Đừng sợ – SN Chúa Nhật XII TN, năm A

0

Suy niệm: Mt 10, 25- 42

Trong cuộc sống chúng ta phải đối đầu với muôn ngàn nỗi sợ hãi: sợ chết, sợ bệnh tật, sợ chiến tranh, sợ mất người thân, sợ nghèo đói, sợ mất thanh danh tiếng tốt, sợ thất bại… Gần đây chúng ta đang phải chống chọi với cơn đại dịch Corona, một thứ bệnh lây lan rất nhanh và gây tử vong kinh hoàng. Cả thế giới sợ hãi về tình trạng bùng nổ dịch bệnh này và nó vẫn chưa có hồi kết thúc. Nó đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần, tâm lý và vật chất. Người ta vẫn hồi hộp lo sợ cho tới khi các nhà khoa học tìm ra một loại vaccine phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả. Trước muôn ngàn nỗi sợ bản năng và nỗi sợ tâm lý đó, hôm nay chúng ta nghe Chúa trấn an chúng ta bằng tâm tình yêu thương của Ngài: “Anh em đừng sợ…”. Chúa thấu hiểu chúng ta luôn phải đương đầu với những thế lực xấu, những điều tiêu cực đủ loại, từ bên trong cũng như bên ngoài, mà thân phận con người chúng ta lại vô cùng mỏng giòn, nên Chúa trấn an chúng ta bằng tình yêu thương bao la của Ngài: “Các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thánh lễ tại Nguyện Đường Santa Marta vào sáng Thứ Năm như sau:

Sự sợ hãi của người lớn tuổi đang một mình trong các nhà hưu dưỡng, hay các bệnh viện, hoặc tại nhà riêng của họ, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sự sợ hãi của những người không có công việc thường xuyên và đang nghĩ về cách nuôi con cái họ. Họ tiên liệu được là họ có thể bị đói. Sự sợ hãi của quá nhiều người phục vụ dân sự. Vào lúc này họ đang làm việc để giữ cho xã hội hoạt động và họ có thể lâm bệnh. Cũng có sự sợ hãi, những sợ hãi, của mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta biết những sự sợ hãi của mình là gì. Chúng ta cầu xin Chúa để Ngài giúp chúng ta biết tín thác, và chịu đựng và vượt thắng những sợ hãi này.

Hôm nay trong bài Tin Mừng Chúa dạy chúng ta: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn.”

Sợ hãi  làm chúng ta tê liệt trở nên hèn nhát. Các tín hữu trong thời kỳ bách đạo đã chối đức tin vì sợ hãi.

Chúng ta rất tâm đắc câu chuyện con chuột nhát đảm được nhiều người biết đến như sau: Một con chuột nọ sợ con mèo, nhà ảo thuật thương hại nó và cho nó vào con mèo; Nhưng khi vào con mèo, nó lại sợ con chó. Nhà ảo thuật cho nó vào con chó. Nhưng khi vào con chó, nó lại sợ con báo. Nhà ảo thuật cho nó vào con báo, nhưng nó lại sợ thợ săn. Nhà ảo thuật bó tay và nói với nó: Tôi không thể giúp gì cho bạn vì bạn có quả tim của con chuột.

Chúa Giê-su không như thợ săn nọ ông giải quyết vấn đề cho con chuột bằng cách giúp nó chạy trốn thực tại nhưng cái sợ vẫn đeo đuổi nó. Còn Chúa Giê-su Ngài giúp ta đương đầu với sự sợ hãi và khuất phục nó. Ngài hiểu sự sợ hãi của chúng ta và Ngài dạy: Đừng sợ. Ngài giúp chúng ta can đảm, Ngài đưa chúng ta vượt qua sự sợ hãi, vì Ngài biết sự sợ hãi sẽ làm chúng ta nhút nhát không thể thi hành sứ vụ Ngài trao, và không thể sống đời chứng nhân đúng nghĩa.

Để vượt qua sợ hãi, chúng ta phải tin vào Chúa, phóng mình vào đại dương lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa sẽ bảo vệ và gìn giữ chúng ta, những tạo vật được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài và yêu thương cách cá vị. Ngài đã bảo đảm cho chúng ta biết rõ điều này: dù sợi tóc rất nhỏ bé và vô tri của chúng ta rụng xuống cũng không ngoài ý Ngài. Một con chim sẻ không đáng giá gì nhưng cũng được Ngài nuôi sống quan phòng. Chúa biết mọi chi tiết của cuộc sống chúng ta và sẽ luôn nâng đỡ chúng ta.

Có thể nói sự can đảm quan trọng nhất trong các nhân đức, vì không có can đảm, chúng ta sẽ không thực hành được một nhân đức nào bền vững. Đức tin chính là nguồn lực chính của sự can đảm.

Sự sợ hãi làm cho chúng ta mất tự do. Nếu chúng ta vượt qua được chướng ngại này, chúng ta sẽ sống đúng phẩm giá của mình.

Khi Chúa Giê-su sai các môn đệ đi làm chứng cho Ngài trong thế giới này, Ngài biết họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm và họ sẽ sợ hãi, nên Chúa giúp họ bớt sợ hãi bằng cách cho họ hiểu: Đừng sợ những người chỉ giết được xác mà không làm gì được linh hồn. Nhưng hãy sợ Đấng có thể giết được cả xác và hồn. Đây là sự sợ hãi thánh thiện. Kinh Thánh dạy: Kính sợ Chúa là đầu mối mọi sự khôn ngoan: Nghĩa là sợ mất lòng Chúa, sợ mất Chúa, sợ trầm luân đời đời… Từ sợ hãi này, chúng ta sẽ đến với Chúa bằng niềm tin yêu.

Khi nói về chim sẻ, Chúa Giê-su cho chúng ta biết mọi sự xảy ra cho các tạo vật của Ngài, ngay cả những tạo vật nhỏ bé nhất cũng được Thiên Chúa canh chừng, và nó quan trọng đối với Ngài. Nghĩa là Ngài luôn quan tâm đến nó. Ngài không bao giờ dửng dưng với bất cứ tạo vật nào của Ngài.

Nếu Thiên Chúa quan tâm đến con chim sẻ bé nhỏ, thì chúng ta chắc một điều, chúng ta là những con cái yêu quí và quan trọng đối với Ngài, thì Ngài còn quan tâm đến thế nào nữa. Nói thế, không phải là Ngài ngăn ngừa những sự dữ không cho nó xảy đến với chúng ta. Nhưng đau khổ đó xảy đến để thanh luyện chúng ta, để cho chúng ta không bám víu vào những sự mau qua nhưng hướng tâm về quê hương đích thực. Ngay cả khi sự chết xảy đến với chúng ta, thì Thiên Chúa vẫn săn sóc chúng ta theo tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Thiên Chúa biết lúc nào, giờ nào, nơi nào, tốt đẹp cho chúng ta nhất vì Ngài yêu chúng ta.

Đức tin không phải là một an ủi ảo tưởng là Chúa phải để cho mọi sự tốt may mắn đến với chúng ta. Nhưng chúng ta phải hiểu cuộc đời này đầy nguy hiểm, đầy bất an, nhưng để bình an chấp nhận nó, cần phải có đức tin. Tin rằng Thiên Chúa theo dõi để chở che như người mẹ chăm sóc con mình làm chúng ta an tâm, can đảm và hi vọng trong thời gian khó khăn và nguy hiểm. Sau cùng chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta hết sợ hãi.

Lời khuyên của Chúa hôm nay: Hãy coi chừng và đừng sợ. Chúa muốn chúng ta khôn ngoan và tỉnh thức để đong đếm hết mọi hiểm nguy có thể xảy ra. Sau đó hãy vững tâm, đừng xao xuyến lo âu trước những tấn công của kẻ thù và thử thách trăm chiều. Niềm tin vào Chúa sẽ giúp chúng ta khôn ngoan vượt qua sự sợ hãi.  Niềm tin ấy là chúng ta sẽ giống như Thầy mình, phải chịu cùng số phận như Thầy, nhưng rồi sẽ được vinh quang như Thầy. Chính niềm xác tín này, sẽ giúp chúng ta mạnh sức chịu đựng những gian nan đau khổ ở đời này trong tình yêu phó thác.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon