25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

0

Vị nữ tu người Mỹ ban đầu chịu trách nhiệm “chăm sóc các máy vi tính.”

Vào đầu những năm 1990, một tu sĩ dòng Phan Sinh người Mỹ, Sơ Judith Zoebelein, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giao phó nhiệm vụ khó khăn là đưa Vatican bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. 25 năm sau khi mở trang web đầu tiên của Vatican, trang web của Giáo hội Công giáo ở Đức katholisch.de đã phỏng vấn người tiên phong thầm lặng này, người đã thay đổi lịch sử của quốc gia nhỏ nhất thế giới.

Năm 1991, Sơ Judith đến Vatican để “chăm sóc các máy tính,” Sơ nói, do Hồng Y Rosalio Castillo Lara, tân Tổng Trưởng Phòng Quản Lý Tài sản Tông Tòa (APSA), đưa đến. Máy tính không giống như ngày nay — đặc biệt là ở Ý — và đức hồng y đã giao cho chị nữ tu người Mỹ nhiệm vụ thiết lập các quy chuẩn để tiêu chuẩn hóa việc sử dụng thiết bị máy tính ở Vatican.

Năm 1994, “Internet đã phát triển”, đặc biệt là email. Một số vị chức sắc Vatican bắt đầu quan tâm, Sơ nói. Ông Joaquín Navarro-Valls, giám đốc có uy tín của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã đề xuất đưa Vatican lên “mạng trực tuyến”. Theo Sơ Zoebelein, ý tưởng đã được trình lên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là “một người  có tầm nhìn xa trông rộng”. Đức Giáo hoàng chấp nhận “ngay lập tức”, xem nó là cơ hội tuyệt vời để rao giảng phúc âm. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1995, trang đầu tiên của website chính thức của Vatican, vatican.va, đã lên mạng.

Sau đó, mọi thứ đều tăng tốc, các trang ngày càng “mọc lên như nấm”, mỗi bộ của Tòa thánh thêm vào viên đá của họ cho tòa nhà — theo sáng kiến của vị nữ tu. Sơ Zoebelein gần như làm việc một mình, với sự giúp đỡ của một kỹ thuật viên phụ trách máy chủ. Sơ phụ trách phần nội dung và phát triển bố cục dàn trang. Chúng ta mang một món nợ với Sơ về nền “giấy da” vẫn được website của Vatican sử dụng ngày nay. Sơ giải thích rằng Sơ chọn nó để tượng trưng cho “2.000 năm lịch sử của Giáo hội.”

Có thể tiếp cận ngay cả đức giáo hoàng

Sơ Zoebelein giải thích rằng chị đặc biệt quan tâm đến việc truyền đạt hai phần thiết yếu trong công việc của mình: kỹ thuật và con người. Tuy nhiên, chị đã gặp phải một số sự dè dặt trong Giáo triều Roma, chẳng hạn như một đức ông nói với chị rằng internet “là cửa ngõ cho ma quỷ.” Tuy nhiên, chị được sự ủng hộ của những vị đứng đầu chính của Giáo triều, và đặc biệt là của Đức Giáo hoàng, người vào năm 2001 đã quyết định ban hành tông huấn trực tiếp trên mạng, Ecclesia in Oceania.

Sơ Zoebelein cũng thiết lập địa chỉ email của Đấng Kế vị Thánh Phêrô, địa chỉ này đã gặt hái được nhiều thành công kể từ khi ra mắt. Khi ngài bị bệnh cúm vào ngày 24 tháng Mười Hai năm 1995, Đức Giáo hoàng thấy hộp thư của ngài tràn ngập những lời khuyên và phương thuốc điều trị để giúp ngài bình phục. Vị nữ tu người Mỹ giải thích, “Giáo hoàng luôn là một người bí ẩn, không thể tiếp cận và xa cách, sau khi có internet, thì đột nhiên ngài trở thành một người có vẻ dễ tiếp cận hơn nhiều”.

Ban đầu, đức giáo hoàng nhận tất cả các email. Tuy nhiên, số lượng trở nên quá lớn và ngài được gửi các thư chọn lọc, những thư khác được lưu trữ trên CD-ROM bởi cơ quan lưu trữ của Tòa thánh.

Tinh thần của công nghệ

Sơ Zoebelein không chấp nhận việc xem thế giới kỹ thuật số như ma quỷ: nó “cũng là một phần của Công trình Sáng tạo” thông qua công việc của con người, Sơ nhấn mạnh, chắc chắn rằng “Chúa cũng có một vị trí trong kế hoạch của Ngài cho công nghệ.” Hơn nữa, Sơ sẽ rất ủng hộ Carlo Acutis là người gần đây đã được phong chân phước, là vị thánh bổn mạng chính thức của internet. Sơ nói, chàng trai trẻ này đã “sống và hít thở internet” cả đời, và có sự hiểu biết thật sự về “tinh thần của công nghệ”.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]

Comments are closed.

phone-icon