Suy niệm: Ga 1, 35 – 42
Chúng ta đang theo dõi cuộc bầu cử nước Mỹ đang diễn ra hết sức kịch tính và lịch sử nhất hành tinh. Kẻ đứng về phía chân lý thì gọi tổng thống Trump là “thiên thần công lý”, họ muốn tôn vinh một người đã vì dân vì nước mà chấp nhận vào trận chiến đầy cam go và thử thách. Họ đồng hành với ông bằng những cuộc biểu tình ôn hòa để nói lên tiếng nói của mình. Còn tổng thống Trump tuyên bố sẽ tát cạn đầm lầy Washington DC. Quân đội vào cuộc để cuộc chiến chính tà có hồi kết. Người được dân quân quí mến này đã có lần tuyên bố: Không ai là tổng thống của đất nước chúng ta ngoài Thiên Chúa. Ông đã chỉ cho những người hâm mộ ông biết chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng cầm quyền trên hết. Ông không chỉ về mình với quyền cao chức trọng nhưng là chỉ về Đấng là vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa. Hôm nay chúng ta thấy Gio-an, còn nổi bật hơn nữa, ông giới thiệu Chúa Giê-su cho môn đệ rồi ẩn mình đi cách khéo léo. Qua trung gian này, hai môn đệ đã gặp gỡ được Đức Giê-su.
Gioan không giữ lại cho mình những môn đệ thân yêu để gây ảnh hưởng, nhưng Ngài đã như người chỉ đường, người dẫn dắt anh em mình đến gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Chúa Giê-su và ba môn đệ sau này các Ngài đã trở nên môn đệ của Chúa Giê-su là Phê-rô, An-rê và Gioan. Các Ngài đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời với Đức Giê-su đến nỗi sau nhiều năm khi Gioan viết Tin Mừng Ngài còn nhớ rõ thời gian gặp gỡ ấn tượng này xảy ra vào khoảng giờ thứ mười tức bốn giờ chiều nghĩa là nhớ rõ chi tiết. Cuộc gặp gỡ đã trở thành một kỷ niệm khó phôi phai đối với các Ngài.
Cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời họ. Chúa Giê-su đã quyến rũ họ đến độ họ phải từ bỏ tất cả để chạy theo Ngài. Cái đêm tâm sự riêng tư ấy đã cho họ khám phá ra Ngài là ai: một người nồng ấm, thân thiện, yêu thương và ân cần tiếp đón. Họ cảm nghiệm mình đã gặp một người khác thường và một người bạn đặc biệt. Cuộc gặp mặt “ đi dễ khó về” này đã để lại nơi họ sự bình an sâu lắng và niềm hạnh phúc vô biên để họ có thể làm một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời. Họ bỏ tất cả những gì quý yêu nhất là gia đình, nghề nghiệp, bạn bè, làng xóm để dấn thân theo Ngài.
Ngày nay cuộc gặp gỡ tương tự đó vẫn đang âm thầm diễn ra như nơi linh mục Mulryne, một ngôi sao bóng đá đang trên đỉnh cao của danh vọng, bỗng phút giây được gặp gỡ Thiên Chúa trong thâm sâu cõi lòng, Ngài đã đổi đời cách nhanh chóng. Cuộc gặp gỡ đó cho Ngài biết tại sao Ngài cứ mãi phải đuổi theo cái bóng phù vân không thể thỏa mãn đam mê của mình. Chính Ngài thú nhận: “Ở tuổi 28, tôi buộc phải ngừng lại và suy nghĩ, tại sao cuộc đời lại không thể nào thỏa mãn mình? Tôi cảm thấy buồn chán, có cái gì đó luôn không đủ. Chẳng điều kiện vật chất gì có thể mang lại cảm giác thỏa mãn một cách hoàn toàn. Thế là tôi chuyển sang tìm kiếm câu trả lời ở tôn giáo. Liệu có một phần nào đó của con người đã không nhận được cái mình muốn từ những điều trên? Và rút cuộc thì từ nền tảng đức tin, tôi đã biết được lý do cho những thắc mắc không lời giải. Chúng ta được Thiên Chúa tạo ra trên cõi đời vì những điều sâu xa hơn thế”.
Không ai có thể thuyết phục một cầu thủ bóng đá đang trong đà danh vọng thay đổi đời sống nhanh chóng như vậy. Chính Thánh Augustino lúc gặp gỡ Chúa khi Ngài đang phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, Ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của Ngài hoàn toàn. Khi được biến đổi, Ngài đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đã yêu Ngài quá muộn!”. Thánh Âu-tinh đã thốt lên như thế trong kinh nghiệm gặp gỡ Tình Yêu của đời mình. Cuộc đời Ngài dường như là những chuỗi ngày kiếm tìm tình yêu. Đúng hơn, Ngài đã mải miết tìm yêu, ban đầu là yêu những gì trần tục. Cho đến một ngày, chàng Âu-tinh trẻ tuổi nhận ra rằng tình yêu mình đã tìm và đã gặp bấy lâu không thể lấp đầy cõi thâm sâu trong mình. Ngài lại lên đường để tìm yêu; và Ngài đã gặp. Với thánh nhân, cuộc gặp gỡ ấy là muộn màng vì Ngài cảm được niềm hạnh phúc vô bờ mà bấy lâu nay Ngài đã bỏ qua.
Thiên Chúa luôn tỏ mình cho những người chân thành tìm kiếm Ngài, nhưng Ngài không ép buộc ai. Đối với những ai muốn biết Ngài, Ngài nói với họ như nói với Gioan và An-rê: “ Hãy đến và xem.”
Trong tin Mừng Gioan Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên: An-rê, Gioan và Phê-rô. Lời mời gọi chính thức này đòi các môn đệ mau mắn đáp trả bằng cách lưu lại với Ngài. Ở với Ngài, họ sẽ khám phá Ngài là ai và đi vào trong sự thân mật với Ngài, trở thành bạn thân thiết với Ngài. Cuộc gặp gỡ này mở ra một sự hiện diện liên tục và thường hằng. Họ đã ở với Ngài tới cùng.
Dẫu Gioan không thuật lại nội dung của cuộc gặp gỡ nhưng điều đáng lưu ý là các môn đệ đã ở lại với Chúa Giê-su ngày hôm ấy và cuộc gặp gỡ ấy có tính cách quyết định. Đó là khoảng giờ thứ mười nghĩa là bốn giờ chiều, cái giờ đã để lại ấn tượng không phai mờ đối với hai môn đệ. Cuộc gặp gỡ này đã ghi khắc sự hoàn trọn việc chờ đợi và khai mào sự viên mãn của thời gian.
Các môn đệ của Gioan tìm được Đấng giải phóng Israel không phải bằng binh mã nhưng là vũ khí của tình yêu. Ngài phục hồi quốc gia suy đồi bằng Thập giá. Đúng thế, họ thấy nơi Chúa Giê-su một con người tự do lạ lùng. Tự do đối với quyền chính trị, tự do đối với tôn giáo, tự do đối với việc khôi phục Israel và tự do đương đầu với sự dữ.
Các môn đệ nhận được sự tốt lành ngoài mong đợi. Họ gặp gỡ một con người họ mong ước. Chính sự gặp gỡ với Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt này đã biến đổi đời sống riêng của họ.
Tất cả những người được Thiên Chúa kêu gọi đều chìm sâu trong màu nhiệm của Ngài. Như Mô-sê được Ngài tỏ mình trong ngọn lửa. Không ai nắm được lửa trong tay nhưng ngọn lửa hấp dẫn và lạ lùng: vừa chiếu sáng vừa biến mọi sự quanh nó thành lửa. Còn ngôn sứ Isaia, trước khi được Chúa tỏ mình, Chúa đã dẫn ông qua sa mạc, ông trải qua cảnh cô đơn, trơ trịu, mệt mỏi và chán chường. Elia đã nếm mùi thất bại quen thuộc của người tông đồ: “ Tôi chẳng khá hơn anh em tôi.” Nhưng cuối con đường sa mạc đó, Elia cảm nghiệm Thiên Chúa gần bên ông, thân tình biết mấy. Mỗi người mỗi cách khi ở với Chúa, người gặp gỡ ngay giờ đầu để chuẩn bị hoàn trọn sứ mệnh tương lai. Người gặp gỡ sau thử thách để cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương gần gũi.
Thiên Chúa cũng gọi chúng ta bằng nhiều cách và nhiều mức độ khác nhau. Qua cuộc sống Thiên Chúa liên tục mời gọi chúng ta đến một đời sống xứng với phẩm giá của con cái. Khi chết Thiên Chúa sẽ gọi chúng ta từ đời sống này vào sự sống đời đời. Lời kêu gọi của Thiên Chúa mang nhiều hình thức và được hoàn thành trong nhiều cách khác nhau. Nó không giống như ơn gọi của Samuel, cũng không thực tế như các môn đệ đầu tiên. Thiên Chúa nói với chúng ta trong chiều sâu của cõi lòng , kêu mời chúng ta sống thân mật với Ngài và là cánh tay nối dài của Ngài trong thế giới hôm nay. Còn hơn một tiếng nói, còn hơn một lời mời gọi, Thiên Chúa lay mạnh trái tim ta, làm chúng ta bừng tỉnh. Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta như các môn đệ xưa để làm một việc gì đó cho Chúa trong thế giới hôm nay.
Như các môn đệ, ngay từ đầu Chúa đã cho chúng ta biết Ngài, biết nơi ở của Ngài. Và Chúa liên tục mời gọi chúng ta từng người một. Ngài có thể biến đổi thế giới trong nháy mắt với quyền năng của Ngài nhưng Ngài không làm thế. Ngài kiên nhẫn chờ đợi và gọi từng người chúng ta theo Ngài. Ngài bộc lộ cho chúng ta cách cá vị. Chúng ta được gọi vào ngày chịu phép rửa và được nhận một tên mới, tên mà Chúa Giê-su gọi chúng ta. Ngài trao cho chúng ta một sứ vụ và Ngài để chúng ta tự do chấp nhận. Cũng vậy, Giáo hội được thiết lập không phải là một cơ chế nhưng là sự thông hiệp của tất cả những người trả lời cho lời mời gọi của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn mau mắn đáp lời mời gọi của Chúa và ở lại với Ngài để cảm nghiệm điều mà tác giả thánh vịnh đã nghiệm: “ Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa ngọt ngào tốt đẹp nhường bao.”
Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu