Ngày 26 tháng 01 năm 2021
Lễ nhớ hai thánh Ti-tô và Ti-mô-thê, giám mục
I. LỜI CHÚA: Lc 10, 1-9
1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.
2 Người bảo các ông: 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.
7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
II. SUY NIỆM:
Hôm nay, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Thánh Lễ kính nhớ hai thánh Giám Mục, môn đệ của thánh Phao-lô Tông Đồ, đó là hai thánh Ti-tô và Ti-mô-thê. Xin Chúa cũng thương ban cho tất cả chúng ta ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, để có thể đi theo Người và loan báo Tin Mừng của Người đến cùng, như các thánh chúng ta mừng kính hôm nay.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận ra ba đặc điểm thuộc về sứ mạng loan báo Tin Mừng, và để con tim của chúng ta được chinh phục, nghĩa là được ơn hiểu biết sâu xa, có lòng ước ao và quảng đại dấn thân thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.
1. Sứ mạng phục vụ cho sự sống
Sẽ thật là ấn tượng và rất có ý nghĩa, khi chúng ta hình dung ra một nhóm rất đông gồm bảy mươi hai môn đệ, được Đức Giê-su đích thân chỉ định, sai đi từng hai người một. Hình ảnh bảy mươi hai môn đệ nói cho chúng ta về sự phong phú của đời tu hôm nay, nam cũng như nữ, trong Giáo Hội và nhất là tại Giáo Hội Việt Nam, và về chính chúng ta nữa, hay những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta đang ở trong Năm Đời Sống Thánh Hiến. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho tất cả chúng ta và cách đặc biệt cho tất cả những người đang tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, niềm xác tín này : đó là được Chúa đích thân tuyển chọn và sai đi, cho dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào.
Và sứ mạng của các môn đệ là chuẩn bị cho Chúa đến một cách đích thân : « Người sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến ». Nói cách khác, cánh đồng và sứ mạng là của Chúa, chúng ta không phải chủ, nhưng là nữ tì, là tôi tớ, là « ơn huệ », Chúa ban cho cánh đồng nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội, của rất nhiều người, nhất là của những người thân yêu. Và lời loan báo : « Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần », gắn liền với hoạt động chữa những người đau yếu :
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (c. 9)
Đức Giê-su cũng đã làm như thế khi loan báo Nước Trời. Như thế, các môn được mời gọi làm cùng một điều như Đức Giê-su đã làm, khi được chọn và sai đi, đó là hoạt động phục vụ cho sự sống : chữa bệnh liên quan đến sự sống ở mức độ căn bản nhất là sức khỏe, nhưng sự sống của con người không chỉ là sức khỏe, nhưng còn là và nhất là được đón nhận, được đồng hành, được tôn trọng, được yêu thương, được lắng nghe, được hòa giải với bản thân và với nhau, được cảm thông, được bao dung tha thứ, được chữa lành những vết thương trong tâm hồn.
2. « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói »
Giống như Đức Giê-su, Đấng chọn và sai chúng ta đi, chính khi chúng ta thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống, chúng ta đánh liều chính sự sống của mình : « Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói ». Chiên con, chứ không phải chiên mẹ hay chiên bố, ở giữa bầy sói, thì chắc chắn là « chết » ! Bởi vì chính Đức Giê-su là « Chiên Con », như chúng ta tung hô nhiều lần trong Thánh Lễ : « Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian… »
Tuy nhiên, hình ảnh chiên và sói lại diễn tả cách tuyệt vời sự tương phản giữa sự hiền lành của Thiên Chúa và tính bạo lực của sự dữ. Giống như Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi chiến thắng bạo lực của sự dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, bằng cách phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, bằng chính sự dịu hiền của Thiên Chúa :
Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ,
cất tiếng ngợi khen chống lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)
Bởi vì nếu chúng ta sử dụng cùng một phương tiện bạo lực, mà sự dữ dùng, để chống lại sự dữ, thì chúng ta sẽ không khác gì sự dữ, và nhất là vì chúng ta sẽ rất mau bị cuốn vào xoáy của sự dữ. Thật vậy, khi người ta dùng gươm dao súng ống để chống lại kẻ xấu, không sớm thì muộn, người ta sẽ say mê gươm dao súng ống luôn. Chính vì thế, Đức Giê-su mời gọi chúng đừng chống lại kẻ dữ (x. Mt 5, 39).
Đánh liều sự sống, khi thi hành sứ mạng phục vụ sự sống. Điều này thật là thiệt thòi, thử thách và đau khổ. Nhưng đó lại là qui luật muôn đời của sự sống, được ghi khắc trong công trình sáng tạo và trong kinh nghiệm sống của loài người chúng ta : muốn phục vụ sự sống, muốn cho sự sống sinh sôi nẩy nở, phải cho đi chính sự sống của mình : đó là hạt lúa mì khi được gieo vào lòng đất, đó là người mẹ khi cưu mang và sinh con.
Đức Ki-tô đến để cho thế gian được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10, 10), và Người đã không đi con đường nào khác, ngoài con đường của hạt lúa mì. Thử thách và đau khổ, nhưng đồng thời cũng là hạnh phúc sâu xa và niềm vui bao la nếu được sống bằng tình yêu và lòng biết ơn. Và nhất là khi, trong Chúa, đó là con đường Vượt Qua, dẫn chúng ta đến ơn huệ sự sống gấp trăm và viên mãn.
3. « Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép »
Chính Chúa ban sự sống và ban lại sự sống gấp trăm, điều này, giúp chúng ta hiểu hiểu được ý nghĩa của lời dặn rất triệt để của Đức Giê-su, không thể áp dụng được trong thực tế, đó là không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.
Như thế, chúng ta đi vùng sâu vùng xa hoặc đi Đông hay đi Tây làm sao được ? Không thể thực hiện được nhưng lại mang một ý nghĩa quyết định, đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta không tuyệt đối phụ thuộc vào những phương tiện vật chất chúng ta có và những khả năng chúng ta tạo lập được, mặc dù những điều này là quan trọng. Sống ơn gọi và thi hành sứ mạng, chúng ta được mời gọi sống bằng ơn Chúa và bằng chính Chúa, chứ không phải bằng phương tiện và khả năng sinh sống và làm việc của riêng mình. Đó là ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.
Và ơn Chúa được ban cho chúng ta một cách rất cụ thể ngang qua sự tiếp đón và quà tặng do người khác chia sẻ, cụ thể là bữa ăn :
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó… Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (c. 7-8)
* * *
Trong lời dặn dành cho các môn đệ được sai đi, Đức Giê-su nói tới bữa ăn người ta đãi tới hai lần :
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (c. 7 và 8)
Đó là bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ (nghĩa là nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng), cụ thể là ơn huệ lương thực hằng ngày, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:
Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136, 25)
Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, và Người là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (x. Ga 4, 10 và Ga 6). Chính vì thế, Giáo Hội cho chúng ta đọc kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu: “xin cho chúng con lương thực hàng ngày”, trước khi đón nhận Mình Máu Thánh Đức Ki-tô.
Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, Cha của chúng ta mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “Lạy Cha, xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta rồi. Vì thế, lời nguyện này về ngôn từ là lời cầu xin, nhưng về tâm tình, là lời tạ ơn và ca tụng. Và bởi vì lương thực hằng ngày là ơn ban, nên sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa.
Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc