Ngày 13 tháng 11 năm 2020
Thứ sáu, sau Chúa Nhật XXXII Thường Niên
I. LỜI CHÚA: Lc 17, 26-37
26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại.32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót.33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”
37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy? ” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
1. Ngày của Con Người
Trong những tuần cuối của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa nói về “Ngày của Con Người” (c. 26 và 30). Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ. Bởi vì Ngài so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nô-ê; khi đó, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt. Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống. Trong sáng tạo, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt trửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ!
Trong những năm vừa qua, và cả trong những ngày này ở Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, chúng ta như chứng kiến những dấu chỉ loan báo “Ngày của Con Người”: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn…
Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, làm ăn gian dối khắp nơi và trong mọi lãnh vực, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác.
Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.
2. “Ai liều mạng sống mình…”
Nhưng Thiên Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, Thiên Chúa vẫn tôn trọng chúng ta. Dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa bao dung vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày. Đó chính là sự sống hằng ngày:
Con nằm xuống và con thiếp ngủ,
rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng con. (Tv 3, 6)
Và nhất là ơn huệ Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta là ai, là gì để được Chúa ban cách quảng đại và nhưng không như vậy? Chúng ta hãy cảm nghiệm thật sâu xa và trong máu thịt điều này, vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới chữa lành mỗi người và cả loài người khỏi nọc độc của Sự Dữ.
Lời của Đức Giêsu còn nêu ra nhiều chuyện nữa rất khủng khiếp: lửa từ trời thiêu đốt tất cả như trường hợp thành Xơ-đôm (vừa nãy là nước, bây giờ là lửa; cả hai đều có sức tàn phá vô địch); cứ hai người, thì một được đem đi (như vậy là bị mất 50%, nghĩa là rất nhiều). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta con đường để vượt qua những biến cố như thế:
Ai liều mạng sống mình
sẽ bảo tồn được mạng sống. (c. 33)
Ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến của chúng ta hôm nay, một cách chính xác và chính yếu, được mời gọi sống con đường này và làm chứng về con đường này: con đường đánh liều sự sống mình, đánh liều đời mình (qua ba lời khấn), đánh liều chính mình, con đường của hạt lúa mì, con đường của tấm bánh, con đường “Vượt Qua”.
3. Con đường “Vượt Qua”
Khi nghe những lời này, các môn đệ hốt hoảng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy ở đâu vậy?”; Ngài trả lời: “xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”. Chắc chắn, câu trả lời như thế này đã làm cho các môn đệ càng “hoảng hốt” thêm nữa.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng của lời hứa: “Ai liều mạng sống mình, sẽ bảo tồn được mạng sống”, lời nói của Đức Giê-su về sự chết sẽ làm cho chúng ta bình an hơn; bởi lẽ, ai lựa chọn sự chết, sống cho sự chết, tin tưởng nơi sự chết và đồng hòa mình với sự chết, sẽ thuộc về sự chết.
Đức Giê-su chỉ cho chúng ta con đường liều mạng sống để đi đến sự sống; Ngài không chỉ vạch ra con đường, những chính Ngài đã đi con đường Ngài chỉ cho chúng ta, vì đó là Con Đường của “Em Bé sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 1-20) trong mầu nhiệm Nhập Thể, và của Người Con Vô Tội chịu đóng đinh trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Đó là con đường duy nhất làm cho chúng ta vui mừng chờ đón Ngày của Con Người, thay vì sợ hãi.
* * *
Trong sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô, khi lần đầu tiên nói về Mầu Nhiệm Vượt Qua, Đức Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước ; điều này có nghĩa là những gì sẽ xảy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Vậy, khởi từ việc học và sống đức tin, từ việc học chuyên môn (Kinh Thánh, thần học…), từ những ngày cầu nguyện với Lời Chúa, tôi được Chúa « dạy » về mầu nhiệm Vượt Qua, trong tương quan với lịch sử cứu độ và với đời tôi như thế nào ? Tôi hiểu và sống như thế nào mầu nhiệm Vượt Qua như thế nào ?
* * *
Như thế, tầm mức mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ : thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan « sòng phẳng » của Lề Luật (Lề Luật thì « tốt và thánh », nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt !), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì « tốt và thánh », tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc : « nghi ngờ, không tin, nên thử để biết »). Mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH. Nhưng Kinh Thánh là gì ?
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA |
|
KINH THÁNH (Lc 24) |
Sáng Tạo : ơn huệ sự sống và tất cả những gì cần cho sự sống.
Lịch sử : lịch sử của một dân tộc, của những cuộc đời cụ thể, giống như chúng ta : đầy thăng trầm, đau khổ, tội lỗi…
– Lề Luật.
– Ngôn Sứ.
– Thánh Vịnh.
Sau khi Đ. Ki-tô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Emmau, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24, 30).TẤM BÁNH
« Người ban BÁNH… » (Tv 136)
BÁNH đến từ Sáng Tạo (Tv 136, 4-9) : « Lạy Chúa, là Chúa cả trời đất. Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu của ruộng đất… »
và từ Lịch Sử (Tv 136, 10-24) : « … và công lao của con người… »
Nơi bí tích Thánh Thể và MN Vượt Qua, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, bánh hằng ngày trở thành chính Chúa, « Tấm Bánh Hằng Sống » vượt qua sự chết : « Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh… và nói: “ANH EM HÃY CẦM LẤY, ĐÂY LÀ MÌNH THẦY”.« CON TIM BỪNG CHÁY »
– Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và Tấm Bánh
– Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh (x. Tv 136)
Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh ; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho « con tim chúng ta bừng cháy » (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).
* * *
Cả cuộc đời của Đức Giê-su hướng về mầu nhiệm Vượt Qua. Ba lần vừa loan báo và vừa giảng dạy cho các môn đệ cho thấy rõ chân lí này. Nhưng tương quan giữa cuộc đời của Người và mầu nhiệm Vượt Qua còn hiện diện ở chiều sâu, như chúng ta đã nhận ra khi chiêm ngắm cuộc đời của Người từ “nguồn gốc”. Đặc biệt, mầu nhiệm Vượt Qua được bừng sáng, khi Người đối diện với Lề Luật, và chân lí lề luật “loan báo” Đức Ki-tô chỉ tỏ hiện dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.
Tại sao cuộc đời của Người hướng về mầu nhiệm Vượt Qua? Đó là bởi vì công trình sáng tạo của Thiên Chúa và lịch sử cứu độ được Thiên Chúa dẫn dắt, mà Kinh Thánh kể lại cho chúng ta, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và được mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất. Như Thánh Phao-lô tuyên bố (1Cr 15, 3-4).
Vì thế, khi chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta sẽ nhận ra Chân Dung Rạng Ngời của chính Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi Đức Ki-tô chịu thương khó và phục sinh. Và chính chân dung rạng ngời của Chúa sẽ chinh phục con tim của chúng ta. Bởi lẽ, nếu trong lịch sử cứu độ, khuôn mặt của Thiên Chúa vẫn chưa được tỏ hiện tuyệt đối, vì ánh sáng và bóng tối, sự thiện và sự dữ, sự sống và sự chết lẫn lộn với nhau, thì nơi mầu nhiệm Vượt Qua, hai nguyên lí trái ngược này hoàn toàn tách rời nhau, vì thế, chân dung Thiên Chúa trở nên rạng ngời nhất.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc