ngay cả khi phác thảo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đã viết: “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5).

Trong vài câu này, Thánh Phaolô cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đã giúp ngài lớn lên trong sự thánh thiện trong suốt thời điểm gian nan thử thách của chính mình. Thánh Phaolô đã khám phá ra sự thật có sức giải phóng là tình yêu Thiên Chúa. Đó là một tình yêu bất biến, hướng dẫn chúng ta vượt qua những cơn bão tố của cuộc đời, làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những câu này, xem xét ba cách riêng biệt mà tình yêu của Thiên Chúa hiện diện với chúng ta khi chúng ta đối phó với đau khổ và nỗi ưu phiền.

Ba Hiệu Quả của Tình Yêu

Trước khi chúng ta nhìn vào những câu riêng biệt này, thật hữu ích để thấy rằng chính Thánh Phaolô mở đầu chúng với những sự thật có sức nâng lên, có sức truyền cảm hứng: Chúng ta được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Chúa, chúng ta được bao quanh bởi ân sủng của Chúa và thậm chí chúng ta được hưởng lời hứa về sự sống đời đời với Chúa (hoặc dịch là: thậm chí chúng ta còn được Chúa hứa ban cho chúng ta được sống đời đời với Người) (x. Rm 5,1-2). Vì thế, thật quan trọng đối với chúng ta để biết rằng tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta ngay cả trước khi chúng ta đối diện với bất cứ nỗi khốn khó nào.

Đó là lý do tại sao Phaolô có thể nói rằng chúng ta có thể chịu đựng bất cứ nỗi khốn khó nào xảy đến cho chúng ta. Thật sự là những nỗi gian truân của cuộc sống có thể cho thấy những thách đố nghiêm trọng đối với đức tin của chúng ta. Chúng có thể làm cho chúng ta nghi ngờ rằng liệu Thiên Chúa có công bằng và nhân hậu không. Thậm chí chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu có phải Thiên Chúa đang phạt chúng ta vì một tội lỗi nào đó mà chúng ta không biết không. Nhưng vì chúng ta đã ở trong Chúa Kitô, những nỗi gian truân này cũng có khả năng giúp chúng ta tiếp tục tiến bước với niềm tin của chúng ta. Những nỗi gian truân đó có thể trở thành những cơ hội để tái xác nhận niềm tin của chúng ta vào Chúa bất kể những gì chúng ta đang trải nghiệm. Khi chúng ta đón nhận viễn cảnh này, chúng ta nhận thấy tình yêu của Thiên Chúa đang củng cố chúng ta, đang khuyến khích chúng ta để chúng ta kiên trì và thậm chí đang cho chúng ta sức mạnh siêu nhiên để chúng ta tiếp tục.

Tiếp đó, Thánh Phaolô nói rằng sự chịu đựng nỗi gian truân thử thách có thể có tác động tích cực đến tính cách của chúng ta. Khi chúng ta kiên trì vượt qua những nỗi gian truân, chúng ta cho Chúa cơ hội để định hình nên tính cách của chúng ta. Chúng ta lớn lên về các nhân đức như sự tốt bụng, lòng từ bi, sự trung thành, sự chân thật và sự vâng phục. Hơn thế nữa, tính cách được hình thành bởi sự kiên trì của chúng ta không chỉ bởi bất cứ tính cách tốt nào. Đó là tính cách của Chúa Kitô. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ và yêu thương như Chúa Giêsu đã nghĩ và đã yêu. Như Chúa Giêsu đã ở gần với Cha của Người cho dẫu Người phải gặp nhiều nỗi gian truân và thử thách, chúng ta có thể ở gần Người. Và như Chúa Giêsu “đã học sự vâng phục” qua đau khổ của Người, chúng ta cũng có thể lớn lên về nhân đức thánh thiện khi chúng ta đối diện với chính những đau khổ của chúng ta với sự chịu đựng và niềm tin (x. Dt 5,8).

Cuối cùng, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng có một mối quan hệ giữa tính cách tốt (thánh thiện) và đức cậy. Tất cả chúng ta đều học hỏi nhiều hơn về chính bản thân mình – những điểm mạnh và những yếu đuối của chúng ta  – trong những thời gian căng thẳng hơn là khi cuộc sống diễn tiến tốt đẹp. Vì thế khi chúng ta thấy tính cách của chúng ta đang được biến đổi và được xây dựng nên giữa những thử thách, chúng ta cũng nhìn thấy niềm hy vọng cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta nhận thấy rằng chúng ta đang vượt qua cơn thử luyện và Chúa Giêsu không bỏ rơi chúng ta. Chúng ta lớn lên trong sự tự tin. Chúng ta nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang làm việc trong chúng ta, rằng chúng ta sẽ vượt qua cơn thử thách này và chúng ta sẽ tốt hơn vì đã vượt qua nó.

Tất cả những điều này xảy ra nơi chúng ta (hoặc dịch là: Tất cả những điều này đến với chúng ta) – cách đáng kinh ngạc, kỳ diệu và đơn giản – bởi vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào chúng ta. Điều đó xảy ra cho chúng ta vì Chúa không bao giờ ngừng tuôn đổ tình yêu của Người cho chúng ta.

Niềm Hy Vọng Không Ngừng Gia Tăng. Chúng ta hãy rõ ràng. Thánh Phaolô không chỉ đang nói từng bước về tiến trình tâm lý trong đó nhân đức này dẫn đến nhân đức khác một cách tự nhiên. Và thánh Phaolô không chỉ nói về giá trị của sự xác quyết cao quý – cho dẫu nó đóng một phần vai trò trong đó. Hơn thế nữa, ngài đang nói về sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu ấy giúp chúng ta giữ vững lập trường của mình và thậm chí ngày càng gần gũi hơn với Chúa Giêsu khi chúng ta đối diện với những thử thách gian nan trong cuộc sống.

Như thế, “niềm hy vọng (trông cậy)”  không thất vọng này là gì? Về cốt lõi, đó là niềm tin rằng Chúa Giêsu đảm nhận toàn thể vũ trụ. Đó là niềm tin rằng Thiên Chúa có một kế hoạch tốt đẹp và yêu thương cho cuộc sống của chúng ta. Đó là niềm tin rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại để mang chúng ta vào trong vương quốc của Người. Đó là niềm tin rằng chúng ta sẽ ở với Người trên thiên đàng. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy ” (Dt 11,1). Chúng ta tin tưởng và trông cậy vào Chúa Giêsu bởi vì chúng ta tin rằng Người là Đấng trung thành và yêu thương. Chúng ta tin rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Thánh Phaolô không nói rằng cách duy nhất để lớn lên trong niềm hy vọng là thông qua nỗi ưu phiền và đau khổ. Nhưng Người đang nói với chúng ta làm cách nào để đối phó với những nỗi phiền khổ xảy đến với chúng ta. Thánh nhân đang cho chúng ta một chiến lược để giúp chúng ta nhìn thấy cách sống của chúng ta qua những thời điểm khó khăn – một chiến lược vừa giúp chúng ta chịu đựng với niềm tin vừa cho chúng ta thêm lợi ích để xây dựng chúng ta trong Chúa Kitô (hoặc dịch là: để giúp chúng ta lớn lên trong Chúa Kitô). Khi chúng ta học cậy dựa vào tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu không ngừng tuôn đổ cho chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh mà chúng ta cần để sống kiên vững. Chính tình yêu của Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta và chính tình yêu của Người sẽ định hình chúng ta. Chính tình yêu của Chúa và chỉ tình yêu Chúa sẽ/mới thúc đẩy chúng ta đặt niềm trông cậy (hy vọng) vào Chúa Giêsu và vào kế hoạch của Người dành cho chúng ta.

Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào Lòng Chúng Ta. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tất cả mọi thứ chúng ta đã xem xét cho đến nay phụ thuộc vào một câu này. Không có sự tuôn đổ tình yêu thánh thiêng này, dòng lý luận Thánh Phaolô không thể đứng vững. Người không nói rằng nỗi đau đớn phiền muộn có sức mạnh trong và tự chính nó để biến đổi chúng ta thành tính cách của Chúa Kitô. Nhưng chính kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa cho phép chúng ta biết chịu đựng, để hình thành một tính cách thánh thiện và để học sống trong hy vọng thực sự, bền vững.

Trong khả năng tưởng tượng của bạn, hãy cố gắng hình dung ra tình yêu của Thiên Chúa như một cơn mưa lớn, đều đặn. Đó không phải là một cơn mưa phùn nhẹ nhàng. Đó không phải là một cơn mưa rào rải rác. Đó là một cơn mưa tình yêu liên tục, được ban cho chúng ta bởi Chúa Thánh Thần (do Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta). Đó là một sự tuôn đổ ân sủng thánh thiêng cho chúng ta như “(Chúa) đổ mưa xuống những vùng hạn hán và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn” (Is 44,3) để làm tươi mới (đổi mới) chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng cũng như sự can đảm.

Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta không xứng đáng với tình yêu như thế. Chúng ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ có một một chút tình yêu dành cho chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ chỉ yêu thương chúng ta nếu chúng ta có khả năng loại bỏ tội lỗi của chúng ta. Nhưng không có suy nghĩ nào trong những suy nghĩ này có ý nghĩa khi chúng ta suy xét câu nói của Thánh Phaolô. Nếu Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ tình yêu của Người cho toàn thể thế giới thì tại sao chúng ta lại có thể nghĩ rằng Người sẽ loại trừ chúng ta ra?

Một Tình Yêu Vĩnh Cửu (Bất Diệt). Anh chị em thân mến, Thiên Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Người mỗi ngày. Không quan trọng khi chúng ta đang ở giữa cơn gian nan thử thách nghiêm trọng nào đó hay khi mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp. Thiên Chúa muốn tuôn đổ tình yêu của Người trên chúng ta. Người muốn dạy chúng ta cách sống kiên nhẫn và chịu đựng những thách đố của cuộc sống. Người muốn tình yêu của Người trở nên sức mạnh đầu tiên định hình nên tính cách của chúng ta. Người muốn tình yêu của Người trở nên một nền tảng cho cuộc sống của chúng ta để chúng ta có thể sống trong hy vọng và tin tưởng, chứ không phải trong sợ hãi hay cam chịu.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay từ lúc khởi đầu tạo dựng. Người yêu thương chúng ta qua tất cả những thăng trầm của dân Ítraen. Người yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Chúa Giêsu đến cứu chuộc chúng ta bằng cây thập giá. Người đã yêu thương chúng đến nỗi đã sai Thánh Thần đến với chúng ta trong ngày lễ Ngũ Tuần. Và Người tiếp tục yêu thương chúng ta mỗi ngày cho đến tận cùng (tận thế).

Theo The Word Among Us [wau.org]
Prayer Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon