Thập giá cuộc đời – SN Chúa Nhật XIII TN, năm A

0

Suy niệm: Mt 10, 37- 42

Phật giáo chỉ ra bốn nỗi khổ luôn theo đuổi con người là sinh, bệnh, lão, tử. Đức Phật đã quyết tâm tu luyện để diệt những cái khổ này. Ngài đã tìm ra phương pháp: “Tứ Diệu Đế” là Khổ đế (sự thật về đau khổ), Tập đế (Nguyên nhân của đau khổ), Diệt đế (chấm dứt đau khổ) và Đạo đế (con đường giải phóng khỏi đau khổ) để giúp chúng sinh giác ngộ. Còn Chúa Giê-Su, Ngài không diệt đau khổ, nhưng Ngài vào cuộc để biến nó thành nguồn ơn cứu độ. Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài để chiến đấu với hận thù bằng tình yêu. Và Ngài đã đi đến tận cùng của khổ giá để sống lại vinh quang: “Ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều kinh nghiệm cái khổ dưới nhiều hình thức, đang diễn ra thường hằng trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, trên thế giới; và đúng thực: “Đời là bể khổ”. Trước những nỗi sợ hãi ấy, khuynh hướng chung của con người là muốn chạy trốn đau khổ. Người ta tiêu tốn bạc tỉ để chữa bệnh; người ta lẩn trốn cái chết và không muốn đối diện với sự mất mát người thân yêu; Người ta ru mình vào thiên đường huyền thoại để quên đi sự nghiệt ngã cuộc đời… Nhưng sự tránh né này không giải quyết được gì mà còn làm cho đau khổ thêm trầm trọng hơn. Sự tránh né sẽ nuôi nỗi sợ sệt, bào mòn nghị lực của ta, khiến cho đến lúc buộc phải đối mặt với vấn đề thì ta sẽ hoàn toàn thụ động và yếu đuối.

Chúa Giê-su biết rõ điều này nên Ngài mời gọi những kẻ yêu mến Ngài, say mê Ngài phải nhìn thập giá bằng lăng kính tình yêu. Nếu “cuộc đời là thung lũng nước mắt” thì ta hãy bơi lội trong dòng sông đó như người tập bơi. Mới đầu, ta sẽ bị chìm, nhưng qua nhiều lần tập luyện ta sẽ nổi trên mặt nước cách nhẹ nhàng. Một người bơi lội sành điệu có thể di chuyển trên nước với những màn biểu diễn hấp dẫn như ta đi trên mặt đất.

Thập giá không loại trừ ai, nhưng sống là phải chấp nhận quy luật tự nhiên: sinh, bệnh, lão, tử và những giây mơ rễ má bao trùm nó. Chính vì thế mà Chúa luôn cảnh tỉnh chúng ta: nếu phận con người là thế, thì hãy can đảm chấp nhận nó trong tình yêu, thì cái ách kia sẽ trở nên nhẹ nhàng: “Ai không vác thập giá mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.”

Mỗi người chúng ta đều có những thập giá riêng để mang. Thập giá chúng ta mang đủ nặng với sức chúng ta, đó là những gánh nặng cuộc đời, là những lo lắng, những sự cố, những bệnh tật, sự xung đột trong gia đình, sự chia ly, sự từ bỏ, và thập giá nặng nề nhất là cái chết.

Mới đây tại Mỹ, một cường quốc mà nhiều người mơ ước được định cư nơi thiên đường đó đã phải hứng chịu cơn bão covid đứng đầu thế giới. Thảm họa này chưa chấm dứt, thì làn sóng biểu tình bạo lực diễn ra khắp nơi sau cái chết của người da màu George Floyd. Qua màn hình chúng ta chứng kiến sự đập phá, bốc lửa và cướp bóc diễn ra cách rất tàn bạo. Dân sự hoang mang lo sợ và tự hỏi: nước Mỹ sẽ đi về đâu?  Thập giá của xã hội này diễn ra lúc Phi thuyền SpaceX thành công trong phi vụ đầu tiên có phi hành gia. Bài xã luận” Mơ và ác mộng” nói: Tổng Thống Donald Trump đang ở mũi Canaveral phấn khởi ngẩng mặt lên trời tuyên bố: “Hoa Kỳ không thể là số một trên trái đất nếu chỉ là số hai trên không gian”. Nhưng khi về lại Nhà Trắng, ông cúi mặt nhìn màn ảnh ti vi, những người biểu tình mang biểu ngữ “tôi không thở được”. Hai hình ảnh trái ngược của nước Mỹ: một khuôn mặt luôn ước mơ lên cao, và một khuôn mặt chìm trong bất công xã hội và kỳ thị, đã làm cho nước Mỹ hứng chịu cuộc nổi dậy lịch sử. Người ta nói: giọt nước đã tràn ly nhưng đúng hơn phải nói: nước mắt đã tràn ly. Người da màu đã phải chịu cảnh kỳ thị quá dài, nó bám rễ trong tiềm thức người Mỹ da đen như một thanh niên tên Rachael bình luận: “Chúng tôi đã đi biểu tình từ bao nhiêu năm nay, có thay đổi gì đâu? Không lẽ im lặng nhìn một cuộc đời tắt lịm? Nếu không lên tiếng mạnh mẽ, bất công sẽ kéo dài triền miên.”

Nếu chúng ta thực hành đức thương yêu Chúa đòi hỏi: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi…” thì đã không xảy ra những điều đáng tiếc trên. Tiếc thay!

Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải đối mặt khi tình yêu không được thăng hoa. Hận thù sẽ leo thang trong một xã hội thiếu vắng tình thương.

Đó là những thập giá bên ngoài với nhiều sức nặng luôn đè nặng trên chúng ta. Nhưng còn thánh giá bên trong của tâm lý và tâm hồn rất nặng nề mà chúng ta không thể cân đo đong đếm được. Chúa biết những đoạn trường đó của chúng ta. Đoạn trường của sự từ bỏ, của hy sinh, của sự chết cho chính mình. Chính Chúa Giê-su, Ngài không chọn con đường dễ dãi, Ngài chọn con đường hy tế và đau khổ. Ngài chọn con đường tình yêu mà tình yêu thì không tránh được đau khổ. Nhưng chính tình yêu làm cho những đau khổ kia trở nên phần phúc.

Chúng ta được cứu độ không phải bởi đau khổ của Chúa Ki-Tô nhưng bởi tình yêu của Ngài. Và qua đau khổ Ngài đã đạt tới vinh quang. Nếu chúng ta chịu đau khổ với Ngài trong cuộc hành trình đức tin này, chúng ta sẽ được cùng Ngài chung hưởng vinh quang. Chúa Ki-tô vô tội, Ngài đã đi vào con đường hẹp và khó khăn này trước chúng ta và Ngài mời chúng ta theo Ngài.

Bước theo Ngài là phải từ bỏ, vác Thập Giá và thực hành bác ái yêu thương. Đó là điều kiện để theo Chúa. Phải can đảm bỏ những gì mình đang yêu, đang thích, đang quyến luyến, đang gắn bó, đang trân trọng, đang trân quí, nếu những thứ đó làm chúng ta xa Chúa và thù địch với anh em. Phải bỏ cả những gì mình có bổn phận phải yêu, phải bảo vệ như cha mẹ, vợ con, anh em… nghĩa là đặt tất cả những thứ đó xuống hàng thứ yếu sau Thiên Chúa.

Những sự kiện đang xẩy ra trên thế giới ắt phải thức tỉnh chúng ta. Hận thù sẽ dẫn đến chết chóc. Còn tình yêu sẽ mang lại bình an hạnh phúc.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm đi tới cùng sự mời gọi của Chúa để chúng ta cùng được dự phần vinh quang với Chúa sau khi đã từ bỏ tất cả vì tình yêu Ngài và thương yêu anh em.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon